Những ngôi nhà kiểu biệt thự san sát kề nhau, yên lặng. Thỉnh thoảng, đây đó những chòm cây thông và các loại cây xứ lạnh xen lẫn đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng… điểm xuyết cho bức tranh thu thêm phần xinh đẹp. Sáng, chiều, đôi lúc cảnh vật chìm trong làn sương mờ ảo. Không khí lạnh giá!
Vậy là tôi đã ở đây, Everett, Seattle, WA được 15 ngày. Nhanh thật! Nhớ lại lúc còn ở bên nhà, nghĩ đến chuyện ra đi, tôi băn khoăn, ray rứt không đành! Nhưng rồi nghĩ đến tương lai con cháu nên đành dứt áo ra đi.
Tiếng loa thông báo máy bay chuẩn bị hạ cánh vang lên. Cánh chim sắt hạ dần độ cao. Qua cửa sổ, những cánh đồng vuông vức, rộng lớn; những rừng cây xanh ngắt bên cạnh những thảm cỏ bằng phẳng, xanh rì… Đất nước Nhật Bản cũng đẹp ghê đấy chứ nhỉ? Sau khi chào tạm biệt các cô tiếp viên Việt Nam xinh đẹp tha thướt trong tà áo dài màu hồng, tôi vội rảo bước theo anh bạn Việt kiều. Anh bước đi rất nhanh song vẫn có ý đợi tôi. Tôi cố vượt lên cho kịp. Sân bay Nhật rộng lắm! Tôi thấy nhiều nhân viên người Nhật và hành khách quốc tế. Anh bạn tình cờ mới quen tìm đến một nhân viên người Nhật để hỏi đường cho tôi đáp chuyến bay về Seattle, WA. Anh nói tiếng Anh rất sỏi. Hơn 30 năm trên đất khách rồi còn gì! Còn tôi chân ướt chân chưa ráo! Bao giờ mình mới được như thế nhỉ?! Người Nhật nọ sau khi nhìn vào một trang giấy dày đặc, sau này tôi đoán là danh mục chuyến bay, đã ghi thêm con số 24 quý giá vào chiếc vé chưa có số cổng vào máy bay của tôi. Sau khi hỏi thêm và chỉ đường cho tôi tìm đến đúng cổng bay, anh quày quả trở lại hành trình của mình song cũng không quên chúc tôi nhiều may mắn. Tôi đứng nhìn theo màu áo đỏ sọc trắng của anh khuất dần trong đám đông. Anh là đồng hương của tôi nhưng nếu nói anh là người Mỹ cũng không sai. Tôi chỉ còn biết thầm cảm ơn anh và đồng cảm với lời nói của ai đó đã từng được đọc: “Chung quanh ta vẫn có nhiều người tốt”.
Chặng bay thứ hai dài hơn nhiều. Trời đã về đêm. Hành khách hầu hết đã ngủ hoặc tận dụng thời gian nghỉ ngơi. Ngồi cạnh, cùng hàng ghế với tôi là đôi vợ chồng người Mỹ trông đã cao tuổi, to lớn. Tôi cố gợi chuyện để mong lau chùi lại vốn tiếng Anh xem chừng đã rỉ sét của mình! Họ mau mắn, lịch sự. Người đàn ông cho biết đã 79 tuổi, đáng tuổi cha tôi. Ông bà đã ở Seattle 15 năm. Khi biết tôi là người Việt Nam đến Mỹ để định cư, ông nói đất nước Việt Nam rất đẹp. Tôi hỏi ông đã đến Việt Nam lần nào chưa. Ông bảo chưa, đã đến Philippines, Hong kong… song biết Việt Nam qua phương tiện truyền thông. Ngoài việc phục vụ các bữa ăn, các tiếp viên còn đưa cho chúng tôi một tờ khai. Đọc nội dung tờ giấy, tôi nghĩ sao lại nhân viên máy bay đưa mà không phải là khai tại sân bay khi làm thủ tục hải quan. Người phụ nữ lấy ra cây bút và điền vào tờ giấy, thỉnh thoảng lại trao đổi với chồng. Trong khi đa số các hành khách khác đều đã ngủ. Tôi không có bút và cũng chần chừ không biết có cần phải khai hay không. Người đàn ông đưa cho tôi cây bút. Tôi điền vào chầm chậm. Một lát sau, ông liếc qua và chỉ cho tôi điền vào vài chỗ còn trống. Trời về đêm càng lạnh! Hai vợ chồng người Mỹ trùm kín đầu bằng những tấm chăn dành cho khách. Con số chỉ thời gian chuyến bay trên đồng hồ báo ngày càng nhỏ dần. Tôi biết sắp đến đất nước xa xôi mà tôi đang đến. Tôi cảm thấy mót tiểu! Phải đi tiểu ngay để đến sân bay còn phải lo làm thủ tục chứ không thể lòng vòng được. Tôi ngồi ghế trong cùng! Lối ra bị khóa chặt bởi đôi vợ chồng người Mỹ cao to quá khổ! Sợ làm phiền giấc ngủ của họ nhưng cuối cùng tôi cũng đành phải thất lễ, khẽ vỗ nhẹ vào vai người đàn ông và ngỏ ý ra ngoài. Khi biết được ý định của tôi, cả hai người vùng choàng dậy, nặng nhọc bước hết ra ghế để lấy lối ra cho tôi. Nhìn hai người cao tuổi nặng nề xê dịch, tôi thật áy náy! Tôi cảm ơn họ và vội đi xuống toilet. Xong việc, tôi tìm về chỗ ngồi của mình. Tôi lại sợ làm phiền hai vợ chồng ấy một lần nữa. Nhưng cái lo của tôi là vô ích. Lạ quá! Cả ba ghế đều trống trơn. Không rõ họ đi đâu mà chưa trở lại? Tôi vào ghế và phát hiện: À, thì ra họ cũng đi vệ sinh và cố tình để tôi về trước, khỏi phải lần nữa vất vả vào ra. Họ tốt bụng và lịch sự quá nhỉ?
