Qua tới cuối Tháng 10 và đầu Tháng 11 âm lịch lại sắp sửa có gió bấc, nên gió vừa lạnh vừa thổi mạnh nên cam quýt trong vườn cũng lại phải trải qua cảnh gió bấc làm cây cối sơ rơ thêm mấy ngày này nữa rồi sau đó vườn bắt đầu vào mùa cam quýt Tết. Trái nặng cành oằn nhánh và rồi lái buôn trái cây bán Tết lội rảo khắp các miếng vườn mà các năm trước họ đã đến mua cam quýt để dọ giá và nếu hợp nhãn họ sẽ đặt cọc cho mùa cam quýt Tết sắp sửa tới nơi trong vài tháng nữa…
Hồi đời xưa, việc bán cam quýt, chủ vườn bán mão, tức là bán nguyên trái trong vườn chứ không bán lẻ đếm chục, đếm thiên như đời trước hay bán cân bán ký như ngày nay. Bán mão có cái lợi là chủ vườn không phải tốn công bẻ trái mà tất cả do lái buôn tới ngày định hái trái là họ mướn nhơn công tới cụ bị thang, cần xé, ghe xuồng, lồng, giỏ và hè nhau bẻ trái đem xuống đổ từng đống lớn rồi họ phân loại trái lớn nhứt, nhì, ba, tư và mang xuống xuồng ghe đậu sẵn dưới bến.
Trong việc mua bán hồi đời trước lấy chữ tín làm trọng. Chủ vườn đã hứa bán cho ông A rồi dù ông B có mua giá cao hơn bao nhiêu họ cũng không bán; thêm nữa về phía người mua, nếu cây trái vào gần ngày bẻ mà giá thấp quá, họ cũng chỉ than thôi chứ không xin xỏ chủ vườn thêm bớt gì; tức là thuận bán vừa mua, lời ăn lỗ chịu. Có như vậy năm sau trở lại muốn mua cây trái nhà vườn nào cũng dễ; còn chi bằng cứ nài nỉ xin bớt một thêm hai, rồi xin hẹn nay hẹn mai mới trả tiền thì dân quê sợ lắm và gọi các lái buôn đó mất chữ tín rồi, mấy năm sau có vào vườn mua giá cao hơn các chủ khác bao nhiêu người ta cũng ít người nào muốn bán cho mình.

Cam chín vào mùa Tháng Chạp
Riêng chủ vườn khi đã muốn bán cam quýt, họ đã nhẩm tính vườn mình nếu bẻ xuống hết thì trái tính ra chục, chẳng hạn chục 16 trái, thì một trăm là mười chục, một thiên là mười trăm rồi họ tính ra được bao nhiêu thiên; nhà vườn chuyên môn họ ước tính thường xê xích chút đỉnh, ít khi bị hố lắm. Rồi nhà vườn thường chừa lại năm ba gốc cam quýt để dành vào việc hái trái cúng kiếng ông bà ba ngày Tết, để dành cho con cháu có cam quýt ăn và làm quà biếu chòm xóm. Tuyệt nhiên, ngoài những gốc cam quýt chừa lại đó, chủ vườn không bao giờ rớ tới một trái nào về phần đã bán cho các lái buôn. Chẳng những thế mà chủ vườn còn lo giữ gìn cây trái đã bán còn hơn là giữ gìn các gốc cam quýt của mình chừa lại. Thế mới biết dù dân quê ít học nhưng giữ chữ tín họ lại hổng thua ai trong việc buôn bán cây trái nhà vườn cũng như mọi việc khác có hứa hẹn với nhau vào những năm xưa ấy. Họ hay nói với nhau hoài “nhân vô tín bất lập” là do nề nếp nhà quê là vậy!
Hồi những năm 1950, làng Tân Bình miệt Lấp Vò có nhiều miếng vườn cam quýt nổi tiếng trong vùng, mỗi kỳ tới mùa bán trái, trái cây vườn nào hái xuống cũng đổ thành từng đống lớn như đống lúa hột năm ba trăm giạ là thường. Theo con đường làng từ ngoài vàm Lấp Vò ngay chỗ chợ Cũ đi dài vô tới chợ Bồ Hút (có người còn gọi trại ra là Bàu Hút) dọc hai bên rạch Tân Bình có rất nhiều vườn cam quýt. Chẳng hạn như đi vô khỏi vàm một đỗi, bên kia rạch có vườn chú Năm Ngữ. Chú Năm là một người danh giá trong làng; ngoài cái sở học tiếng quốc ngữ, ông còn biết chữ Nho và có hằng sản, hằng tâm làm phước giúp đời như đắp đường bồi lộ bắc cầu cho dân làng qua lại các con đường nhiều mương rạch. Vườn cam của chú Năm năm nào cũng trúng mùa có lẽ nhờ rất siêng năng chăm sóc mỗi ngày.
