Khó nói rõ được vì sao mình yêu và nhớ Hà Nội. Cũng như nhiều nỗi yêu miền nhớ khác, chẳng thể nào lý giải vì sao. Nói đến “vì sao”, có chút gì như mặc cả. Nên chẳng ai lý giải vì sao mình yêu Chúa. Chẳng ai giải thích vì sao ta yêu cái mầm của đứa con đang nằm trong bụng ta đây. Cái đứa con chưa là con nhưng đã làm cho dáng đi dáng đứng dáng ngồi của ta trở thành gượng gạo méo mó, làm cho thời con gái của ta mãi mãi qua đi.
Nhưng bây giờ thì mình thử lý giải một chút: mình yêu Hà Nội vì có phần của cha mình ở đó…
Mình sinh ra ở miền Trung. Sinh ra sau khi cha ở một trại giam nào đó trở về, và cầu hôn chính thức người con gái đã mười tám năm chờ người đàn ông mười chế một sống ở một chốn nào đó không ai được tới thăm.
Giờ đây, khi mẹ đang thiêm thiếp ngủ sau cơn đau ở dạ dày – mẹ bệnh ung thư dạ dày, đã qua hai lần mổ – nhìn gương mặt mẹ, và mình hình dung đôi mắt của cha vào những đêm nóng lạnh trong một cái Trại nào đó, khi ấy chắc hẳn cha cũng nằm ngửa mặt nhìn lên trần xà lim và nhớ cái gương mặt kia.
Mình không hình dung được đôi mắt và gương mặt trẻ trung của cha khi đó, nhưng mình đã nhìn thấy rõ ràng cái gương mặt mệt mỏi vào những ngày cha sắp về nước Chúa. Chừng một tuần lễ trước khi cha mất, cha kêu mẹ tới nằm chung giường. Cha đòi mẹ nằm nghiêng ôm ngang người cha. Mình chỉ thấy cảnh đó trước khi ánh đèn vụt tắt.
Đêm nay, nhớ lại hình ảnh đó, bỗng dưng mình thấy phải ngồi dậy bật máy, tình nguyện viết cuốn hồi ký cho mẹ cho cha.
Cha được đi học Đại học tại Hà Nội. Và rồi bỗng dưng ở giữa chốn kinh đô văn minh này, cha bị người ta đưa đi “cải tạo” mà không xét xử gì hết. Rồi cha bị giam ở một nơi đèo heo hút gió mà sau này vào một ngày cuối năm rét mướt mình đã cùng mấy cụ “đồng trại” đi thăm lại chốn xưa.
Cha bị giam ở đó, đoạn đầu dài mười lăm năm. Mười lăm năm, không được biết mẹ cha mình đau ốm đói no sống chết ra sao. Mười lăm năm không biết người yêu của mình còn ở trên đời này để đợi chờ một bóng ma vật vờ ở Cổng Trời, hay người đã xóa bỏ lời hẹn ước chạy theo ngả theo một mối duyên nào đó. Cha vẫn nuôi hy vọng – một niềm hy vọng kéo dài mười lăm năm. Mình tin là cha còn nuôi hy vọng. Nếu không, răng mà cha sống sót nổi những mười lăm năm ở một nơi “có đi không có về”? Đây còn là điều thử thách nữa: người trai ấy hoàn toàn không biết, hoàn toàn không hiểu vì sao mình lại phải ở đây và khi nào mình được trở lại cuộc sống bình thường – và cha đã sống, đó là lời chứng cho niềm hy vọng mãnh liệt trong cha – chắc chắn mình không đoán nhầm.
Sự thử thách niềm tin và niềm hy vọng của cha nào đã hết! Đến cuối giai đoạn mười lăm năm đầu tiên, người ta thông báo cha sẽ được thả, sẽ được tự do. Và cha đã chờ… các thủ tục. Những thủ tục kéo dài suốt trong ba năm, sao cho cuộc thử thách cộng chung lại được đủ mười tám năm. Một guồng máy quan liêu? Hay là một cuộc tranh chấp gay go giằng co giữa một thứ “chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt người” với một thứ “chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt quỷ”? Hay là một viên quản ngục “có học” nào đó đã nghĩ thêm một kiểu tra tấn mới – tra tấn vào niềm hy vọng của tù nhân?
