Menu Close

Những tay “hái yến” ở hang cọp – Kỳ 3

Nghề hái tổ yến là một ngành kinh doanh lớn. Ở Hồng Kông, tổ yến bán khoảng một ngàn đô-la một pound, và cái giá càng ngày càng tăng. Chính vì điều này, hàng “dỏm” càng có cơ hội tràn lan trên thị trường Á Châu. Oái oăm thay, yếu tố tâm lý làm người dùng vẫn thấy hàng “dỏm” bổ như hàng thiệt, dù ngay cả tổ yến thiệt vẫn chỉ có giá trị trong cộng đồng Châu Á. Văn hóa khoa học thực nghiệm không làm cho người Tây phương tin rằng ăn yến bổ tới: “đời sau”

alt

Niềm tin hay trí óc?

Một ngày, phía trong hang. Em, gã thợ hái tổ trẻ tuổi thì đang quan sát hai ông “già” cột nối nhiều dây leo, làm thành một sợi lớn dài cả 70 feet. Dùng đèn đuốc, Sahat và Ip mày mò trong đống dây leo cho đến khi họ tìm được một chỗ để buộc sợi dây. Rồi họ trèo xuống và biến hút vào bóng tối.

Thật khó tưởng tượng những người thợ tiên phong  làm sao lại dệt được mạng dây tuyệt vời này. Theo lời kể của tay thợ hái tổ yến Sahat, cấu trúc đầu tiên được xây bởi một lão làng tên Tok Ta Pa ở làng Sutun. Ông lão làng đã làm việc một mình, trèo lên đỉnh bằng cách đóng những ống tre vô những cái khe đá. Ông kể rằng mình phải ‘ra lệnh’ cho những người bên dưới không được nói lời nào, cho dù thấy ông lão gần ‘rớt té’, sợ rằng những linh hồn sẽ “nghe” và đẩy ông té xuống thiệt!

Những người thợ hái tổ yến, kể chuyện về người tiên phong làm cầu băng qua hố sâu, chuyện không dùng đèn đuốc mà thấy được trong bóng tối, chuyện “ma và hung tà”  bị đuổi đi bởi cây rada ba chĩa “nhiệm mầu” của họ. Tay thợ hái tổ lão luyện Sahat vẫn tin rằng, “Dù giờ sự nhiệm mầu đó đã mất đi và những người như Tok Ta Pa không còn nữa nhưng ngày nay thợ hái tổ bọn tui ‘kỹ thuật’ tốt nên xây giàn tre vững hơn, vì trong hang vẫn còn đủ loại linh hồn sống trong đó.”

alt

Để bảo vệ thu hoạch quý giá của họ, những thợ hái tổ thường phải trang bị  súng ống thật “bặm trợn” và còn phải “đăng” cả bảng cảnh cáo và có khi đặt bẫy trước cửa hang.

Những tay hái tổ yến được “cảnh cáo” rằng chớ đừng bao giờ ngồi lên chỗ cột dây leo, nơi nhìn giống một chùm tóc rối với những sợi lòng thòng xuống để giữ chặt những thanh tre. Thực sự, đối với  Sahat, đây là Hua Dao, một nơi linh thiêng được canh giữ và bảo vệ bởi một vị thần.“Cũng không được cắt những dây leo cũ, vì đó là do phép của tổ tiên bọn tui cột lại,” ông dặn dò.

Tay Ip,  cười ha hả về những câu chuyện của Sahat kể, rồi hỏi,“Ông có  biết làm sao tổ tiên của chúng ta xây được giàn tre không?” Với chút lóng lánh tự hào trong mắt, hắn nói, “Họ dùng trí óc!”

“Làm thế nào họ mà leo được lên cái độ cao ngất ngưởng đó nếu không có sự tương trợ của những vị thần!?” Sahat sẵn giọng, ông cảm giác bị xúc phạm bởi lời “bất kính” của gã thợ hái tổ trẻ tuổi.

Và dù, họ có tin điều gì đi chăng nữa, những người thợ hái tổ cũng chẳng muốn phó mặc cho định mệnh. Người tin và kẻ không tin đều có một số từ “cấm kỵ” không được nói trong hang, vì đây là “lãnh địa của các vị thần”. Những từ như “té, “chết,” “máu,” và “sợ” không bao giờ được nói ở đây. Và họ tin rằng, nếu những “hồn ma” nghe được những từ “bạo động” này thì “chúng” sẽ gây tai nạn. Tay hái tổ kỳ cựu Sahat kể rằng, nhiều người cho rằng nghề của ông quá nguy hiểm, có thể bị té rớt dễ dàng, “Nhưng điều đó không đúng, nếu không bọn tui đã chết từ lâu rồi. Ba của tui bị té ba lần nhưng đâu có chết bao giờ. Ổng chưa tới thời. Những người có làm điều ác mới là người bị chết.” Tay Sahat nói như khẳng định.

