Menu Close

Rủi ro của vitamin và phụ dược

Hơn phân nửa những người sinh sống ở Mỹ đã uống đều đặn mỗi ngày một số vitamin và phụ dược (supplement), coi đó là cách ngừa bệnh và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của tạp chí Consumer Reports cho thấy chúng ta đừng nên quá tin rằng những thứ chứa trong các chai lọ có nhãn vitamin, phụ dược, dược thảo… là tốt cho cơ thể.  Sau đây là những lý do:

1. Phụ dược không chắc đã an toàn

Từ năm 2007, Cơ quan FDA đã nhận được hơn 6 ngàn báo cáo về những phản ứng nghiêm trọng do các phụ dược, vitamin và dược thảo gây ra. Các triệu chứng gồm: dấu hiệu không ổn về tim, thận, gan, đau nhức, dị ứng, mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa…

2. Một số phụ dược có chứa thuốc theo toa

Sự an toàn của các phụ dược trong đó có pha những thuốc phải có toa bác sĩ mới mua được, đang gây nhiều quan ngại. Từ năm 2008 đã có hơn 400 sản phẩm nguy hiểm như thế bị thu hồi, đa số là để giảm cân, làm lớn bắp thịt và tăng cường khả năng sinh lý. Ngoài những thành phần có thuốc theo toa, có sản phẩm còn chứa những steroid tổng hợp. (Steroid là các hợp chất chất béo hữu cơ hòa tan có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp).

3. Có thể dùng vitamin và khoáng chất quá liều lượng

Bạn thường nghĩ vitamin chỉ có lợi mà chẳng hại gì, nhưng không phải thế. Dùng một liều lượng lớn các vitamin A, D, E và K có thể gây bệnh. Một số người còn bị phản ứng với calcium và phụ chất sắt. Còn liều lượng tiêu chuẩn của phụ dược cũng có thể tương tác với một số thuốc theo toa do bác sĩ cấp.

4. Không thể chỉ tin vào các nhãn cảnh báo

Nếu bạn tưởng rằng FDA đòi hỏi trên các chai lọ vitamin và phụ dược phải dán nhãn cảnh báo, thì nên xét lại. Các cảnh báo về phản ứng có thể xảy ra hoặc những rủi ro sử dụng khi có thai, không bắt buộc phải ghi trên nhãn, trừ phi sản phẩm đó có chứa chất sắt. Vậy với vitamin hoặc một phụ dược, nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi dùng

5. Không có sản phẩm nào chứng tỏ chữa được những căn bệnh nặng

Đừng tin vào những quảng cáo nói thứ vitamin này, dược thảo nọ có thể chẩn đoán, chữa trị hoặc ngăn ngừa được một căn bệnh. Từ năm 2007, FDA đã gửi thư đòi chấm dứt ngay đến các công ty nào quảng cáo như thế.
 
6. Cẩn thận khi mua dược thảo

Dược thảo khá phổ biến nơi các sắc dân Hispanic và Á đông. Họ bán ra những thứ cây cỏ chữa bệnh theo truyền thống, đôi khi còn quảng cáo chữa được cả bệnh thân xác lẫn tâm linh nữa. Trước khi mua dùng, nên hỏi cặn kẽ cho biết dược thảo gồm những thành phần nào, xuất xứ từ đâu, và có thể gây những phản ứng gì.

7.  Ngừa bệnh ung thư, bệnh tim là điều chưa chứng minh được

Thuốc viên omega-3 và những chất chống oxy hóa (antioxidant) được nhiều người cho là có thể giảm nguy cơ bị bệnh tim và ung thư, cũng như cả triệu phụ nữ đã uống calcium để bảo vệ xương. Tuy nhiên, những bằng chứng mới được đưa ra gần đây cho thấy chưa chắc những phụ dược đó là an toàn và công hiệu như ta thường nghĩ. Nên tham khảo với bác sĩ trước khi dùng.

8. Thuốc viên có thể làm cho thực quản bị nghẹn hoặc ngứa rát

Đúng vậy, thuốc viên có thể kích thích thực quản, gây cho bắp thịt co giật, đôi khi quá lớn làm nghẹn nuốt không xuống được. Để tránh bị nghẹt thở, nên uống nhiều nước để viên thuốc nuốt xuống dễ dàng, hoặc ngửa nhẹ đầu về phía sau.

9. Một số sản phẩm “thiên nhiên” thực ra chẳng phải thiên nhiên

Bạn có biết rằng chế biến vitamin bằng phương pháp hóa hợp là điều hợp pháp? Ngay cả những sản phẩm organic (hữu cơ) cũng được phép chứa những thành phần tổng hợp mà vẫn được dán nhãn “organic” của Bộ Canh nông. Thấy một phụ dược dán nhãn “dược thảo” chưa chắc đã lấy từ cây cỏ. Hơn nữa, các phụ dược không có những tiêu chuẩn khi chế biến như thuốc và không cần qua những thử nghiệm như thuốc. Có một cách để biết được các thứ vitamin, dược thảo hoặc các phụ dược khác có an toàn không, là coi trên nhãn có ghi dòng chữ “USP Verified (được USP kiểm nhận)”. Có nghĩa là nó đúng theo tiêu chuẩn về phẩm chất, tinh khiết và hiệu quả do tổ chức bất vụ lợi U.S. Pharmacopeia đặt ra.

10.  Có thể là bạn chẳng cần đến phụ dược

Nếu bạn đã theo đúng những khuyến cáo về các chất dinh dưỡng nên dùng hàng ngày mà trẻ em nào khi mới đi học cũng được nhà trường dạy bảo (gọi là food pyramid) thì chẳng cần đến phụ dược làm chi. Cứ dùng một hỗn hợp lành mạnh các trái cây, rau, cereal, sữa và protein là đủ.  

TM