Hình dáng vườn ở làng Tân Bình hồi xa xưa cũng như sau này khác nhau ở chỗ là hồi đời trước người ta lấy đất bằng cách đào mương, đào hầm như vừa kể; tới đời sau này vào khoảng thập niên 1980, người ta lập vườn bằng cách vào mùa nước ngập Tháng Tám âm lịch, dân quê mới mướn nhân công dùng xuồng lấy một lớp đất mặt ngoài ruộng chở vô đổ vào một nền nào đó để lập vườn. Hình thức vườn ở miệt Tân Bình nó không giống như hình thức các vườn thuộc miệt vườn ở Bến Tre, Vĩnh Long, Cái Bè, Mỹ Tho vì ở các vùng ấy tùy theo thế đất rộng hẹp mà vườn nào cũng khai nhiều mương ngang dọc để tiện việc tưới vườn và chuyên chở trái cây ra sông rạch. Vườn ở miệt dưới mới thật là vườn chuyên nghiệp. Còn vùng Tân Bình hồi xưa cũng như sau này lập vườn trồng cây ăn trái là để trồng cho vui, cho có hầu phụ với các vụ lúa mùa, hay nói cách khác vườn vùng Tân Bình là làm vườn cho vui nhưng cũng cực lắm vì còn phải lo vườn thấp bị ngập lụt vào những tháng nước lên hằng năm nữa.
Về cách trồng cây, hồi đời trước chưa biết cách chiết nhánh hay ghép cây nên người ta lập vườn bằng cách ương cây bằng hột, mãi tới thập niên 1960 dân quê mới bắt đầu trồng cây chiết và tới những năm 1970 loại cây tháp mới thông dụng trong việc lập vườn, tức là cây giống ở miệt vườn dưới Vĩnh Long, Bến Tre chở lên bán trên này. Cách ương hột giống thì xưa nay đều giống nhau là lấy hột tốt làm giống và ương xuống đất khô rồi tưới nước cho đến khi hột giống mọc mộng lên cây. Sau khi cây con lên tươi tốt cứng cáp người ta mới bắt đầu nhổ cây con đem giâm một vùng đất đã dọn sẵn theo khoảng cách giữa hai cây khoảng ba hoặc bốn tấc. Sau chừng một năm như vậy các cây con này lớn lên cao khoảng bốn hoặc năm tấc người ta có thể dùng cái xuổng bứng cây con lên và đem trồng vào các vị trí đã phân phối trên miếng vườn mình sắp trồng cây. Trường hợp trồng ngay tại vườn nhà thì cách bứng cây trồng thường thường làm vậy; còn nếu di chuyển xa, người ta cũng bứng cây như vừa kể làm sao cho bầu đất vừa gọn mà không bị đứt rễ cái; sau đó mới cắt bẹ chuối ốp chung quanh và dùng dây cột các bẹ chuối ấy lại cho bầu cây không bị bể bầu. Đâu vào đấy xong xuôi, người ta mới lần lượt xếp các bầu cây giống này xuống xuồng và chở về nhà để trồng. Hồi đời trước các nhà vườn thường ương cây giống nhiều có khi trồng không hết, nếu có ai cần vài ba cây thì bứng cho không cho họ; còn nếu ai muốn mua cây nhiều để lập vườn thì nhà vườn mới bán cây giống nhưng giá bán cũng rất rẻ…
Hồi đời xưa ông bà mình quan niệm trồng cây thì giao cành, nuôi cá thì giao đuôi. Vả lại lúc mới khai mở vườn ruộng đất đai lại rộng nên cây trồng khoảng cách từ cây này cách cây kia khoảng 3 thước hoặc nới ra thêm vài ba tấc để khi cây lớn các cành nhánh giao nhau vừa đủ, không hẹp quá mà cũng không rộng quá; vì cây trồng bằng hột giống khi cây đúng sức tàn cây khá lớn, nên nếu trồng với khoảng cách ấy thì rất vừa; sau này dân lập vườn trồng cây chiết hoặc cây tháp, tàn cây không nhiều nên khoảng cách giữa hai cây hẹp lại chút ít. Nhưng trồng cách nào thì trồng, khi bạn vô một miếng vườn vùng Tân Bình, bạn đứng ở bất cứ từ góc nào, bạn nhìn theo chiều ngang, chiều dọc hoặc theo đường chéo hình vuông hoặc hình chữ nhật bạn cũng đều nhìn thấy những hàng cây đều ngay hàng thẳng lối, không trồi ra, không sụt vô trông rất đẹp mắt và theo dân quê cho rằng các miếng vườn mà ngay hàng thẳng lối như vậy miếng vườn mới đẹp. Âu đó cũng là một trong những quan niệm về cái đẹp của dân quê trong việc lập vườn trồng cây ăn trái ngày trước vậy!