Và những người thợ hái tổ, khi leo trên độ cao ngất ngưởng thì họ đều thực nghiệm một lời khuyên khá thực tiễn là “Để lại những lo âu của bạn ở dưới gốc tre đi!” Họ chỉ nên nghĩ về bản thân và nhiệm vụ của mình khi làm việc. Nhiều người đã chết vì thiếu tập trung khi có những ý nghĩ về chuyện linh tinh khác. 

alt

Để lấy những hình ảnh ngoạn mục, Nhiếp ảnh gia Eric Valli phải trèo lên cả giàn tre, mặc dù đang phải mang đến 70 pounds dụng cụ nặng hơn những tay hái tổ

Có thể khi tập trung vào công việc thì  những động tác của  họ chính xác và nhẹ nhàng. Họ bắt đầu quên hết về vực thẳm bên dưới. Cây tre kế có “vững” để leo qua không, đó mới là điều quan trọng vì  nhiều cây tre quá già đến nỗi bở vụn. Và đã  có người chết vì giao phó trọng lượng vào một cây tre mục. “Gõ lên khúc tre,” Ip và Sahat luôn thực hành điều này, “Nếu nó kêu như cái thùng cạc-tông, bỏ mặc nó. Nó không còn sức nữa. Nếu nó ‘hát hay’ thì trao mạng cho nó. Không bao giờ nắm chỉ một dây, luôn luôn lấy ba hoặc bốn.”

Tay leo trẻ nhất tên Em đã dần quen với công việc ghê sợ này. Lúc đầu, gã còn bị ác mộng về chuyện leo qua một “mê hồn trận” như cảm giác đang di chuyển qua những “đường ruột ngoằn ngoèo” của một con quái vật huyền thoại. Nhưng chẳng bao lâu, sau khi leo mỗi ngày với mấy người thợ kia, gã cảm thấy rằng những cây tre cọt kẹt, bóng tối, và  cả cái vực thẳm lồ lộ ở đấy đều là một phần của công việc.

Và dẫu họ có  khám phá một vách đầy tổ yến trắng nhưng không dám hái với tay trần. Một người hái tổ luôn luôn lấy tổ với cây rada ba chĩa. Những dụng cụ này đã được “ban phúc” và “đặt bùa” để có phép mầu: Lấy tổ mà không dùng dụng cụ này cũng như ăn trộm từ những linh hồn giữ hang và sẽ làm chúng nổi giận. Nếu một người thợ  hái tổ khi biết được họ đã quên đem cây rada, họ phải leo xuống ngay lập tức; đây là một dấu hiệu từ những vị thần rằng người đó sẽ gặp hiểm nguy trên giàn tre ngày hôm đó.

Nhà trọ tạm trong mùa hái tổ, một giàn tre – treo lơ lửng bởi dây leo từ nóc hang – cung cấp chỗ ở cho nửa tá thợ leo của hang Taluk. Mỗi người được “chỉ định” một chỗ ngủ, và được che bởi tấm màn mỏng (và đôi khi trang trí bởi “lịch Playboy”). Karia, người đầu bếp thì  đang làm cá cho bữa ăn chiều.

alt

Một ngày công hái tổ, Sahat đưa cho tay Ip một bịch chứa 40 chục cái tổ có giá $800 ở Hong Kong.

Để bảo vệ thu hoạch quý giá của họ từ kẻ trộm, những thợ hái tổ thường phải trang bị  súng ống thật “bặm trợn” và còn phải “đăng” cả bảng cảnh cáo và có khi đặt bẫy trước cửa hang. Và những hang này là một mối đầu tư khá lớn: Một “đại gia” đã trả chính phủ Thái một triệu rưỡi đô-la cho một hợp đồng thuê 5 năm trên 60 hòn đảo.

Một ngày công hái tổ, Sahat đưa cho tay Ip một bịch chứa 40 chục cái tổ có giá $800 ở Hong Kong. Khoảng sáu mươi phần trăm tổ yến trên thế giới được cung cấp từ đây. Nhưng sau khi ra tới thị trường đen, thì ‘hàng dỏm’ xuất hiện, và người tiêu dùng thường không thể phân biệt được thiệt/giả.

Để ghi lại sự khéo léo của những tay thợ hái tổ yến, Nhiếp ảnh gia Eric Valli cũng phải “trầy vi tróc vẩy” đu xuống mặt đá trên một sợi dây thừng ny-lon, và lủng lẳng giữa không trung trên một miếng gỗ ván để lấy những hình ảnh ngoạn mục. Chưa kể, tay máy tuyệt vời này còn trèo lên cả giàn tre, mặc dù đang phải mang đến 70 pounds dụng cụ nặng hơn những tay hái tổ. Một bộ yên đeo an toàn, “hiện đại” đã cứu mạng ông một lần, và người phụ tá của ông, Sylvain Bardoux, ba lần cứu ông khi cái giàn tre sụp đổ dưới chân họ.

Trên những vách đá của hang Cọp Rimau, giờ đây, những cái tổ yến đã bỏ trống. Ip nói, “Không có con chim nào ở đây nữa, nó bay hết vì quá sợ con người quấy nhiễu. Nhưng bọn tui sẽ ‘theo cánh’ nó, và nếu thấy tổ thì sẽ hái nữa. Nói nghe có vẻ khó thực hiện, nhưng bọn tui sẽ tìm cách để ‘hái’ nó…”

Đến bao giờ, con người mới hết trả giá cho sự “hoang tưởng” về giá trị của những cái tổ yến vô bổ…

HD