“Năm mới tôi ước mình thực hiện được lời hứa, thở và cười nhiều hơn. Mỗi khi bước, bước những bước vững chãi và thảnh thơi, không để cuộc sống lôi tôi theo, không để điều xấu dìm tôi xuống, không để lòng tham kéo tôi lại và nhất là không quên cười nhiều và nói những lời ái ngữ”
Đó là tất cả ước nguyện của tôi khi sư cô hướng dẫn Pháp Đàm hỏi tôi và mọi người dự tính sẽ thực hiện điều gì tốt đẹp trong đầu năm mới. Chúng tôi ngồi vòng tròn cùng nhau Pháp Đàm.
Buổi chiều cuối năm đổ bóng tối xuống miền núi rất mau. Cái lạnh bắt đầu giăng nhè nhẹ và thấm vai áo tôi. Những chiếc lá xanh của hoa Súng lắc lư theo làn gió gợn lăn tăn trên mặt hồ Tu Viện Lộc Uyển, nhắc nhở tôi đêm Giao Thừa sắp về. Ánh trăng non khuyết vành mọc sớm phả xuống không gian một ánh sáng dịu ngọt, khiến mọi người như cảm thấy phút thiêng liêng gần kề. Sao đêm lấp lánh như những con đom đóm tranh nhau loé sáng.
Bên trong giảng đường của Tu Viện Lộc Uyển
Có bao giờ bạn bước đi thanh thản trong một khu vườn vào một đêm trăng sáng chưa? Cái cảm giác được ánh trăng soi sáng từng bước chân nó kỳ diệu lắm bạn ạ. Ánh trăng dìu dịu nhưng thật sáng rọi xuống người bạn, chỉ một màu trong suốt, dường như thứ ánh sáng ấy phát ra từ chính lòng bạn. Trăng gieo hạt vào bạn, bạn với trăng là một. Cũng cảm giác ấy tôi may mắn có được mỗi khi dự những buổi Pháp Đàm có sự chia sẻ quý báu của các tăng thân. Ý kiến của từng người được hỏi han, những kinh nghiệm tu tập quý báu cùng trao đổi. Đạo Phật được giảng dạy và tóm tắt lại, là những ánh trăng mát rượi, mới tinh, choàng vào người tôi, ôm ấp như vòng tay một người mẹ hiền.
Đêm nay tôi có cơ duyên nhìn trăng non đang lên nhưng ánh trăng Pháp Đàm thì ràn rụa tràn đầy.
Tôi lên Tu Viện Lộc Uyển dự một khoá tu học 5 ngày được tổ chức nhân những ngày nghỉ lễ cuối năm. Lợi dụng thời gian nghỉ dài tôi ghi danh, khăn gói đường xa về Escondido, California tu học. Khoá tu này phần lớn dành cho người ngoại quốc và gia đình nên được giảng dạy bằng tiếng Anh. Ngay khi tôi ghi danh, chỗ ở trong dorm đã hết, tôi may mắn đi được, nhờ giờ cuối có người bỏ cuộc. Con số người ngoại quốc từ khắp nơi về tu học làm tôi ngạc nhiên. Nhìn những người thuộc đủ mọi sắc tộc, nói đủ mọi thứ tiếng nhưng biết đọc và viết tiếng Anh làm chính, về tụ hội chật kín thiền đường Thái Bình Dương khiến tôi thán phục biết bao nhiêu. Có cả những người từ Ấn Độ, Israel, Canada, Mexico và những quốc gia khác mà tôi chưa có dịp hỏi đến quốc tịch của họ. Chưa kể họ ở các tiểu bang xa của nước Mỹ như New York, Chicago, Washington DC, Oklahoma hay bất cứ nơi nào đó, bay, lái xe về trong một quyết tâm tu học và sửa mình mãnh liệt.
