Menu Close

Muôn màu Tết Việt

Gần đến Tết Nguyên đán. Hôm nay, lịch tây và lịch ta đều dừng ở con số 23. Theo âm lịch, trong ngày 23 này thì trừ người theo đạo Tin Lành, Thiên Chúa Giáo còn thì hầu như nhà nào, dù theo đạo Ông Bà, hay đạo Phật đều biện lễ tiễn Táo Quân chầu trời.

alt

Tảo mộ trước Tết

Cúng Táo quân

Nội dung cúng Táo Quân, nhờ trời người Việt từ trẻ tới già đều ‘rành sáu câu’. Gốc tích tục lệ cúng Táo Quân, cũng biết. Nhưng từ biết tới làm, mỗi nhà mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác. Người Việt trong nước, tuy nhiệt độ những ngày cận Tết xuống rất thấp nhưng việc thả cá chép không thành vấn đề.

Còn tiền ‘lót tay’ cho Táo Quân thì chỉ cần bỏ 1 đô-la, ra sạp vàng mã mua hai bịch tiền vàng, một bịch đề ‘Ông Táo đi’, đốt ngày Hăm Ba, một bịch đề ‘Ông Táo về’, đốt ngày Ba Mươi (mỗi bịch chứa đúng ba tờ tiền mã). Việc sử dụng cá chép làm ‘xế nổ’ cho Táo Quân, bắt nguồn từ tích cá chép hóa rồng.  Lại có nhà mãi tối Hăm Ba, sau khi hoàn tất việc nấu nướng trong ngày, dập củi lửa, mới quệt mật vào miệng ba Táo trước khi làm lễ ‘kính tiễn các ngài’. Bài vị có thể chỉ là miếng giấy đỏ ghi hai chữ ‘táo quân’ bằng tiếng Tầu (hiện đồ thờ ở ta vẫn dùng chữ Tầu, không dùng chữ Việt, dù gia chủ không mấy người đọc được chữ Tầu). Ngoài bài vị còn thêm ba cỗ mũ cánh chuồn (nếu bàn thờ hẹp thì chỉ tượng trưng một mũ, hoặc không có mũ), xấp vàng mã, ba chung nước, hai cây nến điện, một cây nhang điện, dĩa thèo lèo cứt chuột (có thể thay bằng trái cây, chè xôi, không khuyến khích cúng đồ mặn, đồ tanh). ‘Cái sự cá chép’ nếu là giấy thì để chung với xấp vàng mã. Cúng xong, ở Hà Nội người ta đem cá chép thả xuống hồ Gươm, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Ở Sài Gòn thì thả xuống sông Sài Gòn (đoạn chảy qua quận 4, quận Thủ Đức, Nhà Bè…) hay kênh Nhiêu Lộc, kênh Tầu Hủ.

Nhiều người không mua được cá chép, hoặc không thích cá chép. Họ mua cá vàng, cúng xong nuôi luôn làm cá kiểng. Một con cá vàng nhỏ bằng ngón tay, giá mười ngàn đồng. Một con cá chép đỏ, nặng hơn hai trăm gam giá gấp năm! ‘Chơi’ con cá chép nửa ký, coi như đỡ một ngày chợ!

alt

Chuẩn bị hoa Tết

Phố chợ rộn ràng

Trái với mọi năm, năm nay, Phố Ông Đồ khai trương khá sớm. Các anh đồ trẻ, xuất thân từ trường Đại học Mỹ thuật và Nhân văn, xúng xính khăn đóng áo dài, mỗi người một lều. Lều nào cũng na ná lều nào, nghĩa là bày, treo, dựng, chất đủ loại tranh thư pháp tiếng Việt viết trên đá, gỗ, giấy, lụa. Có bức chỉ viết độc một chữ Nhẫn, Tài, Phúc, Lộc Tâm. Có bức hẳn hoi cặp câu đối ca ngợi mùa xuân, tỏ bày hiếu đạo, nêu cao chí khí quân tử. Giá cả rất văn nghệ, vì “tụi em cho chữ chứ không bán chữ, chỉ lấy chút tiền giấy mực thôi”. Hỏi chuyện một cô gái đang quay phim mê mải, cô cho biết theo mẹ từ Mỹ về Sài Gòn trốn tuyết, rất ấn tượng với cảnh các ‘anh đồ’ cúi mình, thoăn thoắt vẩy bút lông hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay. Chính vẻ trẻ trung, đông vui của Phố Ông Đồ giữa lòng Sài Gòn này đã tạo nét văn hóa khá dễ thương, đủ xua đi cảm giác hắt hiu, tê tái từ hình ảnh các ông đồ già ngồi vỉa hè Hà Nội đầu thế kỷ XX với ‘Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu’.

