Menu Close

Chẳng cũng khoái lắm ru

Cuộc đời này vui hay buồn? Nhạc sĩ Y Vân từng than: Em ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời / 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu / 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi / 20 năm cuối là bao…
Các thi gia, triết gia yếm thế đều cho cuộc đời là khổ lụy. Đau khổ là sự kiện hiển nhiên của kiếp người. Triết gia Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860) chẳng hạn tin rằng Cái Xấu có ưu thế hơn, rằng thế giới, về cơ bản, gắn liền với Cái Xấu. Hạnh phúc chỉ lướt qua, điểm xuyết những khoảnh khắc êm đẹp ngắn ngủi trong cuộc sống đầy đau khổ và bất hạnh.

 

Đời như vậy là hết thuốc chữa rồi sao hở bạn? Không đâu bạn ơi. Buổi đầu xuân đừng bi quan tuyệt vọng như vậy mà xúi quẩy cả năm. Tôn giáo và triết học không ngừng đưa ra những giải pháp. Chẳng hạn diệt dục, vô vi, làm con bướm nhởn nhơ… Thi nhân như Lý Bạch chẳng hạn thì khuyên: Mổ dê, giết trâu cứ vui đi / uống liền một mạch ba trăm chén. Mổ dê giết trâu thì khó quá, tiền mô mà chịu nổi. Thôi thì về vườn mà sống như Đào Tiềm, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hay như Tô Đông Pha bơi thuyền trên sông Xích Bích, có rượu có thơ, có đàn sáo lại thêm mấy nàng múa hát, mài mực chép thơ. Ôi, kiểu này e hao quá, nghèo kiết xác như tui đây phải tu mấy kiếp mới có được.

Thôi thì ta tìm những thú vui đơn giản, không tốn kém, ngay trong đời sống này. Nha, các bạn nha.

Buổi chiều đẹp trời đi bộ ra lạch nước gần nhà nhìn đàn vịt nhởn nhơ, ngắm những khóm oải hương nghiêng mình trong gió, dõi theo mấy chú vịt trời bay lượn trên cao, mơ cùng trăng thượng huyền nhô lên trên đỉnh ngọn cây sồi. Chẳng cũng thú lắm ru!

Buổi tối, ngồi uống ly rượu đỏ ở hiên nhà, ngắm mấy bông loa kèn vừa nở, nhớ người yêu, bỗng nghe con dế thân quen gáy. Chẳng cũng thú lắm ru.

Sáng dậy, qua một đêm trời lạnh, mở cửa thấy bông tuyết bay đầy trời, vội lấy gói trà Tuyết Sơn bạn văn ở Los gởi cho ra đun ấm nước pha, nghe tiếng nước reo như gió qua lũng thông vàng, vừa uống trà vừa ngắm tuyết rơi. Chẳng cũng thú lắm ru.

 

alt

Bảo Huân

Hôm nay vừa trả xong món nợ 1,000 đô la mượn của anh bạn để mua xe hồi mới qua đây. Anh bạn mỉm cười tươi rói. Chẳng cũng thú lắm ru.

Một hôm, mở cuốn album cũ ra xem, bắt gặp tấm hình chụp chung với vợ hồi mới yêu nhau. Chẳng cũng thú lắm ru.

Đang nằm chỏng khoeo đọc báo, bỗng có bạn gọi điện bảo tới nhà làm mấy ly sương sương nhân có người cho một nồi măng hầm chân giò thơm nức mũi. Chẳng cũng khoái lắm ru.

Đêm nằm đọc sách, bỗng nghe cơn giông kéo về, sấm chớp đầy trời, mưa rơi sầm sập trên mái nhà. Chẳng cũng khoái lắm ru.

Cuối thu, trời lạnh, để đầu trần đi ngoài trời thường bị hắt hơi sổ mũi rất khó chịu. Bỗng cô cháu gái xinh đẹp mang cho cái nón dạ và khăn quàng cổ. Chẳng cũng khoái lắm ru.

Trời lạnh, đói bụng, được bạn mời ra Phở Bắc làm một tô ấm lòng chiến sĩ. Chẳng cũng khoái lắm ru.

