Trong những năm qua, sự trở mình của Châu Á đã được nhắc đến nhiều như một quyền lực kinh tế và chính trị mới trên thế giới. Với hơn 4.2 tỉ người, Châu Á là một trong những cỗ máy quan trọng trong sự phát triển kinh tế toàn cầu qua các trao đổi mậu dịch song và đa phương, vừa là nguồn tiêu thụ lớn lao cũng như nguồn cung cấp nhân lực toàn cầu. Chưa có những biến động lớn như tại Trung Đông, Châu Phi, nhưng sự ổn định tại Châu Á được xem là cần thiết trong việc phát triển chung. Hãy điểm lược đôi nét về Châu Á trong năm Giáp Ngọ 2014 này.
Sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế tại Châu Á trong năm mới phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của Trung Cộng, một quyền lực kinh tế và chính trị tại Châu Á và đang tái lập một tham vọng vó ngựa Thành Cát Tư Hãn trên khắp thế giới. Tận dụng chính sách phát triển kinh tế khá thành công trong hơn hai thập niên qua, trong vài năm qua Trung Cộng đã bắt đầu bộc lộ thái độ hung hãn và vô lý về mặt chính trị và quân sự với các nước lân bang, khi khoanh vùng chủ quyền biển Đông và xâm phạm các luật hàng hải quốc tế. Các cuộc tranh chấp biển đảo với Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Đài Loan… dù dẫn đến sự thần phục của vài quốc gia yếu thế nhưng cũng đồng thời tạo ra mối liên kết ngấm ngầm giữa nhiều quốc gia Châu Á khác, những quốc gia đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ như Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân… trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Cộng. Không những dựa vào hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng vừa kêu gọi cộng đồng thế giới cùng lên án thái độ của Trung Cộng và cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang trong vùng mà một khi xảy ra, chắc chắc sẽ dẫn đến các ảnh hưởng dây chuyền tới sự phát triển thế giới.
Một chiếc thuyền của ngư dân Trung Cộng bị 2 tàu tuần tra Nhật Bản chặn bắt tại đảo Uotsuri, một trong những hòn đảo của Senkaku – AP Photo / Yomiuri Shimbun, Masataka Morita
Trong năm 2014 này, cộng đồng thế giới có thể nhìn thấy một thái độ hòa hoãn hơn với các quốc gia đang trực tiếp tranh chấp chủ quyền, ít nhất trên bề mặt, từ tân lãnh tụ Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo Bắc Kinh, trước sự lên tiếng ngày càng mạnh mẽ hơn từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và cộng đồng thế giới nói chung và để bảo vệ chính sự phát triển của Trung Cộng. Tuy nhiên, bất kể thái độ Trung Cộng có như thế nào thì xu hướng và nhu cầu vũ trang của các quốc gia trong vùng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Không chỉ riêng Trung Cộng đang hiện đại hóa quân đội mà các quốc gia trong vùng cũng chi ra một ngân sách khá cao để mua tàu ngầm, chiến đấu cơ và vũ khí hiện đại, cùng các trận tập trận quy mô và tốn kém. Việt Nam đã chi có thể đến hai tỉ đô la để mua sáu tàu ngầm của Nga nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân, vừa nhận được hai chiếc trong những ngày đầu năm nay. Hải quân Singapore cũng vừa đặt mua hai tàu ngầm của Đức hồi cuối năm, trong khi các quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia đang tiếp tục củng cố lực lượng tàu ngầm hùng hậu của mình. Các chuyên gia về Á Châu dự báo rằng các cuộc trang bị vũ khí sẽ tiếp tục gia tăng tại khu vực Á Châu cho dù tình hình có như thế nào, vì các quốc gia trong khu vực này hiểu được âm mưu và thái độ của Trung Cộng về lâu dài.
Biểu tình chống Trung Cộng tại Hà Nội – nguồn vncouncil.files.worldpress.com
Bên cạnh Trung Cộng, có thể kể đến “con rối” Á Châu và đàn em Trung Cộng là Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo khát máu của tân lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un. Trong năm qua, họ Kim đã nhiều lần đe dọa tấn công Nam Hàn và Hoa Kỳ, thực hiện các cuộc thanh trừng nội bộ, trong đó vụ ra tay với chính cô dượng mình đã gây chấn động hồi cuối năm. Dù liên tục “trình diễn” các vũ khí nguyên tử, khả năng và tiềm năng quân sự của Bắc Hàn không đáng kể nhưng thái độ hung hãn của tân lãnh đạo họ Kim cho thấy quốc gia cộng sản này có thể tiếp tục gây nên sự rối loạn trong vùng qua thái độ thù địch với Nam Hàn, cũng như nhằm chứng tỏ quyền lực của mình trong nhóm lãnh đạo và người dân tại Bắc Hàn. Sau những thất bại trong cuộc chiến bằng “loa phát thanh” khi gặp phải thái độ cứng rắn của Nam Hàn và Hoa Kỳ, Bắc Hàn đã theo chân đàn anh Trung Cộng, đang tạm thời xuống giọng kêu gọi “hòa giải và hợp tác” và chấm dứt “các hoạt động thù địch” với Nam Hàn. Trong thông điệp đầu năm, ngoài những lời đe dọa đến trong nội bộ mình, Bắc Hàn nhắc đến việc cải thiện quan hệ cùng Nam Hàn và sự phát triển kinh tế, thay vì các hăm dọa như trước đây.
