Liên tiếp trong những ngày qua, hằng ngàn binh sĩ Nga đổ bộ lên bán đảo tự trị Crimea của Ukraine. Xứ này lâm cảnh hỗn loạn với cựu Tổng Thống Victor Yanukovych bị phế truất ngày 22-2, sau các cuộc phản kháng nhiều tháng qua khiến hằng chục người thiệt mạng và hằng trăm thương tích. Quốc Hội Nga bỏ phiếu chấp thuận cho Tổng Thống Nga Putin can thiệp võ lực tại Crimea, viện cớ bảo vệ đa số dân chúng gốc Nga trong vùng. Hoa Kỳ ước lượng ít nhất 6,000 binh sĩ Nga đã có mặt tại Crimea. Binh sĩ Nga đến nay vẫn không đeo phù hiệu, huy hiệu, quân hàm một cách chánh thức, cắt đứt hệ thống liên lạc, điện thoại, và phong tỏa mọi căn cứ quân sự của Ukraine trong vùng.

Một phụ nữ Ukraine tra vấn binh sĩ Nga hiện chiếm đóng vùng Crimea. Ảnh AFP PHOTO/ VIKTOR DRACHEV
Nhóm cường quốc G8 mà Nga là một thành viên đã lên án cuộc can thiệp của nước này vô Ukraine. NATO vừa triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry sắp lên đường bay sang đô thành Kiev của Ukraine. Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama cảnh cáo Putin sẽ phải trả giá nếu chiếm đóng Ukraine. Từ Kiev, chánh phủ tân lập tố cáo nước Nga khai chiến với Ukraine, ban hành lịnh tổng động viên, và tuyên bố tử thủ. Đến nay, binh sĩ Nga chưa gặp kháng cự đáng kể, tuy nhiên, tình thế căng thẳng như dây đàn, có thể bùng vỡ bất cứ lúc nào. Ukraine bị động vì bất ngờ nhưng không phải là nước nhỏ, thậm chí có cả võ khí nguyên tử.

Binh sĩ Nga dàn trận trước hàng dân chúng gốc Nga tại Crimea đang vẫy cờ Nga. Ảnh Reuters
Với tin tức biến động mới nhất tại Ukraine chiếm lãnh trang bìa trên các trang báo toàn cầu, ít người còn chú tâm một thảm nạn nhân đạo khác từ cuộc nội chiến Syria. Trong ảnh do Liên Hiệp Quốc công bố: Đám đông tại trại tị nạn al-Yarmouk đang chờ thực phẩm viện trợ. Trại tị nạn nằm phía nam Damascus, trong vùng kiểm soát của phiến quân, đã bị quân chánh phủ trung thành Tổng Thống độc tài Bashar al-Assad vây hãm suốt 8 tháng qua. Ảnh UNRWA/Reuters

Hoa Kỳ hứng chịu thêm bão tuyết
Một lần nữa, đa phần lãnh thổ Hoa Kỳ bị phủ trùm trong bão tuyết. Khắp nơi từ Arizona sang Texas, lên Oklahoma, Missouri, sang miền đông và trung tây Hoa Kỳ: Washington, D.C., Baltimore, Philadelphia, v.v… tuyết rơi dầy mỏng khác nhau, nơi nhiều nhất lên đến 8-12 inch. Nhiệt độ dưới độ đông đá nhiều nơi.
Thời tiết băng giá khiến hệ thống trường công lập từ Dallas lên Philadelphia phải đóng cửa hôm Thứ Hai đầu tuần. Hằng ngàn chuyến bay trên khắp quốc gia bị hủy bỏ. Đến sáng Thứ Hai đầu tuần, nhiều nơi cư dân còn bị mất điện, như tại Arkansas (14,000 người), Nashville (9,500), Memphis (20,000) và Missouri (360). Quốc Hội Hoa Kỳ đình chỉ hoạt động, và tất cả các văn phòng chánh phủ tại Biệt Khu Thủ Đô Washington, D.C. cũng đóng cửa ngày Thứ Hai. Đây là trận bão tuyết mãnh liệt thứ ba, ghi dấu một trong những mùa đông lạnh lẽo nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Chỉ riêng tiểu bang Virginia, tốn kém dọn dẹp tuyết đã vượt $10 triệu, trong khi ngân sách chỉ $3.4 triệu.

