Menu Close

Mandela: hành trình đến với tự do

Khi bộ phim “Mandela: Hành Trình Đến Với Tự Do – Mandela: Long Walk To Freedom” đang chiếu ra mắt tại Luân Đôn ngày 05 tháng 12 năm 2013, cũng là lúc cựu Tổng Thống Nelson Mandela qua đời tại nhà riêng ở Johannesburg, hưởng thọ 95 tuổi. Tin buồn vừa loan ra, nhà hát ngưng hoạt động, để tưởng niệm vị lãnh tụ kiệt xuất nhất trong lịch sử Châu Phi. Trước đó bộ phim dài 139 phút này được trình chiếu lần đầu tiên tại Liên Hoan Phim Toronto ngày 07 tháng 09 năm 2013, và tại Nam Phi ngày 28 tháng 11 năm 2013. Justin Chadwick là đạo diễn của “Hành Trình Đến Với Tự Do” ; William Nicholson viết kịch bản dựa trên quyển tự truyện “Long Walk To Freedom” của ông Nelson Mandela, được Little Brown & Co xuất bản năm 1995.

Là người thuộc dòng dõi hoàng gia Thembu, thời thơ ấu và lúc vị thành niên Mandela sống tại Nam Phi. Cái tên đầu tiên Rolihlahla của anh, hiểu theo thuật ngữ Xhosa có nghĩa là “kẻ nổi loạn.” Phải chăng đây là dấu chỉ “tiền định,” loan báo trước số phận của Mandela – người sau này được dân chúng Nam Phi cung kính gọi là “Madiba” (theo thuật ngữ  Xhosa có nghĩa là “Cha”), vì đã chiến đấu kiên cường chống lại chế độ phân biệt chủng tộc. Chàng Mandela trưởng thành, theo học ngành luật tại Đại Học Hare Fort, trở thành vị luật sư tài ba, tận tụy với nghiệp vụ. Vốn nhiệt thành, hoạt bát, yêu đời, Mandela tự khẳng định bản thân trong công việc, trong mối quan hệ với mọi người, cả trong lúc theo đuổi cô Winnie xinh đẹp.

Luật sư Mandela  muốn có một mái nhà êm ấm, muốn nhìn thấy vợ con và những người dân Nam Phi sống trong bầu không khí tự do, bình đẳng. Chính vì thế ông quan tâm đến việc chống thực dân, gia nhập đảng Đại Hội Dân Tộc Phi (ANC), và là thành viên sáng lập Đoàn Thanh Niên (Youth League). Khi đảng Quốc Gia Nam Phi nắm chính quyền năm 1948, Mandela là thành viên nổi bật trong chiến dịch vận động năm 1952 của ANC (Defiance Campaign), được bổ nhiệm làm giám đốc của tổ chức Transvaal. Năm 1955 ông trở thành chủ tịch đảng Đại Hội Dân Tộc. Mandela bị vào tù ra khám nhiều lần vì can tội lãnh đạo đảng ANC nổi dậy, nhưng các thẩm phán thất bại trong việc ghép ông vào tội phản quốc. Năm 1962 luật sư Mandela bị kết án âm mưu lật đổ chính phủ, bắt đầu giai đoạn 27 năm ở tù cho đến khi được trả tự do…

“Hành Trình Đến Với Tự Do” là biên niên sử nói về cuộc đời thăng trầm của cựu Tổng Thống Nelson Mandela, khi bước vào chính trường. Theo hãng thông tấn Reuters, phim “Long Walk To Freedom” quá tuyên truyền cho đảng Đại Hội Dân Tộc Phi (ANC), không được các nhà phê bình ủng hộ. Tymon Smith viết trên nhật báo Times như sau: “ Nếu quý vị muốn thực sự hiểu thấu người đàn ông này, quý vị nên đọc kỹ những quyển sách (viết về ông). Một ngày nào đó sẽ có người dàn dựng phim đưa ra những điều mới lạ và thú vị về Mandela, nhưng đây không phải là bộ phim như vậy; và có lẽ phim này đã bỏ lỡ cơ hội, hơn là thực hiện trọn vẹn mộng tưởng. Đây cũng là sự không may, bởi vì tất cả những điều như quyền lực, tiền bạc và ảnh hưởng ở đằng sau ‘Hành Trình Đến Với Tự Do,’ khiến những bộ phim trong tương lai sẽ phải đấu tranh với cái bóng dai dẳng không đáng của nó. If you want to really get to grips with the man though, you can do better by reading the books. One day someone will make a film that says something new and interesting about Mandela, but this is not that film and it seems a wasted opportunity rather than the fulfilment of a dream. It is also unfortunate that, because of all the power, money and influence behind it, all future films will have to struggle in its undeservedly long shadow.”

