Hôm nay, 3 tháng 1. 2014. Hà Thanh mất đã ba ngày. Sự ra đi của Trần Thị Lục Hà khiến nhiều người xúc động, tiếc thương. Trong giới cầm bút, bạn Đinh Cường làm thơ khóc Hà Thanh rất chân tình. Bửu Ý ở Huế nhận được tin cũng bùi ngùi thương xót. Nguyễn Thị Khánh Minh thì phone cho mình báo tin đúng lúc mình đang nghe lại Dòng Sông Xanh, và hai người đã có ít khoảnh khắc chia sẻ bài hát qua giọng ca Hà Thanh. Riêng mình, đêm qua đã nghe đi nghe lại bài Hẹn Một Ngày Về trong nỗi niềm nhớ thương một vùng trời vùng đất và những bóng dáng của thanh xuân ngày nào. Cho nên bài viết này lấy tựa đề là Hà Thanh, tình xưa không vỡ bao giờ.
Nhưng thôi, tạm ngừng những xúc động riêng tư tại đây và hãy cùng nhau nhìn lại Hà Thanh qua những tấm hình và văn bản.
Hà Thanh sinh tại Liễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Bà là con thứ tư trong một gia đình gia giáo có mười anh chị em mà chỉ có mình bà theo con đường ca hát. Là một người theo đạo Phật, ngày nhỏ Lục Hà theo học Trường Nữ Trung học Đồng Khánh và đã hát trong chương trình Tiếng nói học sinh Quốc Học – Đồng Khánh trên Đài phát thanh Huế.
Hà Thanh
Năm 1953, trong cuộc tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức, Lục Hà khi đó mới 16 tuổi tham dự và đoạt giải nhất với sáu nhạc phẩm rất khó, trong đó có bài “Dòng sông xanh” nổi tiếng của Johann Strauss, và tên bài hát đó đã trở thành nghệ danh của bà: Hà Thanh. Hà Thanh tiếp tục học và đi hát cho Đài phát thanh Huế trong ban Nắng Mới gồm Hồ Đăng Tín, Lê Gia Thầm, Nguyễn Văn, Hồng Dũ Trân, Hà Thanh…
Năm 1963, trong chuyến vào thăm Sài Gòn để thâu thanh cho hãng Sóng Nhạc, bà được nhạc sĩ Mạnh Phát giới thiệu và cho biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông muốn gặp gỡ và mời bà đến hát với ban nhạc Tiếng Thời Gian. Phần thể hiện ca khúc “Về mái nhà xưa” của bà khiến toàn ban hài lòng. Sau đó, bà lại về Huế. Không muốn để tài năng của Hà Thanh bị tàn phai, Nguyễn Văn Đông bèn viết thư mời bà trở vào Sài Gòn cộng tác với hãng đĩa Continental. Năm 1965, Hà Thanh chính thức gia nhập sinh hoạt ca nhạc ở Sài Gòn. Bà trở thành một trong những giọng ca hàng đầu của Sài Gòn khi đó. Vào giữa thập niên 1960, tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội, Tự Do, trong các chương trình Đại nhạc hội,… Bà rất thành công với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như “Hàng hàng lớp lớp”, “Chiều mưa biên giới”,… Nhạc sĩ nhận xét: “Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. (…) Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái, dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó.”
Trong giới văn nghệ Sài Gòn trước 1975, có nhiều người yêu thích Hà Thanh. Nhà thơ Bùi Giáng từng làm thơ ca ngợi nhan sắc của bà. Nhà văn Mai Thảo là một người rất si mê Hà Thanh, ông đã từng từ Sài Gòn ra Huế để xin cưới bà. Năm 1970, Hà Thanh kết hôn với Trung tá Bùi Thế Dung của Binh chủng Thiết Giáp. Năm 1972, hai người có một con gái là Kim Huyền.
Sau năm 1975, chồng Hà Thanh bị bắt đi học tập cải tạo. Năm 1984, bà cùng con gái được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 1990, vợ chồng Hà Thanh sum họp nhưng tan vỡ hai năm sau đó. Tại hải ngoại, Hà Thanh không trình diễn thường xuyên, chỉ cho ghi âm một số CD. Thỉnh thoảng Hà Thanh hát ở chùa, hát thiền ca trong màu áo lá sen sương khói.
Sau một thời gian bị ung thư máu, ca sĩ Hà Thanh qua đời vào lúc 19h27 ngày 1 tháng 1 năm 2014 tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts.
