Góc Nhiếp Ảnh (kỳ 45) đã đăng bài “Giấc Mơ Đại Bàng”. Và đây là phần 2, tiếp nối một cuộc hành trình cá nhân và có thể “kéo dài cả một đời người”!
Và “giấc mơ” ở đây là một hình ảnh thật hoàn hảo mà tôi đã sáng tạo trong đầu về loài đại bàng – một hình ảnh “có một không hai” (one-in-a-million shot) mà tôi vẫn luôn mơ ước thực hiện được.
Mặc dù đã “hốt” được những ảnh đại bàng Bald Eagles trong loạt ảnh của kỳ trước nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn. Bản thân của “sự hoàn hảo” perfectionist của tôi chỉ làm mệt cái mạng mình thôi!
Những động lực thúc đẩy như cảm giác “kiến cắn trong bụng”, hay đúng hơn, một cảm giác như “đời mình vẫn còn thiếu sót một cái gì”. Điều này đã khiến tôi bôn ba lặn lội trên 34 trong số 50 tiểu bang của nước Mỹ (đại bàng Bald Eagles chỉ có ở đất Bắc Mỹ và là biểu tượng quốc gia chính thức của Hoa Kỳ), thực hiện hàng trăm chuyến đi nhỏ và ít nhất 10 cuộc hành trình dài hạn (toàn bằng đường bộ roadtrip) với mục đích chính là tìm kiếm và săn ảnh đại bàng. Và để “giấc mơ đại bàng” của tôi được thỏa mãn một trăm phần trăm!
Nghĩ lại, một mình “giấc mơ” này cũng đã quá tốn kém rồi. Qua tất cả những chuyến hành trình bằng xe nói trên, tổng số khoảng cách tôi phải ngồi trước tay lái lên đến hơn 33,000 miles (một vòng bao quanh trái đất chỉ là 25,000 miles thôi).
Những bài học quý giá
Lúc mới bắt đầu, chưa có kinh nghiệm về đề tài này, những cuộc tìm kiếm trên mạng internet đã dẫn đến vài chuyến đi “không kết quả mấy”. Thật, “nghe lời những người trên internet chỉ có nước là bán lúa giống!”
Nhưng rồi… thất bại là mẹ thành công. Không gì bằng đích thực chứng kiến tận mắt. Những chuyến đi “đến nơi đến chốn” của tôi và Đặng Mỹ Hạnh lúc đầu mặc dù không hẳn đạt được kết quả hình ảnh ‘mỹ mãn’, nhưng đã giúp rút ra rất nhiều kinh nghiệm về đặc tính của con vật uy mãnh mà chúng ta gọi là “chúa tể của bầu trời”.
Chúng tôi đã chạy dài cả West Coast (bờ Thái Bình Dương), băng ngang miền Nam (dọc theo biên giới Mễ), tiến lên miền Đông Bắc (bờ Đại Tây Dương), chọt qua vài chỗ hướng Bắc; nói đại khái cũng gần hết diện tích nước Mỹ. Và cũng đã thử đi qua tất cả những mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Chúng tôi đã được chứng kiến và vẫn theo dõi những giai đoạn đời sống của loài đại bàng: từ sơ sinh trong tổ, được nuôi nấng tới lớn, học bay, học săn, học bắt, học giết mồi để ăn, và rồi cặp đôi để làm tổ và tiếp tục sinh sản thế hệ mới.
Tác phẩm “Đại Bàng Vũ Bão” qua ống kính của Andy Nguyễn.
Trúng độc đắc!
Và rồi, một ngày (không) đẹp trời nào đó, tôi gom góp hết tất cả kinh nghiệm của mình về loài Bald Eagles và quyết định “phải tới đó” chỉ để chứng minh là mình đúng! Phải nói là những điều kiện để có được những tấm ảnh “giấc mơ” của Andy còn khó hơn cơ hội trúng số; ít nhất trong cuộc xổ số, mình “chỉ cần” trúng sáu số.