Lục lại chồng sách cũ, tìm thấy cuốn thơ Maya Angelou, lật ra xem thấy trang đầu có hàng chữ “Tặng anh, để nhớ mãi ngày đi với nhau trên Phố Cổ”. Trong sách có mấy cánh hoa magnolia màu trắng đã héo khô. Chẳng cũng thú lắm ru.

Năm hết Tết đến, đang nghèo kiết xác lại trong cảnh cô đơn lạnh lẽo, bỗng được ông boss gởi cho cái check kha khá. Chẳng cũng khoái lắm ru.

Tình cờ lên Youtube, nghe người ca sĩ mình hằng yêu mến, hát lại bài Hẹn Một Ngày Về nghe rưng rưng nước mắt nhớ về một bến sông xưa. Chẳng cũng thú lắm ru.

Bất ngờ nhận được gói khô bò của thằng cháu đi Cali mua về cho. Sẵn chai rượu cũng của cho, mở ra làm một ly với khô bò cay cay. Chẳng cũng khoái lắm ru.

Cổ thi Trung Quốc có nói tới bốn cái sướng:

Cửu hạn phùng cam vũ
(Nắng hạn gặp mưa lành)
Tha hương ngộ cố tri
(Xa quê gặp người quen biết cũ)
Động phòng hoa chúc dạ
(Đuốc hoa đêm động phòng)
Kim bảng quải danh thì
(Bảng vàng thấy đề tên)

Một thâm nho của ta (hình như cụ Bùi Hữu Nghĩa) nói: Như vậy chưa có gì đáng gọi là thiệt quá đã. Nắng hạn dăm bảy bữa gặp cơn mưa đổ xuống thì có gì quá mừng. Đi xa… từ làng này qua làng khác gặp người quen thì cũng chỉ vui vui thôi. Lấy vợ thì động phòng, thú nhưng cũng bình thường thôi chưa gọi là đặc biệt. Học giỏi mà thi đậu thì mừng nhưng cũng không phải là thật rất mừng.

Phải thêm hai chữ vào mỗi đầu câu thì mới tả được cái cực khoái:

Tam niên cửu hạn phùng cam vũ (Ba năm nắng hạn gặp mưa lành: sướng, cha chả là sướng)
Thiên lý tha hương ngộ cố tri (đi xa ngàn dặm mà gặp người quen thân; mới gọi là mừng hết biết)
Hòa thượng động phòng hoa chúc dạ (hòa thượng mà được động phòng – quá đã, quá đã)
Nột nho kim bảng quải danh thì (Học thì dốt mà đi thi lại thấy bảng vàng đề tên – sướng chết đi được, phải không các bạn)

“Trong khu núi đá này, đâu cũng nghe tiếng dế kêu. Tôi thích một con kêu thôi. Nó gợi cho tôi một sự minh trí già dặn, vượt tất cả những tư tưởng thế tục; mà giữa mùa hè nóng nực, nó có cái mát mẻ của mùa thu. Nó nói với chim: “Các em như con nít, tùy hứng mà ríu rít; Thiên nhiên mượn các em mà nói, còn ta đây, là tiếng nói của kiến thức thành thục. Bốn mùa không xoay chuyển vì ta, mà ta ru ngủ bốn mùa”.

“Các con dế ca như vậy, vĩnh viễn, ở dưới chân cỏ. Minh triết mà bình tĩnh, tiếng ca của nó có tính cách bình ổn của tản văn. Nó không uống rượu mà uống sương. Thời kỳ ấp trứng qua rồi, không bị luyến ái kích thích ngầm nữa, nó ca tụng Thượng Đế, vĩnh viễn hưởng lạc ở Thượng Đế. Nó đứng ra ngoài sự chuyển biến của bốn mùa. Tiếng ca của nó bất biến như chân lý. Chỉ khi nào người ta thật khoẻ mạnh mới thích nghe tiếng dế kêu”.

Nhân đọc lại Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường, gặp đoạn văn trên của Thoreau. Chẳng cũng thú lắm ru. 

TN
(Kỳ sau: Bàn về những cái khoái của Kim Thánh Thán)