1. Ann-Phong
Ann Phong. Tôi dịch nghĩa là “Ngọn gió Bình An,” là tên của một nữ họa sĩ Mỹ gốc Việt trứ danh ở tầm vóc quốc tế. Cô là một người vui vẻ, khiêm nhu, thân thiện, và luôn sống hết mình vì mọi người.
“ Những ngày sống trong trại tỵ nạn, nghe chuyện những nữ thuyền nhân bị hãm hiếp cướp bóc, tôi đau buồn vô cùng. Nó vẫn đeo đuổi tôi và tác động đến việc sáng tạo của tôi. Hãm hiếp, cướp bóc, và biển đen. Sau bốn ngày đêm cập bến, trời vẫn không trăng không sao. Nhìn ra biển thật hãi hùng. Chỉ thấy một màu đen.”
(Ann Phong trả lời tiếng Anh, tác giả dịch)

Tôi gặp Cô lần đầu khi thực hiện nghiên cứu về người Việt tại Quận Cam mười bốn năm trước. Họa sĩ Ann Phong đã kể với tôi như thế trong cuộc phỏng vấn nhiều giờ tại tư gia của Cô ở thành phố Cerritos năm 2000. Cuộc phỏng vấn nằm trong Dự Án Việt Mỹ (Vietnamese American Project VAP) do tôi chủ xướng với cương vị Giám đốc sáng lập tại Đại học CSU Fullerton từ năm 1998. Tôi thực hiện Dự án VAP bằng phương pháp Lịch sử Truyền khẩu và các sinh hoạt kết hợp giữa cộng đồng và trường đại học. Dự án VAP nhằm ghi lại chứng từ của người Việt về kinh nghiệm sống của họ tại Việt Nam, trong hành trình di tản, và hoàn cảnh hội nhập tại Hoa Kỳ.
Sau đó, tôi thường mời Cô triển lãm ở nhiều nơi, nhất là về đề tài thuyền nhân, vốn là sở trường của Cô ngay từ những ngày mới bắt đầu sáng tác. Như lần Cô triển lãm loạt tranh về kinh nghiệm thuyền nhân tại buổi đọc thơ và ra mắt sách song ngữ “X-X1: thuyền nhân khúc cho Ba – songs for a boat father” tại Viện Việt Học tại Quận Cam, tháng 8 năm 2004, được tổ chức như một lời chia tay với bạn bè trước khi tôi khăn gói lên đường đi Thuỵ Điển để tìm hiểu người Việt ở đó qua học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Lần khác, khi tôi ngỏ ý mời, Cô Ann Phong cũng lái xe đưa tranh xuống tận UC San Diego để triển lãm trong Chương Trình Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam do Bút nhóm Gạch Nối thực hiện, Tháng Năm 2009. Chẳng những vậy, Cô còn giúp chúng tôi đưa tranh của gia đình ba hoạ sĩ Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Đồng, và Đanchi xuống để cùng triển lãm trong chương trình. Cô đã nói về quá trình sáng tác loạt họa phẩm này, và tạo hứng cho các bạn sinh viên hiện diện hôm đó.
Tôi cũng thường xuyên nói về nghệ thuật Ann Phong trong các bài thuyết trình chuyên đề tại những đại hội, như Đại hội về Đông Nam Á do Weatherhead Institute của Đại học Columbia tổ chức vào tháng 11 năm 2011. Tại Đại hội này, tôi cũng nói về những biến chuyển và thăng hoa trong nghệ thuật Ann Phong, và ‘nói có sách, mách có chứng,’ tôi đã hân hạnh gửi đến những người tham dự các postcards với sáng tác của Ann Phong qua nhiều giai đoạn. Nhưng trước hết, khi nói đến nghệ thuật Ann Phong, thì phải nói đến Biển. Luôn luôn là Biển.
Biển. Biển, đối với Ann Phong, mãi là một niềm thao thức. Một nỗi ám ảnh.
Trong những tác phẩm đầu tay, biển của Ann Phong đen đậm, đặc sệt hãi hùng và bi thương. Có những tác phẩm choán hết một bức tường, cao gấp mấy lần Cô, cũng choáng ngợp cái màu đen của biển không trăng không sao, biển của thuyền nhân, biển của những thập niên 80 và 90, của tỵ nạn và của mất mát.
Nhưng trong những năm về sau, màu đen đã loãng đi, và những gam màu khác đã tìm đến với khung vẽ của Ann Phong. Cô vẽ những bức tranh tươi hơn, tuy người xem vẫn bắt gặp những sần sùi của quá khứ trong từng nét cọ. Có lẽ người thưởng lãm cũng gặp một Ann Phong thư giãn hơn, cười tươi hơn, tuy vẫn sâu sắc và thấm thía.

