Menu Close

Căng thẳng quanh xung đột Ukraine

Cuộc đối đầu đông-tây gợi nhớ thời “Cold War” qua biến động Ukraine lại bước sang một tuần khác mà chưa thấy dấu hiệu kết thúc. Cuối tuần qua, tại nhiều nơi ở Ukraine lẫn Nga xuất hiện nhiều cuộc biểu tình tuần hành của dân chúng đôi bên thân Tây Phương và thân Nga. Ngay tại bán đảo Crimea của Ukraine, với hằng ngàn binh sĩ Nga nắm toàn quyền kiểm soát, dân chúng thuộc hai khuynh hướng đối lập cũng xuống đường. Đáng chú ý là hôm Thứ Sáu 7-3-2014, tại Quảng Trường Đỏ giữa Moscow, thủ đô nước Nga, có ít nhất 65,000 người xuống đường vẫy cờ Nga hô khẩu hiệu “Crimea là của nước Nga!”.

alt

Một phụ nữ Ukraine chụp hình trước các binh sĩ Nga hiện chiếm đóng bán đảo Crimea. Ảnh Viktor Drachev / AFP – Getty Images

Chánh phủ Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng áp lực. Bộ Ngoại Giao ban hành lịnh cấm nhập cảnh đối với các công dân Nga và Ukraine góp tay trong vụ binh sĩ Nga chiếm đóng Crimea. Thứ Tư tuần này, lúc Trẻ vừa rời nhà in, tân Thủ Tướng Ukraine bay sang Hoa Kỳ mật bàn phương cách đối phó. Hoa Kỳ đang mở nhiều nỗ lực ngoại giao cô lập nước Nga và Tổng Thống Vladimir Putin. Hôm Thứ Bảy, Tổng Thống Barack Obama liên tục điện đàm với các đồng minh Tây Âu chánh yếu như Anh, Pháp, Đức, Ý, cũng như những lân bang trong vùng biến động như Lithuania, Latvia, Estonia… Có đồng thuận muốn nước Nga lui binh tức khắc khỏi Crimea của Ukraine và mở cửa cho quan sát viên quốc tế. Hoa Kỳ và đồng minh cũng bác bỏ không thừa nhận một kết quả trưng cầu dân ý tại Crimea (với đa phần dân gốc Nga) muốn sát nhập vùng này vào nước Nga.

Khủng hoảng càng kéo dài có thể càng bất lợi cho kinh tế Âu Châu và kể cả thế giới. Nước Nga là bạn hàng lớn thứ ba của Âu Châu, sau Hoa Kỳ và Trung cộng, với giao dịch thương mại vượt $500 tỉ (số liệu 2012). Nước Nga cũng là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Âu Châu. Giới thông thạo đánh giá, nếu Hoa Kỳ và Âu Châu chỉ áp dụng trừng phạt ngoại giao và thương mại, thực tế khó cản nước Nga trước sau cũng thôn tính Crimea.

alt

Hôm Thứ Sáu cuối tuần 7-3-2014, Moscow tổ chức cho dân chúng tuần hành, đòi “bảo vệ bằng được” bán đảo Crimea. Ảnh YURI KOCHETKOV / EPA

Hằng chục quốc gia hiệp lực tìm kiếm phi cơ mất tích trên Biển Đông

Đến chiều tối Chúa Nhật là đã 3 ngày sau khi chuyến bay Flight 370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airways mất liên lạc với đất liền. Các cuộc truy tìm vẫn chưa dò ra tăm tích. Chiếc phi cơ Boeing 777 chở 227 hành khách và 12 phi hành đoàn rời Kuala Lumpur (Malaysia) trực chỉ Bắc Kinh, Đường bay chừng 6 tiếng, nhưng mới khoảng 1 giờ thì Flight 370 đã mất tích đâu đó trong vùng Vịnh Thái Lan, cách mũi Cà Mau của Việt Nam khoảng chừng trăm cây số.

