Năm nay cô để dành cho mình một tuần lễ riêng để đón xuân, ăn Tết. Nàng xuân ở quê hương thứ nhì chỉ thủng thẳng nhẹ gót đến đây vào Tháng Hai dương lịch. Họa hoằn lắm mặt trời mới chịu nắm tay mặt trăng và ngày Tết âm lịch đến cùng lúc với tiết xuân trời Âu Mỹ.
Cô tính toán và chọn lựa được một buổi họp vào ngày 26 Tết, để có thể về kịp ngày cuối năm đón xuân với gia đình. Cây cỏ Basel vươn mình trỗi dậy sau những ngày say ngủ lạnh giá. Nhưng rồi tuyết vẫn rơi vào mùa xuân. Hôm qua trời tươi nắng ấm áp, mới qua một đêm, sáng nay thành phố ảm đạm mưa mù, buổi sớm mai mưa nhỏ giọt trên những hàng cây khẳng khiu trơ cành. Rồi trời chuyển tuyết, thoạt đầu những bông tuyết mỏng bay lả tả, tuyết mỗi lúc một dày hơn dày hơn che kín bầu trời.
Cô ngồi trong phòng họp nhìn ra cửa sổ, buổi sáng nhưng trời tối mù, cứ nghĩ đến chiều nay ra về lội tuyết là ngao ngán. Cô đi làm xa nhà, chỉ mang theo đủ quần áo theo thời tiết, sức đâu để khênh đủ mọi thứ phòng khi trời chuyển giấc trái mùa? Bây giờ quần chùng áo dài đóng bộ, thêm đôi giày cao gót làm sao mà lội tuyết?
Từ khung kính cửa sổ cô dõi mắt nhìn xa xa, giữa ngày nhưng thành phố vẫn im lìm như đang say ngủ. Đất trời Basel lủi thủi sang mùa, âm thầm lặng lẽ. Mùa xuân cũng như mùa đông. Buổi sáng cũng như buổi chiều. Buổi sáng ở đây những con kiến rời tổ lầm lũi ra đi, buổi chiều chúng trở về tổ cũng lầm lũi tẻ nhạt như buổi sáng. Thành phố này thầm lặng và buồn quá xá, hôm qua cô đi ngang công viên, trời ấm áp mà sao không thấy con nít trên những chiếc xích đu, không nghe tiếng cười, không thấy chó sủa mèo kêu chi cả. Ôi chao là yên lặng! Hôm nay thời tiết không ra làm sao, chỉ thấy những chiếc xe lầm lì di chuyển trong mưa tuyết, Basel còn buồn hơn nữa. Không như những ngày cận Tết rộn ràng náo nhiệt nơi quê nhà cô xa lắm…
Thắm Nguyễn
Cuối ngày tan sở, một ngày mệt mỏi vừa tàn, tuyết ngừng rơi. Những bông hoa tuyết đan kín bầu trời buổi sáng bây giờ tụ thành những vũng nước. Không muốn trở về quán trọ, cô đi bộ lên đồi. Nhà thờ Chính Tòa năm bên bờ trái sông Rhein, dãy tường vôi dưới mái ngói phủ rêu xanh thẫm cũ kỹ, tụ kín những bầy chim trốn tuyết, đứng chen nhau, cánh tựa cánh. Cô vào nhà thờ ngồi nhìn quanh. Mấy ngọn nến chập chờn, long lanh nhỏ lệ, ánh nến hắt hiu ảm đạm. Không gian quạnh quẽ âm u trầm mặc quá. Ngó lên cung thánh, ngọn đèn vàng mờ ảo trên bàn thờ, giờ này chắc Chúa đi vắng? Cô bắt gặp lòng mình lạnh tanh, trống trải, chẳng có gì để hỏi Chúa hay cầu nguyện.
