Menu Close

Bờ Vai Nghiêng Nắng – Từ Kế Tường

Nếu có một ngày trở lại, vườn xưa còn chăng bóng ai. Nhớ thương mối tình thơ dại, bất ngờ sông nước chia hai… Làm sao biết được người cũ đi đâu về đâu, bởi vì ngay từ khi bắt đầu Đông đã không nhận ra mối tình lặng lẽ của “dì” Hạnh. Sự liên hệ giữa hai gia đình có từ đời nào không biết, đã đặt chàng trai và cô gái ở hai thế đối nghịch. Cô gái ít tuổi nhưng là dì, một địa vị lớn; trong khi chàng trai nhiều tuổi hơn lại là cháu, một thứ bậc nhỏ trong nhà. Dù thật quyến luyến nhau họ mặc nhiên chấp nhận mối quan hệ dì cháu. Tánh nông nổi bông đùa của tuổi thanh niên, khiến họ thích trêu ghẹo nhau bằng cách xưng hô sẵn có trong thân tộc. Tình yêu thầm kín như  “ngôi nhà nằm cách lề đường một con ngõ, khuất trong vườn cây thấp có nhiều hoa.” [Chương 1] Đông – hay chính là tác giả –  tâm sự: “Ngày xưa khi mới tới đây, tôi đã sung sướng vô cùng vì không ngờ mình lại được ở trong một ngôi nhà đẹp đẽ và yên tĩnh như vậy. [Chương 1] Cũng tại ngôi nhà này Đông cảm nghiệm rất nhiều điều, từ việc chia sẻ tâm sự với các bạn cùng trường cùng lớp như Khôi như Ẩn, đến việc tìm thấy cho riêng mình một tình yêu với Thục. Người đọc cảm nhận vị ngon ngọt của nước dừa, vị đắng chát của cà phê, vị cay nồng của khói thuốc, khi theo dõi tâm sự của những người học trò…. Tự nhiên thấy buồn.

“Bờ Vai Nghiêng Nắng” là thiên ký sự khi mới lớn tuổi mười lăm mười sáu của những cô cậu học sinh Đông, Thục, Hạnh, Khôi, Ẩn, Phiến, Thủy, Uyển, Kim, Hùng “sữa”… Thuở thư sinh tay trắng mộng đầy, bên cạnh nỗi lo lắng trước những mùa thi, tâm hồn thơ bé của họ còn đau đớn vì bị chuyện tình cảm chi phối. Khôi buồn khi Nhàn bỏ học đi lấy chồng. Ẩn buồn vì yêu Phiến, nhưng Phiến lại yêu Khôi. Điều khiến độc giả bàng hoàng nhất, là tình yêu không cánh của Hạnh và Đông. Hai người bạn trẻ đã bước chùng nhau một ngả đường, chỉ vì không sớm nhận biết khuôn mặt đích thực của tình yêu. Dấu lặng ngân dài trên từng câu chữ như ảo như thực của Từ Kế Tường, khi Đông bất ngờ biết Hạnh yêu mình: “Buổi sáng ra vườn ngắt hoa hồng. Tôi muốn cho Đông một đóa hoa nhưng âm thầm thôi. Và tôi đã bỏ vào ngăn kéo bàn học của Đông. Tôi vừa nghĩ tới tình yêu khi xem đến trang sách này. Một cảm giác lạ lùng xâm chiếm vào cơ thể tôi làm mạch máu tôi như tê dại hẳn. Tôi bàng hoàng quá. Có phải tôi đã Y. Đông không?” Chữ Yêu dì Hạnh đã viết tắt bằng một chữ Y. Tôi sững sờ cầm những trang giấy trong tay. Người tôi như tê dại hẳn, mất hết phản ứng. [Chương 9]

Từ Kế Tường tên thật là Võ Tấn Tước sinh ngày 2 tháng 3 năm 1946,  tại xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông sống ở Sài Gòn trước năm 1975, bắt đầu viết văn làm báo từ năm 1969. Ông đã xuất bản khoảng 50 tác phẩm gồm có thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết, cả những sách viết cho thiếu niên và nhi đồng. “Bờ Vai Nghiêng Nắng” là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của Từ Kế Tường, được tác giả viết từ trước năm 1975 ban đầu có đề tựa “Đường Phượng Bay.” Những tác phẩm nổi tiếng khác của Từ Kế Tường như “Hoa Lưu Ly Không Về,”“Áo Vàng Qua Ngõ,” “Huyền Xưa,” “Kiều Mơ” …v.v…

Qua một thời non trẻ, đường về gió sắt se. Bóng người đi rất nhẹ, tỉnh lỵ màn mưa che. Người đọc cũng như Đông “… không muốn nghe con tàu hỏa đi trên đường rầy với tiếng máy nổ dập dình trong buổi sớm ngày mai. Rồi ánh đèn pha của nó quét sáng một vùng cây lá sương mù, và tiếng còi hú dài kéo theo tiếng chim rơi mất trước một ngày có mặt trời lên.” [Chương 10]  Thời gian đi không đợi, như thuyền đời chơi vơi. Nhìn quanh con sóng khóc cười, trông vời cố quận gọi người cố nhân. Tưởng chừng mưa thấm duyên phần, bờ vai nghiêng nắng xa gần nhớ xưa.

 

alt

 

HNP  – 5:21am Thứ Ba ngày 7 tháng 1 năm 2013