Menu Close

Một chút hương cà phê buổi sáng

Đi em
anh sẽ đưa em vào quán cà phê
có một chút Paris
để anh được làm thi sĩ

(Thanh Tâm Tuyền)

Nhân buổi sáng mưa phùn như mưa trong tùy bút của Phạm Công Thiện, Nguyễn muốn viết đôi điều về cà phê dù đã viết nhiều bài, nhiều lần – có lẽ vì cà phê có chất đam mê khó dứt được.

 

Nhớ ngày Mother’s Day năm nào, trời trở gió, Nguyễn đưa bà xã đi uống cà phê – không phải cà phê có mùi vị và không khí Paris đâu nhưng cũng tuyệt vời lắm lắm- đó là cà phê Starbucks ở ngay phố Ga này. Một cappuccino, một café latté. Hương cà phê vương trên miệng trên vai.

Năm nay, không làm thế nữa mà ra Starbucks mua mấy gói Starbucks’ VIA ready for brew, chế biến từ hạt cà phê của xứ Colombia, uống thơm ngon tuyệt vời. Ấy cũng là làm theo lời giới thiệu của bạn văn ở tận xứ Mười Hai Cây Sồi. Các bạn của Nguyễn thử mua về ít gói uống chơi vào buổi sáng trước khi đi làm, sẽ thấy tiện lợi và hạnh phúc vô cùng. Hạt cà phê của xứ Colombia kia mà. Đây là xứ sở của nhà văn Gabriel Garcia Marquez, Nobel 1982, tác giả Trăm Năm Cô Đơn (One Hundred Years of Solitude) và Tình Yêu Thời Thổ Tả (Love in the Time of Cholera).

 

alt

Nguồn animationtaco.com

Và để tăng thêm  hứng thú cho các bạn khi uống ly cà phê VIA Colombia, Nguyễn xin giới thiệu tài liệu sau đây lấy từ báo mạng, nói về con đường đi của hạt cà phê, từ khi vừa chín đỏ trên cây tới khi thành chất uống thơm và lãng mạn này.

Đây, đọc chơi các bạn nha: Mỗi cân cà phê (đã rang rồi) có 4000 hột (điều này không bảo đảm lắm vì Nguyễn có đếm hột cà phê bao giờ đâu mà biết), mỗi hột phải qua ít nhất là 40 bàn tay khác nhau và phải mất 9 tháng, từ cái đồn điền xanh xanh trên các sườn đồi, cái chất “đắng đắng” kia mới đến được tới cái ly của dân ghiền bên góc quán vỉa hè. Trong báo có in hai tấm ảnh hoàn toàn trái ngược nhau: một bên là nhà chứa cà phê rộng 300,000 square-feet của Starbucks ở York, Pennsylvania, chất các bao cà phê bạt ngàn, cao như mấy cái núi Phú Sĩ, bên kia là tấm ảnh các phụ nữ Colombia (ôi thương thay) bốc từng hột cà phê để tước lớp vỏ ngoài. Trời đất thiên địa ơi, họ bốc… từng hột cà phê mỗi lần, chứ không có máy móc gì ráo trọi và trước mắt họ là hàng tỉ tỉ hột như thế. Nếu lâm ly và cường điệu một chút nữa, phải nói rằng mỗi hột cà phê là một… giọt máu đấy, các chiến hữu ghiền cà phê ạ!  Mà để hái hột cà phê chín, người ta cũng chỉ dùng tay. Mỗi một bụi cà phê cho ra chừng 1 cân cà phê mỗi năm. Đa số các loại cà phê hiện nay trồng ở vùng Tây Bán Cầu đều phát xuất từ một dòng cà phê duy nhất được một sĩ quan hàng hải người Pháp mang tới đảo Martinique năm 1720. Một chi tiết cần biết là cà phê không ưa khí hậu lạnh, tất cả cà phê trên cõi hồng trần này chỉ được trồng từ 2000 miles của đường xích đạo tỏa ra hai bên (nghĩa là mấy anh Pháp, Đức, Hòa Lan đừng hòng ngó thấy cây cà phê trên đất nhà!). Ấy vậy mà mấy ông ở các nước ôn đới và hàn đới này là chúa tể xơi cà phê. Một thí dụ: riêng tại nước Huê Kỳ ta (nhận quàng vậy thôi mà cũng đúng vì các bạn và Nguyễn hình như đã vào quốc tịch hết rồi!), nếu năm 1989 cả nước Mỹ chỉ có 585 tiệm bán cà phê và thức uống có liên quan tới cà phê thì đến năm 2003 con số này là… 17,400 tiệm! Và mèn ơi, năm 2003, chỉ có 15% dân Mỹ là uống cà phê expresso thì đúng 1 năm sau, tức năm 2004, con số đã lên tới 25%, nghe kinh không, các bạn? Nay gặp hoàn cảnh suy thoái, có thể những con số vừa nói có giảm đi, nhưng cũng vẫn còn cao. Và còn hàng triệu người mỗi ngày phải bưng ly cà phê ấm trong lòng bàn tay. Và mùi hương cà phê bay đi cùng khắp.

Vậy là các bạn cùng Nguyễn này đã thưởng thức vị cà phê thơm ngon của xứ Colombia. Vị của nó thật đậm, mùi hương thật quyến rũ phải không các bạn, nhất là vào một buổi sáng có mưa phùn như hôm nay.

TN – Tháng 2. 2009

Viết thêm sáng ngày 12 tháng 2. 2014: Từ buổi sáng mưa phùn hôm đó đến nay cũng đã năm năm, hiền nội đã không còn nữa, riêng Nguyễn đã uống không biết bao nhiêu là gói cà phê VIA Colombia của Starbucks, lại còn gởi biếu các bạn văn ở xa như Virginia, Atlanta, San Jose, Santa Ana… Ngoài ra trong chỗ bạn bè của Nguyễn ở đây như Nhật Hoàng, Hoàng Định Nam, Nguyễn Xuân Phước, Hoàng Chu…, dường như nhiều người cũng đã bắt đầu thích loại cà phê này. Nguyễn nói đùa với cô bạn văn ở Cali, “Lẽ ra Starbucks phải trả tiền cho anh, vì nhờ anh mà danh tiếng của cà phê Starbucks ngày một vang xa…”

TN