Rời nhà thờ, cô băng qua cầu Wettsteinbrucke, dưới chân dòng Rhein nước chảy lặng lờ. Mỗi lần qua cầu, dường như là đi xa nơi ta muốn trở về hơn một chút nữa…
Cuối năm rồi nhưng ở đây chẳng ai đón Tết. Mùa quây quần của một gia đình chỉ nhóm lửa theo ngày tháng dương lịch. Ngày tháng của con người nhưng tiết mùa đến từ trời đất; ngày đã cận kề nhưng xuân còn hờ hững. Cô bật cười một mình khi bắt gặp hình ảnh phong pháo đỏ treo từ nóc nhà. Chẳng thể nào ta tìm được một nơi vừa vặn thích hợp để treo phong pháo ấy ở nơi này. Phong pháo sẽ lạc lõng biết bao. Những tấm thiệp xuân in hình hoa mai vàng hẳn cũng lạ lẫm không kém.
Lang thang xứ người ngày cuối năm, đầu óc cô lan man đến những mùa Tết xưa cũ ở một vùng đất rất xa. Cô lạc lối, không gian và thời gian, cả hai đều xa lạ.
Rồi chuyến bay đầu ngày đưa cô trở lại trời Bắc Mỹ. Tối Thứ Sáu mệt mỏi sau một tuần lễ cày cuốc, xem tin tức, cô ngó màn hình và chỉ thấy những hình nhân đối thoại, không hiểu và không nhớ họ đã nói những gì. Cô mong lắm mấy ngày cuối tuần, để thoát khỏi bức tường vô hình bao bọc chung quanh, và thay đổi không gian may ra thì hồi sức nhanh chóng hơn; để đón xuân và chờ Tết trong không gian của xứ hoa anh đào.
Năm nay gia đình cô họp mặt ở đây. Những cái Tết năm nào cô lủi thủi một mình, mùng Một hay mùng Hai cũng chỉ một ngày như mọi ngày, những ngày năm mới ỉu xỉu tẻ nhạt. Nhưng năm nay, cô bắt gặp mình rộn rã, hăm hở chờ đợi. Cô chờ đợi lúc quây quần nấu nướng, sửa soạn một bữa ăn gia đình với các món quen thuộc của dịp cuối năm. Cô chờ đợi lúc được nhìn ngắm mấy đứa cháu nhỏ xúng xính trong chiếc áo dài tươi màu, sà vào lòng cha mẹ, chú bác nhận phong bao lì xì và khoe nhau tiền mới.
Năm nào anh đào cũng nở, mặc thời tiết thay đổi lúc ấm lúc lạnh. Tuyết giá, đau ốm sầu não thế nào, những cội anh đào vẫn đơm hoa những nụ phơn phớt hồng. Những cành hoa khẳng khiu chia nhánh từ thân cây già cỗi. Có những thân cây đã mục, đã rỗng và vết cắt cứa còn tươi nhựa, tàn cây đau ốm rỗng ruột ấy được con người băng bó, chữa lành để tiếp tục đơm hoa góp sắc với đời sống.
Mấy gốc cây già thân đã bị cưa gần nửa, từ hốc mắt sâu trổ những nụ mảnh mai hàm tiếu. Đang mùa hoa nở nên cây trắng xóa không một sắc lá xanh. Giữa những nụ hoa tươi, bừng bừng sức sống là những nhánh cây gầy ốm trơ xương. Tuổi già và mầm non chia nhau sức sống. Sự tương phản giữa sức sống và cái chết không thể nào rõ ràng hơn được nữa. Một hình ảnh mơ hồ nhưng rất nhiệm màu về những cội anh đào già cỗi trổ hoa, như thể thân cây già nua kia đang cố gắng, một lần nữa thăng hoa, tặng hết sự sống cho cuộc đời để sự sống đơm hoa.
Chiều 30 Tết, cô đi quanh bờ hồ ngắm hoa. Anh đào nở rộ, xuân đã về. Những tàn cây trắng xóa như phủ hoa tuyết; những cây đơm nụ hồng, màu hồng nhạt phơn phớt. Nhìn ngắm cái màu hồng nhạt tươi tắn của bông hoa thì cô hiểu tại sao người xưa mô tả nét mặt người đẹp là “má đào”!