Sau mười tám năm tù đày, cha được tự do. Cha cầu hôn mẹ. Chắc chắn cha đã hết lòng biết ơn. Niềm tin trong lòng mẹ đã khiến mẹ kiên trì chờ đợi vô vọng suốt mười tám năm ròng. Mình biết rõ điều này, vì có lần cha nói với mình, mẹ là ân huệ mà Chúa ban cho cha trong cuộc đời. Và trong công trình toán học của cha được viết khi ở trong tù, cha đã nhắc đến mẹ như một niềm tự hào và biết ơn sâu sắc.
Vào những ngày rét mướt năm 2010, mình đã cùng mấy bác bạn tù của cha trở lại vùng núi xưa. Trên con đường cheo leo chỉ có đá và đá, xa tít tắp bên dưới là con sông Nho Quế như một sợi chỉ chạy vòng vèo dưới thung lũng, xe dẫn mình và các bạn tù cũ của cha đến nơi “cải tạo” xưa của cha. Đến nơi mới thấy, nỗi đợi chờ của mẹ chưa thấm vào đâu với nỗi tuyệt vọng của người tù lưu đày ở nơi “Cổng Giời” này. Nỗi tuyệt vọng trong đợi chờ của mẹ dẫu sao cũng còn được đắp đổi với tình làng nghĩa xóm nơi xóm đạo quê nhà. Còn ở đây, nơi cha “sống” – cái chữ “sống” ở đây mới giễu cợt làm sao! – chỉ có gió rét tới thăm, chỉ có tiếng gầm rú của thiên nhiên hoang dại làm bạn, chỉ có cái hầm hè của những người lính gác làm đồng hành, nỗi tuyệt vọng là của con người cô độc giữa con người. Vậy mà cha đã sống để về với người con gái rồi sẽ thành vợ thành mẹ. Vì thế, đêm nay gần cuối năm, nhớ lại tất cả những hình ảnh đó, bỗng dưng mình thấy phải ngồi dậy viết cuốn hồi ký cho mẹ cho cha.
Hai người làm lễ ở Thánh đường thuộc giáo phận Vinh. Anh Nhân là con đầu. Cha mẹ đặt tên anh là Nhân, chắc chắn là vì cha mẹ không nghĩ tới sự phục thù. Cha lại đi dạy học – một nhà giáo thực thụ từ trong tâm hồn và trí tuệ không thể mang một đầu óc phục hận. Sự phục hận ngay cả khi giành được “thắng lợi” thì cũng chỉ làm cho con người bé đi, không hề làm cho con người to lớn hơn. Đêm nay, gần cuối năm, ở nơi xa mình nhớ tới anh Nhân của mình, bỗng dưng thấy phải tình nguyện viết cuốn hồi ký cho mẹ cha, cho lòng Nhân, cho anh trai mang tên Nhân, cho tất cả những con người nhân đức mình từng gặp trong đời.
Khó nói rõ được vì sao mình yêu và nhớ Hà Nội. Chỉ biết đó là một tình yêu có thực.
Và hôm nay, ở nơi xa, bỗng nhớ người bạn, người yêu, người anh, anh đang ở đâu, hỡi anh, một người Hà Nội đến tận xương tủy của em!
Người ta nói, “biển cả nằm trong một giọt nước – một giọt nước cũng quy tụ biển cả”. Nếu điều đó đúng, thì có lẽ thân phận của một giọt nước như cha mình cũng là thân phận của mênh mông dân tộc Việt Nam hay sao? Có thể có người chưa đồng ý với nhận xét đó, còn riêng mình thì vẫn cứ cho rằng trường hợp người bạn trai của mình ngoài nớ đúng là chốn chắt lọc của một biển cả Hà Nội.
