Menu Close

Nam Cực – Cuộc du hành xuống đáy địa cầu

Tôi là người chịu lạnh rất dở. Thích du lịch, nhưng tôi không hề dám tơ tưởng tới đi thăm thành phố Harbin, cực Đông Bắc Trung Hoa giáp ranh với Nga, nơi hàng năm vào Tháng Giêng có Hội Băng và Tuyết khi người địa phương kéo về từ sông Songhua từng khối băng để xây các lâu đài và đẽo tượng dựng nên nguyên một thành phố bằng băng và tuyết để đón du khách; vì thế mà đành cứ mỗi độ đầu năm mò lên Internet xem người ta xây cất những gì ở đó cho sướng con mắt và đỡ ghiền. Lại càng không dám tơ tưởng tới dịp được đứng trên… đỉnh Everest — ngoài việc không chịu được lạnh và cao độ cả 29,000 feet đã đành, còn vì không có dư 10,000 Mỹ kim để xin giấy phép leo núi của nhà nước Nepal nữa. Tôi cũng chẳng dám mơ đi Bắc hay Nam Cực, nghe tới tên thôi đã thấy lạnh cóng.

 

alt

Dù Nam Cực đang mùa Hè nhưng nhiệt độ vẫn ở khoảng trên 40 độ F. Trên, một số du khách không quản trời gió và lạnh chen chúc đứng trên boong thứ 15 của chiếc Star Princess ngắm và chụp hình cảnh tuyết phủ. Ảnh Trùng Dương (2009)

 

Thế nhưng khi chị bạn học cũ từ hồi trung học, Mai, cũng goá chồng, nhờ chịu khó làm ăn từ ngày sang Mỹ hồi 1975 (tới nay vẫn thấy còn làm việc!) nay là một triệu phú ở Tucson, Arizona, cần người đồng hành đi Nam Cực, lại bằng lòng mua vé máy bay (thực ra thì chị ta có dư điểm frequent miles) cho tôi tới Buenos Aires, Argentina, là nơi lên tàu; và tôi chỉ việc trả tiền cruise (mà chị đã kiếm được cái cruise cần “sold out” nên rẻ tới 60 phần trăm!), tôi không thể không nhận lời. Nhất là khi Mai bảo tôi, “Mày đừng có lo, mình đi vào Tháng Hai là mùa hè ở dưới ấy.” Tại chưa đi xuống Nam bán cầu bao giờ nên tôi quên là Nam, Bắc bán cầu có chu kỳ thời tiết ngược nhau.

 

alt

Lục địa Antarctica quanh năm phủ băng trắng toát, được mệnh danh là Lục địa Đông Lạnh, với bề dầy của băng trung bình là 7,000 feet; với phía tây bắc là Nam Mỹ, đông bắc là Phi Châu và đông nam là Úc châu, chính nam là Tân Tây Lan. Nguồn: http://www.worldatlas.com/

Tôi lái xe sang Tucson vào một ngày đầu năm 2009, bỏ xe ở nhà Mai, rồi xách theo một cái túi xách đựng quần áo thuốc men và một cái backpack có bánh xe và cần kéo trong đựng cái laptop, một máy quay phim và hai cái máy ảnh — những thứ đối với tôi quan trọng nhất — quấn và đệm bằng vài cái áo lạnh, đáp máy bay đi Houston để từ đó lấy máy bay đi xuống Buenos Aires để lên chiếc Star Princess của hãng Princess Cruises thuộc Anh Quốc. (Không may cho tôi trước khi lên tàu, trong lúc chờ xe buýt, tôi bị… kẻ cắp đánh cắp mất cái túi quần áo và thuốc men, làm Mai, một người đã đi nhiều nơi trên thế giới và khá kinh nghiệm, “thuyết” tôi, “Tao đã biểu đừng nói chuyện với người lạ mà mày hổng có nghe!” “Mắng mỏ” vậy chứ Mai cũng giúp tôi đi kiếm một tiệm thuốc tây tại cảng Montevideo ở Uruguay để mua mấy món thuốc, không cần toa bác sĩ như ở Mỹ, mà tôi cần.)

 

alt

Một số du khách không ngại lạnh đứng trên boong tàu ngay phía trên của phòng chỉ huy nơi nhà thiên nhiên học Christian Gunn, một thành viên của chiếc Star Princess, dẫn giải qua hệ thống khuếch đại âm thanh về những địa điểm đáng chú ý, cũng như lịch sử của những nơi này, như câu chuyện về đoàn thám hiểm Endurance Expedition của Shackleton, và tên của các loài thú đặc thù của vùng Nam Cực, như loài penguin, cá voi, các loài chim biển, v.v…  Nhiều du khách bằng lòng với việc ngồi trong phòng ăn ấm áp hơn nhìn cảnh băng tuyết bên ngoài qua khung cửa kính.

 

alt

Lợi dụng một lúc hiếm hoi mặt trời xuất hiện, tôi ra đứng hong nắng ngoài boong tàu.

