Menu Close

Chiều giáp Tết ở Adelaide!

Thưa quý độc giả thân mến!

Cuối năm, lấy phép thường niên được năm tuần, người viết cũng bắt chước Úc mà: đi cho biết đó biết đây; ở nhà với vợ có ngày ‘tửng’ luôn! Hai thằng con thương người viết, già cúp bình thiếc rồi, mà vẫn cần mẫn đi cày; bèn lên web, rình hãng máy bay giá rẻ, khuyến mãi đại hạ giá.“Tía ơi! Melbourne bay đi Adelaide khoảng 655 cây số, chỉ có 25 đô hà. Ờ! mua lẹ lên, mua ngay cho tía nghe con! Đỡ đồng nào cho má bây ‘xào’ đồng nấy!”

Chuyến đi chơi nầy tốn ít… mà còn lời nhiều! Sơ sơ là lời được bài viết nầy cho số báo Xuân để gỡ vốn, kiếm chút tiền nhuận bút uống cà phê chơi. Chứ thủ phủ Adelaide của tiểu bang Nam Úc buồn ơi là buồn, buồn như dế kêu. Thành phố trầm mặc với những giáo đường! Thành phố chỉ hai mươi phút đã về chốn cũ! Chỗ nổi tiếng nhứt là bức tường thầm thì, than khóc, nơi người ta đến, nói câu gì, tâm sự câu gì như: ‘Đừng đá anh, em yêu…ơi! Hu Hu! He he!’ thì ngay sau đó phía bên kia bức tường, xa tới 100 m! tiếng vọng lại y chang. Như nó chọc quê, ‘nhái’ mình vậy!  

Cả mấy năm nay mới gặp thằng em, mừng…nhưng hai đứa hổng biết làm gì cho vui, thôi thì… bày ra cuộc nhậu. Vì Adelaide là thủ đô rượu của Úc Châu.  Mâm đặt vừa xong, thằng em ‘hú…u!’ một tiếng, thì cũng có tiếng ‘hú…u!’ như ở bức tường thầm thì đáp lại, chừng 10 phút sau, một quái kiệt giang hồ, râu tóc bờm xờm, chưn mày dựng ngược, hiện ra trước cửa. Mời bằng hữu vào, trước lạ sau quen, làm một ly ‘ông già chống gậy’ cho nó thông cái cần cổ!

Tiệc nhậu nào cũng vậy! E dè lúc đầu nếu khách khứa chưa có quen thân nhưng chừng vài tuần rượu là chuyện nổ như bắp rang. Mà thường là chuyện tiếu lâm hơi ‘mẳn mẳn’ một chút.

Anh bạn giới thiệu mình tên Theo, (đọc là Thí – Ô), tên Tây đàng hoàng nha, đi tiên phuông như vậy: chuyện nầy hơi xưa xưa rồi, xảy ra hơn mươi năm về trước, ông bà thủ tướng trong chuyện, dân đã cho về nhà đuổi gà hết ráo!

Helen Kiwi, tướng quốc Tân Tây Lan, phao ‘hung tin’ là nhà máy sản xuất bao cao su của nước mình bị cháy rụi.  Giả bộ quýnh lên, Helen gọi cho John Aussie, tướng quốc Úc, cầu cứu, cầu cứu! Xin anh gởi ngay vài tấn bao cao su cho dân của em xài trong mùa đông lạnh lẽo nầy. Sự thực là nhà máy không có cháy. Chẳng qua là Helen muốn giựt ‘hộp’ Johnny thôi; nên trong đơn đặt hàng ghi kích cỡ dài 10 inches (2 tấc 54), ngang 8 inches (2 tấc 03) nhằm gây ấn tượng với chàng, vốn dĩ hai nước Úc và Tân Tây Lan là bà con có cùng đầu ông cố tổ với nhau. Johnny bèn gởi cho Helen một thùng, đúng ngay bon kích cỡ. Ngoài bao bì có đề là: Làm tại Úc Đại Lợi. Cỡ nhỏ! MADE IN AUSTRALIA – SIZE: SMALL

Và trước khi kể tiếp về bữa nhậu chiều cuối năm ở Adelaide nầy, cũng xin mạn phép giới thiệu vài dòng, trình quý độc giả thân mến, về tay quái kiệt giang hồ nầy. Hôm đó dù là khách như ‘tui’ nhưng lại đường đột giành làm chủ xị,  dạo đầu đã nổ lốp bốp tên Tây là Theo; thực sự tên ảnh là Tèo, một chàng Việt Nam rặt  ri, từ Chắc Cà Đao, tị nạn cộng sản, vượt biên tới đảo Pulau Bidong, Mã Lai, hồi năm 81.