Đúng như Tymon Smith nhận xét, tuy bộ phim “Long Walk To Freedom” chưa hoàn hảo, nhưng danh tiếng của cố Tổng Thống Nelson Mandela và lòng ngưỡng mộ của thế giới dành cho ông, khiến dư luận tin rằng bộ phim sẽ là một ứng cử viên sáng giá của các giải thưởng điện ảnh cao quý. Trước mắt ca khúc chủ đề “Ordinary Love” do ban nhạc U2 trình bày thực sự chinh phục tâm hồn khán giả, đã được trao tặng Giải Golden Globe lần thứ 71 dành cho “Ca Khúc Hay Nhất” (“Best Original Song-Motion Picture” ). Tưởng cũng nên biết, để thực hiện “Hành Trình Đến Với Tự Do,” ngoài hai nhân vật chính do tài tử Idris Elba và nữ tài tử Naomie Harris đảm nhận, còn có sự tham gia của hơn 100 tài tử người Nam Phi. Nhà sản xuất Anant Singh được Nelson Mandela ủy quyền thực hiện dự án làm phim nói rằng: Đây là bộ phim được “thai nghén” lâu nhất – suốt 17 năm – và chi phí cũng tốn kém nhất (dẫu không biết chính xác là bao nhiêu.) Nhà tù giam giữ Nelson Mandela trên đảo Robben, được tái tạo chính xác từng chi tiết tại hãng phim ở thủ phủ Cape Town. Và hãng Videovision Entertainment có ý trao tặng hiện trường này cho bảo tàng Mandela ở Qunu.   

Dù nhiều người khen lắm người chê, công chúng và các nhà phê bình điện ảnh đều có chung một nhận xét: Điểm lại những bộ phim “Mandela-1987” (Danny Glover đóng); “Mandela and De Klerk -1990” (Sidney Poitier đóng vai Mandela, Michael Cain vai De Klerk.); “Goodbye Bafana -2007” ( Dennis Haysbert); “Endgame -2009” (Clarke Peters đóng); “Invictus -2009” (Morgan Freeman đóng).v.v…; thì trong “Mandela: Long Walk To Freedom”  tài tử Idris Elba đã thể hiện phong cách của Nelson Mandela độc đáo nhất. Tuy ngoại hình không giống Mandela, nhưng Elba đã bắt chước dáng đi của Mandela, đã siêng năng luyện tập giọng nói đặc biệt của ông – một điều mà nhiều tài tử phải “đầu hàng.” Nhưng thế mạnh trong lúc hóa thân là Mandela của Elba lại trở thành điểm yếu khiến anh bị công kích, bởi vì dư luận cho rằng: Idris Elba  chỉ thành công trong việc mô phỏng cái bóng của Mandela, nhưng không thể hiện được “thần khí” của vị Tổng Thống lừng danh.

Sinh thời cựu Tổng Thống Nelson Mandela không thích những đoạn phim tuyên truyền, hay đánh bóng tên tuổi của ông. “Hành Trình Đến Với Tự Do” ở chừng mực nào đó cho công chúng biết rõ hơn về con người bình dị, thoải mái, đời thường của Mandela.Ông cũng là người có nhược điểm, có những lúc “nổi loạn” điên cuồng, có những thất bại trong hôn nhân, có bà vợ Winnie gây nhiều hiểm họa và tai tiếng. Công chúng Nam Phi, và công chúng ở khắp nơi trên thế giới yêu mến Mandela không chỉ vì ông là lãnh tụ tài ba, là người được giải Nobel Hòa Bình, mà bởi vì họ biết ông chẳng phải là nhà chính trị tầm thường. Hiểu theo một nghĩa khác ông lên làm Tổng Thống không phải để nắm quyền lực, tạo vây cánh hay bè phái, mà để tìm cách hòa hợp hoà giải, tìm cách xây dựng sự đoàn kết giữa những người Nam Phi – cả da đen và da trắng. Những tư tưởng đầy nhân bản ông ký gửi trong “Long Walk To Freedom”…

“No one is born hating another person because of the color of his skin, or his background, or his religion. People must learn to hate, and if they can learn to hate, they can be taught to love, for love comes more naturally to the human heart than its opposite. Không ai sinh ra mà đã ghét người khác vì màu da, vì nền giáo dục, hay vì tôn giáo của  anh ta. Mọi người phải học cách để ghét. Nếu người ta có thể học cách để ghét, họ cũng có thể được dạy cách yêu thương, vì tình yêu đến với con người tự nhiên hơn là lòng căm ghét.”

…Chính là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời của Mandela, đã giúp ông trở thành bất tử.

alt

Mandela: Hành Trình Đến Với Tự Do – nguồn bet.com

HV – 10:15am Thứ Năm ngày 16 tháng 1 năm 2013