Nguyễn Đình Bổn sinh năm 1962 tại Quảng Nam. Sau 1975 theo gia đình sống tại một vùng quê của đồng bằng sông Cửu Long gần 20 năm. Hiện ông đang sống và viết tại Sài Gòn. Ông còn là một facebooker có nhiều nhận định sâu sắc về chính trị, văn hóa, xã hội VN.
Tác phẩm đã xuất bản trong nước:
– Đuổi quỷ – Giữa trần gian và địa ngục
– Phượng trắng
Ông viết truyện ngắn dưới đây trong dịp lễ Valentine, khi nhiều người đang hào hứng bày tỏ tình yêu cùng nhau. Ông viết trong một status: “Lên Facebook thấy các bạn chúc mừng ngày tình yêu vào ngày mai. Nhưng đây là câu chuyện buồn tôi vừa viết xong từ ý nghĩ sáng nay, khi đứng trước đường chờ xe lửa đi qua. Câu chuyện phản ảnh một thực trạng đau lòng ngay tại Sài Gòn, nhiều người đã chết vì những sụp đổ kinh tế gia đình nhưng vẫn có những người vẫn sống trước nghịch cảnh và chờ đợi!”

Nguyễn Đình Bổn
Khi Quân chạy đến nơi giao tiếp giữa đường ray nhưng không có thanh chắn vì đây chỉ là một con đường hẻm, cô gái mặc đồng phục xanh đã bước ra thổi còi tuýt tuýt và đưa cây gậy lên ngăn những người đang chạy xe gắn máy đến. Anh thắng xe cách đường ray chừng 3 mét và đợi. Dù vậy đoàn tàu cũng còn khá xa…
… Mai thở mệt nhọc, cả thân hình cô tím tái, nhưng cũng ráng nói: “Nghe em nè, anh phải sống để nuôi con. Em cảm thấy sắp đến giờ rồi, anh đưa em về đi, làm ơn…”. Quân cắn răng, cố ghìm không cho nước mắt tuôn ra. Mai đang nửa nằm nửa ngồi trên một chiếc giường sắt nhỏ, tấm ra trắng ngả màu vàng bẩn thỉu bởi cùng chia sẻ bề ngang 80cm đó với cô là hai bệnh nhân khác, một người phụ nữ ngoài 60 và một phụ nữ trung niên, lớn hơn Mai chừng 10 tuổi. Quân đưa cho vợ ly nước, nói: “Ừ, em cố đi, bác sĩ nói còn có thể…”. Mai vẫn thở mệt nhọc: “Đừng nói dối em, em muốn ra đi bên con và anh, với lại em biết, nhà mình đâu còn tiền”. Quân cố trấn an vợ: “Bệnh em có thể chữa khỏi, anh sẽ kiếm ra tiền!”
Nói vậy thôi chớ Quân đã gần như tuyệt vọng. Vợ chồng họ ở nhà thuê, gia đình bên vợ nghèo, gia đình Quân không còn ai trong khi chi phí cho một ca phẫu thuật tim rất cao. Tất cả tiền bạc họ dành dụm được và cả tiền bạc gia đình giúp đỡ đã hết sạch. Ngay lúc đó trong đầu Quân như lóe lên tia sáng, anh chợt nhớ mình còn có hai thằng bạn thân thời đi học, cách đây nhiều năm tụi nó làm ăn phát đạt, đều trở thành chủ doanh nghiệp. Tính Quân không muốn lụy bạn bè nên anh không lưu số bạn trong điện thoại. Quân nói với Mai: “Em đợi anh chút, anh chạy về nhà rồi ra liền”. Mai gật đầu, cô nhắm mắt lại. Quân vội vàng rời bệnh viện, anh phóng xe máy như bay về căn phòng nhỏ, lục cái túi đựng giấy tờ, lấy ra một quyển sổ. May quá, số điện thoại vẫn còn. Biết đâu họ sẽ là cứu tinh của gia đình anh. Quân vội vàng bấm một số nhưng máy báo không có tín hiệu. Anh thất vọng, nhẩm đọc và bấm số thứ hai. Tiếng tút dài bên kia cho Quân một hy vọng, rồi đúng tiếng thằng Vinh, bạn anh: “A lô, tui, Vinh nghe” “Tao nè, Quân nè, tao đang cần gặp mày, mày đang ở đâu?”. Giọng Vinh: “Trời Quân hả, có chuyện gì vậy, mày không biết gì sao?” “Sao…?”, “Tao về quê rồi, đóng cửa xí nghiệp may rồi, nợ cả đống, khi nào mày dẫn vợ con về ghé tao nói chuyện cho nghe…”. Quân thở hắt ra. Anh nói: “Ừ, không có chuyện gì, thôi mày cho tao số thằng Nam đi…” Vinh: “Gia đình mày đang gặp chuyện gì hả? Mày cắt đứt với bạn bè mấy năm nên không biết. Nam chết rồi!”. “Chết rồi?” “Ừ, lao đầu vô tàu lửa, nó vay tiền quá nhiều, công việc sụp đổ…”.
Đoàn tàu lao ầm ầm đến. Quân bóp chặt thắng tay, chân phải nhấn mạnh thắng sau. Đoàn tàu ngày Tết khá dài vẫn cứ lao qua đường ray như bất tận. Quân cắn răng, đưa tay trái tắt máy xe…
Phía bên kia đường ray là nhà trẻ nhỏ. Khuôn mặt Mai hiện lên nhợt nhạt: “Em biết anh yêu em lắm, nhưng không được tuyệt vọng, có làm sao cũng phải sống, phải nuôi bé Quốc nghen anh!”..