Đi khỏi Phố Ông Đồ là đến đường Nguyễn Huệ nơi hứa hẹn chỉ vài ngày nữa sẽ mọc lên một đường hoa thật đẹp mắt với biểu tượng đàn ngựa Giáp Ngọ sải vó oai hùng.

Được biết, từ tối 28 Tết đến hết mùng 4 Tết, cùng với Hội hoa xuân Tao Đàn, Đường hoa Nguyễn Huệ này sẽ là điểm nhấn chính của mọi sinh hoạt vui xuân. Các chợ Bến Thành, chợ Kim Biên, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, Đa Kao, Hòa Bình. Các tiểu thương bán quần áo, giầy dép, đồ trang hoàng, bánh mứt Tết cho biết phải từ Hăm Tám đổ đi thì không khí Tết mới thực sự nhộn nhịp hơn.

Hầu hết phó thường dân Sài Gòn đều gắng tiết kiệm tối đa, mua sắm tối thiểu. Giới sinh viên tỉnh lẻ, đa số sau khi nghỉ học, thay vì về quê ngay thì đều ở lại làm thợ sơn, thợ điện, thợ may, thợ xe nhang, tráng bánh, làm mứt….với thu nhập không dưới hai trăm ngàn đồng một ngày.

alt

Đầu đường hoa Nguyễn Huệ, ngày 25 tết, đàn ngựa Giáp Ngọ vẫn chưa xuất hiện

Tầu xe đi lại

Thay vì chọn xe lửa làm phương tiện về quê ăn Tết dù tuy rẻ, chỗ ngồi thoải mái nhưng khó mua vé chính thức thì nhiều người quay sang chọn xe đò. Một anh bảo vệ ở bến xe Miền Đông cho biết giá vé xe đã tăng trung bình 60% so với ngày thường. Tuyến Quảng Ngãi, Hà Nội đã bán vé trước cả tuần, thậm chí cả tháng. Những tuyến đường gần như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp không có hiện tượng sốt vé vì khách, chủ yếu là thanh niên, sinh viên thì thích tự lái xe gắn máy về quê hơn ngồi xe ca, xe bus.

Kẻ viết bài tò mò, xin ‘nhìn qua một tí’ chiếc ba lô đựng quà Tết của một nữ sinh viên. Cô gái xua tay, “Có gì đâu mà nhìn!” Quả thực ngoài quần áo sách vở thì chẳng thấy bánh mứt, hoa trái. Theo cô ‘Thồ tết’ là chuyện hồi xưa còn bây giờ thì chỉ cần đem nhiều tiền về là được vì thứ gì Sài Gòn có ngoài quê cũng có.

Cho tới ngày 25 tết, ở Sài Gòn thì giá cả và các hàng Tết như gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, dầu ăn, trứng gà vịt, bánh mứt được bày bán ở chợ và siêu thị rất ‘bình đẳng, thân ái’. Không khí các chợ, nhất là chợ Bến Thành vào những ngày cận Tết là lối đi thoáng, sạch; hàng hóa bày biện mỹ thuật, gọn gàng, rực rỡ. Tết ở Sài Gòn đang ngày một vui hơn với những ghe thuyền chở mai Tiền Giang, tắc kiểng Cái Mơn, hồng Sa Đéc nối đuôi nhau cập bến Bình Đông quận 8.

Người đi chợ đông vui, đủ giọng nói ba miền;  nét mặt ai cũng dãn ra, vui vẻ tạm quên đi những âu lo đời sống.

alt

alt

alt

alt

alt

alt

Lề đường thành chợ Tết

alt

alt

XH