LGT: Hoà với những bloggers và các nhà đấu tranh trong nước đứng lên đòi hỏi chủ quyền, dân chủ, tự do cho Việt Nam, tác giả hướng lòng về vấn đề chủ quyền Biển Đông từ góc nhìn triết Việt. Trong bài viết này, tác giả lấy ‘nhân chủ’ làm nền để nói về vai trò của mỗi người Việt ở khắp nơi trên thế giới trong việc giữ gìn quê hương – cả đất đai cương thổ, lẫn di sản tinh thần – nhất là lòng yêu nước. Nếu ‘giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh,’ thì ở đây, không chỉ đàn bà, mà đàn bà có thai lại càng giữ một vai trò quan trọng trong việc giữ nước. Mời độc giả cùng “Giữ Nước ngày Xuân” với Trangđài Glasssey-Trầnguyễn.
Chủ quyền Biển Đông
Tôi muốn bắt đầu bài viết ngắn này bằng việc nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (HS-TS). Do đó, tôi sẽ nhìn vào những biến cố đang diễn ra xoay quanh vấn đề HS-TS trong nhiều năm nay từ góc độ chủ quyền, thay vì từ góc độ tranh chấp. Khi gọi những biến cố này là ‘tranh chấp,’ thì ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể vô tình mà đồng ý với Trung Cộng rằng đây là một vấn đề còn chưa được minh định. Khi gọi chúng là những biến cố liên quan đến chủ quyền HS-TS của Việt Nam, chúng ta khẳng định quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trong khu vực này, và xác nhận với thế giới rằng sự hiện diện của Trung Cộng là một hành động xâm lược.
Trước hết, mời độc giả đi vào tinh thần Nhân Chủ của Việt triết 1, lấy con người làm gốc, mà Triết gia Kim Định và Tác giả Việt Nhân đã khởi bàn (và theo tôi, vai trò của những ai thao thức với Triết Việt và đất Việt, là tận hoạt triết lý Nhân Chủ này). Triết gia Kim Định, trong quyển Thái Bình Minh Triết, Phần II, Chương I, Đoạn 9 và 10, trang 119-120, có bàn:
“…Nho là một nền Minh Triết, một Sophia. Nói khác, nền tảng Nho nằm trong Kinh Dịch. Tinh hoa của Dịch nằm trong âm dương, Tam tài, Ngũ hành:
Âm dương là số 2 chỉ Thái Hòa
Tam Tài, số 3, chỉ Nhân Chủ
Ngũ Hành số 5, chỉ Tâm linh, huyền niệm
Như vậy cốt tủy văn hóa Việt nằm gọn trong ba bộ số 2, 3, 5, hay trong ba định đề nền tảng là: Thái Hòa, Nhân Chủ, Tâm Linh…
Số 3 (chỉ Nhân Chủ) gặp được trong những bộ ba cái chạc tìm được trong các mộ cổ Đông Sơn có thể coi như đại biểu cho vô số bộ ba khác như thắp ba nén hương, rót ba chén rượu, ba cấp bàn thờ.”
Nhà nghiên cứu Việt Nhân, trong công trình nghiên cứu ba tập Văn Hóa Thái Hòa, Tập I “Văn Hóa Đông Nam,” Chương Chín, Phần A, Đoạn III, trang 297, có ghi:
“…Một Trời, hai Đất, ba Người. ‘Ba Người’ là một nét đặc trưng cho triết lý An Vi: coi Người như một tài ngang với Trời Đất, nên cũng gọi là ‘Tham thông,’ cả ba tham dự. Nếu Trời làm, Đất làm, thì Người cũng làm. Có làm mới là tham thông, mới là một trong ba tài. Con Người đây là Con Người Nhân Chủ: con người làm chủ sự vật…”
Theo tinh thần Nhân Chủ này, tôi đặt con người làm trọng tâm cho việc ý thức và bảo vệ chủ quyền Biển Đông, khởi đi từ thời gian thai giáo. Do đó, bài viết này không nhằm vào việc phân tích lịch sử và tình hình chính trị liên quan đến HS-TS, mà mong đề ra việc xây dựng một thành lũy vững vàng trong tâm thức cộng thông của người Việt ở mọi nơi trên thế giới. Thành lũy đó chính là lòng yêu nước, cần được gieo cấy và vun bồi ngay từ trong phôi thai. Khi mọi người đang nô nức và quyết liệt xuống đường biểu tình để bảo vệ chủ quyền HS-TS, tôi muốn đề ra một chiến lược cần thiết cho tương lai, nhất là cho những thế hệ ngoại biên, sinh trưởng tại hải ngoại. Chiến lược đó lại được đặt ra với các thai phụ và những người mẹ trẻ, những cá nhân ít ai nghĩ đến trong bối cảnh đấu tranh này.
