Tôi dám cá với bạn là bản nhạc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thế nào cũng được hát trong mấy ngày Tết, trên các đài phát thanh, đài truyền hình và các buổi trình diễn văn nghệ mừng Xuân. Tôi không dám chắc là bạn thuộc trọn lời của bản nhạc này, nhưng thế nào bạn cũng biết nhạc điệu của nó.
Ly Rượu Mừng
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
……
á a a à
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
…….
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
………
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
……..
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi…
Giờ, tôi xin đố bạn, đúng hơn là tôi nêu thắc mắc của tôi, rằng tại sao trong bản nhạc có cái tựa Ly Rượu Mừng này; tác giả viết lúc thì ly, lúc thì chén.
Tôi là đứa ba phải nên giải thích như thế này: có gì dùng nấy, có chén dùng chén, có ly dùng ly, không có chén không có ly thì cầm nguyên chai rượu hoặc bình rượu đưa lên miệng ngửa cổ mà nốc cho… cạn một hồ trường.
Thật ra, trước khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, ông bà chúng ta thuở xa xưa đó chỉ dùng chén chứ họ có biết ly là cái gì đâu. Ngày xưa cạn chén quan san / Ngày nay ly rót cho tràn mới thôi. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng viết: “Chén đưa nhớ bữa hôm nay / Chén mừng xin đợi ngày này năm sau.”
Hai câu đầu bản nhạc Biệt Kinh Kỳ của nhạc sĩ Minh Kỳ mới độc đáo: “Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi / Ngày mai tôi đã đi xa rồi”. Tôi cho là độc đáo ở chỗ ba chữ chén, ly, bôi đi liền nhau đều là món đồ vật đựng rượu, nhưng thật ra, nhạc sĩ dùng “ly bôi” là từ ngữ Hán Việt có nghĩa là chén rượu tiễn đưa trong lúc ly biệt. Điệp ngữ trong thơ và nhạc là điều có thể châm chước nghe cho êm tai.
Mà đối với dân nhậu thứ thiệt, đồ đựng rượu chỉ là món thứ yếu, không quan trọng. Quan trọng nhất là rượu, kế đến là mồi nhậu. Ông cha ta xưa chẳng có rượu gì khác ngoài rượu đế. Ngày nay thì ôi thôi dân nhậu tha hồ lựa chọn hàng trăm thứ rượu khác nhau, từ nhẹ như bia đến vừa vừa như vang hay đến rượu mạnh giá bạc trăm mỗi chai.
Rượu là món quà Tết dễ sắm nhất cho người mua và dễ dùng nhất cho người nhận. Nếu người nhận không uống thì lại lấy đó làm quà tặng cho người khác, đỡ phải mua. Rượu chẳng có ngày quá hạn nên khỏi sợ hết hạn, có khi càng lâu càng quý và càng ngon.
Hồi xưa tôi từng là lính, mà lính thì đi đôi với chữ nghèo. Không tiền nhậu vì chưa lãnh lương thì nhậu ghi sổ Câu Lạc Bộ, lãnh lương rồi thì trả. Người ta nói “tiền lính tính liền” là vậy. Các quan lớn có tiền uống rượu mạnh Rémy Martin, Johnny Walker. Lính nghèo như tôi chỉ nhậu la de Con Cọp. Tôi hay nhậu ở đường Bùi Viện, Ngã Tư Quốc Tế, xế xế đàng sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo đại lộ Trần Hưng Đạo Quận Nhì Sài Gòn. Đó là nơi tôi hay la cà lúc nhỏ để mong có dịp ngó mặt nghệ sĩ sắm tuồng, nhứt là đào Thanh Nga chỉ lớn hơn tôi có hai tuổi. Lúc học các năm cuối Trung học đệ nhị cấp thì tôi nhào vô quán cơm bình dân Anh Vũ ngay góc ngã tư làm một bữa ăn trưa có đầy đủ món canh món mặn và trà đá mà chỉ tốn có năm đồng bạc. Tới khi đi lính rồi, tôi cũng còn la cà khu đó để ngồi nhậu với bạn bè lính tráng với nhau. Dọc hai bên con đường Bùi Viện từ đường Ðề Thám trở đi về hướng đường Cống Quỳnh, cứ chiều đến là các quán nhậu kê thêm bàn ghế ra tận lòng đường để đón khách nhậu lính cũng như dân.
