Menu Close

Tình yêu ở Chư Sê

Những ngày đầu năm vừa qua tôi theo một anh bạn lên cao nguyên chơi, mục đích chính của chuyến đi là làm lễ hỏi vợ cho cậu con trai của anh ấy. Thật ra đây chỉ là một chuyến ngao du ngắn, đi và về gói gọn trong 3 ngày cuối tuần.

Chàng rể tương lai hiện sống ở Sài Gòn, còn cô dâu thì nguyên quán là Huế, sinh ra ở thị trấn Chư Sê, tỉnh Kontum. Sau 75 gia đình cô rời Huế vào Kontum đi kinh tế mới, hiện cô là giáo viên đi dạy ở Bình Dương. Đôi trẻ quen nhau qua facebook, yêu nhau, rồi quyết định làm đám cưới sau Tết.

Chúng tôi đi bằng xe đò ở bến xe Miền Đông, khởi hành lúc 6 giờ chiều, xe chạy suốt đêm. Loại xe giường nằm, rất sạch sẽ và khá tiện nghi, hành khách nằm duỗi chân thoải mái; ai có lòng tin vào tôn giáo thì đọc vài bài kinh cho vững lòng rồi phó thác sinh mệnh cho tay lái của bác tài, ngủ một giấc thẳng cẳng, sáng mai thức giấc chưa thấy mình có mặt lên thiên đường thì hẳn là có mặt tại Chư Sê. Xe chỉ dừng lại 30 phút lúc 11 giờ ở trạm nghỉ Đắc Nông cho hành khách ăn khuya, vệ sinh rồi chạy tiếp, đến nơi vào khoảng 5 giờ sáng hôm sau.

Tôi chưa từng tới đây, những lần trước lên cao nguyên thì chỉ đến Ban Mê Thuột là xa nhất. Lâu nay vẫn nghĩ rằng cao nguyên là nơi còn hoang vu, là dãy Trường Sơn trùng điệp núi rừng xanh thẳm. Lần này tôi nhận ra là mình đã lầm, thậm chí còn lầm quá xá. Đến Kontum tôi không thấy rừng núi đâu cả, thay vào đó là những sườn đồi trụi cây lá, đã bị biến thành đất rẫy trồng cà phê, cao su, tiêu… Nghĩa là gần như rừng đã bị phá sạch. Cao nguyên không còn rừng!

Theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ, với lời giải nghĩa tên gọi của một ngôi làng cổ gần một hồ nước lớn cạnh dòng sông Đăkbla. Vùng đất Kon Tum ngày xưa là vùng đất hoang vắng, đất rộng, người thưa với sự sinh sống của các dân tộc bản địa gồm Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Jẻ – Triêng, Brâu, Rơ Măm. Mỗi dân tộc gắn với một vùng cư trú khác nhau. Thiết chế xã hội cổ truyền của người dân bản địa nơi đây là tổ chức làng (kon), mang tính biệt lập, do một già làng là người có uy tín nhất trong làng, đứng đầu. Trong những thế kỷ trước, Kon Tum cách biệt với bên ngoài bởi rừng rậm và núi non hiểm trở, các làng bản địa là những xã hội thu nhỏ. Sau này, nhất là sau 75, người Kinh lên khai khẩn, lấn dần những sắc tộc khác; dần dà cho tới nay thì người bản địa (còn gọi là người Dân tộc) bị giạt ra khỏi các trung tâm thành phố, họ phải sống trong những làng buôn ven rìa và kinh tế của họ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào người Kinh. Từ lâu nay người ta không còn gọi người vùng cao là người Thượng như trước đây nữa, mà gọi là người Dân tộc, có lẽ vì lý do tế nhị không muốn làm buồn lòng người anh em.

Khí hậu ở đây vào những ngày cuối năm khá lạnh, ban đêm nhiệt độ xuống còn khoảng 15 độ C. Mỗi sáng sương bay là đà trên những sườn đồi hai bên và trên trục lộ chính. Trẻ con đi học từng đàn, mặc áo len xanh, đầu đội mũ ca-lô trắng. Ngoài nước da đen sậm ra thì nhìn chung thanh niên ở đây cũng không khác gì mấy với những người cùng độ tuổi ở Sài Gòn. Cũng áo quần theo phong cách thời trang Hip-Hop rộng lùng thùng; dây nhợ khóa móc lung tung. Cũng áo hai dây hở lưng và quần jeans, khoác ngoài thêm chiếc áo jacket. Cũng tóc nhuộm vàng chóe hay “hai lai” óng ánh bạch kim. Tôi ngồi quán cà phê cạnh bên bến xe, nhìn sinh hoạt chung quanh. Cà phê ở đây ngon thật, được pha phin rất đậm, mỗi ly cà phê sữa giá 10 ngàn. Một anh ngồi trên chiếc Suzuki đời mới đang bày cho cô bạn gái cách sử dụng chiếc điện thoại Samsung cũng đời mới, có lẽ vừa sắm được. Cả hai cùng ghé sát mặt vào nhau, cô gái dang tay đưa chiếc máy ra xa bấm để tự chụp, rồi đưa hình cho chàng trai xem, cùng cười ngặt nghẽo, vô tư. Nhìn họ có vẻ hồn nhiên và lành hơn các bạn ở thành phố. Ông sui của bạn tôi nói đời sống ở đây phụ thuộc vào các vụ mùa cà phê và tiêu, mùa nào được thì bà con rủng rỉnh hầu bao để có thể thả tay sắm sửa chút ít. Ngoài tủ lạnh, ti-vi, áo quần mới, xe gắn máy, mỗi người còn phải sắm thêm điện thoại di động đời mới, còn gọi là “con dế”, cho sang.

