Menu Close

Mấy tin y tế đầu năm

 Tế bào gốc được tái tạo thành giống như tế bào phôi

Với những thí nghiệm có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong lãnh vực tế bào gốc (stem cell), các nhà khoa học đã tìm ra một cách đơn giản để “tái lập trình (reprogram) các tế bào trưởng thành của thú vật, làm cho những tế bào này trở lại trạng thái phôi thai để từ đó phát sinh ra nhiều loại mô khác.

Tế bào gốc là những tế bào chính trong cơ thể có khả năng phân biệt ra thành đủ loại tế bào khác.

Có hai loại tế bào gốc chính: tế bào phôi (lấy từ phôi) và tế bào người trưởng thành (còn gọi la iPS cell, lấy từ da hoặc máu và tái tạo thành tế bào gốc theo những thử nghiệm mới đạt được như đề cập ở trên.

Từ trước đến nay, muốn lấy tế bào phôi phải phá hủy phôi người. Kỹ thuật này đụng chạm đến vấn đề đạo đức và bị những người chủ trương phò sinh (pro-life) phản đối.

Trong những thí nghiệm mới đây, các nhà nghiên cứu lấy các tế bào da và máu, để cho chúng tự nhân lên, rồi sau đó đưa vào những tình huống khắc nghiệt, như cho bị chấn thương, để vào môi trường oxygen thấp hoặc ngâm các tế bào này trong một dung dịch acid yếu trong nửa giờ.

Theo dõi trong nhiều ngày, các nhà khoa học thấy những tế bào này không những không chết mà còn trở lại trạng thái tương tự như một tế bào gốc lấy từ phôi.

Các tế bào gốc này, được đặt tên là STAP (Stimulus-Triggered Acquisition of Pluripotency) sau đó có thể phân biệt ra và trưởng thành thành các loại tế bào và mô khác nhau tùy theo môi trường chúng được đưa vào.

Cuộc nghiên cứu này được các chuyên gia mệnh danh là “thay đổi tinh thể”. Nếu thành công, thì trong tương lai có thể đem kỹ thuật này áp dụng vào các tế bào con người, để có thể dễ dàng thay thế các tế bào bị hư hại, hoặc tái tạo các cơ phận mới cho người bệnh hoạn hoặc bị thương.

alt

Haruko Obokata, người phát hiện ra một phương pháp kích thích kích hoạt của pluripotency (STAP) tế bào – ảnh Takuya Isayama

 Cúm gà không còn là chuyện riêng của Trung Quốc nữa

Đã có những trường hợp nhiễm bệnh cúm gà H7N9 đầu tiên xảy ra bên ngoài lục địa Trung Quốc, nên các viên chức y tế trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho một đợt bùng phát bệnh này có thể xảy ra trên quy mô lớn. Hàng tỷ người Trung Hoa di chuyển trong dịp Tết âm lịch có thể là điều kiện chín muồi để lây lan bệnh từ những người đã bị nhiễm. Thêm nữa, tiệc tùng ngày Tết có nhiều thịt gà là tác nhân mang cúm H7N9. Một lý do khác là Thế Vận mùa đông sắp được tổ chức, với sự tập hợp đông đảo của nhiều người, cũng là cơ hội lý tưởng để bệnh lan truyền.

Một chuyến bay sắp tới nước Mỹ hoặc đến bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có thể đem theo cơn đại dịch.

Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo có 246 trường hợp, đa số là người Trung Quốc, đã bị nhiễm H7N9 từ khi virus này được phát hiện năm ngoái, trong số đó một phần tư đã bị tử vong. Các giới hữu trách ở Hong Kong hoặc Trung Hoa đã áp dụng những biện pháp như hủy hàng chục ngàn gia cầm hoặc cấm không cho buôn bán gà tại một số địa phương. Nhưng cái khó là không thể phân biệt được gia cầm bị nhiễm virus với những con chưa bị.

Điều đáng quan ngại là H7N9 có đủ hai trong số ba điều kiện để trở thành một cơn dịch lớn, đó là nó dễ lây lan trong gia cầm, chim chóc, và có thể truyền từ chim, gà qua người. Cho đến nay chưa thấy trường hợp truyền dễ dàng từ người sang người, nhưng nếu chuyện này xảy ra sẽ có thể là một cơn dịch lớn.

Nếu H7N9 trở thành bệnh dịch, có một loại thuốc chủng đã được các nhà nghiên cứu chế tác, nhưng không công hiệu lắm và phải chích nhiều liều (dose) nên sẽ rất phức tạp khi phải chích cho số đông người. Một biện pháp có thể chặn đứng sự bùng phát của bệnh đã tỏ ra khá hữu hiệu trong quá khứ, đó là giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người và thú bị nhiễm bệnh, thực thi chiến dịch không tụ họp đông người để tránh virus lây lan nhanh, và phân phát thuốc để trị những trường hợp bị bệnh.

 Có nên gọi mập phì là bệnh?

Tháng 6 năm rồi, mập phì được Hiệp hội Y khoa Mỹ (American Medical Association) chính thức xếp vào loại bệnh tật, chẳng khác gì như ung thư, tiểu đường… Đã có nhiều cuộc tranh cãi từ khi có quyết định này, tương tự như trường hợp năm 1956 khi ghiền rượu được xếp loại là bệnh.

Nhưng quyết định đó đưa đến nhiều hại hơn lợi, theo kết quả cuộc nghiên cứu của một số nhà tâm lý học mới đây.

Khi con người biết rằng chứng mập phì của mình là một thứ bệnh, họ ít coi đó là trách nhiệm do mình gây ra nên lơ là với việc giảm cân, không quan tâm đến mục tiêu làm cho mình khỏe mạnh, mà quay ra tiếp tục tiêu thụ thêm nhiều calorie nữa trong khi ăn uống.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng xếp loại mập phì là bệnh sẽ có lợi về lâu về dài: Khi người mập phì biết tình trạng mình là bệnh hoạn họ sẽ tìm cách chữa trị, giống như người biết mình bị ung thư vậy.