Nhiều nước quanh vùng đang phối hợp tìm kiếm Flight 370, bao gồm Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Hoa Lục, Úc, Philippines, và kể cả Việt Nam. Nỗ lực truy tìm gồm ít nhất 40 tàu thuyền và 25 trực thăng, phi cơ cấp cứu các loại. Phần Hoa Kỳ đã điều chiến hạm U.S.S. Pinckney thuộc Hạm Đội 7 đến vùng phi cơ lâm nạn. Cuộc tìm kiếm đa quốc gia bao phủ một vùng đại dương rộng hằng trăm dặm vuông.

alt

Vùng hải phận nơi Flight 370 lần cuối cùng phát tín hiệu.

Lò lửa Úc Châu

Lâu nay báo giới thường ám chỉ vùng Trung Cận Đông dễ sanh chiến sự là “lò lửa” của thế giới. Nhưng nay cũng có thể gọi Úc Châu là lò lửa theo nghĩa đen về khí hậu. Năm 2013 vừa qua là năm thời tiết nóng nhất từ khi người ta bắt đầu thu thập dữ liệu thời tiết một cách có hệ thống. Cá biệt như vùng Adelaide ở bờ biển phía nam có lúc đo được 46 độ C (114 độ F) vào ban ngày. Giải Grand Slam  quần vợt Australian Open vừa qua tại Melbourne khiến nhiều tay vợt khốn khổ vì cái nóng 40 độ C (104 độ F). Tương tự như thời tiết bão tuyết mùa đông ở Bắc Mỹ, những cơn hạn hán và các đợt nắng nóng, cháy rừng tại Úc Châu cũng đều chịu ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự báo Úc Châu trong tương lai sẽ tiếp tục hứng chịu nhiều đợt nắng nóng khủng khiếp hơn nữa.
 

alt

Cảnh mây đen bão tố quần vũ trên bầu trời Sydney, Úc Châu hôm Thứ Tư 5-3-2014. Ảnh Cassie Trotter/Getty Images

alt

Chạy thử hàng không mẫu hạm mới

Hải Quân Hoa Kỳ vừa bắt đầu thử nghiệm chiếc hàng không mẫu hạm mới nhất mang tên USS Gerald R. Ford. Chiến hạm này được trang bị các kỹ thuật radar tối tân nhất, và cũng được chuẩn bị để đón các phi cơ tự động “drones”. USS Gerald R. Ford nặng trên 100,000 tấn, có phi đạo rộng lớn hơn, hầm chứa phi cơ ba tầng, có thể chở một lúc 75 chiến đấu cơ và 4,600 quân nhân. Tốn kém xây tàu là $12.8 tỉ.

USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên trong thế hệ hàng không mẫu hạm kế tiếp mệnh danh là “Ford-class”. Đây là lần đầu tiên Hải Quân Hoa Kỳ tái thiết kế kể từ hàng không mẫu hạm USS Nimitz hạ thủy thời cuối thập niên 1960. Theo thiết kế, USS Gerald R. Ford có thể sử dụng đến 50 năm. Sau hai năm thử nghiệm, chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ chánh thức đi vào hoạt động vào năm 2016. Hiện nay, đã bắt đầu đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai cùng kiểu, mang tên USS John F. Kennedy. Có thể thấy Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư mạnh để chiếm thế thượng phong trên biển cả. Trong khi đó, hải quân Trung cộng thừa lực lấn lướt các tiểu quốc lân cận trong vùng Biển Đông, nhưng thật khó so được với Hải Quân Hoa Kỳ.

alt

Hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford neo tại hãng đóng tàu Newport News Shipbuilding (Newport News, tiểu bang Virginia).

Cuộc chạy đua võ trang mới

Đã qua lâu rồi cuộc chạy đua võ trang giữa Hoa Kỳ và Nga sô dẫn đến sự sụp đổ của đế chế sô viết, nay đang có một cuộc chạy đua võ trang khác, không quá kín đáo tại vùng Đông Á. Trẻ đã đưa tin trước đây, chánh phủ Nhật đang cân nhắc sửa đổi quốc sách về võ khí. Trong năm qua, Trung cộng là nước nhập cảng võ khí lớn nhất. Chi phí nhập cảng võ khí quân cụ của Trung cộng lên đến $2.3 tỷ,  trong khi mới một năm trước chỉ chi tiêu $1.5 tỷ. Đa phần Trung cộng mua võ khí từ nước Nga. Bắc Kinh cũng đồng thời xuất cảng võ khí đạn dược trị giá gần $2 tỉ.  

