Menu Close

Đi săn vì vinh quang

Trở về nhà với một cặp ngà voi, những người đàn ông của bộ lạc Barabaig  hoan hỉ với chiến lợi phẩm từ một cuộc săn bắn. Với họ, ngà voi là một minh chứng cho một chiến thắng chớ không vì lợi tức.

alt

Ngồi trên điểm cao của ngọn đồi, mấy tay thợ săn Barabaig đang ‘rà’ phía đường chân trời để tìm voi

Ngồi trên điểm cao của ngọn đồi, mấy tay thợ săn Barabaig đang ‘rà’  phía đường chân trời để tìm voi; con vật mà người Barabaig xem là một halot của họ, hoặc kẻ thù của bộ tộc.

Trong những cuộc săn voi, sư tử, và những đối thủ đáng gờm khác, những chàng trai Barabaig khao khát được trở thành ghadyirochand, hoặc anh hùng. Những cao thủ nào hạ được một con thú nguy hiểm mà chỉ dùng giáo thì được hưởng vinh quang tràn trề bao gồm cả những món quà như trâu bò làm của, thanh thế suốt đời. Nhưng đặc biệt là ‘quyền lợi sinh lý’ và được phép thoả thuê với bất kỳ ‘chân dài’ nào trong bộ tộc. Thế nên, một cái ngà voi vẫn đáng để ‘bỏ mạng’ hơn mấy cái nanh sư tử!

alt

Ánh mắt đanh thép phản ảnh sự can đảm  như một chiến binh của tay săn

Khoảng 50,000 người Barabaig sống ở miền Trung Tanzania (Châu Phi) là dấu vết còn lại của bộ lạc Datoga hùng mạnh thời xưa, một giống dân bị tàn sát bởi thực dân từ Châu Âu, bịnh dịch và nội chiến giữa những bộ tộc. Sau khi Tanzania giành độc lập năm 1961, chính phủ chiếm một phần lớn vùng đất của người Barabaig để phát triển nông nghiệp, đẩy xô đa số bộ tộc bán-du về hướng Nam để họ tự tìm đến những đồng cỏ, thảo nguyên. Ngày nay, người Barabaig sống ở trên lề của xã hội Tanzania, vật lộn để duy trì truyền thống văn hóa của họ. Chính phủ nghiêm cấm và phạt nặng bất cứ ai săn voi ngoài ranh giới của những trại săn bắn có giấy phép, nên những cuộc săn của người Barabaig được tiến hành trong sự bí mật nghiêm ngặt. Nhiếp ảnh gia Gilles Nicolet phải sống sáu tháng với bộ tộc Barabaig trước khi được cho phép đi theo một cuộc săn. Sự chuẩn bị cho cuộc theo đuổi săn bắn đầy gian khổ này gồm những loạt tập dợt để luyện sức khoẻ và sẵn sàng chiến đấu. Mỗi tay săn chỉ  nhận được hai đến bốn cây giáo tuỳ theo trình độ kinh nghiệm, và những tay đang tập tành phải chứng tỏ lòng can đảm trước khi giành hơn hai loại vũ khí.

Vận dụng giác quan để săn rình, những tay thợ săn đang rình một con voi vừa tìm được sau nhiều ngày tìm kiếm. Họ tạm thời dừng chân để chờ lệnh từ  kamatalogot, hay “mother of the hunt”; ông trưởng nhóm này sẽ đưa ra chiến lược tấn công và báo hiệu thời điểm để tiến lên.

alt

Sự chuẩn bị cho cuộc theo đuổi săn bắn đầy gian khổ này gồm  những loạt tập dợt để luyện sức khoẻ và sẵn sàng chiến đấu.

Trong một màn ‘xáp lá cà’, mấy tay thợ săn ném giáo vào con mồi đang ẩn nấp trong bụi rậm. Chuyến săn thật nguy hiểm đến tánh mạng, có thể từ một con voi điên tiết lên khi bị tấn công, hay ‘lạc… giáo’ từ vũ khí của một thợ săn khác rất thường xảy ra. Đã có ba thợ săn bỏ mạng chỉ trong vòng vài tháng. Ở khoảnh khắc săn bắt ‘cao điểm’ này, mấy ông thợ săn đã mệt lả vì lễ nghi săn bắn đã thách thức sức chịu đựng và lòng can đảm của họ. Thợ săn phải đi bộ 12 tiếng và không ăn gì trong suốt thời gian của cuộc săn, có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Họ được phép uống nước chỉ một lần mỗi ngày. “Nếu Ông Trời thấy chúng tôi bị khổ,” một tay săn giải thích, “ổng họa may sẽ bảo vệ chúng tôi và ban cho một con vật để chúng tôi giết.”

