Siêu thị nào cũng tràn ngập đồ ăn đóng hộp, hoặc thực phẩm chế biến sẵn đựng trong các bao bì, hộp giấy… Những thực phẩm này ít vitamin và khoáng chất nhưng lại nhiều chất béo có hại và cũng nhiều muối nữa. Đó là cái ruột bên trong, còn có bao giờ bạn để ý đến những bao bì, hộp kim loại bên ngoài hay không? Nhiều nhà khoa học môi trường khuyên bạn nên để ý tới.
Những bình giải đăng trên báo “Journal of Epidemiology and Community Health” mới đây cho biết người ta dùng nhiều hoá chất khi thực phẩm được chế biến, đóng gói, vô hộp. Những hóa chất này có hại cho sức khoẻ nếu tiếp xúc lâu dài.
Sau đây là một số sản phẩm gây quan ngại cho các nhà khoa học:
1. Thực phẩm đóng hộp
Hầu hết những hộp thực phẩm bán trong các tiệm ở Mỹ đều có tráng một lớp BPA, khi thử nghiệm thấy có thể thấm sang thực phẩm.
BPA, hay bisphenol A, được dùng để tránh rỉ sét và như vậy hộp thực phẩm không bị hư, để lâu trên kệ hàng được. Nhưng chất này khi thử nghiệm nơi động vật thấy có thể làm rối loạn các hormone, thay đổi sự phát triển của hệ thống sinh sản và óc não, cũng còn có thể tăng rủi ro gây bệnh ung thư vú và tử cung. Ngoài ra, người ta còn e ngại nó làm gia tăng sự phát triển bệnh tim mạch, mập phì và tiểu đường.

2. Hộp plastic hâm nóng trong lò microwave
Plastic khi hâm nóng, có thể thay đổi cấu trúc các phân tử và để cho các hoá chất trong đó thấm sang đồ ăn. Cũng đừng tin vào những thứ hộp plastic bảo là “microwave – safe” (an toàn trong lò microwave), thực ra chỉ có nghĩa là plastic không bị tan chảy hoặc mềm ra khi bị đun nóng. Do đó, chỉ nên dùng các hộp đựng bằng thủy tinh hoặc sành sứ khi hâm nóng thức ăn trong lò microwave.

3. Gói bắp rang trong lò microwave
Thường thì mặt trong những gói giấy đựng bắp rang này có tráng một lớp hóa chất để cho dầu không thấm ra giấy. Hoá chất này dễ dàng thấm qua hột bắp đã rang và truyền sang người ăn.

4. Nắp các lọ thủy tinh
Nắp nhiều lọ thủy tinh chứa các thực phẩm đã chế biến cũng có tráng một lớp BPA để cho kim loại khỏi bị rỉ sét. Nhiều khi các lọ này được hâm nóng và đóng kín để tiệt trùng, nhưng trong tiến trình đó BPA có thể thấm qua thực phẩm bên trong lọ.
Chúng ta khó mà không dùng các sản phẩm đóng trong chai, lọ, gói… vì chúng có mặt khắp nơi, và đôi khi vì nhu cầu hoặc tiện ích nên phải sử dụng. Để giảm thiểu tai hại, chỉ có một cách là bớt dùng, và lên tiếng đòi hỏi các công ty chế biến thực phẩm phải thay đổi cách thức đóng gói. Công chúng khi ồ ạt lên tiếng về một sản phẩm không tốt cho sức khoẻ nhiều khi đạt được kết quả hữu hiệu. Năm 2008, công ty đóng nước uống vào chai Nalgene đã phải ngưng dùng các chai bằng plastic có chứa BPA khi nhiều người khiếu nại.