Một đối thủ đang lên là Nam Hàn. Năm 2013, kỹ nghệ quốc phòng của họ xuất cảng tăng trên 90%, lên quá $613 triệu. Philippines đã  mua 12 chiến đấu cơ T-50 Golden Eagle của Nam Hàn. Không Quân Indonesia cũng có một phi đội 16 chiếc T-50 Golden. Theo đà tiến triển này, chỉ trong chừng 2 năm, Nam Hàn có thể qua mặt Trung cộng trở nên quốc gia Đông Á xuất cảng võ khí nhiều nhất.

Gộp chung, vùng Đông Á và Đông Nam Á năm ngoái chi tiêu mua sắm võ khí lên đến $12.2 tỷ, tăng hơn năm 2012 chừng 25%. Indonesia nhập cảng võ khí lên gần 170%, lên khoảng $1.7 tỷ. Malaysia tăng 40,6%, lên $610 triệu. Đáng chú ý, Cambodia là một nước nhỏ, nhưng nhập khẩu quốc phòng tăng đến 850%, lên $95 triệu.

alt

Chiến đấu cơ T-50 Golden Eagle của Nam Hàn, sản phẩm hợp tác giữa Korea Aerospace Industries và hãng Lockheed Martin của Hoa Kỳ, được các nước Đông Nam Á ưa chuộng.

Thủ phạm trộm cắp tại Nhật

Cảnh sát Nhật Bổn gần đây cảnh báo chân dung các đạo chích bất hảo nhất tại xứ này: những công dân Việt mang hộ chiếu “CHXHCNVN”. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật nói con số các vụ nhóm đạo chích này hành sự đã gia tăng đến mức báo động, từ vài mươi vụ lẻ lên đến trên ngàn cuộc trộm cắp hai năm gần đây. Trong hồ sơ cảnh sát Nhật, công dân Việt quốc nội chiếm gần 1/2 tổng số vụ trộm cắp  liên quan tới người ngoại quốc.

Cũng theo cảnh sát Nhật, các đạo chích “Made in Hanoi” thích chiếu cố mỹ phẩm và quần áo, rồi vận chuyển hàng trộm cắp buôn lậu một cách chánh thức qua móc nối với nhân viên hãng hàng không quốc doanh “Vietnam Airlines”. Trước đây không lâu, dư luận từng xôn xao tin một phi công phụ tá của “Vietnam Airlines” bị cảnh sát Nhật câu lưu vì tình nghi tiếp tay buôn lậu. Tuần qua, nhà chức trách Nhật cũng ra trát bắt một tiếp viên của “Vietnam Airlines” dính dáng tới đường dây vận chuyển đồ… chôm chỉa. Nói chung, hàng hóa Nhật, đặc biệt là mỹ phẩm và quần áo, là mốt thời thượng tại quốc nội. Các đạo chích Việt bị cảnh sát Nhật tóm gáy thường trong độ tuổi 20-30, muốn lợi dụng làm giàu mau lẹ.

Lễ hội Mardi Gras

Các cuộc lễ hội mệnh danh “Mardi Gras” tại thành phố  New Orleans (Louisiana) năm nay diễn ra trong rét mướt giữa thời tiết bão tuyết khắp Hoa Kỳ trong tuần qua. Nhiệt độ khoảng 30 độ F khiến số người tham dự sút giảm thấy rõ, các cuộc diễn hành cũng giản lược hơn.