Tôi chỉ nhậu la ve Con Cọp, rẻ hơn la de 33 chai nhỏ, có khi hai đứa chỉ uống một chai mà chúng tôi gọi là cưa hai. Đời lính mang lại cho tôi những buồn vui kỷ niệm, những tình bạn đồng ngũ đầy hy sinh không tính toán, và những trang trải tâm tình qua bữa nhậu la de Con Cọp mờ khói thuốc. Vâng, tôi nhậu, tôi hút thuốc ngay đêm đầu tiên của đời lính trong câu lạc bộ với mấy đứa bạn mới làm quen. Tiền trong túi ba đứa chung lại chỉ đủ mua một dĩa tôm khô củ kiệu, một dĩa đậu phọng rang, một con khô mực nướng và hai chai bia Con Cọp. Sau nầy thì khá hơn, nhằm lúc đầu tháng mới lãnh lương, bọn tôi cũng nhậu với bò lúc lắc, cánh gà chiên bơ, gỏi sứa tôm thịt, bê thui như ai. Chỉ nhậu đơn sơ vậy thôi mà sao thấy ngon cách gì! Ngon đến nỗi có một lần ngồi nhậu bàn tròn ở đường Bùi Viện với đám bạn cùng đơn vị, tôi té bổ ngửa mà trên hai tay vẫn còn cầm chén cà ri dê và đôi đũa. Trước đó, tôi đứng lên để múc thức ăn. Một thằng bạn hay nghịch lén kéo chiếc ghế đẩu của tôi ra xa. Múc thức ăn xong tôi ngồi xuống khoảng không, thế là té. Tôi ngồi dậy đưa chén thức ăn lên khoe: “Chưa đổ miếng nào!” Cả đám ồ lên khen tôi vừa diễn một màn xiệc
Tửu lượng của tôi chỉ xoàng thôi, chỉ uống lai rai và ăn cũng lai rai, đỡ phải bị mắng là thằng phá mồi. Trong bàn nhậu, tôi thường đóng vai thụ động, ngồi nghe bạn bè tán hưu tán vượn nhiều hơn là ăn uống. Ly la de trước mặt bỏ nhiều nước đá cũng đổ mồ hôi trong cái nóng nực đầu Hè, từ sức sống tràn trề của đám tân binh non choẹt, và từ những dĩa tô thức ăn còn bốc khói của các bàn bên cạnh tỏa sang. Tôi ngồi đó xoay xoay cái ly, chờ những tiếng “Dô! Dô!” là vội vàng nâng ly như cái máy. “Trăm phần trăm vui đời lính!” “Không say không về!”, “Chơi hết mình!”… Tôi cũng ngửa cổ nuốt từng đợt ừng ực. Khi hơi men đã bắt đầu thấm vào trong cơ thể, tôi cũng cảm thấy vui lên, yêu đời hơn và cười nói líu lo. Ðôi khi cao hứng do bạn bè khích động, tôi cũng hòa nhập đóng góp giúp vui, ca hát nghêu ngao hoặc kể chuyện tiếu lâm và… giễu dở. Khi đã nhậu sương sương rồi, tôi rất dễ buồn ngủ, chẳng kèn cựa với ai và ngoan hiền như đứa bé con, chỉ mong tìm một chỗ đặt lưng xuống và làm một giấc.
Tôi trải qua mười một năm quân ngũ phần lớn ở các đơn vị tham mưu tại Sài Gòn, địa điểm ngồi lai rai ba sợi với bạn bè quanh đi quẩn lại vẫn là Ngã Tư Quốc Tế, Bến Xe Nguyễn Cư Trinh, Bến Bạch Ðằng và các câu lạc bộ trong đơn vị. Và chất lỏng chính tống vào cổ họng vẫn là La De Con Cọp hoặc 33. Chai Con Cọp 0.66 lít; chai 33 0.33 lít, vì vậy mới có tên là 33. Lính nghèo làm gì dám rớ tới mấy loại Cognac của Pháp như Remy Martin V.S.O.P., Hennessey, Courvoisier, Martell. Whiskey Johnnie Walker hay Black&White cũng không. Hơn nữa, uống bia lành mạnh hơn uống rượu mạnh. Ông tổ y học Hippocrates từ 2,380 năm trước đây đã công nhận bia có thể chữa được bệnh mất ngủ, bệnh viêm gan, tiểu đường, bướu độc và bệnh mất trí nhớ. Trí nhớ của tôi kém lắm, không biết tại tôi uống chưa đủ “liều lượng” hay là tôi từng uống quá đà và quá đã.