Tôi được ở chung với 4 người phụ nữ khác trong một phòng có giường tầng (nam, nữ ở riêng, ngoại trừ gia đình). Hai người đến từ Oakland và San Francisco, hai người còn lại đến từ Arizona. Người nào cũng tự lái xe 7, 8 tiếng đường dài không nghỉ. Thời khoá biểu tu học, 5 ngày với những sinh hoạt khác nhau giữ chúng tôi suốt ngày bận rộn. Hầu như sáng nào chúng tôi cũng cùng nhau dậy từ lúc 5 giờ. Đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, chúng tôi có mặt ở thiền đường để cùng nhau học thiền như phút tỉnh thức đầu ngày. Chúng tôi tập thở, tập thiền “thở vào tĩnh lặng, thở ra mỉm cười”. Bài học đơn giản thế mà, mỗi lần thở vào, óc tôi lao xao, nghĩ hết chuyện này đến chuyện kia, không sao tĩnh lặng. Kế tới 7 giờ, tôi dự lớp thể dục bằng khúc côn(stick exercise) trong 30 phút. 7 giờ 30 chúng tôi dùng điểm tâm trong im lặng. Lâu lâu một tiếng chuông lại gióng lên giúp mọi người dừng lại, dù đang làm bất cứ chuyện gì. Ai lên Lộc Uyển đều nhớ và mang về trong đầu âm vang của “tiếng chuông tỉnh thức”. 9 giờ là giờ cùng làm, cùng thiền. Mọi người được chia nhóm, cùng nhau lau dọn, chùi rửa hay cùng các sư anh, sư chị, sư em, sửa soạn bữa trưa sắp tới. Khi làm chúng tôi nhắc nhở nhau cười, làm trong hoan lạc và buông thư. 10 giờ 15, chúng tôi đi thiền hành. Mỗi bước đi, chậm, chắc, vững chãi và thảnh thơi, bỏ lại lo âu, phiền muộn, trở về hơi thở, về thân thể chính mình như về ngôi nhà thân yêu của mình vậy. 11 giờ 30 mọi người cùng vào thiền đường nghe giảng pháp. 12 giờ, cơm trưa diễn ra trong im lặng. Chúng tôi ăn chay nhưng món nào cũng được nấu với hết tấm lòng tươi nở nên ăn vào rất ngon. Chúng tôi ăn trong chánh niệm, chừng mực, nhai chậm, quay về hiện tại để tiếp xúc với thức ăn và tăng thân đang có mặt. Cố không để tâm ý bị lôi kéo bởi quá khứ, tương lai, những lo lắng, buồn giận và suy nghĩ vẩn vơ. 2 giờ 30, phút nghỉ ngơi, cùng nhau vào thiền đường nằm buông thư, ngủ hay nghỉ. 3 giờ rưỡi Pháp Đàm. 6 giờ chiều ăn tối. 7 giờ 30 truyền đạt 5 giới quý báu. 9 giờ 30 về phòng ngủ. Thời khoá biểu mỗi ngày đều diễn ra gần giống vậy ngoại trừ thêm hiking và đêm Giao Thừa có văn nghệ, thắp nến và nghi thức đón Giao Thừa vào nửa đêm. Các phật tử các nơi về dự lễ Giao Thừa và Năm Mới rất đông.