Toán nhân viên của chuyến bay người Mỹ đứng dọc theo lối ra cười tươi, vẫy tay chào từ biệt chúng tôi. Tôi vội vã bước theo đoàn người, tìm hàng để xếp vào làm thủ tục hải quan. Một số người cầm tờ khai được phát trên máy bay. Tôi cũng cầm sẵn tờ khai ấy cùng với hồ sơ nhập cư của tôi. Một nữ nhân viên cảnh sát đi qua. Cô cầm tờ khai của tôi xem rồi hỏi tôi từ đâu đến. Cô điền tên nước Việt Nam vào một chỗ tôi còn để trống do không biết ý nghĩa của từ yêu cầu. Cầm visa và tập hồ sơ di trú trên tay, tôi cứ nhấp nhỏm lo lắng! Một viên cảnh sát tóc đen, dáng người đẫy đà đi ngang. Nhìn vóc người, tôi đoán anh người Châu Á. Bất chợt, anh tiến lại gần tôi và buông một câu tiếng Việt rất rõ:
– Chú đi diện nhập cư phải không?
Tôi mừng quá vội tiếp luôn:
– Vâng, tôi đi diện nhập cư. Nhờ chú giúp tôi làm hồ sơ…
Viên cảnh sát nhanh nhẩu:
– Chú cứ yên tâm. Cô ấy sẽ giúp chú.
Tôi nhìn theo tay của viên cảnh sát trẻ mang họ Nguyễn (tôi đoán theo bảng tên trên ngực áo) về phía cô cảnh sát đang làm việc trong phòng kính, nơi mà mọi hành khách phải đi qua. Tiếp tục chờ đợi! Rồi cũng đến lượt tôi khi cô cảnh sát ra hiệu. Tôi vội tiến đến, cầm hồ sơ giơ cao, lại nỗ lực dùng tiếng Anh để báo cho cô ấy biết tôi là người Việt Nam, đến Mỹ theo diện nhập cư, nhờ cô giúp đỡ làm thủ tục nhập cảnh… Không đợi tôi nói hết, cô cầm lấy hồ sơ của tôi. Xem xong, cô đứng lên khoát tay ra hiệu cho số hành khách ít ỏi còn lại chuyển sang quầy kế bên rồi dẫn tôi đi. Một viên cảnh sát tiếp nhận hồ sơ của tôi và bảo tôi ngồi chờ bên ngoài. Thế là yên tâm rồi. Tôi được lấy dấu vân tay. Viên cảnh sát còn cẩn thận hỏi tôi một lần nữa về địa chỉ nơi đến để kiểm tra cho đúng. Hành khách rất đông nhưng đã làm xong thủ tục và xuống lấy hành lý hết. Bây giờ một nỗi lo lắng khác lại hiện lên trong tôi: hành lý đâu rồi?! Liệu hành lý có bị thất lạc không khi tôi bị mắc cạn ở đây! Ngồi đứng không yên, tôi chạy lại ban công nhìn xuống. A! hành lý của mình kia rồi. Chúng đang quay vòng trên vòng xoay mà chỉ còn mỗi mình chúng đơn độc! Thấy tôi dáo dác, một cô cảnh sát quan tâm. Tôi chỉ xuống bên dưới và nói nỗi lo về hành lý của mình. Cô cười và bảo tôi yên tâm. Cô còn ra hiệu và nói với bên dưới rằng đó là hành lý của tôi.
Đám mây mù lo lắng được xóa tan nhanh chóng. Rồi mọi việc cũng xong. Viên cảnh sát lúc nãy thông báo thủ tục nhập cảnh của tôi đã hoàn tất. Câu nói cuối cùng của anh với tôi, trong khi các bạn anh đứng bên cùng cười biểu đồng tình là: WELCOME TO USA.
Tôi cười tươi mãn nguyện, cảm ơn và chúc lại các chú cảnh sát trẻ rồi xuống dưới nhà. Hành lý của tôi đã được ai đó đưa sẵn xuống đất chờ tôi. Việc cuối cùng còn lại là chờ người thân đến đón.
Chuyến bay của tôi thuận lợi hơn nhiều so với nỗi lo của tôi và gia đình trước khi bay. Tôi nhớ lại anh bạn Việt kiều tình cờ Atlanta, những người Nhật ở sân bay Narita, hai vợ chồng bố già người Mỹ, các viên cảnh sát trẻ ở Sea-Tac… Tất cả họ đã làm tôi yên tâm và ấm lòng. Nhất là những người bản xứ, họ tỏ vẻ thân thiện, lịch sự. Họ đã dang rộng vòng tay đón nhận đại gia đình chúng tôi hòa nhập vào cộng đồng dân tộc của họ. Sao chúng tôi không cảm ơn và hàm ơn họ cho được ? “Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây” vốn là truyền thống tốt đẹp tự ngàn xưa của người Việt Nam ta kia mà.
Đừng nghĩ những việc họ đã làm là nhỏ nhặt! Nhỏ mà đâu dễ làm! Nhỏ mà thành lớn. Nhỏ mà chính những người “đầy tớ của nhân dân” ở Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất lại không làm được! Thậm chí là làm ngược lại! Số là các nhân viên hải quan ở quê nhà đã bảo rằng hành lý của tôi có vấn đề và buộc tôi phải đưa tiền để được thông qua; trong khi hành lý của tôi đã đi qua các sân bay Narita và Sea-Tac mà có vấn đề gì đâu. Thật đau lòng!