Từ tu thân đến trị quốc
Sau buổi nói chuyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Đại học Stanford, California, vào đầu tháng 11, 2005, một vị cao niên gốc Do Thái cư ngụ tại Palo Alto, cũng là một nhà tranh đấu cho Hòa bình trong nhiều năm, đã nói với tôi:
– Sâu sắc quá! Tôi tâm đắc nhất là việc Đức Lạt Ma nói về việc tu thân.
Một thông điệp tưởng đơn giản, nhưng cần thiết và tiên quyết cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Trước khi bắt đầu, Đức Lạt Ma đã cởi giày, một cách bày tỏ với cử tọa hơn 7,000 người rằng, Ngài coi họ là bạn thân. Thái độ đầy thân thiết và lời nói đơn giản ấy đã mở trái tim và khối óc của những tham dự viên may mắn (vì số vé giới hạn, nhiều người chỉ có thể nghe buổi nói chuyện trực tiếp trên website của trường Đại học).
Tuy sinh tại Việt Nam sau 1975, tôi được đãi ngộ lớn lên trong một gia đình mà người thân vẫn nhắc nhở tôi về nguyên tắc tu thân, dù nó không được đề cập đến tại trường học, nơi trẻ em được đúc não theo khuôn Mác-Bác-Lê. Khi nghe lời nhận xét của vị cao niên nọ, tôi mới thấm thía cái giá trị của nguyên tắc căn bản này.
Nhưng Đức Lạt Ma còn mang đến một sự hỗ trợ về tinh thần rất quan trọng trong tiến trình bảo vệ chủ quyền tại biển Đông của người Việt. Ngài là hiện thân của đối đầu bất bạo động, tay không chống lại một chính quyền khát máu và bành trướng. Từ năm 1950, Ngài đã đóng vai trò lãnh đạo tinh thần cho Tây Tạng. Khi Trung Cộng xâm lấn quê hương Ngài năm 1959, Đức Lạt Ma đã âm thầm bỏ sang Ấn Độ, đưa theo hàng ngàn đồng bào lưu vong của mình. Kể từ năm 1960, với sự thông cảm và hỗ trợ của chính phủ Ấn, Ngài đã thiết lập một quốc gia lưu vong tại Dharamsala, Bắc Ấn.
Đức Lạt Ma tỏ thái độ kiên quyết và không sợ hãi đối với chính quyền Trung Cộng. Phong cách và sự kiên trì đấu tranh cho dân tộc Tây Tạng của Ngài đã giúp Ngài chinh phục cả thế giới đứng về phía Tây Tạng, cùng dân tộc Ngài tranh đấu cho chủ quyền và độc lập. Tìm kiếm những phương pháp bất bạo động dựa trên kiến thức, sự nhẫn nhịn, và tương kính, Đức Lạt Ma đã trở nên biểu tượng của hòa bình và của đấu tranh bất bạo động, bên cạnh Thánh Gandhi và người cũng nhận giải Nobel Hòa Bình như Ngài là nhà dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Khi Quốc Hội Hoa Kỳ trao Huy Chương Vàng để vinh danh Đức Lạt Ma năm 2007, cũng như trong những lần các vị nguyên thủ quốc gia Hoa kỳ nghênh tiếp Ngài tại Bạch Cung, thì chính quyền Trung Cộng kịch liệt phản đối và yêu cầu hủy bỏ những chương trình này. Mặc cho những thái độ quá khích này, Đức Lạt Ma luôn giữ một thái độ bình thản, và thậm chí đôi khi còn khéo léo khôi hài trong các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề Tây Tạng. Điều này có lẽ đến từ một nền tảng tâm linh vững vàng và tinh anh. Trào phúng, một yếu tố cần thiết trong việc đối diện với những kẻ hung hãn và tham độc. Hình như nhân loại ở khắp nơi, trong tất cả những kinh nghiệm bị đàn áp trong thời nô lệ hay đô hộ, đều ghi vào lịch sử một truyền thống trào phúng như công cụ đấu tranh.
