Menu Close

Đường có hại cho sức khỏe?

Đường có thể giết bạn!

Những tiêu đề trên báo chí như thế đã xuất hiện trên internet sau khi một bản nghiên cứu được đăng trên báo JAMA Internal Medicine mới đây. Cuộc nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh (Centers for Disease Control and Prevention (CDC) cho thấy có sự liên hệ giữa bệnh tim với việc tiêu thụ đường pha chế thêm vào các thực phẩm. Kết quả thật đáng ngại: Trung bình, thức ăn của người ở Mỹ chứa thêm đường pha chế vào làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim lên đến 18%. Tệ hơn nữa, hơn 21% số calorie (khoảng 420 calorie trong số 2,000 calorie cần thiết hàng ngày) là từ đường pha chế thêm vào, làm cho nguy cơ chết vì bệnh tim tăng gấp đôi. Đây không phải là lần đầu tiên đường cho thêm bị báo chí phê phán. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng tỏ rằng quá nhiều đường có thể đưa tới phì mập, tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, giảm thiểu nhận thức và ngay cả ung thư nữa. Nhưng như thế có nghĩa là bạn phải vội vã chạy đến tủ lạnh, tủ thực phẩm, để vứt bỏ đi tất cả những gì có đường pha chế thêm vào?

– Thứ đường sát nhân

Không phải mọi thứ đường đều xấu cả. Thân thể chúng ta cần đến các carbohydrate (từ bột và đường thiên nhiên như trong trái cây) để phân tích thành glucose tạo ra năng lượng. Thủ phạm gây ra bệnh tim và các bệnh trầm kha khác là thứ đường người ta thêm vào thức ăn, nước uống trong lúc pha chế hoặc gia công. Đường pha thêm vào này có trong nước ngọt (soft drink), nước uống tăng lực (energy drink), nước uống thể thao (sport drink), nước uống từ trái cây (fruit drink), cà rem, kẹo bánh, cereal, bánh mì, yogurt có thêm hương vị (flavored yogurt), gia vị trộn xà lách (salad dressing) và nước sốt cà chua (ketchup). Những thứ đường này tăng thêm calorie vào thực phẩm chúng ta, nhưng lại có rất ít hoặc không có dưỡng chất. Còn loại thực phẩm chứa đường tự nhiên thì giàu chất dinh dưỡng, giúp cơ thể không thấy cần phải tiêu thụ thêm đường.

– Đường ẩn mặt

Nhiều khi chúng ta ăn thực phẩm có pha chế thêm đường mà không hay biết. Lý do là vì chất ngọt được ẩn mình lén lút dưới nhiều tên gọi. Lần tới, khi đọc các nhãn dán trên thực phẩm, bạn nên chú ý đến những thành phần có tiếp ngữ -ose ở sau chót, chẳng hạn như dextrose, glucose, maltose và sucrose, cũng như bất cứ loại si-rô nào, như rice syrup, high fructose corn syrup hoặc malt syrup. Những thứ khác có pha chế thêm đường là: mật (có thể là lành mạnh hơn đôi chút so với đường tinh chế vì có chất xơ và dưỡng chất), molasses, nước trái cây cô đặc và nước mía ép đã bay hơi (evaporated cane juice).

– Bao nhiêu là quá đủ?

Như vậy, đường pha chế thêm vào thực phẩm thì không tốt cho sức khỏe, nhưng bao nhiêu là an toàn? Cho đến nay, chúng ta không biết rõ. Đối với thứ đường như thế này không có một con số kỳ diệu nào được coi là “lành mạnh”. Hiệp hội Tim ở Hoa Kỳ (American Heart Association) khuyến cáo nên giới hạn số đường pha chế này sao cho ít hơn 100 calorie một ngày đốivới nữ giới và 150 calorie đối với nam giới. Nói cho cụ thể: một lon nước ngọt 12 ounce có chứa khoảng 140 calorie đường, đủ để đưa một phụ nữ vào tình trạng rủi ro cao nếu uống mỗi ngày một lon. Còn Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) thì khuyến cáo rằng chỉ nên để đường pha chế tạo ra ít hơn 10% tổng số calorie một ngày (giả sử cần trung bình 2,000 calorie thì số này phải dưới 200 calorie).

Quyết tâm bỏ hoàn toàn các thực phẩm có thêm đường là tùy thuộc ở bạn. Nếu bạn quan ngại rằng mình đã ăn quá nhiều đường, thì nên theo những chỉ dẫn sau đây của Hiệp hội Tim ở Hoa Kỳ:

1. Chỉ mua thứ nước uống không có đường (sugar-free) hoặc ít calorie (low-calorie).

2. Chỉ mua trái cây tươi, hoặc trái cây đóng hộp với nước hoặc với chất lỏng tự nhiên của thứ trái cây đó.

3. Thêm trái cây tươi vào loại cereal ngọt hoặc oatmeal thường dùng ăn sáng.

4. Khi nướng bánh, giảm bớt lượng đường trong công thức làm bánh xuống 1/3 hoặc phân nửa.

5. Thay thế đường trong công thức chế biến thức ăn bằng applesauce không ngọt.

alt

TM