Tiếp theo đây, Nguyễn trích dẫn một vài ý của Trần Kiêm Đoàn viết về Hà Thanh:
“Chị Hà Thanh sang Mỹ năm 1984. Có những cây cầu đã gãy trong chiến tranh và những mối tình gãy đổ sau cuộc chiến. Trong cảnh “trải qua một cuộc bể dâu”, Hà Thanh tìm về với thiền học, thiền định và thiền ca. Những bản nhạc Thiền do Hà Thanh hát hoặc vừa phổ nhạc thơ thiền, vừa ca mang âm hưởng thâm trầm, gợi cảm mà gần gũi của nước “sông An Cựu nắng đục mưa trong” và sự lắng đọng thấm vào lòng người của hồi chuông Thiên Mụ. Những khi buồn nhất và lắng lòng chiêm nghiệm từng vọng âm suy tưởng từ tâm mình, tôi lại thích nghe thiền ca do Hà Thanh hát. Giọng hát đậm đà còn mang cái gốc thanh âm giọng Huế của chị làm cho người nghe có cảm tưởng như đang nghe những lời tự tình của Huế. Nghe Hà Thanh hát thiền ca, người ta bỗng quên đi sự hiện hữu của thời gian đã làm cho đời phôi pha và quên luôn khoảng cách thời gian làm nên tuổi tác của chị. Một cảm giác thanh tân, tươi mát và lắng đọng đầy ắp lòng người chợt đến, chợt đi hay thấm đượm vào trong cảm xúc.
“Nói về giọng hát thiên phú của Hà Thanh đã có rất nhiều văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ… nhiệt thành khen tặng. Một vị thầy âm nhạc của tôi ở trường Hàm Nghi Huế là nhạc sĩ Văn Giảng (cũng ký tên là Thông Đạt, tác giả Ai Về Sông Tương…) đã cho rằng, Hà Thanh là một ca sĩ tiêu biểu của Huế. Chị có một giọng hát thanh tao, quý phái với mức thể hiện cường độ và trường độ âm thanh vừa vặn, diễn cảm tuyệt vời. Đặc biệt là những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca…
Nhân dáng, điệu bộ trình diễn và phong cách sinh hoạt đời thường cũng như trong hội diễn vẫn bị xem là một “đại nghiệp dĩ” của người ca sĩ. Chị sinh ra và lớn lên ở Huế. Huế được người đời nhớ nhung và yêu thương không chỉ vì Huế đẹp, Huế thơ mà còn vì Huế là vùng đất của nhiều tai trời ách nước; chịu nhiều oan khiên và đổ vỡ tan tác từ thuở công chúa Huyền Trân đổi mình cho Huế, áo xiêm phiêu bạt về Chiêm quốc.”
Về biệt danh “họa mi xứ Huế,” trong một bài viết đăng trên nhật báo Người Việt hồi Tháng Sáu năm ngoái, ca sĩ Quỳnh Giao viết như sau:
“Hà Thanh có được Huế cưng quý như vậy trước hết là nhờ giọng ca thiên phú, trong trẻo cao vút. Đây là một trong vài giọng soprano hiếm có của Việt Nam. Hà Thanh hát dễ dàng như hơi thở. Khi lên cao, giọng lồng lộng, thoải mái cho chúng ta cảm tưởng chiếc diều phơi phới trên nền trời xanh ngắt.”
“Vì sao lại so sánh với cánh diều? Chính vì chất giọng trong trẻo nhẹ nhàng làm mình liên tưởng đến trời xanh và nắng ấm.” Quỳnh Giao viết tiếp: “Vì trình độ thưởng ngoạn, nhiều người cứ khen làn hơi rất mạnh. Không thiếu gì ca sĩ thời nay hay khoe làn hơi ‘mạnh’ vì thấy hát trổ giọng lại càng được vỗ tay và huýt sáo vang lừng! Trong nghệ thuật thì khác, hát nhẹ và êm mà vẫn rõ lời mới là điều khó. Khi hát nhẹ, ca sĩ phải ‘kìm’ làn hơi để phả từ từ, nhẹ nhàng mà vẫn đều đặn. Khó nhất là lúc ngân cho câu nhạc nhỏ dần, đến khi chỉ bằng sợi tơ mong manh mà không đứt, không tắt.” Theo ca sĩ Quỳnh Giao, nhờ hát như vậy mà ca sĩ Hà Thanh được các nhạc sĩ sáng tác quý mến và yêu cầu bà hát những tác phẩm tim óc của họ.
Ca sĩ Quỳnh Giao cho biết tiếp, chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để mắt xanh đến Hà Thanh ngay lần đầu được nghe bà từ Huế vào Sài Gòn thăm người em gái, đến phòng thu của hãng đĩa hát thử. Quả là nhạc của ông đã được giọng hát Hà Thanh chắp cánh bay cao.