Mỗi lần nhớ về Hà Nội là mỗi lần nhớ về anh. Nhớ về những buổi chiều của anh. Đó là những buổi chiều sách vở – và mình nghĩ, có lẽ tính chất sách vở là phẩm tính của người Hà Nội chăng. “Anh hò hẹn với mặt trời mọc và mặt trời lặn của Hà Nội. Những sớm mai bên sông Hồng và những chiều muộn cũng ở bên sông Hồng.”
Anh có cuộc sống dư dả. Nhưng anh thích đến với cảnh lam lũ của người lao động nghèo ở thủ đô. Anh thích sáng rất sớm đứng bên những xe tải chở nặng khoai và rau củ quả; và những người đàn ông cởi trần khuân hàng xuống để những người đàn bà gánh tỏa đi các hướng.
Anh ơi, Hà Nội hôm rét lắm không? Ở trong này không thấy chút hơi hướm gì là mùa Đông hết. Và mình lắng nghe tiếng anh, Hà Nội mấy hôm nay rét đậm em ạ. Trẻ em nghỉ học và người lớn co ro. Những cây lộc vừng bên Hồ Gươm cũng co ro. Tháp Rùa như đang cúi đầu gục xuống ngủ gà gật. Bên hồ đang có hội hoa.
Anh ơi, em từng nghe cha em kể về Hội hoa xuân Hà Nội, cha em từng được hưởng một lần hội hoa xuân khi cha em ra Hà Nội học đại học; nhưng cha em chỉ được hưởng một mùa hội hoa dở dang.
Mình như nghe thấy anh đang thủ thỉ. Hoa là cái Đẹp, và Hội là niềm Vui. Khi vui là vui gượng thì đẹp cũng chẳng còn mấy ý nghĩa. Nhưng anh ơi, trong cái sân trại giam cha em xưa, em vẫn thấy có hoa. Vẫn còn sót lại luống hoa. Không có lẽ ở nơi “Cổng Giời” con người có niềm vui? Ờ, toàn bộ bí ẩn của cuộc sống là ở đó. Cuộc sống của những người Hà Nội bây giờ không còn mấy ý nghĩa.Vì thế mà người ta phá những luống hoa. Thực ra mấy luống hoa ấy cũng nên phá nốt đi. Đó là những luống hoa nói dối.
Hà Nội bây giờ hoa thật chen hoa giấy. Ngay cả hoa thật cũng bứng từng cụm thay cho hoa thực sự do bàn tay con người trồng tỉa. Không có cái tình gửi vào giọt mồ hôi thì sẽ chỉ còn cái lòng tham của kẻ ăn cắp hoa, kẻ vặt hoa trộm, và của kẻ không được ăn thì đạp đổ.
Hà Nội có còn thanh lịch không anh?
Thanh lịch là gì? Thanh lịch phải là một nếp sống. Không có cách gì tạo ra một nếp sống trong vài ba năm nhiệm kỳ của một ông “trùm văn hóa” có tật nói dối. Một nếp sống phải tạo được cái yên ả nền nã thanh thản như củi bóng râm của một khu rừng già. Một nếp sống là thành tựu của trăm năm ngàn năm.
Vậy đó, mà sao ta vẫn nhớ Hà Nội của ta? Tình yêu và nỗi nhớ là những điều muôn thuở bí ẩn.
Anh kể chuyện gì nữa đi. Anh nói nữa đi. Hà Nội đang có gì, Hà Nội còn gì của miền thanh lịch nữa hả anh?
Còn chứ! Hà Nội còn sách!
Cái nếp sống hội tụ của sách về chốn kinh kỳ này vẫn còn. Ngày xưa là những nhà in mộc bản ở Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông… Bây giờ, la liệt sách. Murakami in ở Hà Nội nhiều như ở bất cứ nơi nào. Bộ tiểu thuyết bốn tập mới ra lò của Murakami 1984 đã thấp thoáng bản tiếng Anh và tiếng Pháp ở Hà Nội, và chắc chắn sẽ ra mắt những con mọt sách Hà Nội trong nay mai.
Em càng nghe tiếng anh, em càng nhớ Hà Nội.

Thắm Nguyễn