Nhân viên dọn dẹp tuyết gần Điện Capitol tại Washington DC. Ảnh AP Photo/J. Scott Applewhite
Trao giải Oscar 2014
Giải Oscar điện ảnh lần thứ 86 diễn ra tại Hollywood đêm Chúa Nhật vừa qua. Giải phim hay nhất thuộc về “12 Years a Slave”. Phim này cũng giật giải nữ tài tử phụ (Lupita Nyong’o) hay nhất và kịch bản hay nhất. Nhưng phim “Gravity” giật nhiều giải Oscar nhất với 7 giải, bao gồm giải đạo diễn hay nhất cho Alfonso Cuaron (đạo diễn người Mexico), là đạo diễn người Mỹ Châu La Tinh đầu tiên nhận giải Oscar. Phim “Dallas Buyers Club” thắng 3 giải Oscar, bao gồm giải nam tài tử chánh (Matthew McConaughey) và phụ (Jared Leto) xuất sắc nhất. Còn gương mặt kỳ cựu Cate Blanchett lấy giải nữ tài tử hay nhất trong phim “Blue Jasmine” của đạo diễn Woody Allen. Giải phim ngoại quốc hay nhất thuộc về phim “The Great Beauty” của Ý.

Nữ tài tử Lupita Nyong’o (Kenya) đoạt giải nữ tài tử vai phụ xuất sắc nhất với phim “12 Years a Slave”. Cô có bằng Thạc Sĩ Nghệ Thuật từ Đại Học Yale University.
Đạo diễn Steve McQueen nhún người ăn mừng giải Oscar hình ảnh đẹp nhất cho phim “12 Years a Slave”. Ảnh AP
Một vòng kinh tế thế giới
– Ukraine. Nếu xung đột võ trang gia tăng, có thể ảnh hưởng kinh tế thế giới vì Ukraine là mạch nối quan trọng giữa Nga và thị trường Âu Châu. Nước Nga cung cấp 25% lượng gas cho dân chúng Âu Châu, và một nửa trong số này cần di chuyển ngang lãnh thổ Ukraine. Bất cứ gián đoạn nào sẽ đẩy giá cả lên cao. Ảnh hưởng có thể vượt khỏi Âu Châu nếu lượng nông phẩm từ các loại hạt bị sa sút. Ukraine là một trong những quốc gia xuất cảng bắp và lúa mì nhiều nhất thế giới. Xáo trộn hay ngưng trệ có thể làm chao đảo thị trường nông phẩm thế giới.
– Hoa Kỳ. Gánh nặng nợ nần tiền học (Student Loan) ngày càng cao cho sinh viên Hoa Kỳ. Đến cuối 2013, sinh viên Hoa Kỳ thiếu nợ tổng cộng $1,080 tỉ, tăng gấp ba lần con số 1 thập niên trước. Trung bình 7 trong 10 sinh viên ra trường thiếu nợ, con số trung bình $29,400 mỗi người. Nợ nần tiền học không chỉ là gánh nặng cá nhân mà còn ảnh hưởng kinh tế quốc gia vì nhiều sinh viên trong nhiều năm có thể không rảnh tay mua sắm, tậu xe, xây nhà, v.v…

– Anh Quốc. Đầu năm 2014, tốc độ nhà băng chấp thuận các hồ sơ xin vay tiền mua nhà lên cao nhất tính từ cuối năm 2007, với gần 77,000 hồ sơ mua nhà được thông qua. Giá nhà cũng tăng theo, có nơi lên 50%. Đây là các tín hiệu cho thấy kinh tế hồi phục ngày càng khả quan cho Anh Quốc.
Nhật Bổn có thể nới lỏng kỹ nghệ võ khí
Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông trước sự lớn lối của Trung cộng, có thể chiến lược võ khí của Nhật Bổn sắp thay đổi lớn. Bản Hiến Pháp hòa bình năm 1947 của Nhật, do Hoa Kỳ áp đặt, nhằm loại trừ trường hợp Nhật có thể gây chiến lần nữa, trong đó có hạn chế khả năng chế tạo và xuất cảng võ khí. Nay chánh phủ Nhật có thể đang lặng lẽ chuẩn bị các phương cách hợp pháp nhằm thả lỏng các nỗ lực phát triển cũng như xuất cảng võ khí. Một trong các thúc đẩy là nhu cầu quân viện đến các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, và kể cả Việt Nam. Lâu nay, Nhật Bổn đã sẵn kỹ nghệ võ khí, chế tạo đạn dược, súng ống, chiến xa, chiến hạm, chiến đấu cơ… tối tân đủ loại. Một ẩn số thú vị là chính dân chúng Nhật. Đến nay, theo các thăm dò xã hội, đa số người Nhật khá hiếu hòa, vẫn hậu thuẫn bản Hiến Pháp hiện thời.
Cà Phê Nhân Quyền
Hôm Thứ Bảy cuối tuần, 1-3-2014, ngay giữa trung tâm Sài Gòn đã diễn ra một sinh hoạt yểm trợ nhân quyền khá độc đáo. Khoảng 30 “blogger” từng bị an ninh mật vụ ngăn cản phi pháp, không cho xuất cảnh Việt Nam cấm không cho xuất cảnh, đã tụ họp tại tiệm cà phê Starbucks cách chợ Sài Gòn không xa. Mạng lưới Blogger Việt Nam tổ chức sự kiện này công khai, có thông báo trước, có mời hai ký giả người Phần Lan và Thụy Điển, cùng tham gia luận bàn về quyền tự do đi lại của công dân Việt có ghi trong hiến pháp của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong nhóm “blogger” đợt này, có các gương mặt quen thuộc như “Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Huỳnh Ngọc Chênh (giải Công Dân Mạng 2013), ký giả tự do Phạm Chí Dũng (người bị cản không cho bay đi Thụy Sĩ gần đây nhất). “Cà Phê Nhân Quyền” chọn địa điểm trung tâm Sài Gòn, tiệm sang trọng, an ninh mật vụ chỉ kéo quân đến theo dõi và quay phim người tham dự. Có thể thấy các sinh hoạt dân chủ tại quốc nội chẳng những không yếu đi mà ngày càng lan rộng và sáng tạo hơn trong thế phải đối phó với Hà Nội.