Kim Jung Un, Bắc Hàn trong một buổi thị sát biên giới – nguồn huffingpost.com
Trong năm 2014 này này, Á Châu cũng có thể tiếp tục chứng kiến tình hình bất ổn và rối ren tại Thái Lan, mà các cuộc biểu tình của các phe nhóm chống nhau và chống chính phủ có thể dẫn đến những cuộc bạo động và đàn áp. Các phong trào chính trị giữa Mặt Trận Dân Chủ Chống Độc Tài UDD hay còn gọi là phe Áo Đỏ của tầng lớp nông dân và nghèo ủng hộ chính phủ nhằm chống lại Liên Minh Dân Tộc vì Dân Chủ PAD, tức phe Áo Vàng đối lập với chính phủ, đã kéo dài vài năm qua và đang là tình hình sôi động tại Á Châu hiện nay. Chính phủ đã ban hành tình trạng thiết quân luật 60 ngày tại Bangkok và kiên quyết giữ nguyên ngày bầu cử trong ngày Mồng Ba Tết 2 tháng 2 vừa qua. Kết quả có như thế nào thì hệ lụy vẫn sẽ là, có những sự rối loạn ngay chính Bangkok hay Thái Lan nói chung.
Biểu tình chống chính phủ thứ năm 30 tháng 1, 2014, tại Bangkok, Thái Lan – AP Photo / Sakchai Lali
Về mặt kinh tế thì trong khi các quốc gia phương Tây đang có những dấu hiệu hồi phục và ổn định trở lại thì theo các số liệu kinh tế, Trung Cộng, Ấn Độ và nhiều quốc gia Châu Á khác sẽ tiếp tục chậm lại như năm 2013 vừa qua, không còn những sự phát triển như trước đây. Trung Cộng tái xác lập chính sách kinh tế cung cấp nhu cầu nội địa, sẽ giới hạn giao dịch thương mại của chính quốc gia này và kéo theo ảnh hưởng của các quốc gia trong vùng. Mặt khác trong khi kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân, Trung Cộng vẫn tiếp tục tập trung vào kinh tế quốc doanh trong nhiều lãnh vực chiến lược, sẽ hạn chế sự tham gia của giới đầu tư và ngăn cản sự phát triển. Với Ấn Độ, sau những phát triển được nhắc nhiều trong thập niên qua cũng bắt đầu trì trệ khi đồng rupee bị mất giá và công nợ tăng cao. Nhìn đến Nhật Bản, thì sau chính sách cải tổ và kích thích kinh tế của Thủ Tướng Shinzo Abe được gọi là “Abenomics” sau khi đắc cử cuối năm 2011, kinh tế Nhật có thể sẽ chậm lại trong năm nay khi chính phủ không tiếp tục bơm tiền và áp dụng mức tăng thuế tiêu thụ trong năm nay. Một số quốc gia Đông Nam Á thì có những sự phát triển ảo trong các năm qua nhờ vào nguồn tín dụng bong bóng và giá trị ảo của bất động sản nói chung bắt đầu chứng kiến những hệ quả của nó. Như riêng tại Việt Nam, kinh tế quốc gia phụ thuộc nhiều vào các nguồn đầu tư, tín dụng và vốn ngoại quốc, cuộc suy thoái kinh tế chung trên thế giới trong vài năm trước cũng như thị trường nhân lực kém năng suất tại VN đã làm nước ngoài ngưng đổ vốn và bơm tiền vào Việt Nam, gây nên sự tụt dốc thảm hại cho kinh tế Việt Nam đôi năm qua và sẽ rõ ràng hơn trong năm nay. Trong năm 2013 vừa qua là hàng ngàn vụ lừa đảo tín dụng, trong cả khu vực tư nhân và quốc doanh, cũng như thị trường địa ốc và chứng khoán tụt giảm, hàng chục ngàn doanh nghiệp tiếp tục bị phá sản hay giải tán. Việc bội chi ngân sách và hậu quả các vụ đổ bể tín dụng sẽ là các thử thách lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2014 này.
Một trong những yếu tố mang đến sự phát triển mạnh mẽ của Á Châu trong đôi thập niên qua là đến từ những giao dịch và giao hảo tốt đẹp với phương Tây. Các nguồn đầu tư to lớn đã được bơm vào châu lục này, các giao dịch thương mại đã tạo ra hàng tỉ công ăn việc làm tại đây. Để tiếp tục phát triển, Á Châu và đặc biệt là Trung Cộng cần hiểu rằng thái độ hợp tác, đồng minh sẽ giúp họ tiếp tục phát triển thay vì tạo ra các tranh chấp chính trị hay quân sự. Điều mà kết quả như thế nào cũng đã được đoán trước.
ĐYT