Điều ít người biết hơn là không chỉ có New Orleans ăn mừng vào thời điểm này. Đây là một tập tục theo truyền thống Thiên Chúa Giáo có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại. Các tín đồ Thiên Chúa Giáo tổ chức ăn mừng thỏa thích vào trước ngày Thứ Tư Lễ Tro (Ash Wednesday), trước khi bước vào mùa chay tịnh hằng năm kéo dài 40 ngày (trong Anh ngữ mùa này gọi là “Lent”). Tùy từng năm, ngày Ash Wednesday có thể bắt đầu sớm nhất vào 4-2 và trễ nhất vào 10-3. Trong ảnh: Đoàn diễn hành của Mondo Kayo Social trên đường St. Charles Avenue dịp Mardi Gras Day tại New Orleans hôm Thứ Ba 4-3-2014. Ảnh Jonathan Bachman/Reuters

alt

Một vũ công tí hon biểu diễn trong cuộc diễn hành chào đón mùa “Lent” tại Rio de Janeiro, Brazil hôm 3-4-2014. Ảnh Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty Images

alt

Lễ hội Binche Carnival tại thị trấn Binche, Bỉ Quốc hôm 4-3-2014. Đây là một trong những lễ hội tiền Mùa Chay lâu đời nhất, được UNESCO vinh danh sự kiện văn hóa thế giới. Ảnh Eric Lalmand/AFP/Getty Images

alt

Các lễ hội diễn hành nổi tiếng mệnh danh “Nice Carnival” tại miền đông nam nước Pháp năm nay kéo dài từ 14-2 đến 4-3-2014. Ảnh Valery Hache/AFP/Getty Images

alt

alt

Ngày này trong lịch sử

– Ngày 12-3-1960. Cách nay 54 năm. Một nhân vật cộng sản cốt cán tại Miền Nam tên Hoàng Lệ Kha bị bắt rồi xử tử. Trong năm 1959, quốc gia Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ Nhất Cộng Hòa với Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ban hành một luật nhắm đến bứng gốc mầm mống cộng sản trên toàn xứ sở, mệnh danh là “Luật 10-59”. Luật cho phép chánh quyền Cộng Hòa mở các phiên tòa quân sự đặc biệt xử chớp nhoáng các phiến quân cộng sản bị bắt. Tòa này kéo dài tối đa 3 ngày, chỉ tuyên hai mức án tử hình và khổ sai chung thân, không có giảm khinh, không có kháng cáo, và bản án ban ra phải thi hành ngay. Chỉ riêng tại Củ Chi, một vùng cứ địa đỏ, trong các tháng cuối năm 1959, ước tính đến 3/4 cán binh cộng sản bị bắt và tử tình, con số lên đến vài trăm. “Luật 10-59” là hung thần một thời từng làm cho cộng sản tuyệt đường phát triển.

– Ngày 15-3-1874. Cách nay 140 năm. Tại dinh Thống Đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn, triều Nguyễn thời Hoàng Đế Tự Đức đã thuận ký “Hiệp Ước Hoà Bình và Liên Minh” (còn gọi là Hiệp Ước Giáp Tuất) với đại diện Pháp Quốc. Thời VNCH, Dinh Thống Đốc Nam Kỳ trở thành Dinh Độc Lập tọa lạc trên đường Công Lý – Sài Gòn. Với thỏa thuận này, người Việt thừa nhận chủ quyền của Pháp khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh và chịu mở cửa các hải cảng chánh yếu cho doanh gia Pháp làm ăn buôn bán dưới sự bảo vệ của binh lính Pháp. Triều đình Huế cũng phải ngừng bách hại tín đồ Thiên Chúa Giáo. Thế là thêm một chương bi oán trong trang sử trăm năm Pháp thuộc của người Việt.

– Ngày 15-3-1493. Cách nay 521 năm. Nhà thám hiểm Christopher Columbus về đến Tây Ban Nha sau hơn 6 tháng, kết thúc chuyến viễn du đầu tiên trong 4 chuyến của ông đến Tây Bán Cầu. Trong cuộc thám hiểm thứ nhất này, sau khi băng qua Đại Tây Dương, Christopher Columbus tiếp cận một số hải đảo trong vùng Caribbean trong đó có Cuba. Ông gặp gỡ thổ dân Mỹ Châu lần đầu tiên, ghi lại rằng chỉ cần 50 người trợ tá, ông có thể cai trị họ tùy thích.