Blogger “Mẹ Nấm”, phải, và một số thành viên buổi hội thảo “Cà Phê Nhân Quyền”. Ảnh danlambaovn.blogspot.com
Báo Sài Gòn Tiếp Thị bị khai tử
Ngày 28-2-2014 vừa qua, tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị tại Sài Gòn đã bị “Bộ Thông Tin và Truyền Thông” của nhà cầm quyền Hà Nội chánh thức khai tử. Mặc dù không phải báo tư nhân, vẫn nằm trong vòng cương tỏa ngặt nghèo, trong 19 năm đồng hành với độc giả, Sài Gòn Tiếp Thị ít nhiều thể hiện cá tánh độc lập, có những đóng góp khơi mở trên phương diện thông tin, thường đăng bài soi rọi hiện trạng tréo ngoe của xã hội đương đại — những thông tin mà giới cầm quyền Hà Nội gọi là “nhạy cảm”. Cũng có thể chính những điều khiến Sài Gòn Tiếp Thị được độc giả mến chuộng và khen tặng lâu nay lại khiến tờ báo bị “cơ quan chức năng” thình lình cho dẹp tiệm.

Nước mắt giờ chia tay.
Vòng hoa cho một tiếng nói Sài Gòn vừa tắt.
Hình ảnh nhân viên giờ phút cuối ở tòa soạn Sài Gòn Tiếp Thị.
– Mùa khai thuế, lại có nhiều vụ gian lận và lừa đảo mạo danh IRS. Sở thuế IRS vừa tái khuyến cáo người thọ thuế cẩn trọng, vì nhân viên IRS không bao giờ hỏi thông tin cá nhân qua điện thoại, email, hay qua internet.
– Hiệu Samsung có thêm mẹo bá chủ thương trường. Điện thoại Galaxy S5 mới nhất bán ra cho khách hàng được kèm theo nhiều sản phẩm miễn phí trị giá tới $500, bao gồm: 6 tháng báo Wall Street Journal ($160), một năm báo Bloomberg Businessweek ($30), v.v…

– Nước Nga đang tìm cách mở thêm các căn cứ quân sự trên thế giới, và hiện đang đàm phán với nhiều quốc gia, đa phần là các xứ cộng sản, cựu cộng sản, hoặc thiên tả, trong đó có Việt Nam, Cuba, Venezuela, Nicaragua…

Chiến hạm Nga bất ngờ thả neo tại Cuba hôm 27-2-2014, gây không ít khó chịu cho Hoa Kỳ. Ảnh AP Photo/Franklin Reyes
– Philippines vừa tiết lộ trước đây Trung cộng bí mật xin rút tàu bè Bắc Kinh khỏi các đảo tranh chấp trên Biển Đông nếu chánh phủ Phi hoãn vụ kiện Trung cộng ra tòa án trọng tài quốc tế. Manila từ khước và còn lên tiếng mời Việt Nam và Malaysia cùng đứng đơn kiện Bắc Kinh. Hạn chót đưa hồ sơ ra tòa là ngày 30-3-2014.
– Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, chuyên gia hàng đầu Ngũ Giác Đài trong nhiều năm, từng diễn thuyết hữu ích đặc biệt cho giới trẻ Việt lưu vong. Trẻ xin giới thiệu tại baotreonline.com/articles/duong-nguyet-anh
– Sự kiện “Cà Phê Nhân Quyền” tại Sài Gòn mới đây gợi nhắc một “blogger” rất năng động một thời, cũng là cộng tác viên Trẻ, Tạ Phong Tần, người hiện đang bị nhà cầm quyền Hà Nội giam cầm.