Menu Close

Có ngon thì mày thề đi…!

Tôi thường nghe bọn trẻ hàng xóm hay hát ra rả đến nhức óc, “Hứa thật nhiều thất hứa thì cũng thật nhiều…”, mà không quỡn tìm xem nó là bài gì. Có lẽ đây là ca từ trong một bài nhạc tình thời thượng nhăng nhít nào đó. Mỗi khi nghe thì tôi lại liên tưởng đến những lời hứa hẹn xưa nay, những lời hứa không được thực hiện.

Dân Sài Gòn hay nói: “Mày hứa Tiều, hứa Quảng. Hứa như thủ tướng hứa!”. Câu này liên hệ đến việc ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa khi nhậm chức rằng nếu không dẹp xong nạn tham nhũng thì ông sẽ từ chức, nhưng rồi nạn tham nhũng tràn lan hơn xưa và ông vẫn điềm nhiên tại vị. Cái này chuyện nhỏ. Hồi xưa ông Hồ hứa sẽ xây dựng đất nước tươi đẹp gấp mười lần sau khi chiến tranh chấm dứt mà có trúng trật quái gì đâu. Riết, người ta không còn tin vào những lời hứa nữa. Hứa mà không giữ lời thì không chỉ là nói láo, là dóc tổ, là xạo ke… mà nên được gọi là hứa hão, hứa cuội hay hứa hươu hứa vượn. Mà, hứa hão, hứa cuội hay hứa hươu hứa vượn thì quá tệ. Vì khi đó, hành vi “hứa” trở thành hành vi “lừa gạt”. Lừa gạt niềm tin.

alt

Gà trống được đưa lên đài thề làm lễ Thần linh

Hứa không còn hiệu nghiệm. Người ta cần tăng đô để bảo chứng cho sự trung thực của lời mình, thay vì hứa, người ta thề.

Trong lịch sử Việt Nam, lời thề của Đức Hưng Đạo Vương được người đời sau trân trọng và nhắc đến nhiều nhất. Khi được tin tướng giặc Ô Mã Nhi đã kéo quân sắp về đến Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương từ căn cứ A Sào kéo quân về sông Hóa. Con voi chiến của Ngài bị sa lầy khi vượt sông, ứa nước mắt nhìn theo chủ tướng. Hưng Đạo Vương chỉ gươm xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Trận này chưa phá xong giặc Nguyên thì không về bến sông này nữa!”. Binh tướng một lòng theo chủ soái phá tan quân giặc. Đó là lời thề của bậc chân anh hùng dân tộc.

Thề thường đi chung với nguyện, hay nguyền. Khi thề, người ta viện ra các giá trị thiêng liêng, quý giá như danh dự hay tính mạng để bảo chứng cho lời của mình. Thề sống, thề chết, là vậy. Người ta hay nói: “Thề có quỷ thần hai vai chứng giám!”, “Thề trên vong linh mồ mả tổ tiên…”. Và lời thề thường đi kèm theo với một hình phạt ghê gớm: “Tao thề, nói sai thì tao hộc máu!”. Hay ngày xưa, người miền Nam hay thề: “Tao thề, nếu sai lời thì xe nhà binh 18 bánh cán dẹp lép!” Thề như vậy là thề độc. Thời chiến, cái chết rùng rợn do xe nhà binh chạy ẩu cán người là chuyện thường. Do đó, ai cũng giữ lời vì sợ. Còn thời nay kiếm đâu cho ra chiếc xe nhà binh 18 bánh để cán dẹp lép. Có lẽ vậy nên từ lâu nay tôi không còn nghe ai thề câu đó nữa.

Nghiêm trọng như vậy, thế mà dần dà như lời hứa, ngày nay có vẻ như người ta cũng không còn tin lắm về những lời thề nữa. Thậm chí nhiều người còn xem chuyện thề bồi như một hình thức mê tín dị đoan. Người ta mặt dày, lì lợm, thề búa xua mà không giữ lời với nhau. Vậy là “lời thề cá trê chui ống”. Tôi không hiểu lắm về sự liên hệ hay sự ví von giữa lời thề và con cá trê chui ống. Chỉ đoán rằng có lẽ thân mình con cá trê trơn tuột, chui vào ống tre đầu này thì sẽ dễ dàng tuôn ra đầu kia. Dễ dàng như một lời thề hứa không được thực hiện, như lời trên cửa miệng của bọn vô hạnh, bất tài, điếm đàng. Hay tệ hơn: sự phản bội lại lời thề. Sự bội thề.

