Menu Close

Ca sĩ nhóm Pussy Riot tuyên bố tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền

Ban nhạc rock Pussy Riot của Moscow đã trở thành hiện tượng và là biểu tượng của tinh thần đối kháng chống lại sự cai trị hà khắc của chính quyền Nga hiện nay.

Hồi đầu năm 2012, sau một cuộc biểu diễn chống Putin và chính quyền diễn ra tại Nhà thờ Chính Thống Nga ở Moscow, các thành viên của Pussy Riot bị khủng bố và bắt giữ. Ba thành viên bị truy tố là Nadezhda Tolokonnikova, Yekaterina Samutsevich và Maria Alyokhina. Sau đó Nadezhda Tolokonnikova, Maria Alyokhina bị kết án tù và Yekaterina Samutsevich được tha.

 

alt

Pussy Riot biểu diễn tại Nhà thờ chính thống Nga ở Moscow (AP Photo / Misha Japaridze)

Nadezhda Tolokonnikova và Maria Alyokhina được tha cuối năm rồi. Cả hai ca sĩ này gọi việc thả họ là một thủ đoạn quan hệ công cộng của chính phủ Nga trước Thế vận hội Mùa Đông mà Nga sắp tổ chức ở Sochi vào tháng hai.

Và ngày 17/01/2014, hai ca sĩ nhóm nhạc Nga Pussy Riot là Nadezhda Tolokonnikkova và Maria Alyokhina đã tới Singapore tham dự giải thưởng « Prudential Eye Award », với tư cách khách mời. Họ được đề cử vì cuốn băng video trình diễn « lời cầu nguyện theo điệu punk » tại Thánh đường ở thủ đô Moscow.

Các thành viên Pussy Riot cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ trên toàn cầu, đặc biệt là của các nghệ sĩ nổi tiếng như Paul McCartney, Madonna, Sting hay Yoko Ono, vợ góa của John Lennon. Những cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại nhiều thủ đô Châu Âu, từ Paris, Bruxelles cho đến Luân Đôn, Barcelona.

Ca sĩ Nadezhda Tolokonnikova, 24 tuổi, và Maria Alyokhina, 25 tuổi tuyên bố khi trở về Nga, họ sẽ yêu cầu xem xét lại bản án tù.

 

alt

Yekaterina Samutsevich, Maria Alekhina và Nadezhda Tolokonnikova tại tòa án ở Moscow. (Mikhail Metzel / AP)

Trước đó, mùa Hè năm ngoái, Festival phim độc lập Sundance (Mỹ), được coi là liên hoan phim độc lập lớn nhất thế giới, đã trao giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo cho bộ phim tài liệu Anh Quốc “Pussy Riot – A Punk Prayer” (dài 1 giờ 27 phút), do hai đạo diễn Maxim Pozdorovkin và Mike Lerner thực hiện.

Được biết ban nhạc phản kháng Pussy Riot được thành lập năm 2011 với nhiều phái nữ tham gia. Con số người tham gia không cố định, có khi lên đến 11 người. Những người trong ban nhạc đeo mặt nạ và mặc quần áo nhiều màu sặc sỡ. Chủ đề của các lời hát của họ là tranh đấu cho quyền bình đẳng của phụ nữ, ủng hộ quyền của những người đồng tính luyến ái, phản đối cách cai trị độc tài. Cái tên Pussy Riot (Cái Hĩm Nổi Loạn) cũng nói lên tính chất của ban nhạc. Vì lời hát có tính cách phản kháng và có thể làm nhiều người khó chịu vì không đồng ý nên họ đã mang mặt nạ khi trình diễn để tránh bị trả thù hay bị hành hung.

Pussy Riot đã trở thành một biểu tượng của các phong trào xã hội chống lại sự cai trị độc đoán tại nước Nga.

DH & BH – Tổng hợp