Menu Close

Làng Tân Bình và việc lập vườn trồng cam quýt ngày trước – Kỳ 4

Vườn cam quýt tối kỵ nạn kiến hôi; vườn cam quýt nào bị kiến hôi tràn vào thì coi như cam quýt có trái đều bị chai hết, không có chút nước nào; mà cây trái bị chai coi như mất mùa, đâu còn buôn bán gì cho ai được nữa. Thông thường kiến hôi không ai nuôi nhưng nó lại sanh sôi nẩy nở rất nhanh. Nơi các vườn cây hoang dại, hoặc các vườn tre gai chắn gió sau nhà là những nơi lý tưởng để các đàn kiến hôi sanh sôi nẩy nở. Thêm vào đó, so về sức giữa hai loại kiến hôi và kiến vàng thì kiến vàng lớn con hơn nhưng kiến hôi lại thường lấn đất kiến vàng; vườn nào kiến hôi nhiều thì kiến vàng lần hồi bỏ đi hết. Do vậy việc bắt kiến vàng, nuôi kiến vàng, diệt kiến hôi là những công việc thường xuyên và rất cực nhọc.

Việc đi bắt các ổ kiến có nhiều cách như lấy dao mác bén chặt nhánh cây có ổ kiến vàng ở dưới thấp ngang đầu hoặc ngang tầm tay vói, nếu gần thì bắt từng ổ mang về thả lên vườn; nếu xa đường một chút thì cắt được ổ nào mình bỏ vô bao bố tơi rồi buộc miệng lại chờ khi thấy được nhiều kiến rồi nhà vườn mới mang về mở miệng bao cho kiến lần hồi bò lên các nhánh cây rồi dần dần bò lan ra khắp vườn. Trường hợp ổ kiến đóng trên các nhánh cao, người ta dùng những cây sào dài có buộc lưỡi hái hay lưỡi câu liêm để cắt hoặc giựt các ổ kiến vàng cho đứt rời ra khỏi nhánh cây cao và bỏ vô các bao bố cột miệng lại đem về thả lên cây trong vườn. Người ta còn chẻ cây trúc làm ba hoặc làm bốn nan dài không cần phải chuốt bóng rồi nối lại với nhau và giăng thành dây từ cây này qua cây khác bắc cầu cho kiến bò đều trong vườn. Thêm nữa, nhà vườn phải luôn thăm nom chăm sóc các đàn kiến vàng ấy bằng cách cho chúng ăn nữa. Thức ăn mà chúng ưa thích là ruột gà, ruột rắn được thui cho vàng và vắt lên các nhánh cây rải rác trong vườn. Sở dĩ các thức ăn này cần phải thui cho vàng vì nếu để các ruột gà còn sống vườn tược sẽ bị các thức ăn ấy làm hôi thối, mất vệ sinh. Ngoài việc bắt và nuôi kiến vàng, nhà vườn còn cắt tỉa các nhánh cây từ các bờ mương gie ra bắc cầu cho kiến hôi bò qua vườn; người ta còn dùng đuốc lá dừa hoặc dùng cây rọi quấn bằng vải nhúng vào dầu lửa để đốt các ổ kiến hôi ấy nữa. Có thường xuyên chăm sóc như vậy các miếng vườn cam quýt mới tươi tốt, trái nhiều nước và ngọt; bằng ngược lại thì trái sẽ khô hoặc chai và trái không có nước coi như cây trái mất  mùa…

Hồi đời xưa không có các loại phân bón hóa học như phân lạnh (Urê), phân tiêu (NPK), nên các nhà vườn bón cây bằng cách bơi xuồng theo các kinh rạch vớt lục bình đem về tủ vào các gốc cam quýít. Tủ các gốc cây bằng lục bình như vậy có hai cái lợi, trước nhất là lục bình làm mát gốc cam quýt, khi tưới nước đất lâu khô; sau nữa khi lâu ngày lục bình bị mục thấm vào đất là một chất phân hữu cơ rất tốt cho các lọai cây trồng.

