Menu Close

Một ngày vô sự

Gần hết năm rồi. Đã cuối Tháng Chạp. Khi Nguyễn viết bài này thì chỉ còn chưa tới một tuần lễ nữa là Tết. Một năm qua, nhìn lại ai cũng thấy quả là ngổn ngang công kia việc nọ, bận rộn lo âu, lúc nào cũng vội vã hùng hục, không có lấy một khoảnh khắc cho riêng mình. Bây giờ năm hết Tết đến liệu chúng ta có thu xếp được một ngày cho riêng mình, một ngày vô sự nghĩa là không lo toan không vội vã -để sống chậm lại, làm những việc ưa thích, cho mình và chỉ cho mình mà thôi?

 

Như thế có quá khó không hở bạn? Ngẫm lại quả thật chúng ta đang sống giữa một thời đại gia tốc, lúc nào cũng vội vã, chỉ lo làm việc mà không biết đến thú vui, hưởng thụ đời sống. Ở các nước Âu Mỹ hiện nay có một thứ bệnh gọi là workmania, bệnh “điên vì mê làm việc”. Báo cáo y học ghi: người ta điên mê làm việc đến nỗi tình trạng tâm thần, tự tử, tim mạch… ngày càng tăng. Ở châu Á, bệnh Karoshi chẳng hạn, một thứ bệnh dịch do làm việc quá nhiều, quá sức, làm như điên, đến nỗi sinh nhiều biến chứng và gây cả tử vong như chúng ta đã từng nghe thấy ở một số doanh nhân Nhật và đang lan qua nhiều nước. Liên Hiệp Quốc đã đưa “quyền nhàn tản” vào trong Tuyên ngôn  để khuyến khích người ta nghỉ ngơi mà chả ai thèm nghe! Nghe sao được, nhàn hay không là ở mỗi người chứ. Bắt người ta làm việc, cưỡng bức lao động thì dễ chứ ai nỡ bắt người ta nhàn, khi người ta muốn được bận rộn. Ở Mỹ ai cũng biết người ta tối tăm mặt mũi vì công việc. Đến nỗi có người ta thán, ca cẩm: Không kịp ăn sáng (mua fast food vừa lái xe vừa ăn). Ngủ không đủ (sáng đi làm trễ, không kịp cả tắm rửa). Hộc tốc. Lúc nào cũng hộc tốc. Nhai ngồm ngoàm (cái bánh sandwich to tổ chảng). Đi vội vàng. Thở hào hển. Và hùng hục, ngày cũng như đêm. Lâm Ngữ Đường cách đây nửa thế kỷ đã phải chê người Mỹ là lúc nào cũng muốn tăng hiệu năng, phải đúng giờ và say mê thành công. (theo Đỗ Hồng Ngọc trong Thư Gởi Người Bận Rộn). Một cô sống ở Mỹ kể: “Mới cách đây vài tuần, tôi tình cờ gặp lại cô bạn cũ hồi trung học, khi vô tiệm food to go ở Cali mua đồ ăn . Hai đứa chỉ kịp chào hỏi vài câu, thì cô bạn vội vã về đón con, còn tôi thì lật đật đi ra xe sợ trễ giờ làm. Cô bạn than “ Sao cuộc sống tụi mình lúc nào cũng tất bật quá há, chỉ khi nào hết thở thì mới hết … bận rộn … “.

 

alt

Tôi chỉ cười “ Xứ Mỹ mà lị … “

Nước Mỹ, nước Nhật… đều như rứa cả. Chỉ riêng có Canada là biết khôn đôi chút: Tại đây mỗi năm vào mùa hè, khoảng cuối tháng 6, chính phủ phát động một ngày gọi là một ngày không vội vã (A No Hurry Day). Khoảng chừng vài tuần truớc đó, là báo chí, các cơ quan truyền thông đều loan báo và nhắc nhở để mọi người chuẩn bị. “Ngày không vội vã” bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến 9 giờ tối. Mọi người được khuyên là “Bạn hãy ngủ cho thẳng giấc, thức dậy khi nào mình muốn. Hãy nhâm nhi tách cà phê, và ngồi ngắm khu vườn của bạn, nghe tiếng chim hót líu lo. Hãy đi ra ngoài nếu bạn thích, vào ăn trưa ở một restaurant nào mà bỗng dưng bạn muốn. Còn nếu không, bạn có thể mời bè bạn đến nhà làm BBQ. Bạn cũng có thể chạy xe đạp một vòng thành phố, hay nằm dài trên bãi cỏ của một công viên gần nhà, vân vân và .. vân vân “ .

Tóm lại, chính phủ khuyến khích người dân: “Hãy enjoy từng phút giây hạnh phúc, bình an của … một ngày không vội vã. Hãy biết sống và tận hưởng hạnh phúc ở quanh ta”.

Trên là trích theo Hoàng Thanh, trong website của cựu học sinh trường Nông Lâm Súc.

Đặng Mỹ Hạnh trong bài tạp bút Doing Nothing đăng trên báo Trẻ cách đây ít lâu cũng đã viết: Một ngày, tôi chợt cảm giác muốn “doing nothing”- Không làm gì hết! chỉ để cảm giác được thở… chậm. Bỏ hết khỏi tâm trí, cái nợ nần cơm áo, gạo tiền.

