Với một người đam mê Nhiếp Ảnh, cái đầu tiên mà tôi chú ý tới khi về ở địa phương này là Dallas-Fort Worth chưa có một sinh hoạt nào dành riêng cho người Việt yêu thích nhiếp ảnh. Trong khi đó, các hội “Hội nhiếp ảnh” và những sinh hoạt của nó đã được hình thành ở những cộng đồng người Việt khác ở hải ngoại như: Nam Cali, Hoa Thịnh Đốn, Toronto (GTA), San Jose, và ngay cả thành phố láng giềng Houston từ nhiều năm nay.
Thời điểm để bước vào “sân chơi” nhiếp ảnh là ngay bây giờ – tốt hơn bất cứ lúc nào.
Nhiếp ảnh phổ thông đã từng một thời được xem là “thiếu hữu dụng” và “tốn tiền” trong quá khứ; điều đó không còn thật vậy nữa, một phần cũng nhờ sự tiến bộ của nhiếp ảnh số (digital photography). Với sự phát minh của máy điện toán và máy ảnh số, nhiếp ảnh số càng tiếp tục phổ biến trong cả hai giới bấm máy “nhà nghề” và “tài tử”. Hơn nữa, thời nay mọi người có máy ảnh số cá nhân để chụp những khoảnh khắc quan trọng trong đời, chẳng hạn như những buổi họp mặt bạn bè/gia đình và đám tiệc lễ lạt.
Giá mua máy ảnh ngày nay đang ở mức thấp nhất từ trước tới giờ. Tôi còn nhớ vào khoảng cuối thế kỷ 20 (năm 1999), máy Nikon digital loại professional mới ra và mang cái giá “choáng váng mặt mày” $20,000. Lúc đó tôi thà chơi với máy chụp phim F4, “vừa túi tiền” hơn nhiều. Năm 2013-2014 thì chuyện lại khác hẳn. Những máy ảnh hạng professional của Nikon và Canon đang bán với giá “ngọt” hơn nhiều, lơ lửng khoảng $6,000-$8,000. Nhưng điều đáng “thở phào” hơn hết là những máy DSLR hạng trung (không đến nỗi ‘xịn’ như D4 hoặc 1DX nhưng cũng khá ngon lành) có thể được “ẵm” về với chỉ $1,500-$2,000 (một phần tư giá tiền của máy Prồ). Cùng với sự giảm giá đáng chú ý, nhiếp ảnh số càng bành trướng trong những lãnh vực áp dụng của nhiếp ảnh và có lẽ, đây là lý do tại sao nhiếp ảnh càng gia tăng sự phổ biến như hiện nay.
Vài hiệu máy ảnh DSLR thông dụng nhất hiện nay, dẫn đầu bởi Nikon và Canon.
“Ổ bánh phần trăm”
Nếu chúng ta xem một tác phẩm nhiếp ảnh hoàn hảo (100%), và những “khâu” chủ yếu được (hoặc nên được) chia ra như sau: chụp ảnh: 65%, chỉnh sửa hậu đoạn: 25%, trình bày và những yếu tố khác: 10%. Nếu bạn xem minh họa “ổ bánh phần trăm” thì sẽ có khái niệm rõ hơn.
“Ổ bánh phần trăm” với những “múi” chính làm thành một tác phẩm ảnh trọn vẹn.
– Phần chỉnh sửa hậu đoạn (post processing hoặc editing photos) thường áp dụng những phần mềm máy điện toán như Adobe Photoshop, Corel PaintShop Pro, Serif PhotoPlus, ACDSee, v.v. … và thanh toán cho tối đa chỉ một phần tư (25%) của một tác phẩm hoàn hảo. Nói rõ hơn, dù cho bạn giỏi sửa Photoshop đến mức “thượng thừa” mà bước Chụp Ảnh của bạn chỉ “tầm thường” thì số điểm tối đa bạn có thể đạt được chỉ ở khoảng 25% (hoặc hơn tí).
– Phần trình bày và những yếu tố khác gồm: lọc lựa hình, sắp xếp cho ngăn nắp, tổ chức gọn gàng cho dễ tìm… đến phần trình bày (cho người thưởng thức). Nếu in ra thì in loại giấy gì, cỡ nào, chọn khung hình; và nếu trình bày cho web thì sẽ phải resize cỡ nào, save dưới dạng nào để hình rõ nhất và download nhanh nhất? Nếu bạn rành được những yếu tố này thì coi như lấy 10% bỏ túi.
– Phần có phân số cao nhất (và quan trọng) nhất là bước chụp ảnh. Thử nghĩ, nếu một người nào đó chụp tấm ảnh Tòa tháp World Trade Center bị ngã trong vụ 9/11 mà bị mờ, hoặc bị sai độ sáng (xem lại thấy đen thui…) cả đời cũng không bao giờ có cơ hội thứ nhì! Trong giai đoạn này, bạn có thể chắc chắn (trong khả năng của bạn) chất lượng của tấm ảnh. Nếu không bị sơ sót nào trong những vấn đề kỹ thuật, mà còn nắm vững yếu tố thẩm mỹ, chắc chắn bạn sẽ đạt được 65%.
Thường thì tổng số mức điểm trung bình của những người biết chơi ảnh cũng trên 55% tới 60%. Còn những tay “cao thủ” thì thường xuyên đạt mức 75%-80%. Hiếm ai lấy được 100% đều đều như “cơm bữa” – nobody is perfect! (hì hì)
Vạn sự khởi đầu nan
Là một thành viên mới ở cộng đồng Dallas này, tôi cảm thấy hơi dè dặt về việc “khởi sự” bất cứ điều gì. Nhưng với kinh nghiệm và những giải thưởng quốc tế cao quý trong ngành Nhiếp ảnh; và với khả năng chuyên môn, tôi tự tin để “khởi sự” một lớp Nhiếp ảnh cho Cộng Đồng người Việt tại Dallas. Tôi luôn mong muốn cùng các bạn yêu Nhiếp Ảnh nghệ thuật có một nơi để cùng sinh hoạt, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về thú giải trí lành mạnh này.
Và cũng mong lắm thay, những cuộc thi Nhiếp ảnh quốc tế trong tương lai (đặc biệt về thể loại Nature & Wildlife) sẽ có thêm những “cao thủ Việt” đem về những giải thưởng cao quý cho người Việt.
Hy vọng một ngày gần đây, các anh chị em yêu thích nhiếp ảnh sẽ cùng tham gia và giúp một tay.
Anh em chơi ảnh người Việt cùng “săn ảnh”, một thú giải trí rất lành mạnh và thú vị.
AN