Dân nhậu hay nói tào lao lắm, các bạn không biết sao. Rượu vào lời ra mà.
Một nghiên cứu khoa học mới đây cho biết người có chỉ số thông minh cao thích uống rượu. Nếu không tin, bạn cứ đi hỏi ông cựu thủ tướng Úc Robert James Lee (Bob) Hawke thì biết. Ông thủ tướng cầm quyền từ 1983 đến 1992 thuộc Ðảng Lao Ðộng nầy nổi tiếng thích uống bia mà uống nhanh nữa. Năm 1955, lúc còn là một sinh viên đại học Oxford 25 tuổi, ổng uống 3 imperial pints (tương đương với 1.7 lít) bia chỉ trong vòng 11 giây đồng hồ và được ghi nhận trong Sách Kỷ Lục Thế Giới (Guinness Book of World Records). Trong hồi ký, ổng nói nhờ ổng uống bia nổi tiếng cho nên dân nước Căng-ga-ru khoái mà bầu cho ổng làm thủ tướng.Theo bản tin của Asia Pulse vài năm trước, Hiệp hội Bia Rượu và Nước Giải Khát Việt Nam cho biết rằng một người Việt Nam tiêu thụ trung bình 22 lít bia trong năm 2008, và chỉ đứng sau Thái Lan về mức độ tiêu thụ bia ở Đông Nam Á, một phần lý do là giá cả của bia và nước ngọt không khác biệt nhiều. Nhiều hãng bia và nước giải khát nổi tiếng thế giới đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các hãng Carlsberg, Heineken, Tiger and San Miguel. Đại công ty nước giải khát Hoa Kỳ Anheuser-Busch cũng đã đưa sản phẩm bia nổi tiếng Budweiser vào thị trường Việt Nam.
Theo bảng sắp hạng mức độ ưa chuộng, dân Sài Gòn ngày nay thích uống các loại bia sau: Heineken, Tiger, San Miguel, Budweiser, Carlsberg, Corona, 333, Saigon Xanh, Saigon Ðỏ, Huế. Cố ký giả Trường Kỳ từng cố gắng sưu tầm những câu dân nhậu sáng tác dựa theo tên của mỗi loại bia, tương tự như những câu theo tên các loại thuốc lá ngày xưa mà chắc các bạn chưa quên. Dân nhậu mà, phải bày trò cho vui chứ.
Như cái tên bia:
– Heineken: “Hôn em ít nên em khóc em nhéo” hoặc có thể đọc ngược lại “Nếu em khôn em nằm im em hưởng”
– Tiger: “Tình iêu giết em rồi” và “Thấy ít ghé em rầu”
– San Miguel: “Sao anh nhớ mà ít ghé uống em lo”
– Carlsberg: “Cho anh ráng lấy sức bế em ra giường”
Nhớ lại hồi còn nhỏ ở dưới quê, tôi thấy người trong làng phơi men, nấu rượu lậu, làm cơm rượu, đem đổ hèm vô máng heo cho heo ăn, có con ăn hèm nhiều quá đi băng xiên băng nai. Và tôi cũng nghe mấy bà vợ ăn trầu chê mấy ông chồng ăn… nhậu là hôi hèm. Kể ra mấy ông nhậu cũng hơi ở dơ thiệt. Nhậu xong họ lăn ra ngủ, bạ đâu ngủ đó, không rửa mặt, không súc miệng, không đánh răng, coi bệ rạc lắm. Mồi nhậu lỡ làm rớt xuống đất, lượm lên, phủi phủi mấy cái hay lau đại vô vạt áo dài, xong bỏ vô miệng nhai ngon lành.
Mà tôi thấy dường như hồi xưa người ta nhậu chỉ uống là chánh, còn mồi nhậu và thức ăn là phụ. Mồi nhiều khi chỉ là một trái cóc, trái ổi, một dĩa tôm khô củ kiệu, một con khô mực nướng. Tôi thấy họ chỉ nhậu có một thứ rượu duy nhất là rượu đế. Tôi tưởng “rượu đế” là rượu ngon nhất theo ý nghĩ “Đế” là vua. Nhưng hóa ra “đế” ở đây có nghĩa là cỏ đế, một thứ cỏ hoang cao rậm giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu. Đó là nơi lý tưởng để giấu rượu lậu khi có thanh tra ruồng xét để bắt. Địa danh Đồng Đế ở Nha Trang cũng mang ý nghĩa này chăng, một cánh đồng mọc toàn cỏ đế?

Thắm Nguyễn