Rồi cô nói tới những ước mơ cụ thể của mình: Tôi chỉ mơ ước, giản đơn, được những giây phút thanh thản nằm dài trên sofa để nghiền ngẫm một cuốn sách hay; kèm theo một tách trà nóng với giấm táo và mật ong để nhâm nhi thưởng thức cái chua chua, ngọt ngọt và chát chát của món này, vào những lúc, tôi cảm giác những sợi dây thần kinh mình đang căng bừng bực, xém đứt. Và tôi mơ về cái duỗi chân thư giãn trên chiếc ghế  ở một khu resort cạnh biển. Thả hồn với đầu óc trống rỗng, và “không làm gì hết!”

Trước Đặng Mỹ Hạnh – cách đây cũng dăm bảy năm – nhà thơ Đỗ Quý Toàn (tức nhà báo Ngô Nhân Dụng), cũng vào dịp Tết như thế này, đã ước mơ có được “một ngày vô sự”. Tất nhiên, ngày đó không phải đi làm, mà cũng không có nghĩa là nằm ườn ra ngáy ro ro. “Vô sự” ở đây được hiểu là không vội vã, không hùng hục nữa, không mưu toan trí xảo tranh hơn thua với người. Theo nhà thơ Đỗ Quý Toàn trong cái ngày được gọi là vô sự này, ta buông xả hết mọi thứ, sống chậm lại, chỉ làm những việc mình thích và hưởng thụ đời sống. Pha cho mình một tách cà phê ngon, thong thả uống, nghe lại một hòa tấu khúc ưa thích, đọc cuốn thơ của một người bạn gởi tặng mà lâu nay chưa đụng tới, gọi điện thăm một người bạn cố tri cũng lận đận bên trời này như mình, đi dạo chơi ngắm vầng trăng chiều từ lâu quên ngắm. Vân vân, đọc bài văn lâu quá rồi không nhớ hết. Riêng Nguyễn tôi, ở giờ phút năm cùng tháng tận này, cũng cố gắng có được một ngày vô sự như nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Trong cái ngày ước mơ này, mình sẽ dậy trễ hơn thường lệ, nghĩa là khoảng 8 giờ thay vì 7 giờ như mọi khi, rồi thong thả đi pha cho mình một tách cà phê thiệt ngon, kèm theo bình trà và cái bánh nướng -bánh croissant ăn với smoked ham. Thong thả thôi, hôm nay không đi làm, có chi mà vội. Trong lúc uống trà, sẽ nghe nhạc chơi. Nhớ đã lâu lắm rồi, lúc hiền nội vẫn còn, trong chuyến đi chơi ở New Orleans, mình có mua một dĩa nhạc theo thể điệu blues trong đó có bài rất ưa thích The House of The Rising Sun từ mua tới giờ chưa hề đụng tới. Hôm nay chính là thời khắc đẹp nhất để nghe dĩa nhạc này. Thật là quá phê! Xong chợt nhớ ra dễ có đến hai năm rồi không xếp dọn lại các kệ sách –sách báo ngổn ngang không theo thứ tự nào hết. Nhân buổi nhàn hứng này ta đi xếp lại từng ngăn một. Trong lúc lục soạn sách, chợt nhìn thấy cuốn của Trịnh Y Thư  tặng đã lâu chưa xem, bèn dở ra xem bài Chỉ Là Đồ Chơi (cũng là tên cuốn sách). A, thú quá, thì ra  là thế. Văn tôi, thơ anh, cả đến nhạc Beethoven, hội họa Chagall, gì gì đi nữa cũng chỉ là đồ chơi. Vậy xin các ông các bà nhà văn, nhà thơ, nhà họa, nhạc sĩ, ca sĩ trong nước và ở đây đừng có vác mặt lên làm tàng, xem trời bằng vung nhé. Coi dị hợm lắm đấy, mấy cha mấy bà nội! Chuyện đời đâu có gì quan trọng lắm đâu! Chợt nhớ tới 33 lúc vui của Thánh Thán và Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường mà cách đây khoảng nửa tháng mình có xem qua trên lưới và đã có save vào máy. Bây giờ chính là lúc mở ra xem để tận hưởng thú vui nhàn tản. Thấm thoắt đã qua buổi sáng, ngày đã xế chiều. 7 giờ rồi, nhân lúc trời đẹp bèn đi tản bộ ra hồ nước, chỗ có những khóm lavender và đàn vịt. Những con vịt trời bay lượn thật là thảnh thơi. Trăng bữa nay mọc muộn nên mình không thấy trăng trên ngọn cây sồi như mọi khi. Buổi tối, cơm nước xong bèn mở TV ra xem chương trình nhạc Phạm Duy mang tựa đề “Con Đường Tình Ta Đi”. Ôi màn chót, Đức Tuấn và toàn thể ca sĩ hát bài tình ca này, nghe rồi còn muốn nghe lại nữa.

 

alt

Bảo Huân

Như vậy đó, Nguyễn đã có một ngày vô sự và đã tận hưởng với những việc làm như trên. Còn bạn thì sao, người đọc tôi hôm nay. Bạn sẽ vui hưởng những gì, làm gì trong một ngày vô sự. Mà bạn muốn có một ngày như thế không hay chỉ muốn hùng hục ngày đêm cho tới cuối năm, cho tới cuối đời. Như rứa là hết thuốc chữa rồi đó nghe bạn!

TN