Thường thường các giống cam quýt hồi xưa làng Tân Bình hay trồng là quýt đường, quýt ta, cam tàu; còn bưởi thì chọn giống bưởi thanh trà, bưởi ổi. Sau này mới có cam sành, quýt hồng vùng Lai Vung chở cây lên bán trên này nên dân làng Tân Bình mới bắt đầu trồng các giống mới này. Giống như các giống xoài cát Hòa Lộc miệt An Hữu mãi tới gần cuối những năm 1960 miệt Tân Bình mới trồng các giống xoài cát này, chứ trước kia ở đây chỉ trồng các loại xoài quen thuộc như xoài thanh ca trắng, xoài thanh ca đen, xoài hòn, xoài voi, xoài đu đủ, xoài hương, xoài gòn, xoài giấm, chứ chưa có trồng giống xoài cát.
Nói là vườn cam quýt là nói chung những loại cây chánh trong một miếng vườn, nhưng thực tế là khi lập vườn như vậy người ta cũng trồng xen vào miếng vườn cam quýt ấy nhiều giống cây khác nữa. Chẳng hạn lúc cam quýt còn nhỏ, người ta trồng chuối xen vào giữa bốn gốc cam quýt với mục đích trước hết là những tàu lá chuối sẽ che mát cho các gốc cam quýt còn nhỏ; sau nữa trong khi chờ đợi cam quýt lớn, các bụi chuối này sẽ trổ buồng và giúp thêm hoa lợi cho nhà vườn. Rồi cặp theo các bờ mương, bờ hầm xung quanh miếng vườn người ta còn trồng thêm chanh, mãng cầu xiêm, mãng cầu ta, cốc, ổi, cau, dừa, mít, sa-bô-chê và nhiều giống cây khác, tức là không thiếu thứ cây gì… Mục đích trồng cây bao quanh vườn như vậy, trước nhất là có thêm huê lợi, sau nữa là các giống cây này lâu ngày có tàn cao làm hàng rào chắn gió giúp che chở cho vườn cam quýt ít hư hại vào những mùa mưa giông lớn…
Tuy nhiên, những loại cây bao bọc chung quanh các miếng vườn ấy có cái bất tiện là dễ bắc cầu cho kiến hôi bò qua vườn. Việc lập vườn trồng cam quýít hồi đời trước không có dùng phân hóa học hay thuốc trừ sâu như ngày nay, tất cả công việc nhà vườn là trồng trọt theo mùa màng tự nhiên của trời đất. Thế nên muốn cây trái tươi tốt thì cần đất tốt và tưới nước; nhưng muốn cam quýt có trái ngọt và nhiều nước, không bị khô hoặc chai cứng thì điều kiện tiên quyết là phải nuôi kiến vàng cho vườn cam quýt được xanh tốt. Có lẽ nước đái kiến vàng tác dụng lên việc trái cam quýt nhiều nước và ngọt chăng? Đó là kinh nghiệm trong việc trồng cây qua nhiều đời chứ không có một nghiên cứu khoa học nào hết vì dân quê phần đông ít học và sống hay làm bất cứ công việc nhà nông nào cũng làm theo kinh nghiệm thực tế qua các mùa màng và qua kinh nghiệm của ông cha truyền lại.

Vài nhánh bưởi chiết đang chờ ra rễ non