Menu Close

Thế vận hội Sochi 2014

Ít có cơ hội nào diễn tả được những phấn khích, những vinh quang và cả những bi kịch như Thế vận hội (TVH), đặc biệt là TVH mùa đông, vì các môn tranh tài được thể hiện trong tình trạng khắc nghiệt của thời tiết. Trong thời gian TVH mùa đông năm nay còn đang tiếp diễn tại Sochi, xin lượm lặt và trình bày một số những chi tiết liên quan đến sự kiện này:

– TVH mùa đông càng ngày càng lớn hơn trước: Lần đầu tiên tổ chức tại Pháp năm 1924 chỉ có 16 quốc gia với 258 người tham dự trong 6 môn thể thao. Năm nay tại Sochi có 88 quốc gia gửi hơn 2,800 người tham dự 98 sự kiện (events) trong 7 môn thể thao.

– Ba quốc gia gửi nhiều lực sĩ nhất tới Sochi năm nay: Mỹ (230), Canada (220) và Nga (225). 18 quốc gia chỉ có một lực sĩ.

alt

– Tốn phí nhất trong lịch sử: với 11 cơ sở xây cất hoàn toàn mới và tổng chi phí lên đến 51 tỷ Mỹ kim, TVH Sochi chiếm quán quân về số tiền chi tiêu, đánh bại cả TVH mùa hè tại Bắc Kinh (năm 2008, chi phí là $46.5 tỷ).

– TVH Sochi có thêm 12 môn tranh tài mới được đưa vào, đáng chú ý nhất là môn trượt băng cho phụ nữ (women’s ski-jumping). Sau một chiến dịch lâu dài với những vụ tranh tụng, vận động hành lang… mới đưa được môn thể thao từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới này vào TVH.

– Na Uy bá chủ TVH mùa đông: Trước đây đã thắng tổng cộng 303 huy chương trong đó có 107 vàng. Hai môn xuất sắc nhất: cross-country skiing và speed skating. Người được nhiều giải nhất thế giới là Bjorn Daehlie, chiếm 12 huy chương trong đó có 8 vàng. Tính theo đầu người, Na Uy được một huy chương TVH cho mỗi 16,556 cư dân, còn Mỹ: 1 huy chương cho mỗi 1,237,154 người.

– Để tưởng niệm vụ Prometheus ăn trộm lửa của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp, đuốc TVH luôn luôn là biểu tượng cuộc tranh tài, đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Được đưa lần đầu vào TVH mùa hè năm 1928 tại Amsterdam (Hà Lan), sau đó truyền thống rước đuốc theo lối chuyền tay được đặt ra từ năm 1936. Đuốc TVH Sochi chuyền tay lâu tới 123 ngày, có những trạm dừng tại Bắc Cực (lần đầu tiên trong lịch sử với trợ giúp của tàu phá băng chạy bằng nguyên tử), ngoài không gian (trong hỏa tiễn Soyuz), dưới đáy vùng hồ nước ngọt sâu nhất thế giới (Hồ Baikal ở Siberia – Tây bá lợi á) và trên đỉnh ngọn núi cao nhất Châu Âu (Elbrus). Số người tham gia chuyền đuốc khoảng 14 ngàn, bằng đủ mọi phương tiện: chạy bộ, chuyển bằng xe bus, máy bay… với đoạn đường dài hơn 65 ngàn km qua 29 ngàn đô thị và làng mạc.

alt

– Lần chót các huy chương vàng TVH hoàn toàn bằng vàng ròng là năm 1912. Năm nay, mỗi huy chương chỉ có 516 gram bạc và mạ 6 gram vàng, nhưng trong thực tế nó đắt giá hơn nhiều. Chính phủ Nga hứa cho mỗi người thắng huy chương vàng một số tiền tương đương với $122,000. Mỹ chưa công bố, nhưng trong TVH Luân Đôn năm 2012, mỗi người chiếm huy chương vàng được tặng $25,000.

alt

– Chỉ có một lực sĩ duy nhất đoạt huy chương vàng ở cả hai TVH mùa hè và mùa đông: Eddie Eagan, người Mỹ, đoạt huy chương vàng môn quyền thuật (boxing) hạng nhẹ năm 1920, và giải xe trượt tuyết bobsled trong đội 4 người năm 1932.

alt

–  Hy vọng của cả một quốc gia tiêu ma khi chuyến bay Sabena 548 bị rớt ngày 15 tháng 2 năm 1961. 78 người trên chuyến bay thiệt mạng trong đó có 18 thành viên đoàn trượt băng của Hoa Kỳ. Cả một thế hệ những người có thể đoạt huy chương bị xóa sổ do khoảnh khắc sinh tử đó.

alt

– Hai quốc gia chiếm hàng đầu các huy chương TVH mùa đông nay không còn nữa: Liên Sô từng chiếm 194 huy chương (1952-91), và Đông Đức 110 huy chương (1968-88).