Họa phẩm
Trong cuộc triển lãm Hội Họa ‘Tandem Solo’ vào đầu Tháng Mười năm 2011 tại Little Saigon, Ann Phong kết hợp với Họa sĩ Việt Hùng để mở ra những ý tưởng, suy tư, nhận định, và phong cách sáng tạo mới. Ann Phong kết hợp điêu khắc và hội họa. Tôi gọi những tác phẩm này là tranh-điêu-khắc. Trong loạt tranh-điêu-khắc này, Ann Phong đã cất cánh. Cô bước ra khỏi cái không gian giữa bốn cạnh của khung vẽ, nhón ra ngoài canvas, bay lên cao. Cô đã giải phóng cho tác phẩm của mình, để chúng đi vào ba chiều, vươn tới những đỉnh cao mới. Cô phóng túng với chất liệu đa dạng, thoải mái bay lượn với ý tưởng của những vòng đời mới, nhặt nhạnh mảnh vỡ của hôm qua để làm nền cho một đốm hy vọng nhỏ nhoi. Cô không để màu sắc và ý tưởng nằm ì trên khung vẽ nữa. Cô cho chúng leo vào những bậc thang không khí xung quanh, và nếu thích, chúng có thể tự do ‘ra ràng,’ bay bổng.
Nhiều người xem đã nói với Cô trước khi ra về, “Tranh đẹp lắm! Lạ lắm!” Hay “Đặc biệt lắm!” Họa sĩ Ann Phong phản ánh, “Muốn làm họa sĩ phải đặc biệt. Không đặc biệt thì không tồn tại được. Mình phải mới hoài trong sáng tạo.” Thật vậy, sáng tạo luôn đòi hỏi những cái mới lạ để nuôi dưỡng tình cảm và trí óc của con người. Nhưng chính trong cái mới đó, người họa sĩ tự khẳng định lại chính mình, vì để là mình, thì cái mới đó vẫn phải mang nhãn hiệu Ann Phong.
Sự khích lệ lớn nhất của một họa sĩ, theo tôi, là sự đón nhận của cộng đồng. Tuy Họa sĩ Ann Phong có tranh trong nhiều bộ sưu tập riêng, điều Cô tha thiết nhất có lẽ là cơ hội đến với những ai đồng điệu và quần thể người Việt nói chung. Khi không thấy giá biểu bán tranh, tôi có hỏi thì họa sĩ Ann Phong cho biết, “Mục đích chính không phải là để bán, mà là để tìm những người cùng tần số, những người đồng cảm. Chúng tôi muốn người xem cảm nhận tranh mà không nghĩ đến giá cả. Nếu họ thích mua, thì mới tính.”
Có lẽ chính vì điều này, mà hai họa sĩ trên, cũng như những họa sĩ khác trong cộng đồng gốc Việt, vẫn dành bao công sức để thực hiện những cuộc triển lãm như thế này, để bắt một nhịp cầu với đồng hương. Tôi chợt thấy thương họ nhiều. Tôi có nói với họ trước khi ra về, “Tội nghiệp các họa sĩ của mình quá! Thường họa sĩ Mỹ chỉ vẽ tranh, có người tổ chức triển lãm cho, còn họa sĩ mình thì phải lo từ A đến Z.”
Một món quà đặc biệt mà họa sĩ Ann Phong gửi đến khách tham dự là bức tranh biển di động. Biển di động? Vâng, đây là một họa phẩm nhiều tầng, trên đó Cô dán nhiều mảng màu đại dương khác nhau bên trên một bức tranh tĩnh. Khi mỗi vị khách xem và dời đi một mảng màu, thì ‘mặt biển’ thay đổi, như một đại dương đang di chuyển thực thụ. Người xem có thể mang một mảng đại dương về, và nếu muốn thì còn có chữ ký của họa sĩ. Và rất nhiều người đã xin chữ ký của Cô.
Là một giáo sư Mỹ Thuật tại Cal Poly, họa sĩ Ann Phong cũng có nhiều ‘groupies’ (sinh viên hâm mộ). Có em cùng đến tham dự triển lãm với phụ huynh, mãi từ Pomona, và xin Cô ký tên trên mảng đại dương của mình, đúng bốn chữ: “Tặng con gái yêu.”
“Biển” là một món quà từ trái tim của người họa sĩ chân chính Ann Phong, liên lỉ sáng tạo để làm mới nghệ thuật và làm quà cho những con gái yêu, con trai yêu, và gia-đình-Việt-tộc rất yêu.

Họa phẩm