Khi đến đảo, trong bụng Tèo là muốn chạy theo ‘thằng’ Mỹ; nên khi phái đoàn Mỹ phỏng vấn Tèo hồi hộp lắm, vì sợ rớt.  Khi hỏi tên tuổi, quê quán, Tèo nghe nói tiếng Mỹ không bỏ dấu gì hết nên Tèo khai là tên Teo; vậy mà Mỹ lại ghi là Theo, chắc Mỹ nhớ cái tên Theodore Roosevelt, Tổng Thống thứ 26 của Huê Kỳ. Tèo cãi lại là: T. E. O. (ti, i, ô). Hổng có chữ ‘hờ’ à nha. Mỹ có vẻ không hiểu Tèo nói cái giống gì?! Tới phần quê quán, Tèo khai: Chắc Cà Đao! Mỹ nghe ba xí ba tú sao đó rồi ghi là Chucker Down. Lại cãi. Thiệt hổng muốn cãi làm chi; vì mới học được vài chữ lõm bõm; phần nói tiếng Mỹ sao mà mỏi miệng quá! Tuy nhiên cái gì trật mà cứ để vậy hoài, hổng sửa lưng, tụi nó lừng. Lần sau, ông Mỹ khác chứ hổng phải ông Mỹ trước. Ông nầy cũng mắt xanh mũi lõ nhưng tiếng Việt thì ‘giả’ rành sáu câu, dám biết ‘húp’ nước mắm lắm đa. Ổng biết tên Tèo liền; dù viết không bỏ dấu, nó thành ‘Teo’ mới chết chớ. Ổng cũng biết xứ Chắc Cà Đao, tên cái chợ và con rạch gần Long Xuyên chớ đâu! Bỏ quê đi, nghe người dưng nước lã nhắc đến quê mình sao bùi ngùi tấc dạ, Tèo nhớ đến câu ru em: “Anh xa xứ Chắc Cà Đao! Bỏ em ở lại như dao cắt lòng!”. Tèo cắt nghĩa cho ổng học thêm chớ hổng phải là Mỹ thì cái gì cũng biết hết trơn đâu nha? Quê tui, tui biết nhiều hơn ông là cái chắc. Tèo cắt nghĩa rằng địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer, chắp kdam (bắt cua) mà ra; vì vùng nầy xưa kia có rất nhiều cua. Ông Mỹ gục gặc nghe, có vẻ khoái chí, kết thúc cuộc phỏng vấn… nhưng chờ hoài hổng thấy kêu réo gì ráo; chắc ổng làm lơ, bỏ Tèo mà chạy cũng giống ‘hịt’ như hồi năm 75 vậy thôi! Còn tình, còn nghĩa đồng minh! Hết tình, hết nghĩa… lặng thinh dông rồi!  

Cuối cùng, may quá, phái đoàn Úc đến, hỏi đi Úc hông? Đi chớ! Dù hồi nhỏ tới lớn, Tèo có biết mặt mày nước Úc lớn bé ra sao? Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân. Mà xem con tạo xoay vần tới đâu; vì hổng lẽ ở lại cho mục đảo hay sao?

Tèo được Úc đưa về Adelaide sống, đi cà nhỏng, rồi vô quốc tịch từ đây Tèo thành Úc rồi nha. Gặp bà con người Việt thì vẫn tên Tèo thân thương của mấy chục năm tình cũ. Còn với Úc, Teo trở thành Thí-ô (Theo), tên tiếng Úc, cho nó oai! He he!

Sống bụi đời ở Adelaide mới đầu Tèo hổng hiểu ai nói; và Tèo nói cũng không ai hiểu! Nhưng phần tánh nông dân cũng dạn, mắc cỡ làm gì! Tiếng Úc có phải là tiếng mẹ đẻ của mình đâu, mà tiếng mẹ đẻ đôi khi còn trật lên trật xuống huống hồ là tiếng nước ngoài nên Tèo cũng ‘phang’ tưới xượi hột sen. Vậy mà hay! Vài năm sau, Tèo đã ‘phang’ tiếng Úc như gió. Hổng nhìn mặt mà chỉ nghe Tèo nói, bà con cứ tưởng là thằng cha thổ dân nào đó chớ?!

Vì giỏi tiếng Úc, nên Tèo trúng mánh. Tèo kể: Một hôm, Tèo đến tiệm thuốc tây muốn nói chuyện với một nam dược sĩ. Phải nam dược sĩ mới được vì Tèo đang có vấn đề tế nhị, nhạy cảm lắm. Rủi thay tiệm thuốc nầy chỉ có hai chị em dược sĩ Úc rặt, tóc vàng sợi nhỏ, mỏ đỏ mắt xanh, hùn vốn với nhau mở tiệm không có nhân viên nào ‘đực’ cả!

Tèo than thở: Nói chuyện nầy với cô em thiệt là khó cho tui lắm! Cô nữ dược sĩ thuyết phục Tèo: “Tui là dược sĩ chuyên nghiệp mà! Ông đừng lo! Ông nói chuyện gì cũng được, tui sẽ tận tâm làm hết chức nghiệp của mình!” Lúc đó Tèo mới chịu thổ lộ là: “Hổng biết ăn trúng cái gì mà ‘sung’ quá, cứ cái ‘mửng’ nầy tui sợ tổn thọ, thiệt tình tui không biết cô dược sĩ có cách gì để giúp tui được hông?”