Có lúc tôi không gọi điện thoại được vì mất sóng. Wifi trong khách sạn cũng chập chờn, khi có khi không, nên không lên net được. Hỏi thì được cho biết đây là vùng sâu nên sóng yếu. Anh chủ quán cà phê còn trẻ nói rằng phải chờ thêm một thời gian nữa thì mới hy vọng tình trạng thông tin hiện đại được cải thiện tốt hơn. Anh sắm một “con dế” rất xịn nhưng không sử dụng hết các tính năng của nó. Tuy vậy, là người sành điệu thì không thể thiếu một cái iPhone 4 hay Samsung gì đó để mà “a-lô” với người ta. Nhiều người ở trong vùng sâu hơn nữa, nơi gần như hoàn toàn chưa được phủ sóng, thì chỉ dùng điện thoại di động để nghe nhạc, chụp hình, và thỉnh thoảng lấy ra mân mê như một món trang sức thời thượng cho vui. Anh kể, có lần gặp hai người nọ cãi nhau rất hăng. Một người thì nói rằng cái cục đó không phải là “cục a-lô” mà nó là cái đài ra-đi-ô, vì chỉ để nghe nhạc chứ có “a-lô” được đâu. Người kia thì cho rằng nó là cái máy chụp hình chứ cũng không phải là cái đài ra-đi-ô, vì nó chụp được hình, mà cái đài ra-đi-ô thì phải có cái que ăng-ten và nghe nhạc được lâu chứ không phải ò e một lúc rồi tắt như thế. Nghĩ cho cùng hình như ai cũng đúng, trừ nhà sản xuất ra nó ở  tận mãi đâu đâu thì không hiểu cho cái tình cảnh “dế” ngoài vùng phủ sóng như thế này, thiệt là kẹt! Câu chuyện của anh làm tôi nhớ đến cách thức mà con người đã sử dụng để truyền tin cho nhau vào thuở xa xưa: đốt một đống lửa cho những cụm khói bốc cao lên trời để báo tin có kẻ thù đang tiến đến, hay nhờ chim bồ câu chuyển các lá thư thơ mộng và nồng nàn cho người yêu…

Buổi tối, tôi thả bộ loanh quanh trên con đường chính rồi vào một tiệm internet đang mở cửa. Trước cửa tiệm có một số các chàng trai cô gái đang “tám” chuyện hào hứng. Tiệm rất đông khách, ngoài một ông đứng tuổi đang đọc báo mạng ra thì chừng 20 cái máy còn lại đều có các bạn trẻ ngồi chơi game hoặc chat.  Tôi chọn một máy còn trống xem mail và tin tức. Kế bên là hai cô gái chừng trên 20 tuổi đang dùng chung một máy. Cô ngồi sau đang mách nước cho bạn, thỉnh thoảng cả hai cùng cười khúc khích với nhau. Các cô mở hai window để chat cùng một lúc với hai người. Tôi liếc qua thấy trên màn hình webcam hiện ra một anh con trai đeo kính cận tóc nhuộm hoe vàng, có lẽ là một du học sinh hay Việt kiều đang ở  một xứ sở xa xôi nào đó, có thể là Dallas, hay California, hay Paris chăng. Thật là kỳ diệu, mươi năm trước người dân đêm đêm mong có điện về đây cho bớt tối tăm, bây giờ đã là một hệ thống thông tin nối liền đến tận mọi nơi trên thế giới. Người ta nói hôm nay cuộc cách mạng về thông tin đã biến thế giới này thành một ngôi làng nhỏ, mọi người trở nên gần gũi nhau.  Khi lo xong tàm tạm cái ăn, là đến lúc người ta cố gắng thỏa mãn cái đói về mặt tinh thần, mà cái đói này gần như vô hạn.

Tôi tưởng tượng một cuộc tình xảy ra giữa một trong hai cô gái nọ và anh chàng kính cận ở nơi xa xôi kia. Nhờ internet mà mối lương duyên này có thể thành tựu lắm chứ! Nó có thể là một mối tình đẹp, và bền lâu lắm chứ. Như mối tình của cậu con bạn tôi và cô giáo yêu kiều sẽ là nàng dâu trong nay mai. À, nhưng sao có vẻ như những mối tình phương xa này có khuynh hướng chỉ xảy ra có một chiều: giữa hoàng tử phương xa và cô lọ lem bản địa, mà không có chiều ngược lại!

Những cô lọ lem ở Chư Sê có quyền mơ ngày lên xe bông cùng hoàng tử phương xa. Nhưng còn các hoàng tử Chư Sê thì sao? Chẳng lẽ cuộc đời lại bất công đến thế sao? Chẳng lẽ họ cứ mãi chụp hình tự sướng và mân mê những “con dế” một cách bất lực vì cuộc đời chưa có sóng?

Hỏi thì hỏi vậy thôi nhưng buồn gì đâu!

alt

Chợ Chư Sê

ND