Menu Close

Biểu tượng của Thế vận hội ra sao?

Biểu tượng của Thế vận hội gồm có 5 vòng tròn đan xen với nhau, ba ở trên và hai ở dưới, với màu sắc theo thứ tự từ trái sang phải: xanh dương (trên), vàng (dưới), đen (trên), xanh lục (dưới) và đỏ (trên).

 

alt

Biểu tượng do Nam tước Pierre de Coubertin họa kiểu năm 1912. Ông là người đồng sáng lập Thế vận hội thời mới (gọi thế để phân biệt với các kỳ Thế vận hội tổ chức tại Hy Lạp thời cổ đại, khoảng 7 thế kỷ trước Công nguyên).

 

alt

Nam tước Pierre de Coubertin

Theo sự giải thích của Ủy ban Thế vận Quốc tế (IOC-International Olympic Committee) thì năm vòng tròn tượng trưng cho 5 châu lục (Âu, Á, Phi, Mỹ và Đại dương châu). Các vòng tròn đan xen vào nhau là biểu tượng tính cách toàn cầu của Thế vận hội cũng như sự gặp gỡ của các lực sĩ của toàn thế giới tại đây. Trên lá cờ Thế vận hội, các vòng tròn hiển hiện trên nền trắng. Ít nhất cũng có một màu của 5 vòng tròn này, kể cả nền trắng, là màu trên quốc kỳ của bất cứ nước nào trên thế giới.

Trước năm 1951 có sách nói rằng mỗi màu sắc tương ứng với một đại lục: xanh dương cho châu Âu, vàng cho Á châu, đen cho Phi châu, xanh lục cho Úc châu và đỏ cho Mỹ châu, nhưng sau này ý kiến đó được bỏ đi vì không phải là chủ đích của Coubertin.

 

Tại sao trải muối trên đường Sá vào mùa đông?

Muối được coi là nền tảng của nền văn minh nhân loại, cũng như lửa và bánh xe. Muối có vô vàn công dụng: từ bảo quản thực phẩm, làm dung dịch đẳng trương (saline solution) trong y học cho đến gia vị chúng ta dùng hằng ngày.

Nhưng muối còn hữu dụng để làm cho nước do mưa hoặc tuyết không đóng thành băng đá trên đường vào mùa đông, nhờ ở một tính chất vật lý: Muối hạ thấp nhiệt độ đông đặc của nước. Chúng ta đều biết nước đông đặc khi nhiệt độ xuống 32 độ F (0 độ C). Tuy nhiên, nước có hòa tan 10% muối không đông đặc ở nhiệt độ đó mà là ở 20 độ F (- 6 độ C). Thêm muối vào đến 20%, độ đông đặc sẽ là 2 độ F (-16 độ C).

 

alt

Xe trải muối

Dùng biện pháp ngăn đường sá đóng đá bằng muối đã giảm thiểu tai nạn xe gây thương tật hoặc hư hại đến 85%. Ngoài ra, mỗi ngày khi đường sá không giao thông được, nền kinh tế một tiểu bang có thể thiệt hại đến 700 triệu đô la.

Tuy nhiên việc dùng muối như thế đã bị nhiều chuyên viên về môi trường cho là có hại cho sinh thái: Muối từ đường sá sau đó sẽ tan vào nước ở cống rãnh, suối, hồ, giết các sinh vật và cây cỏ còn non vì trong muối có sodium chloride (NaCl).

Một biện pháp khác được đề nghị là chỉ phun dung dịch muối trên đường sá trước cơn bão tuyết hoặc mưa đá, sẽ tiết kiệm được nhiều hơn và không gây nhiều hậu quả không tốt.

Nhiều địa phương dùng cát thay vì dùng muối. Cát làm cho sức kéo trên băng đá mạnh lên, nhờ tính chất ma sát. Tuy nhiên, khi nhiệt độ quá lạnh, cát có thể đóng cục và đông lại với nước, không còn sức kéo nữa. Đổ thêm muối sẽ làm cho điều này không xảy ra. Cát chỉ hữu hiệu khi nằm trên bề mặt, còn nếu bị tuyết phủ lên trên cũng chẳng giúp được gì. Xe cộ chạy qua lại nhiều cũng làm cát bắn ra khỏi mặt đường, nên cần phải rải thêm.

 

Tại sao cục nước đá nổi trên mặt nước?

Đá cục ít đậm đặc hơn nước ở thể lỏng, có nghĩa là một lít đá cục có khối lượng (mass) nhỏ hơn và nhẹ hơn một lít nước. Bất cứ vật nào ít đậm đặc hơn nước (nói cách khác: tỷ trọng nhỏ hơn) sẽ nổi trên mặt nước.  Đó là hệ quả của nguyên lý Archimede: Khi một vật chiếm chỗ trong một chất lỏng, nó bị một lực nổi thẳng đứng bằng với trọng lượng của khối chất lỏng mà nó chiếm chỗ.

 

alt

Nếu ta dìm một cục nước đá vào nước, cục nước đá này sẽ chịu một lực nổi thẳng đứng lớn hơn trọng lượng cục nước đá vì khối nước cục đá làm đổi chỗ nặng hơn chính nó. Lúc này cục đá chịu hai lực: sức nặng của nó làm kéo nó xuống, và lực nổi từ nước đẩy thẳng lên. Vì lực đẩy lớn hơn lực kéo xuống nên cục nước đá nổi lên. Nó ngoi lên mặt nước, trồi sụt vài lần, rồi đứng im ở vị thế cân bằng.

 

Gương soi màu gì?

Lúc đầu, gương soi được chế tạo bằng cách đặt một tấm kiếng trong suốt màu hơi xanh lục trên một mặt phản chiếu màu bạc. Diện tích tấm kiếng này nhỏ hơn nên người ta vẫn còn thấy được màu bạc ở các cạnh chung quanh. Đó là lý do gương thường được coi như có màu bạc.

Tuy nhiên, nói cho đúng thì gương không có màu sắc nào hết. Tại sao thế? Vì, như chúng ta biết, màu sắc được tạo ra do ánh sáng bật ra từ một đồ vật – nếu trông thấy vật đó màu đỏ là vì đỏ là màu chính đã không bị hấp thụ mất đi mà bật ra cho ta thấy.

Nhưng gương lại được thiết kế để phản chiếu mọi thứ, mọi màu, và vì không có màu sắc nào bị hút mất, do đó theo bản chất, nó không có màu gì cả.

 

alt