– Ngày 17-3-1959. Cách nay 55 năm. Đức Dalai Lama phải rời bỏ cao nguyên Tây Tạng (Tibet), chạy sang tị nạn bên Ấn Độ đến ngày nay, sau khi cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân người Tây Tạng bị Trung cộng dập tắt. Ngày nay, ông là vị lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng lưu vong. Nỗ lực tranh đấu giành quyền tự trị và độc lập cho Tây Tạng của ông rất được Tây Phương ngưỡng mộ.

alt

– Ngày 18-3-1974. Cách nay 40 năm. Các quốc gia dầu hỏa trọng yếu của thế giới Ả Rập ngừng cấm vận dầu hỏa đối với Hoa Kỳ. Nửa năm trước đó, để trả đũa Hoa Kỳ và đồng minh hậu thuẫn Do Thái trong cuộc chiến với các lân bang Ả Rập, nhóm quốc gia xuất cảng dầu hỏa thuộc khối OPEC cùng Ai Cập, Syria và Tunisia cấm vận dầu hỏa Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bổn, Hà Lan, và Anh Quốc. Thiếu hụt dầu hỏa gây xáo trộn đời sống và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Phải sang đến đầu thập niên 1980 ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng này mới vơi hẳn, nhưng giá dầu hỏa cao hơn hẳn thời kỳ trước đó. Cũng từ đây, Texas và Alaska phát thịnh mau chóng, vì đây là hai tiểu bang thế mạnh về khai thác dầu hỏa.

alt

Xe cộ xếp hàng chờ bơm xăng trong thời khủng hoảng năng lượng.

Tin Rất Ngắn

– Hôm Thứ Năm, tiệm chuyên bán vật dụng văn phòng Staples tuyên bố sẽ đóng cửa 225 tiệm tại Bắc Mỹ trong vòng 2 năm tới. Còn giữ lại 1,290 tiệm.

alt

– Thăm dò sơ khởi bên phía Cộng Hòa cho thấy 2 Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Kentucky) và Ted Cruz (Texas) thắng thế nếu ra mặt tranh cử Tổng Thống năm 2016.

alt

Ted Cruz và Rand Paul

– Tuần qua, Bắc Hàn lại thử phóng hỏa tiễn tầm trung, liền bị nhà cầm quyền Bắc Kinh đả kích. Có vẻ Trung cộng ngày càng… chán ngấy đàn em Kim Jong Un.

– Ngày 8 tháng 3, khoảng 50 phụ nữ nhóm “dân oan” mất đất mất nhà mở cuộc tuần hành giữa Sài Gòn, đi từ Nhà Thờ Đức Bà đến trước Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ. Họ bị an ninh mật vụ xô đẩy lên xe rồi chở thẳng về quê.

alt

– Nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, chuyên gia hàng đầu Ngũ Giác Đài trong nhiều năm, từng diễn thuyết hữu ích đặc biệt cho giới trẻ Việt lưu vong. Trẻ xin giới thiệu tại baotreonline.com/articles/duong-nguyet-anh

– Tuần qua có tin Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ sẽ rời nhà tù sang Hoa Kỳ chữa bịnh. Hà Nội ngày càng sính kế “điệu hổ ly sơn”, tương tự cách người Pháp lưu đày giới hoàng tộc Nguyễn triều sang Phi Châu năm xưa.

alt

– Dân Biểu Loretta Sanchez (California) vừa lên tiếng binh vực Bùi Thị Minh Hằng, một phụ nữ đối kháng tại quốc nội, người nhiều lần bị an ninh mật vụ khủng bố.

alt

– Tương tự Bùi Thị Minh Hằng, cộng tác viên Trẻ – Tạ Phong Tần – từng là một tiếng nói nữ nhiều quả cảm tại quốc nội, vì kêu đòi tự do công lý mà nay phải chịu cảnh tù đày.