Một con voi lê lết với vết thương và những tay thợ săn rầm rập đuổi theo và lần theo vết máu. Đến khi đuổi kịp thì đã là ngày hôm sau, con voi đã sắp sửa chết; và rồi những tay săn phải giải quyết nhanh chóng đống thịt khổng lồ này. Sau một cuộc rượt đuổi, những tay săn đẫm mồ hôi và gần như kiệt sức. Và chỉ hai người đâm mũi lao đầu tiên sẽ được tôn vinh làm anh hùng. Những tay săn làm công việc cuối cùng là gỡ lấy ngà, bỏ lại phần xác voi cho các thú vật khác.

alt

Những sự thật khác của đời sống Barabaig được phổ biến qua lớp trẻ thanh thiếu niên nam nữ ở một dangass, tên gọi của cuộc gặp gỡ bí mật diễn ra trong rừng sâu.

 Hiển nhiên, sự trở về làng như một người hùng của bộ lạc, một ghadyirochand  được người làng vinh danh công sức và được xức ‘bơ thánh’ như một  biểu tượng của sự phù hộ bởi thần thánh. Trong những cuộc viếng thăm từng ấp làng của bộ tộc này, những người hùng sẽ được các cô gái chưa chồng chân thành ca ngợi bằng một bài hát vinh danh. Người hùng sẽ được ‘thưởng’ một  sabotchka như nghi lễ thân tình- một sợi  ‘dây nịt’  làm bằng xơ dệt từ một cây baobab. Thời gian để làm món quà này cũng mất toi mấy tuần của  các nàng, và chàng người hùng sẽ mang nó như một ‘huy chương danh dự’. Thành tích giết voi hoặc sư tử càng chứng tỏ rằng người hùng sẽ sẵn sàng bảo vệ bộ lạc nhà, nên chàng hẳn nhiên sẽ dành luôn quyền lợi về ‘kinh tế’. Sau vài tháng đi “khoe thành tích” ở nhiều làng trại của dòng họ kể luôn người dưng để xin ‘quà’ là trâu bò; ở mỗi điểm dừng, người hùng sẽ được ca tặng và được xức bơ Thánh. Chàng có thể bội thu hàng chục bò, dê và cừu; số lượng của những đàn trâu bò này càng xác định địa vị của ‘đại gia Barabaig’. Vì vậy, việc thu thập trâu bò là việc ‘tối cao’ dù nó đòi hỏi những cuộc săn bắn nguy hiểm đến cỡ nào chăng nữa; “Nếu anh giàu”, một chàng trai làng kể, “tất cả gái làng sẽ yêu anh, và anh sẽ được kính trọng.”

Ai bảo ‘trâu bò’…  không mang lại hạnh phúc?!

alt

Cô gái làng  trong mặt nạ truyền thống, cũng sẽ nhận được danh dự và vương hiệu tương tự khi được người hùng chọn mặt gửi vàng

Những sự thật khác của đời sống Barabaig được phổ biến qua lớp trẻ thanh thiếu niên nam nữ ở một dangass, tên gọi của cuộc gặp gỡ bí mật diễn ra trong rừng sâu. Một lão làng làm chủ trì cho một cuộc tụ họp khá trang trọng để chỉ dẫn nhóm trẻ về những phong tục của bộ lạc. Người hùng, được thu nhận sự chú ý của một ‘superstar’; và chàng sẽ trà trộn cuộc hội tập phù phiếm giữa vô số cô gái làng. “Cô ấy là người hâm mộ đầu tiên được chọn trong số những người hâm mộ các người hùng,” một tay thợ săn nói, “làm bạn gái của người hùng là một món quà quý chớ giỡn sao!” Nàng, trong mặt nạ truyền thống cũng sẽ nhận được danh dự và vương hiệu tương tự khi được người hùng chọn mặt gửi vàng. 

Không ai biết rõ những thợ săn Barabaig đã giết bao nhiêu con voi mỗi năm nhưng con số thì tương đối nhỏ. Một vài người Tây Phương được chứng kiến cảnh săn voi thì nghĩ rằng số voi bị giết mỗi năm có thể lên vài tá. Nhưng hội bảo tồn thiên nhiên thì cho rằng phương pháp truyền thống chẳng mấy đe dọa gì với đàn voi Tanzania, ước tính đến hơn 100,000 con.

Và cũng như những bộ lạc thổ dân khác, người Barabaig đang chịu đựng áp lực để từ bỏ những phong tục xưa. Trong khi tương lai của loài voi càng vẻ như khá vững vàng, và những người hùng Barabaig thì sớm có thể sẽ trở thành một giống… nguy sinh!

alt

Mỗi tay săn chỉ  nhận được hai đến bốn cây giáo tùy theo trình độ kinh nghiệm, và những tay đang tập tành phải chứng tỏ lòng can đảm trước khi giành hơn hai loại vũ khí

HD