Trịnh Công Sơn khi còn ở Huế đã đưa những ca khúc chưa ráo mực đến nhờ Hà Thanh hát, theo ca sĩ Quỳnh Giao, và “họa mi xứ Huế” đã đưa “Nắng Thủy Tinh,” “Lời Mẹ Ru,” hay “Nhìn Những Mùa Thu Đi” vang vọng đất Thần Kinh. (Trích theo Đỗ Dũng-Người Việt Online)
Và đây, lời niệm chân tình của Đinh Cường:
“Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn. tôi cứ lâm râm niệm hoài niệm mãi. nhiều người cùng niệm cho chị. chị ngủ yên thanh thoát nghe chị Hà Thanh. tôi vừa tin cho Bửu Ý ở Huế hay. một thời biết bao là kỷ niệm. một thời Huế như mơ. mơ theo tiếng hát Hà Thanh trên Đài Phát Thanh Huế. Chiều mưa biên giới anh đi về đâu … nhớ Nguyễn Văn Đông
và những chiều Sơn ghé lên đàn cho chị hát Ướt Mi… tôi vừa lục tìm tấm hình polaroid đã vừa nửa thế kỷ và nhớ những ngày anh Mai Thảo ra Huế tìm thăm chị, cả Bùi Giáng cũng có câu thơ cho Hà Thanh…
ôi ánh nến. sẽ nhiều ánh nến lắm sưởi ấm quan tài chị
chị ngủ yên. như Sơn ngủ yên. như Việt Dzũng vừa ngủ yên.
Hà Thanh và Trịnh Công Sơn
Riêng mình và Hà Thanh sinh cùng tháng (tháng bảy), nhưng hình như mình lớn hơn chút ít. Vậy mà lúc đi học ở Huế thấy Hà Thanh mặc áo dài trắng, đạp xe đi trên con đường giữa những hàng cây, tươi cười rạng rỡ, lại tưởng Hà thuộc lớp đàn chị – Hà quá nổi tiếng, còn mình có đăng thơ và văn trên Đời Mới và Thẩm Mỹ gây được một vài yêu mến ở bạn bè và rất thích được gọi là Châu Liêm. Những năm tháng ấy, trí óc mải mê theo những mộng đời, chỉ thấy Hà Thanh đẹp, trong sáng và hồn nhiên, chứ không tìm cách làm quen. Hà đẹp như bóng nắng, như ánh trăng trên dòng Hương giang cho mãi tới cuối đời. Vậy mà mình chỉ được gặp mặt có hai lần: một lần trong chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn trên Đài Sài Gòn. Hôm ấy mình lên chơi thăm Toàn, gặp Vũ Thành An và Hà Thanh. Hà vẫn mặc áo dài trắng, nụ cười rạng rỡ, ánh mắt trong thật trong và xao xuyến như một câu thơ Đường có liễu và chim. Lần thứ hai tại nhà Thanh Sâm trên Đà Lạt vào cái thời của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Đinh Cường. Sâm hỏi mình: Hà Thanh đây, anh còn nhớ không? Mình cười với Hà, trả lời: “Đôi mắt ấy làm sao quên được…” Chỉ chừng ấy thôi. Nhẹ như sương khói. Qua Mỹ, nghe nói Hà Thanh định cư ở Boston. Mấy lần lên họp mặt văn nghệ ở nhà Phan Xuân Sinh, mình có nhờ Trần Doãn Nho, cũng là người Huế và hiện sống ở Boston, đưa mình đến thăm Hà. Hình như dạo ấy Hà ẩn cư, khép kín trong màu áo lam và câu kinh Lăng Nghiêm. Một hai lần xem Thúy Nga Paris hay Asia, có thấy Hà Thanh được mời lên hát. Vẫn dịu dàng, trong sáng, hồn nhiên như những năm tháng bên bờ sông Hương. Một lần gởi cho Nguyễn Thị Huế Xưa cái link trong đó có ca khúc Hẹn Một Ngày Về của Lê Hữu Mục với tiếng hát của nhiều ca sĩ, Huế bảo thích nhất là giọng ca Hà Thanh, truyền cảm sâu sắc.
Vâng. Chỉ chừng ấy thôi. Nhẹ như sương khói. Nhưng tình xưa không vỡ bao giờ… “Tình xưa” là hình bóng dòng sông Hương trong ca khúc Hẹn Một Ngày Về của thầy Lê Hữu Mục, là sông tím in hình nguyệt thuở xưa, là xa nhau mùa thu mưa trong trăng của thơ mình. Là tiếng hát là những trang thơ sách triết là mưa sa là giọt nắng trên ngọn sầu đông là màu lá bàng Vương Phủ. Tình xưa ở những ước vọng cùng đi tới cuối đời, ở tiếng cười trong và đôi mắt sáng của thời thanh xuân. Là bạn bè kẻ còn người mất trong chiến tranh, ngục tù và lưu xứ.
Thôi, Hà đã hát hay, sống đẹp và gởi cái tâm hư ảo trong thiền ca. Dòng sông xanh xin chảy mãi ở quê nhà và trong lòng người xa xứ.
TN – Tổng hợp