Hồi đời trước việc nhà nông cũng như việc nhà vườn là trồng theo thời tiết tức là làm theo mùa. Cây trái tháng Hai tháng Ba trời còn nắng nên phải tưới bằng cách gánh nước bằng gàu để tưới cây. Cặp theo các bờ mương vườn, xa xa chừng 10 hoặc 15 thước chủ vườn thường bắc một cây cầu để gánh nước từ dưới các mương vườn lên để tưới cây. Để cho cây thấm nước lâu khô, mỗi gốc cây như vậy người ta đào một cái vùng nho nhỏ chu vi cỡ miệng thúng giạ và be chung quanh bằng lớp đất vừa đào lên ấy làm chỗ giữ nước không cho tràn ra ngoài. Ngoài ra, nếu không dùng gàu gánh nước người ta lấy mo cau bẻ cóp lại rồi tra vào một cái cán bằng ngọn tầm vông dài cỡ ba thước dùng làm gàu vảy nước dưới mương để tưới vườn. Mãi tới những năm đầu thập niên 1960, các chủ vườn mới biết mua các loại máy bơm nước để tưới vườn. Mặc dù tưới bằng máy nhưng các chủ vườn vẫn móc vùng cho các gốc cây chứa nước để đất lâu khô. Các hiệu máy hồi đời trước ưa dùng là máy bơm hiệu Berna của Pháp; loại máy này có đặc điểm là máy chạy mạnh và bền; về các năm sau ở miệt Tân Bình có các loại máy bơm chạy bằng xăng như máy Kodler, máy Bridgestone (dân quê còn gọi tắt là máy BS) của Mỹ, hoặc máy Yanma của Nhật chạy bằng dầu diesel rất thông dụng. Riêng các loại máy Kodler, dân quê thường phân biệt ra làm ba loại căn cứ vào sức máy có bao nhiêu mã lực: Kodler tư là máy có bốn mã lực, Kodler sáu tức là máy có sáu mã lực, Kodler chín là máy có chín mã lực, Kodle mười tức là máy có mười mã lực. Dĩ nhiên máy nhiều mã lực thì sức bơm nước rất mạnh nhưng lại hao xăng hơn máy nhỏ. Nhà vườn nào sử dụng máy lớn thường thường người ta đặt máy cố định ở một chỗ vì máy rất nặng, mỗi lần di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác rất nặng nhọc. Từ một nền cố định ấy chủ vườn cứ bơm nước lên và tìm cách khai các đường nước cho nước bơm lên tràn đều tới các gốc cây trong vườn. Trường hợp dùng máy nhỏ như máy Kodler tư, thì người ta có thể dời máy hết góc vườn này tới góc vườn khác miễn sao mỗi nền bơm nước như vậy có thể tràn ướt nhiều gốc cây chung quanh chừng nào càng tốt chừng nấy.

Những vườn cam khi được tưới đầy đủ như vậy rất xanh tốt và thường trổ bông sớm; trái lại, các miếng vườn ít tưới thì cây trong vườn khô cằn và như người khát nước đến khi có những trận mưa đầu mùa Tháng Ba, Tháng Tư thì cây gặp nước mát tất cả cành nhánh đều đâm chồi non và cây nào đủ sức có trái thì tức thì trổ bông rộ lên cùng một lượt. Lúc bấy giờ bạn đi đâu trong những khu làng quê có vườn cam quýt ấy chỗ nào cũng tỏa hương thơm ngào ngạt của các loài bông cam  bông quýt tinh khiết mà bình dị cùng các loài cây trái khác trong vườn đang độ vào mùa trổ bông…

Vào mùa mưa già thì các cảnh vườn đã trở lại xanh tươi và cây trái nặng cành. Vì là vùng đất thấp nằm dọc theo bờ sông Hậu, sông Tiền nên mỗi khi vào mùa nước lên, mà nhất là những tháng mực nước lên cao nhứt vào rằm Tháng Chín âm lịch, các nhà vườn phải lo canh chừng mực nước dâng cao để phòng khi vườn bị nước tràn vào. Trường hợp nước chưa tràn vào, mới lé đé sát mé vườn, có người lo chở đất be bờ để ngăn nước. Thường thường vào Tháng Chín,Tháng Mười khi đang mùa nước ngập lại có dông bão, nên các vườn cam quýt dễ bị hư hại; đó là chưa kể lúc cây trái nặng cành rồi gặp mưa dông làm nhiều cây lung lay rồi vàng lá, trái rụng có khi cây chịu hổng nổi nên bị chết dần. Trường hợp gặp phải những mùa nước ngập tràn vào vườn như vậy nhà vườn thường rào rạo miếng vườn lại bằng chà tre hoặc bằng lưới rách nhằm mục đích ngăn gia súc nuôi trong nhà không lội vào vườn làm cây cối bị hư hại.

alt

HT