Đi vô một đỗi nữa, khoảng chừng hơn cây số, cũng phía bên kia rạch có vườn cam quýt của ông Hương Quản Minh. Hồi xưa đây là vườn cam quýt nổi tiếng một thời, cây trái oằn nhánh; nhưng mấy năm tản cư chạy giặc thì vườn này cũng bị cỏ rác bò phủ mịt mù, mãi đến những năm 1956, 1957 khi hồi cư về thì cây cối vì không ai chăm sóc nên lớp khô, lớp chết gần hết và ông Hương Quản cũng đã già nên khu vườn cam quýt này chỉ còn vài ba gốc cây cũ với nền nhà bằng xi măng bị đốt những năm 1945 rêu phủ một màu rêu buồn bã. Cho mãi tới sau này con cháu ông Hương Quản, mỗi người mỗi nơi lưu lạc xa quê nên cảnh vườn mỗi lần chúng tôi có dịp đi ngang qua thấy cảnh vẫn buồn…
Phía bên này sông, ngang vàm Rạch Dược có hai miếng vườn cam quýt của anh Tám Tắn và anh Ba Sao vào mùa Tết những năm 1950-1960 cây trái trĩu nhánh; nhưng sau này một phần đất lâu năm bị cỗi, một phần hai anh chủ vườn vì tuổi tác cao nên vườn cây cũng theo đó mà bớt xanh tươi đi nhiều. Mãi cho tới nay, anh Tám và anh Ba không còn và hai miếng vườn cam quýt này cũng hổng còn như xưa nữa.
Rồi nếu bạn qua bên kia vàm Rạch Dược, bạn theo con đường mòn của con rạch nhỏ này, bạn sẽ bắt gặp thêm vài ba miếng vườn cam quýt nữa như vườn của anh chị Chín Tao, vườn của thầy giáo Triều, vườn của chú Tám Hoạch, vườn anh Ba Nhung, những miếng vườn này không lớn nhưng trái rất sai oằn vào mỗi vụ mùa.
Trong Rạch Trầu, cách Rạch Dược chừng năm mười công đất, bạn sẽ gặp vườn cam quýt của Tía tôi, phải kể là vườn khá rộng với diện tích ước chừng hơn năm bảy công đất với mương vườn và ao cá cùng dòng nước Rạch Trầu bao bọc chung quanh làm vườn tược lúc nào cũng mát mẻ nhờ nước tưới lên vườn khá gần vào những tháng khô hạn. Hồi mới hồi cư về sau năm 1954, vườn cũng chịu chung cảnh loạn lạc phải tản cư nên có phần hoang sơ tiêu điều nhưng dần dần Tía tôi tu bổ bồi đắp lại và vườn thịnh nhất vào các năm 1958-1960 với cam quýt năm nào cũng trúng mùa.

Quýt đường chín vàng cây
Cũng trong Rạch Trầu nếu bạn đi một đỗi nữa về phía trong ngọn rạch bạn sẽ gặp các vườn cam quýt của chú Tư Mậu, của bác Sáu Tưởng, của chú Mười Khương, những miếng vườn cam quýt tuy không lớn lắm nhưng cũng nổi tiếng một thời! Từ đó, nếu bạn đi tới vài trăm thước nữa thì ngọn Rạch Trầu này sẽ giáp với Xáng Nhỏ, một kinh xáng thông thương từ rạch Tân Bình chạy tuốt qua Xáng Lớn, có vài miếng vườn cam quýt có tiếng khác như vườn của chú Ba Phấn, chú Sáu Di, anh Chín Phó về hướng trong ngọn hoặc trở ra vàm Xáng Nhỏ có vườn cam quýt chú Tám Hoạch, chú Sáu Đăng, bác Bảy Hiển mà sau này anh Năm Triển là con của bác Bảy tiếp tục tu bổ gìn giữ khu vườn này cho mãi tới những năm 1970 vườn vẫn còn xanh tốt như hồi đời trước.
Nếu bạn trở ra lòng rạch Tân Bình, phía bên kia ngang vàm Rạch Trầu, bạn sẽ gặp vườn cam quýt của chú Hai Biện Truyền, miếng vườn khá rộng chạy dài tới năm ba công đất. Rồi tiếp tục từ đây bạn theo con đường làng vào tới khỏi đình làng một đỗi bạn sẽ gặp vườn cam quýt của chú Hai Bửu, chú Bảy Cảnh, anh Hai Ban, hoặc vườn nhà thầy giáo Phúc, đó là những miếng vườn khá trù phú, tiêu biểu một thời về việc trồng cây lập vườn của làng Tân Bình năm xưa những năm 1950-1960.
Thế nhưng mãi tới các năm thập niên 1960-1970 các chủ vườn này đã bắt đầu chuyển sang trồng xoài thay vì trồng cam quýt như trước. Một lẽ vì việc chăm sóc cam quýt rất tốn công trong khi xoài trồng bỏ đó khoảng sau khi trồng độ chừng năm năm là xoài bắt đầu có trái chiến và cứ thế xoài lớn dần và cứ vào Tháng Ba, Tháng Tư khi mưa già là xoài vào mùa trái treo đầy cành mà không phải bắt kiến vàng, không phải tưới nước bón phân gì ráo trọi mà xoài vẫn trúng mùa nên dần dần các miếng vườn cam quýt trong làng cũng thay đổi theo thời… Đó là chưa kể những người khởi công lập vườn trước kia nay đã thêm nhiều tuổi, chân mỏi gối dùn, sức lực suy dần nên trồng xoài cũng là cách dưỡng già rất hợp với các thời tiết mưa nắng và nước lên hằng năm.
Ngày nay, qua rồi hơn bảy chục năm, ngồi nhớ lại những miếng vườn cam quýt ngày trước nơi làng Tân Bình, tôi nghiệm ra một điều là việc lập vườn tuy trồng cây để lấy trái hầu có thêm huê lợi nhằm phụ giúp trong gia đình nhưng cái cách trồng cây ở làng Tân Bình này cũng thể hiện được cái nề nếp của đời sống nơi làng quê qua các vụ mùa là lấy chuyên cần làm nền, lấy ngay thẳng làm chánh, lấy chữ tín làm trọng và lấy bông trái làm thú vui nơi thôn dã hoài hoài vậy!