Đây không phải chỉ là một ngã tư tầm thường, mà là một chùm cầu giao thông, đan chéo, chồng chất nhau, và nối tiếp hai khúc xa lộ lớn trong đại đô thị Dallas-Fort Worth. Cầu bay năm-tầng “có một không hai” này được gọi là the Dallas High Five.

Hàng chục lần lái xe trên đoạn xa lộ 75 rẽ qua I-635 hướng về phi trường DFW, tôi đâu ngờ giao lộ đó lại là một địa danh “có một không hai” trên đất Mỹ.
Trong hệ thống xa lộ xuyên bang của nước Mỹ có 14,750 giao lộ khác nhau. Tuy thế, những đoạn xa lộ uốn cong và quấn vòng này đều đóng một vai trò quan trọng – cho phép người lái đổi chiều xe chạy qua nhiều hướng khác mà không cần phải dừng xe.
“Trong lịch sử chúng ta có ba thế hệ giao lộ,” Dan McNichol, tác giả cuốn The Roads That Built America, nói “thứ nhất là loại vòng tròn, loại này cho phép nguồn thông lưu từ nhiều chiều sáp nhập nhau. Thế hệ kế tiếp là loại giao lộ hình hoa thị, từ trên không nhìn giống như bốn vòng tròn ở một ngã tư.”

Thế hệ thứ nhì của giao lộ xa lộ hình hoa thị; từ trên cao nhìn giống như bốn vòng tròn ở ngã tư.
Tuy nhiên, loạt giao lộ này chưa phải là cách tốt nhất để đáp ứng với mức thông lưu cao của một đại đô thị đông dân cư. Hai dòng xe phải tranh giành nhau ở một khoảng trống: một dòng đang muốn tách ra khỏi xa lộ, một dòng khác đang muốn lên xa lộ, gây nên những điểm kẹt “cổ chai” trầm trọng.
Ông McNichol nói tiếp “Thế hệ thứ ba của giao lộ chứa đầy những ‘cầu bay’”. Giao lộ cầu bay cho phép người lái đổi hướng theo đường cầu riêng của họ, loại đi sự cần thiết phải sáp nhập với luồng giao thông đang rời khỏi xa lộ. Trong những khu đông dân cư như Riverside, California, các nhà thiết kế xa lộ đang cất cao lên để tận dụng tối đa những mảnh đất trống. Và ở Texas, họ đã đi lên một chiều cao mới, muốn ngộp thở. Giao lộ này cao khoảng 12 tầng lầu, và chiếm 251 mẫu đất.
Đây không phải chỉ là một ngã tư tầm thường, mà là một chùm cầu giao thông, đan chéo, chồng chất nhau, và nối tiếp hai khúc xa lộ lớn trong đại đô thị Dallas-Fort Worth. Cầu bay năm-tầng “có một không hai” này được gọi là the Dallas High Five.
Đặc điểm “độc nhất vô nhị” của khúc xa lộ “giỏ mây” này là nó có đến năm tầng xa lộ chồng lên nhau. Điều này giúp nhiều trong việc tránh kẹt xe, nhất là trong những giờ cao điểm buổi sáng hoặc buổi chiều.

Sơ đồ mô hình của Dallas High Five. Dốc bên trái ảnh là xa lộ US 75 đi hướng Nam về phía downtown Dallas. Đường ở góc trên phải là xa lộ I-635 đi về hướng Tây ra phi trường DFW.
Nằm cách downtown Dallas khoảng 10 dặm về hướng Bắc, giao lộ này là một công trình xây cất đồ sộ.
1. Trên tầng thứ nhất có những lằn đường cho xa lộ US 75, chạy hai chiều Bắc-Nam. Các kỹ sư đã phải đào 20 ft (6 m) dưới mặt đất để đặt bê-tông cho tầng này.
2. Tầng thứ nhì có những lộ đường phố dọc theo mỗi bên của bốn hướng.
3. Tầng thứ ba chứa những lằn đường chạy theo hướng Đông-Tây của xa lộ I-635.
4&5. Tầng thứ tư và năm là những cầu bay nối trực tiếp giữa I-635 và US 75.

Máy “dựng” cột “Sergio” nằm chễm chệ trên tầng cao nhất tại địa điểm xây cất công trình High Five.
Để xây giao lộ đồ sộ này, đội thợ đã pha trộn và đổ 350,000 thước khối xi-măng, dựng 710 cột cầu, đặt 31 dặm khúc cầu, và 2 triệu bộ vuông bê-tông trên sàn cầu. Những cầu cao nhất nằm 37 mét (120 feet) khỏi mặt đất. Mỗi lần lái từ hướng Tây trên Lyndon B. Johnson Freeway (I-635), để chuẩn bị đổi qua hướng Bắc của Central Expressway (US 75), tôi có cảm giác như xe đang chạy lên… thiên đàng. Cầu đường rất dốc, và ở điểm quẹo cua, rất cao! Tới đó thì không còn tinh thần nào để ngắm cảnh bên ngoài nữa, hai mắt phải tập trung trên mặt đường và những xe chung quanh.
Một công trình xây cất vĩ đại được kêu gọi bởi Bộ Giao Thông Texas vào năm 2002 để thay thế giao lộ cũ (xây từ thập niên 1960, đã lỗi thời và không thể nào đáp ứng được lượng giao thông 500,000 xe mỗi ngày).
Hợp đồng xây cất trị giá $261 triệu Mỹ kim được giao cho hãng Zachry Construction Corporation, với một điều khoản bonus $11 triệu nếu công ty này có thể hoàn thành hợp đồng trong vòng 4 năm.

High Five trong thời gian xây dựng
Thế nhưng thử thách lớn nhất cho những kỹ sư là phải xây High-Five ngay trên dấu chân của giao lộ cũ, để tránh biến đoạn xa lộ thành một bãi đậu xe khổng lồ.
Trước tiên họ đặt những cột cầu vào vị trí. Những xe vận tải chở những thanh bê tông to và rất nặng đã đúc sẵn từ sân đúc gần đó đến địa điểm xây cất. Để “dựng” lên những thanh bê tông đó, thông thường là bằng cần cẩu lớn, sẽ chiếm quá nhiều khoảng trống trong khu làm việc giới hạn, nên các kỹ sư đã phải nhờ vào sức mạnh ghê hồn của một công cụ nhập cảng từ Ý.
“Nhà thầu nảy ra ý kiến đổi mới là xây một dụng cụ đặc biệt chúng tôi gọi là ‘Sergio’,” Jay Nelson, kỹ sư của Bộ Giao Thông Texas phát biểu “Sergio là máy “dựng” khúc bê tông, và theo căn bản, máy này cần rất ít nhân lực để hoàn thành công việc. Tại một vị trí an toàn trên đoạn cầu đã xây, Sergio câu lên đoạn bê tông nặng 75 tấn lên, xoay nó qua đầu này, dời ngang qua đầu kia, rồi hạ vào chỗ, và những người thợ có thể ráp đoạn đó vào khúc cầu đã xây.”
Sau 4 năm xây cất, công trình Dallas High Five trị giá $270 triệu đã khai trương vào tháng Mười Hai, năm 2005, một năm sớm hơn dự định.
Ông Nelson nói tiếp, “Nói chung, Dallas High Five là một địa danh, thật ra đó là một điểm thu hút cho khách du lịch đến thành phố này.”
Thật không hổ danh với cái câu Everything is Bigger in Texas!

Giao lộ năm-tầng có-một-không-hai ở Dallas, Texas. Những ai sợ độ cao sẽ ngán ngẩm khi đi qua cầu bay bên trên.