Menu Close

Khi con người trở thành con chuột để thí nghiệm cho một lý thuyết.

Từ năm 1987 đến 1990, tôi theo học Triết tại University of New England. Năm 1989, trong một giờ của môn “Reason and Choice: Individual, Social, Political”, tôi ngồi trong lớp, nghe Tiến sĩ Jeff Malpas giảng về “socialism” (chủ nghĩa xã hội). Anh nói về nhiều dạng chủ nghĩa xã hội khác nhau, rồi anh thao thao nói về “Marxist socialism”. Nói xong phần đó, anh hỏi: “Có ai thắc mắc gì không?”

Tôi hỏi: “Jeff, theo anh thì cái lý thuyết về chủ nghĩa xã hội kiểu Marx có thể áp dụng vào thực tiễn một cách thành công được không?”

“Có thể được chứ,” Jeff đáp.

Tôi nói: “Nhưng tất cả những nỗ lực áp dụng nó vào thực tiễn trong thế kỷ 20 đều thất bại. Các nước Cộng Sản ở châu Á đang khốn khổ cùng cực, còn khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Bang Soviet đang đến hồi rối loạn, có vẻ như sẽ sụp đổ.”

Jeff nói: “Có thể họ sẽ thất bại vì những cách áp dụng của họ sai lầm. Nếu họ có cách áp dụng đúng, thì chủ nghĩa xã hội kiểu Marx có thể thành công trong thực tiễn.”

Tôi nói: “Jeff, vậy thì theo anh, áp dụng như thế nào mới là đúng?”

Jeff nói: “Tôi chưa biết áp dụng như thế nào là đúng, nhưng trên nguyên tắc thì ta có thể kiểm chứng tính khả thi của một lý thuyết bằng những thí nghiệm qua nhiều cách áp dụng khác nhau vào thực tiễn.”

Tôi nói: “Jeff, theo anh thì những thí nghiệm thất bại trên hàng chục quốc gia Cộng Sản trong thế kỷ 20 này đã đủ để kiểm chứng tính khả thi của chủ nghĩa xã hội kiểu Marx chưa?”

Jeff nói: “Tôi đã nói rằng có thể họ sẽ thất bại vì những cách áp dụng của họ sai lầm. Nếu họ có cách áp dụng đúng, thì chủ nghĩa xã hội kiểu Marx có thể thành công trong thực tiễn.”

Tôi nói: “Jeff, nếu anh tạo ra một thứ thuốc mới, và anh đã thí nghiệm thất bại trên xác chết của hàng trăm triệu con chuột bạch, thì liệu anh có tiếp tục thí nghiệm trên xác chết của hàng trăm triệu con chuột bạch khác nữa, để kiểm chứng tính khả thi của thứ thuốc ấy hay không?”

Jeff có vẻ hơi bị sốc, nói ngay: “Tất nhiên là không…”

Tôi nói, giọng tôi run lên: “Cảm ơn anh. Nhưng trong trường hợp này thì không phải là xác chết của hàng trăm triệu con chuột bạch, mà là xác chết của hàng trăm triệu con người…”

Jeff vội vàng nói: “Ồ không! Tất nhiên là không… Không bao giờ…”

Cả lớp học có vẻ bị sốc. Tôi nói: “Cảm ơn anh rất nhiều… Tôi là một con chuột bạch sống sót vì đã thoát được ra khỏi phòng thí nghiệm…”

Nói xong, tôi im lặng nhìn qua khung cửa sổ. Lớp học hoàn toàn im lặng. Jeff có nói gì đó, nhưng tôi không nghe nữa, cho đến khi tôi thấy sinh viên bắt đầu rời lớp học, tôi cũng đứng dậy và bước ra ngoài.

Trưa hôm đó, khi tôi đang ngồi uống cà-phê trong “Club Hotel” (mà bây giờ gọi là “White Bull Hotel”) thì có một bàn tay chạm nhẹ vào vai tôi. Tôi ngước lên thì thấy Jeff. Anh nhìn tôi một cách thân thiện và nói: “Uống với tôi một ly bia nhé.”

Tôi đáp: “Vâng, cảm ơn anh.”

Jeff gọi hai ly bia, bưng đến bàn, cụng ly với tôi, và hỏi: “Có lẽ anh là một thuyền nhân từ Việt Nam?”

Tôi đáp: “Đúng thế. Tôi là một thuyền nhân từ Việt Nam. Tôi đến Úc cuối năm 1983 và, sau vài năm kiếm sống, tôi vào trường này để tiếp tục học…”

Jeff nói: “Tôi rất hối tiếc… Tôi chỉ là một người nghiên cứu về lý thuyết…”

Tôi đáp: “Không sao đâu… Nghiên cứu lý thuyết thì rất tốt…”

Năm ấy, 1989, Jeff Malpas còn trẻ, anh mới đậu Tiến sĩ Triết học từ Australian National University năm 1986 và về dạy ở University of New England. Năm ấy, 1989, Liên Bang Soviet và khối Cộng Sản Đông Âu chưa sụp đổ…

Bây giờ thì Jeff đã lớn tuổi, anh đang là Distinguished Professor ở University of Tasmania. Tôi mong một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại anh, chắc là sẽ vui lắm khi ôn lại câu chuyện ngày xưa ấy…

alt

Bảo Huân

HNT