Menu Close

Hoàng Trúc Ly – Thơ & Người

Hoàng Trúc Ly (1933-1983) tên thật là Đinh Đắc Nghĩa, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1933 tại Bình Định. Sau khi đậu bằng tú tài Pháp, ông đã ghi danh vào trường Luật, nhưng chẳng được bao lâu thì bỏ học vì không khí chật hẹp, nóng bức, chẳng thoải mái của các giảng đường.

Tác phẩm tiêu biểu: tập thơ duy nhất “Trong cơn yêu dấu” (1963) và một số các thi phẩm khác đăng rải rác trên các báo, tạp chí, tập san ở miền Nam Việt Nam.

Hoàng Trúc Ly qua đời ngày 23 tháng 12 năm 1983 trong một tai nạn xe cộ trên đường Phan Thanh Giản.

alt

Hoàng Trúc Ly

Đặng Tiến:

Không có gì dễ, và không có gì khó, bằng vẽ chân dung một nhà thơ. Lý do giản dị là thi nhân không có chân dung. Thi sĩ chỉ là một tiếng nói, thay âm độ qua từng giây phút và chuyển hóa không ngừng mỗi lần đến với chúng ta. Vẽ lại khuôn mặt của người thơ là tạo ra giữa không gian mênh mông những tiếng rì rào chung quanh tâm hồn và đôi khi phải vẽ thêm niềm im lặng giữa chiều sâu ý thức. Mỗi câu thơ mang mùi hương, đến với chúng ta một lần để không bao giờ trở lại; mỗi bài thơ là một âm điệu lướt đi, lướt đi, về vĩnh viễn. Vẽ lại mùi hương đã thoảng qua, âm điệu đã chìm trong tiềm thức, ôi có gì dễ, ôi có gì khó cho bằng!

Tôi sắp sửa làm một công việc phù du, dùng chiếc cọ vô hình để vẽ lên không trung một khuôn mặt chưa bao giờ có thật: khuôn mặt nhà thơ Hoàng Trúc Ly (1933–1984). Tôi bắt đầu vẽ ngay nụ cười, một nụ cười khoan dung, chấp nhận, lúc nào cũng hiền hòa giản dị, nhưng lúc nào cũng xa vắng, mênh mông như từ bên kia cuộc đời gửi lại. Tôi sẽ vẽ thêm đôi mắt trong xanh và cái nhìn cũng hiền hòa, dịu dàng như nụ cười, đôi mắt vuốt ve, lưu luyến. Tôi sẽ ngưng lại ở đây, vì thi sĩ Hoàng Trúc Ly chỉ gửi vào thi ca có đôi mắt và nụ cười trong sáng, e ấp quan niệm sống, phản chiếu một ý thức nghệ thuật sau những ngập ngừng dò dẫm suốt hơn mười năm sáng tác.

Ở cỡ tuổi ngoài hai mươi Hoàng Trúc Ly đã tự chọn ngừng lại trước ngưỡng cửa công danh (hiểu theo nghĩa thông thường): chàng không muốn đi sâu vào đời, chỉ mến yêu những hè phố về khuya. Quyết định phản lệ ấy đẩy chàng xa gia đình, lại một cái cớ để chàng đi dọc bên lề cuộc đời, cho đến khi tai nạn dồn dập đôi lần suýt đẩy Hoàng đến bờ cõi chết. Nhưng rồi chàng không chết… Trở lại cuộc đời, Hoàng Trúc Ly cho in tập thơ đầu: Trong cơn yêu dấu.

Thi phẩm đầu tay này không mang dấu vết thơ của tuổi hoa niên. Nhưng chúng ta sẽ dò thăm ấu thời của thi ca Hoàng Trúc Ly bằng cách lục lại các tạp chí cách đây tám, chín năm. Muốn dò thăm tương lai thơ của chàng, ta sẽ đọc qua đôi bài thơ Hoàng đang chuẩn bị xuất bản trong tập thơ sau. Sau khi tìm hiểu tâm hồn, quan niệm sống của thi nhân, ta sẽ nhìn qua kỹ thuật một nhà thơ, những đại lộ tôi muốn mời người đọc cùng giẫm chân lên.