Thổ lộ tâm sự khó nói của mình xong, mặt Tèo đỏ như gấc vì ngượng. Em dược sĩ nầy nghe như vậy, mắt chớp chớp, rồi sáng rực lên như hai cái đèn pha. “Anh chờ em một lát thôi để em vô trong, thảo luận vấn đề nầy với em gái của em đã!”

Khi trở lại, em dược sĩ thỏ thẻ với Tèo rằng: “Anh sẽ được làm chủ 1/3 hiệu thuốc nầy. Cấp cho anh một chiếc xe ‘xịn’ của công ty. Một tuần có 5 bữa ăn tối do chính tay em nấu. Và 5 ngàn đô tiền túi, cho anh xài vặt! Chịu hông?”

“Ngu sao mà hổng chịu!” Tèo nói.

Thưa quý độc giả thân mến! Nghe chuyện nầy, kể từ rày về sau nếu có ai chê, nói nước Úc mình không phải là ‘lucky country’ thì xin đừng có tin nha? Muốn biết ‘hên’ cỡ nào cứ hỏi Tèo Adelaide là biết rõ trắng đen liền hà! Đừng có nghe tin đồn thất thiệt.

Nghe Tèo Adelaide ‘đía’, người viết biết mình hên quá đã gặp được sư phụ rồi. Đi một đàng, gặp một sàng ‘xạo’!  Tèo kể chuyện có duyên hết biết, mặc dù mình cũng dóc tổ, hổng thua ai, nhưng bữa nhậu đó cũng phải kính cẩn cúi đầu; để Tèo chiếm đài phát thanh, muốn phát gì thì phát!

Cao hứng, Tèo Adelaide kể tiếp: Cũng giống như các nước khác trên thế giới, nước Úc nầy do Thượng Đế tạo ra trong 7 ngày. Ngày đầu tiên, Người chế ra môn bóng cà na, chế ra bãi biển, chế ra món thịt nướng, đêm thì Người chế ra món đi câu tôm, ngủ, thức dậy rồi nướng tôm ăn! Ngày thứ hai, Người chế ra môn trượt sóng và bơi lội. Ngày thứ ba, Người chế ra đất để trồng thuốc lá, chế ra beer, chế ra củi cho lò nướng thịt. Ngày thứ tư, Người chế ra trừu, bò, kangaroo để có thịt làm sườn nướng, làm xúc xích, làm bít tết. Ngày thứ năm, Người chế ra Tony Aussie, người Úc đầu tiên, để nó chơi bóng cà na, dạo bãi biển, uống bia và ăn thịt nướng. Ngày thứ sáu, Người thấy Tony chơi một mình, buồn lẻ loi… Người bèn chế ra thêm một lũ đông như ruồi để Tony có bạn mà chơi bóng cà na, trượt sóng, uống bia, tụ tập quanh lò nướng thịt mà tán dóc. Ngày thứ bảy, Người thấy Tony và lũ bạn nầy uống nhiều bia, ăn nhiều thịt, chơi nhiều quá, bộn bề, dơ dáy mà không ai dọn dẹp cả, nên Người chế ra một em tên Daisy Kiwi, làm vợ Tony…để ‘ẻn’ nấu cơm, rửa chén, quét nhà, bồng con và quan trọng nhứt là phải rửa sạch sẽ cái lò barbecue cho lần ăn nhậu tới!

Vâng! Thượng đế đã tạo ra nước Úc của tụi mình như thế đấy!

Thưa quý độc giả thân mến! Nghe Tèo Adelaide kể chuyện Tề Thiên; người viết vô cùng bội phục bèn chắp tay lại mà cảm thán như vầy: Tui ‘đía’ cũng có hạng trên chốn giang hồ nhưng thiệt tài hổng bằng huynh! Ôi trời sanh Du sao còn sanh Lượng?

Tèo chỉ khiêm cung, đáp lại rằng: Xin các hạ đừng quá lời khen, đừng cho Tèo là người trí tuệ, mới tán dóc thượng thừa đến thế! Chớ thực ra Tèo chỉ là một trong những người Úc bình thường mà thôi! Theo sách vở: chỉ số thông minh của một con người bình thường là từ 85 đến 114. Phải cần chỉ số thông minh là 60 mới biết cột dây giày và chính vì lý do đó mà có hằng hà sa số người Úc mang dép trong đó có Tèo đây! He he!

Thưa quý độc giả thân mến! Một năm rồi trôi qua, trên mặt báo nầy, người viết từ Melbourne, Úc Châu, đôi lần xuất hiện, ‘dà’… thưa hổng có ước vọng cao sang gì hết! Chỉ ước là bài viết của mình làm quý độc giả ‘mua vui cũng được một vài trống canh’ là vui mừng vui quá vui rồi.

Trước thềm năm mới, xin kính chúc quý độc giả thân mến của bổn báo ‘An Khang Thịnh Vượng!’ Nhớ cho tiền ‘lì xì’ nhe! He he!

DXT – melbourne.