Đứng trước hai con đường, người ta không thể cùng một lúc đi hai lối mà phải chọn một. Sự lựa chọn ấy mặc nhiên quyết định số phận của ai đó, mặc nhiên khiến họ phải đương đầu với những điều thăng trầm được mất trong cuộc đời. Thinh lặng chắt lọc những gì đã xảy ra cho bản thân, người ta bỗng nghe tiếng thở dài vang lên từ đáy sâu nội ngã. Tiếng thở dài này có thể là sự hối tiếc vì hình như họ đã chọn sai, đã đi lệch hướng, đã gặp rất nhiều hiểm họa. Tiếng thở dài này có thể chỉ chứng tỏ bản lãnh kiên cường của người đã trải qua những kinh nghiệm sống, dù gian nan nhưng phong phú. Cho dẫu bằng lòng hay thất vọng, ai cũng trầm tư mỗi khi nhớ về từng ngã rẽ từng khúc quanh mình đã bước qua. Thành công hay thất bại cũng là kỷ niệm. Không muốn nhớ cũng chẳng thể quên những gì, mà cái tôi đã đang và mãi mãi sở hữu.
Diện mạo của quán trọ cuộc đời, cũng như thân phận của lữ khách muôn thuở loanh quanh trong vòng sinh tử, trong nỗi thăng trầm được mất. Dừng chân ghé lại chỉ một lần, hay trở lại muôn ngàn lần cũng thế. “Sinh vi quá khách. Tử vi quy nhân. Thiên địa nhất nghịch lữ. Đồng bi vạn cổ trần – Sinh ra là khách qua đường. Chết là người trở về. Trời đất là quán trọ. Cùng xót thương hạt bụi ngàn năm.” [1] Phải chăng thanh âm của cuộc lữ hành trên đời xưa nay vốn đã là như thế. Người ta nắm bắt được nhịp điệu nông cạn hay sâu sắc, bi quan chán nản hay an nhiên tự tại phát ra từ thanh âm của những chuyến đi, hoàn toàn tùy thuộc vào cái biết và hoàn cảnh riêng của từng người. Từ cái biết đầy ngộ tánh, nếu có nhân duyên tôi hay ai đó mới có thể chung chia âm hưởng độc huyền vọng vang trong cuộc lữ hành trên cõi thế, mới có thể ngồi bên nhau tay nắm tay trao gửi tình thương mến, cho dẫu bối cảnh cá nhân hoàn toàn khác biệt. Ra đi lúc hừng đông trở về trời đã hoàng hôn, lòng đầy hào hãnh vì thành công như ý nguyện, hay tâm hồn trống rỗng khô khốc như đưa tay với một làn mây, mở ra năm ngón lạnh đầy hư không…, người ta vẫn chẳng thể quay về lằn mức khởi điểm để lựa chọn lại. Hơn nữa bất cứ một con đường nào cũng có ngần ấy cây số đời ghi dấu thành công, thất bại, khổ đau, hạnh phúc. Dù quẹo trái hay rẽ phải, người ta không thể tránh né những khúc quanh đầy bất ngờ nhiều biến động bỗng dưng hiện ra. Không chỉ riêng anh, không chỉ riêng chị, không chỉ riêng tôi, cõi người ta từ đông sang tây từ nam sang bắc, có biết bao người đã đứng trước hai con đường, nghe tiếng gọi vô hình “Hãy Ra Đi!” Người ta phải nhanh chóng lựa chọn một phương hướng để hòa nhập vào thế giới, để hoàn thành sứ mạng họ đã cưu mang khi vào đời. Riêng lòng tôi cảm nhận: Chỉ là một thoáng mây bay, chỉ là giọt nắng qua ngày nhớ mai. Chỉ là con dốc sâu dài, chỉ là lữ khách miệt mài hàng dương. Qua đường bão tuyết vô thường, nhìn lên đỉnh núi mờ sương bóng người. Chợt nhớ hai câu cuối trong bài thơ “The Road Not Taken” của Robert Frost: “I took the one less travelled by. And it has made all the difference!” Tự chuyển ngữ: “Tôi chọn con đường ít dấu chân. Khác biệt trùng quan mấy vạn lần!” Nếu đã chọn và đã biết con đường mình đi ít người qua lại, tôi cũng chẳng nên phân vân vì đó là lựa chọn của tôi. Một khi đã thực hiện những gì cần làm, phải làm, thiết tưởng bản thân chẳng nên hối tiếc.
Người ta thường nói: Có ba điều không nên đánh mất, đó là sự thanh thản, sự hy vọng, sự trung thực. Nói theo một cách khác thì sống thanh thản, sống hy vọng, sống trung thực là điều đáng kể nhất. Tôi ghi nhớ tâm ý này, lòng thật bình an tiến bước trên con đường tự chọn.