Tôi xin đóng vai trò giới thiệu, vì người giới thiệu có quyền hạn rộng hơn người phê bình, ví dụ như có quyền chủ quan, nhìn vào cái hay trong khi đợi chờ thử thách của thời gian.

Có e dè chăng nữa, là trên đời, không có hai người cùng đọc một bài thơ được đến hai lần. Lần sau, một lớp cát mỏng sẽ phủ nhẹ lên lớp phù sa còn đọng lại sau lần thứ nhất. Như thế, mỗi bài thơ dưới mắt mỗi người là một bài thơ riêng, duy nhất, chỉ đọc một mình và chỉ đọc một lần.

Đọc thơ, là cùng cô đơn với thi nhân, một loại “cô đơn hai người” ấm áp. Vì Hoàng chỉ lo phải cô độc một mình:

“Bước chân người thơ đôi khi hấp tấp quá, đến sớm quá và lịch sử mới chớm nở: cô độc. Đôi khi đến trễ quá và lịch sử đã qua một quá trình trưởng thành: cô độc. Đôi khi họ đến trong thời kỳ mà người viết sử với thi nhân như chưa gặp bao giờ: cô độc. Và bao nhiêu bỡ ngỡ, bao nhiêu dồn ép khiến họ mặc cảm như mình đang lạc địa dư, lầm thế kỷ… Bởi vì đã đi trước… Bởi vì đã đi sau. Và dù đi sau hay đi trước, vẫn chỉ đi một mình.”

Phạm Công Thiện:

“Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của những câu phù chú. Đối với Hoàng Trúc Ly, ngôn ngữ hãy còn mới tinh, mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh mệnh. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại”. Xin thêm ý kiến của Đặng Tiến: “Hoàng Trúc Ly là một nghệ sĩ khéo lựa tiếng đàn. Trong thi phẩm từ ngữ luôn luôn tạo thành một hòa âm tinh tế. Thường những bài lục bát của Hoàng chỉ có bốn câu, nhưng bốn câu ấy tựa vào những âm vọng, âm hưởng hòa hợp lẫn nhau để tạo thành một sinh khí, một cơ thể, một năng lực.

Nghệ thuật diễn tả của Hoàng Trúc Ly đạt đến độ tài tình. Hoàng Trúc Ly phả hơi thở mới vào các hình thức đã già nua. Hoặc bằng nhạc điệu, hoặc bằng từ vựng, Hoàng Trúc Ly chứng tỏ rằng thi ca Việt Nam vẫn còn những kho tàng chưa khám phá…”

Phan Bá Thụy Dương:

“Hoàng Trúc Ly tính tình hiền hòa, ít nói, trầm lặng. Anh có rất nhiều bạn rượu, bản thân anh uống rượu cũng rất cừ. Anh thích đi bộ lang thang dưới bóng chiều tà, tiện đường thì ghé lại ngủ nhà bạn. Có thể nói Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lang thang”.

Những bài thơ của Hoàng Trúc Ly

Sầu Ca Sĩ – Tặng Thanh Thúy

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xoa vòng tóc tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống hồn anh
Lắng nghe da thịt tan tành sau xưa.

Nhân dạng

Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim cất cánh
Ngựa què rồi em cỡi lưng anh
Tôi cứ yêu, khốn nạn cứ cười
Chim cứ bay cho mây gãy cánh
Em chết rồi ai ám sát tôi

Vĩnh Biệt

Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non

Hoàng Lan

Có phải vì em đang gỡ tóc
Cho mây từng sợi rối chân chim
Có phải hoa bay đầy cánh bướm
Vì em thay áo mái tây hiên.
Ôi mới hôm nào như hôm qua.
Tay ai bùa phép nắm đôi ta.
Như nắm mùa đông hơ ngọn lửa
Cho tuyết đầu non chảy máu ra…
Ôi mới hôm nào như hôm kia
Con đường chở nặng những mưa khuya
Cho nên bóng tối tan thành khói
Ánh mắt mờ sương lạc lối về
Ôi có hôm nào như hôm nay
Anh ghen vì gió đã choàng vai
Em đi như vẽ trên đường nắng
Em nói như đàn trong miệng ai
Anh là dòng sông mơ chín suối
Em là mặt trăng thèm mặt trời
Cách trở bốn mùa vây trái đất
Còn nghe đau xót thuở nào nguôi