Menu Close

Học văn

Hồi đó Cat học lớp 6. Bác của Cat lần đầu tiên vào Sài Gòn, ghé thăm cả nhà. Cat đang học ở một trường quốc tế. Một hôm, ăn tối xong, Cat mang bài tập ra làm, đó là một bài tập làm văn.

Cat làm bài một lúc thì đến hỏi bác:

«Bác ơi, bác giúp cháu làm bài văn này được không?»

Bác hỏi: «Cháu làm bài văn gì vậy?»

 Cat phải tường thuật lại chuyến đi thăm viếng một địa danh nổi tiếng, cùng với lịch sử đáng ghi nhớ của địa danh này.

Bác hỏi tiếp :

«Con muốn bác giúp như thế nào?»

«Bác bày cho con viết.»

Bác nói :

«Bây giờ con viết bài văn. Bao giờ viết xong đưa bác đọc. Bác sẽ góp ý cho con cần sửa chỗ nào, cần phát triển ý nào, chỗ nào hay, chỗ nào dở, để con tự sửa. Chứ nếu bác làm hộ con thì cô giáo sẽ cho điểm bác, điểm đó sẽ là của bác, không phải của con. Đúng vậy không ? »

Cat gãi đầu:

«Mà con thấy khó quá.»

«Con thấy khó chỗ nào?»

«Không biết bắt đầu ra sao.»

 Bác gợi ý cho Cat nhớ lại buổi du ngoạn, nhớ lại những câu chuyện mà cô giáo đã kể. Cat có trí nhớ tốt nên kể ra vanh vách mọi thứ, bác bảo Cat tự sắp xếp các chi tiết đó theo một trật tự mà Cat thấy là hợp lý.

Sau một giờ đồng hồ, Cat mang bài văn ra cho bác đọc. Bác và Cat cùng xem xét và Cát sửa những chỗ bác đánh dấu.

Một năm sau đó, bác chuyển hẳn vào Sài Gòn, nên có điều kiện đến thăm gia đình Cat nhiều hơn. Lúc này, ba mẹ chuyển Cat sang học một trường công, không học trường quốc tế nữa. Một lần sang chơi bác thấy Cat học văn, liền hỏi:

« Con cần bác giúp nữa không ? »

Câu trả lời của Cat làm bác hoàn toàn bất ngờ:

«Dạ không cần đâu ạ. Con tự làm lấy. Bác mà giúp con thì đó là điểm của bác, không phải là điểm của con.»

Bác bất ngờ và cảm thấy rất vui. Bác nghĩ rằng như vậy phương pháp dạy ở trường công Cat đang học tốt hơn là phương pháp của trường quốc tế mà Cat từng học.

Rồi một năm sau, tình cờ Cat cho bác xem cuốn đề cương các bài tập làm văn mà cô giáo ở trung tâm học thêm cung cấp. Cat bảo tất cả các bạn đều có cuốn đề cương đó. Cat và các bạn đều phải học thuộc lòng các đề cương ấy.

Bác buột thốt lên :

«Trời ơi, như thế này thì còn chỗ nào cho trí tưởng tượng của con nữa.»

Cat đồng tình:

«Chán lắm bác ơi, nhưng con phải học.»

Điều đau khổ của trẻ em Việt Nam khi phải học môn văn chính là ở đó. Lẽ ra đó phải là bộ môn giúp phát triển trí tưởng tượng của các em, thì trái lại, nó giết chết khả năng tưởng tượng, giết chết cảm xúc, bằng những bộ đề cương xơ cứng, khuôn mẫu, áp đặt. Não học sinh trở thành bộ máy ghi nhớ hàng loạt.

Điều may mắn là Cat còn đọc sách, và cuốn sách lúc đó choán hết tâm trí của Cat là cuốn Twilight. Trí tưởng tượng của Cat vẫn có thể mở ra cùng thế giới trong truyện. Chính là khi nói chuyện với Cat về cuốn tiểu thuyết đó mà bác thấy Cat linh hoạt, hạnh phúc, đau khổ, đam mê cùng nhân vật, mà Cat phán xét đúng sai, bênh vực điều này, lên án điều kia… Cat không thể hình dung được khuôn mặt của Cat rạng rỡ như thế nào, đáng yêu như thế nào, khi bình luận với bác về cuốn sách. Cat còn tặng bác cả cái CD phim Twilight nữa. Còn khi nói về đề cương môn văn, Cat chỉ bộc lộ sự chán nản, chịu đựng. Cat không nói ra nhưng bác hình dung môn văn đối với Cat là cả một sự tra tấn.

Vậy mà bác của Cat gắn bó với văn học đã bao nhiêu năm nay rồi.

alt

Thắm Nguyễn

NTTH