Dịp Tết ở VN có vô số lễ hội, nhất là ở miền Bắc, trong số các lễ hội đó có một lễ được báo chí nhắc đến khá nhiều, lễ Minh thệ, hay còn gọi là Minh thề. Có người gọi nôm na là hội thề chống tham nhũng vì nội dung của nó. Lễ Minh thệ ở đình làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, diễn ra vào ngày 14 tháng giêng hàng năm. Người ta cho rằng lễ Minh thệ  rất đáng được nhân rộng đến mọi làng, mọi xã, mọi cấp, mọi ngành dù hiện nay nó chỉ diễn ra ở một miền quê hẻo lánh.

Ông Phạm Đăng Khoa, là người viết sử làng Hòa Liễu, cho biết: Lễ hội Minh thệ có từ hơn 500 năm trước tại đất Dương Kinh – nơi phát tích Vương triều Mạc. Tương truyền, chùa Hòa Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ 13. Giữa thế kỷ 16, vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã đến ấp Lan Niểu tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc, cả thảy 35 vị, góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.

alt

Tuyên thệ và chia rượu tiết gà trong Lễ hội

Thái hoàng Thái hậu xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa, tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương, phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo. Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thệ, quy định lấy tinh thần chí công làm trọng. Mọi người giữ được tiết tháo, không nhũng lạm, xâm phạm của công. Từ đó, lễ hội Minh thệ ra đời, được nhân dân làng Hòa Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ.

Sau năm 1954, có lẽ chính quyền CS cho rằng đây là một thứ tàn dư mê tín của xã hội phong kiến, nên phải dẹp bỏ. Lễ hội Minh thệ biến mất trong đời sống. Gần nửa thế kỷ những tiếng thề không còn vang lên trước đền Hòa Liễu. Đến khoảng sau năm 2000, khi nạn tham nhũng xói mòn niềm tin đến tận đáy, một số người cao tuổi trong làng có lòng muốn phục dựng lễ hội. Họ dịch hịch Minh thệ từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Những nghi lễ của lễ hội được ghi chép trong sách cổ còn sót lại cũng dần được tái dựng.
Gà trống được đưa lên đài thề làm lễ Thần linh, sau đó cắt tiết để hòa cùng rượu cho các “quan chức” trong làng cùng “uống máu ăn thề”.

Trong buổi lễ, ông chủ tế cầm một con dao đứng ra làm động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh Dịch, rồi vẽ một vòng tròn lớn ở giữa sân miếu, gọi là đài thề. Con dao sau đó được cắm vào tâm của đài thề biểu thị lòng thành và sự kiên quyết. Một con gà trống được cắt tiết, máu gà hòa với rượu, rồi chủ tế, các bồi lễ và bô lão trong làng cùng uống như một hành động khẳng định giữ đúng lời thề chí công vô tư, giữ trọn tiết tháo của kẻ sĩ. Họ thề rằng: “Ai lấy của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Sau lời tuyên bố này mọi người đồng thanh hô “xin thề” đáp lại.

Có một chi tiết hơi ghê, tôi nghĩ cần phải bỏ hay thay đổi, là không nên uống rượu pha tiết gà, vì hiện nay cúm gia cầm đang hoành hành, uống vào chưa cần thần thánh nghiêm trị thì cũng đã lây bịnh mà chết.

Theo người làng cho biết thì từ khi khôi phục Lễ hội đến nay họ không thấy bất cứ ông quan to nào héo lánh đến thề. Nếu có, thì các quan chỉ rón rén đến ngó cho biết rồi lẳng lặng ra về. Hầu hết người đứng thề là dân đen, những kẻ trên răng dưới dái, chẳng có gì để xơ múi. À, té ra người ta vẫn tin rằng kẻ dối trá, làm điều ác, hoặc ăn cắp, tham nhũng của công sẽ bị thần linh (hay ở quê thường gọi là Thánh) vật chết, nên không dám đứng vào vòng thề.

Nhiều người hồn nhiên hỏi nhau làm sao để Lễ hội này được tổ chức ở mọi cấp trong bộ máy nhà nước: từ cấp trung ương xuống các cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn… trên khắp cả nước? Làm sao để biến lời thề này thành lời thề đầu năm của tất cả các vị quan chức, cán bộ, đảng viên… trước thần thánh và nhân dân?

Trời, hỏi như vậy là họ hồn nhiên quá, thậm chí ngây thơ nữa kìa! Làm sao mà người ta có thể hình dung ra cảnh một cánh đồng la liệt những thân người nằm bất động vì bị Thánh vật chết! Mà có khỏe như Thánh thì chẳng mấy chốc cũng mệt đừ. Rồi, có khi Thánh phải xin thôi việc. Thôi việc, vì chúng – bọn tham nhũng, bọn ăn hại đái nát – quá đông, chúng cứ lúc nhúc như sâu.

Đất nước này, hôm nay Thánh vật mãi cũng không sao hết bọn Thánh vật!

ND
Bài này có tham khảo và trích dẫn tư liệu từ  một số bài báo trên mạng.