Tôi nhớ đến bài thơ trào phúng “Lưỡi Bò Nướng” của nhà thơ Bắc Phong, hiện cư ngụ tại Canada, đăng trên Tiền Vệ, ngày 27 tháng 06, 2011. Bài thơ dài, tưởng như một công thức nấu ăn, nhưng thực chất thì không đơn giản như vậy. Xin trích phần đầu và phần cuối của bài thơ ở đây:
chiều thứ bảy bạn buồn tình
muốn nhậu lai rai
sao không thử món lưỡi bò nướng
lạ, dễ làm,
mà lại rất ngon
bảo đảm ai ăn
cũng phải rung đùi sướng
…
lưỡi bò nướng chín chấm mắm nêm
bạn ăn với rau sống và chuối chát
uống cốc bia to
chắc chắn mọi ưu phiền quên hết
….
mà này bạn, món lưỡi bò nướng
phải lưỡi bò Trung Quốc mới ngon!
Đúng như vậy! “Phải lưỡi bò Trung Quốc mới ngon!”
Tư tưởng, tiền đề của hành động
Tôi cho rằng khi Việt Nam đối diện với sự xâm lấn của Trung Cộng trong vùng HS-TS, người dân Việt sẽ tìm được sự hỗ trợ tinh thần rất lớn và một kim chỉ nam cần thiết ở Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ hơn nửa thế kỷ qua, chính Đức Lạt Ma vẫn đang kiên trì tranh đấu trong một cuộc chiến mà chúng ta đang đối diện ở Biển Đông: chống bành trướng Trung Cộng, bảo vệ chủ quyền cương thổ. Thông điệp ‘tu thân’ của Ngài thật thích hợp trong lúc này.
Nếu mỗi bậc cha mẹ Việt Nam ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều đặt việc nuôi dưỡng lòng yêu nước làm đầu, thì chúng ta không bao giờ sợ mất nước. Chính tư tưởng bảo vệ đất nước sẽ là bàn đạp, đưa những đứa con Việt về chống nạn ngoại xâm, hay đứng ra vận động với thế giới cho sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương mình ở bất cứ nơi nào. Nếu chúng ta lấy văn hiến làm cờ, lấy lịch sử kiên cường làm vũ khí, lấy chính nghĩa làm chiến lược, lấy sự đồng lòng làm thế tấn công, thì sẽ đẩy lùi được bất cứ một quân đội đồ sộ nào. Trận Lĩnh Nam, trận Bạch Đằng, trận Ngọc Hồi, và bao nhiêu trận khác trong thanh sử đã chứng tỏ sự chiến thắng của lòng quyết tâm và đồng tâm.
Thai giáo, đó là thời điểm tốt nhất để bắt đầu gieo hạt mầm yêu nước. Mỗi người dân Việt đóng một vai trò thiết yếu trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền HS-TS. Nếu mỗi người dân Việt ở mọi nơi lên tiếng nói chống lại sự xâm lược của Trung Cộng, thì chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông chắc chắn sẽ được bảo tồn. Và lẽ phải, công lý, và hòa bình sẽ đến trên quê hương, dân tộc, và mỗi người chúng ta.
Mùa Xuân – mùa đất trời thai nghén một chu kỳ mới. Mỗi người chúng ta cũng hãy thai nghén một tình yêu nước và một tinh thần đấu tranh mới, để mỗi năm, tình yêu đó thêm lớn mạnh, tinh thần đó thêm quật cường, để chủ quyền của đất nước sẽ bật nở theo cơn gió chướng lồng lộng gọi Xuân về.

Hình ảnh 21 tử sĩ đã hy sinh tại trận chiến Hoàng Sa, trong tổng số 74 người
(Endnotes)
1 Tác giả xin chân thành cảm ơn Nghị viên Vũ Khánh Thành, MBE, Luân Đôn, Anh Quốc, đã giới thiệu bộ sách của Nhà nghiên cứu Việt Nhân. Ông Vũ Khánh Thành cũng là Gia trưởng của An Việt Toàn Cầu và Anh Quốc, trang nhà anviettoancau.net. Ông cũng được Nữ Hoàng Anh trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh năm 2005 vì những đóng góp lớn lao cho người Việt tỵ nạn tại Anh Quốc và cho đất nước này nói chung.