Nhìn thiền đường chật cứng Phật Tử, số người lên đến hàng ba bốn trăm người, lòng tôi bỗng xôn xao. Họ, những người ngoại quốc, mang gia đình, con cái, cùng về. Ngồi im lặng tuyệt đối họ nghe pháp, thiền, ăn chay, chắp tay niệm Phật, hát tụng ca tiếng Anh, tiếng Phạn như đang hành lễ một thứ tôn giáo chính gốc của họ. Hầu như mỗi người tới đây đều có một hay nhiều nỗi khổ riêng. Đúng như câu người ta thường nói “Đạo Phật là đạo cứu khổ”. Những người bạn chung phòng, những người chia sẻ thắc mắc trong lúc Pháp Đàm, trong lúc truyền tụng Ngũ Giới, hầu hết đều gặp các vấn đề nan giải. Tất cả họ, nếu không mắc bệnh tâm thần, bệnh thể chất, vướng vào nghiện ngập hay gia đình ly tán, tan vỡ thì con cái họ, gia đình họ mắc phải. Họ tìm đến đạo như một cứu cánh giải thoát, họ tìm đến đạo như một môn học mở ra con đường hạnh phúc, giúp họ đổi đời. Nghe người phụ nữ da trắng bị ung thư ngực tâm sự với tôi “Bầu ngực của tôi bị cắt bỏ, giờ nó, không còn là của tôi nữa, nó chứa đầy silicone”. Tôi nghe mà rưng rưng muốn khóc. Họ chia sẻ và tự giới thiệu là bác sĩ, chuyên viên vật lý trị liệu, giáo sư, lập trình viên, dược sĩ, kỹ sư, công chức, v..v… Nghĩa là những người có giáo dục với những tôn giáo khác nhau, không quản đường xa, không màng khác biệt ngôn ngữ, đến đây tìm đạo. Có người từng đến nhiều lần, nhiều năm, gặp gỡ người cùng chí hướng tại đây, lấy nhau, có con và cùng trở lại với con cái mình tu học. Họ lên chia sẻ cảm nghĩ, yên lặng nghe nhau nói, tôn kính và thương yêu nhau, tập luyện phương pháp thiền ôm, khiến ai xem cũng cảm động? Có lẽ điều thành công nhất ở đây là tổ chức có lớp lang, phương pháp giảng dạy có khoa học, đơn giản, dễ hiểu. Lý thuyết và thực hành luôn luôn đi đôi. Hơn nữa thực tập đòi hỏi sự chuyên cần thì kết quả mới thấy rõ.
Nhìn những đứa trẻ chạy nô tung tăng, cười giỡn dưới sự chăn dắt, dạy dỗ của các sư chị, sư anh, trong khi các bậc cha mẹ tóc vàng, da trắng áo bà ba nâu, nón lá đi thảnh thơi, nét mặt an nhiên tự tại, ai cũng nghĩ họ đang đi nghỉ hè hơn là đi tu học.
Sau 5 ngày tu dưỡng tinh thần, tôi trở về nhà như về từ một thế giới khác. Tôi đi làm lại, bươn chải để kiếm cơm, chăm lo gia đình. Đời sống càng tất bật, kỹ thuật vi tính càng cao, con người càng chịu nhiều áp lực của công việc. Một người đôi khi phải làm việc của hai ba người khiến đầu óc rối bù, thời giờ cho gia đình và công việc bỗng trở nên thiếu thốn. Ai cũng lao vào dòng cuốn của cuộc sống, không biết dừng lại để ngơi nghỉ. Khi nghỉ thì lại bận nghe nhạc, coi TV, phim bộ, chơi game online, bắt đầu óc lúc nào cũng làm việc, không bao giờ thư giãn. Mắt mỏi, trí mờ, chân tay bải hoải, sức khoẻ tâm thần cũng theo đó mà sút giảm. Thiền học là một phương pháp thư giãn và tỉnh thức khoa học hữu hiệu.
Giờ không còn tiếng chuông tỉnh thức nhắc nhở tôi dừng lại mỗi khi đi, khi ăn, khi say sưa làm việc. Tuy nhiên dư âm tiếng Đại Hồng Chung Lộc Uyển vẫn còn vang vang trong tai, vì tôi đã học được cách thực tập, biết dừng lại, biết thở mỗi khi nóng giận, làm sai. Năm giới luật quý giá tôi quyết tâm thọ nhận, mang về, tôi nguyện làm lại con người mới. Tôi thở vào, thở ra, miệng mỉm cười an nhiên như một đứa bé đang ngủ.
TTT