Hoa anh đào màu hồng phơn phớt, vẻ đẹp nhẹ nhàng, kín đáo nhưng huyền thoại “Sakura”đi kèm lại dữ dội vô cùng. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có người đẹp Phù Tang tên là Masa, (không biết “Masa” tiếng Nhật nghĩa là gì nhưng đọc là “ma da” thì tội cho người đẹp biết bao!) Người đẹp Masa bị nhòm ngó tranh giành bởi hai người hùng, từa tựa như nàng Mỵ Nương với Sơn Tinh, Thủy Tinh của ta. Người hùng đẹp trai tử tế tên Makito, người hùng không mấy tử tế là Kurundo. Mỵ Nương Masa ưng chàng Makito, và dĩ nhiên là Kurundo mặt nóng phừng phừng. Kurundo lân la mua chuộc cảm tình nên cha người đẹp Masa xiêu lòng. Người cha bảo cô con gái phải chuốc rượu cho Makito say mềm để Kurundo có thể lấy mạng tình địch (!) Masa không dám cãi lời cha nhưng cũng không muốn phản bội người tình nên nàng đành cải nam trang đi uống rượu thế mạng. Anh chàng không được yêu lấy mạng tình địch. Biết là giết lầm! Máu nàng Masa thấm xuống gốc anh đào, từ đó mỗi năm anh đào nở, nụ hoa có màu hồng phơn phớt… Chuyện tình lâm ly bi đát có yêu đương, có đổ máu, vậy mà chuyện vẫn không thành. Tội quá!
Anh đào màu phơn phớt nhẹ nhàng, hình ảnh của đôi má tươi hồng không phấn son rực rỡ, nét đẹp của chuyện tình nhẹ nhàng nhưng đằm thắm mà rưng rưng hoài. Như cô quay đi mà vẫn tần ngần ngó lại, như để “chụp” hình ảnh từng cội hoa lả mình bên hồ. Cô đến đây rồi ngây ngất với đất trời trong mùa xuân, trong ánh nắng tươi và những cội hoa đào.
Đang ngây ngất vì hoa, không gian êm ả của cô bỗng dưng bị phá vỡ. Có con quạ lẻ bạn từ đâu bay đến đậu trên cành đào, kêu la “á à, á à” như một lời cự tuyệt, cô theo tiếng khóc ngó lên ngọn cây, giữa những bông hoa trắng là con quạ đen thui. Giữa những cái đẹp vẫn có cái không đẹp. Chẳng lẽ xua quạ đi chỗ khác? Có thể nào ta đuổi được chim trời cá nước? Cô tiếc lắm mà không biết làm sao!
Chiều 30 Tết nắng vàng hanh. Bên bờ hồ gió đùa mặt nước, bóng anh đào lả ngọn lay động, nhảy múa. Đất trời hân hoan tươi tắn quá, cô nghe mùa xuân bừng bừng trong huyết quản, sức sống của đất trời như chuyển hết vào thân thể những dòng máu chảy cuồn cuộn, phơi phới…
Màu hoa dáng hoa hình như không khác năm ngoái, nhưng năm nay hình như nỗi ngây ngất kia có nhuốm một chút bùi ngùi. Ngày tháng đi qua, anh đào vẫn nở, chỉ có ta… thay đổi? Cô bắt gặp nỗi tiếc nuối vừa dấy lên rất nhẹ, rồi chỉ một tuần nữa là mặt đất sẽ trắng xóa những cánh hoa tàn.
Mùa xuân đến và mùa xuân sẽ đi. Giữa “đến” và “đi” là khoảng không mênh mông vô tận?
Cành anh đào năm cũ
Cánh mỏng, môi hôn,
vừa hé nụ
Vẫn phơn phớt máu hồng…
TLL