Để có được những bộ ảnh “giấc mơ đại bàng” như tôi đã hình dung, những điều kiện sau đây phải ăn khớp:
– Địa điểm chính xác – nơi tụ tập của những con đại bàng khổng lồ, càng nhiều càng tốt, càng có cơ hội phong phú hơn.
– Thời điểm chính xác – lúc đại bàng làm những hành động chúng ta muốn chụp. (thí dụ: tha cây về tổ, bắt cá, bắt vịt)
Trong buổi Bald Eagles workshop, tôi sẽ hướng dẫn các bạn ảnh đến địa điểm có hàng ngàn đại bàng bắt cá ở khoảng cách rất gần.
– Khoảng cách giữa người chụp và đại bàng – nếu quá xa, ảnh sẽ không được chi tiết và không đủ phẩm chất. Nếu quá gần… hmmm, không có nạn “quá gần” đâu.
– Kỹ thuật nhiếp ảnh – làm sao để chụp được ảnh bén rõ, đúng độ sáng, màu sắc đẹp…v.v.
– Nghệ thuật nhiếp ảnh – trong ảnh phải có hồn, có chiều sâu, và nhất là có bố cục.
– Khoảnh khắc ngoạn mục – điều này không ai có thể tiên đoán trước được, nhưng nếu tay nghề càng cao thì càng có hy vọng “bắt” được khi diễn ra trước mắt.
– Đồ nghề thích hợp – như tôi đã nói, không khoảng cách nào gọi là “quá gần” để chụp đại bàng. Nếu có ống kính càng dài (càng lớn), thì càng tốt. Nhưng trở ngại là những ống kính đó thì quá nặng, quá đắt tiền, và quá… khó dùng. Tốt hơn hết là dùng đồ nghề “thích hợp” nhất cho bạn.
– Budget (ngân khoản) – chi phí cho chuyến đi. Tất cả đều là đầu tư cho kế hoạch lớn: từ máy móc, ống kính, tiền xăng, tiền hotel, tiền xe, tiền ăn, cho đến tiền học để chụp hình đẹp.
Sự kết hợp giữa nơi chốn, thời điểm, kiến thức về chủ đề (đại bàng), dụng cụ thích hợp, tay nghề, con mắt nghệ thuật, trình độ kỹ thuật, để bắt được một khoảnh khắc ngoạn mục, qua tác phẩm “Đại Bàng Ngũ Trảo Song Cước” của Andy Nguyễn
Người tính không bằng trời tính!
Cũng nên nhắc với các bạn, những điều kiện trên đều có thể do con người định đoạt, hoặc có thể thích ứng dễ dàng.
Một điều kiện khác tôi chưa nói tới là… thời tiết. Nếu trời mưa đột ngột, gió giông tới, sấm sét, hoặc những cơn bão tuyết vào mùa đông có thể ảnh hưởng không ít đến khả năng chụp ảnh hữu hiệu của bạn.
Giấc mơ của chung
Nghệ thuật nhiếp ảnh là một sở thích và là sự đam mê. Và lòng yêu thiên nhiên (và sự yêu thích thú vật) cũng là một sở thích ngày càng phổ biến.
Vì tôi tin rằng có nhiều bạn cũng có những sở thích này, tôi đã mở một chương trình workshop với chủ đề chuyên về đại bàng và sẵn sàng hướng dẫn các bạn đến nơi đến chốn. (xem thông tin trên trang web của tôi tại www.wildwingsphotography.com)
Trong khoảng không gian và thời gian này, bạn sẽ thấy hàng trăm con đại bàng khổng lồ xung quanh bạn, tha hồ chụp đến “mệt nghỉ”.
Có lẽ bây giờ bạn sẽ có “giấc mơ đại bàng” riêng của bạn?!
“Anh Hùng Xạ Điêu” thời nay.
AN