Chúng tôi ở chơi hai ngày tại thành phố Buenos Aires, thủ đô của Argentina, nổi tiếng là cái nôi của vũ điệu Tango mà tôi rất thích, có lẽ là thích nhất trong các điệu nhảy, từ hồi còn niên thiếu, vì nó đầy sức sống và cả đam mê. Đúng ra là điệu Tango phát xuất từ các nhà thổ ở đây, dành cho khách xa nhà hồi xa xưa, do đấy nó có những động tác rất gợi cảm, như việc các vũ công hay quặp chân vào với nhau ở những thế khác nhau. Khi Tango được du nhập sang Âu Châu thì có thay đổi, trở thành nhẹ nhàng, sang trọng. Đến Buenos Aires mà không đi xem một Tango show thì coi như chưa tới nơi. Một show như vậy thường kéo dài 2 tiếng với những nhạc cảnh nhỏ và đã hẳn nhạc Tango từ đầu tới cuối. Và cũng điệu Tango chúng tôi được nghe suốt chuyến cruise 16 ngày qua nhiều hải cảng khác nhau ở Nam Mỹ, mà chương trình du hành ở Bán đảo Nam Cực, dù chỉ có bốn ngày. Trong bài này tôi sẽ chỉ chú trọng vào chuyến du hành trong vùng Bán đảo Nam Cực nằm ở cực bắc của lục địa Nam Cực và ngoài Antarctic Circle. Chúng tôi không được vào lục địa vì các du thuyền lớn chỉ được phép xuống tới vùng bán đảo này, tức cái mỏm đất trông giống như ngón tay cong cong, cách cái đuôi Nam Mỹ về phía tây khoảng 600 miles.

 

alt

 

alt

Cảnh trí quanh Trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina, với những ngôi nhà sơn màu đỏ như trong trò chơi Monopoly. Đây là trạm duy nhất ở Nam Cực mà gia đình của các nhà nghiên cứu được phép đến cư ngụ. Tại đảo này còn có một trường học và hai giáo viên. Khác với Bắc Cực có dân Eskimo, Nam Cực không có người sinh sống mà chỉ có các nhà nghiên cứu từ các lục địa đến nghiên cứu. Người đầu tiên và duy nhất cho tới nay đã ra đời ở Nam Cực là cậu bé Emilio Marcos, sinh ngày 7 tháng Giêng năm 1978 tại căn cứ Esperanza này. Ở đây cũng còn có một nơi dành cho khách du lịch. Hàng năm có khoảng 1,100 du khách tới đây thăm.

Nam Cực: Lục địa tự trị theo thoả ước quốc tế 1959

Khác với Bắc Cực bao quanh bởi nước đã đóng băng, Nam Cực là một lục địa và là lục địa nhỏ nhất thứ ba sau Âu châu và Úc châu, với 98 phần trăm là băng đá. Nam Cực không thuộc về quốc gia nào và được cai quản bởi Hiệp Ước Quốc Tế về Nam Cực ký kết năm 1959. Có 44 quốc gia duy trì các cơ sở nghiên cứu khoa học tại đây. Đây là lục địa lạnh nhất và gió nhất trên địa cầu, mùa đông nhiệt độ từ -112 tới -130 độ F trong lục địa và -41 tới -59 độ vùng gần biển; và gió có khi tới 200 miles một giờ. Mùa hè, là thời gian chúng tôi tới thăm vào Tháng Hai, nhiệt độ cũng khoảng… 40 độ F. Khí hậu nghe nói thay đổi rất nhanh, từ nắng tới mây mù bất cứ lúc nào. Người ta bảo Nam Cực có bốn mùa có khi trong vòng có một ngày.

Chương trình dự trù có bốn ngày tàu du hành trong vùng Bán đảo Nam Cực (Antarctic Peninsula), nhưng đến ngày thứ ba thì thuyền trưởng của chiếc Star Princess của chúng tôi quyết định cắt bớt đi một ngày vì tin thời tiết cho biết có một cơn bão từ phía tây thổi qua Drake Passage đúng vào ngày tàu sẽ chạy qua đây trên đường từ Nam Cực trở lại vùng biển Nam Mỹ. Drake Passage là vùng biển nơi hai đại dương Pacific và Atlantic gặp nhau, nằm giữa Cap Horn của Nam Mỹ và South Shetlands Islands phía bắc của Nam Cực, nổi tiếng là biển động ngay cả khi không bị bão. Do đấy chiếc Star Princess không có dịp đưa khách đi thăm Đảo Deception hình móng ngựa ở chóp đỉnh của bán đảo, thắng cảnh cuối cùng trong hành trình quanh Bán đảo Nam Cực trước khi tàu trở lại Nam Mỹ.(*)

 

alt

Một trong những chương trình không dự trù, ít ra là đối với du khách, là khi chiếc Star Princess ngưng lại để bốc một nhóm khoa học gia xin quá giang về Nam Mỹ.

Môi trường của Nam Cực rất tinh khiết và mong manh tới độ hút thuốc ở trên mấy cái boong tàu lộ thiên cũng bị cấm, và tuyệt đối không được vứt bất cứ món gì, kể cả tàn thuốc lá, xuống biển. Có tin đồn là những tàu lớn như của hãng Princess, với khoảng 4,000 người vừa du khách vừa nhân viên trên tàu, có thể sẽ bị cấm vì những quan tâm về môi trường. Chúng tôi cảm thấy thật vinh dự được nằm trong số vài trăm ngàn người đã được du hành dù chỉ ở  quanh Bán đảo Nam Cực, cái mỏm tận cùng về phía bắc của lục địa này.

 

alt

Du khách chen chúc trên boong tàu cao nhất, tức tầng thứ 15, để ngắm được cảnh rộng hơn của Bán đảo Nam Cực. Có thể nói là suốt ngày, trừ giờ ăn, tôi lang thang trên các boong tàu mặc dầu trời lạnh.

Hòn đảo tàu chúng tôi đi qua đầu tiên là Elephant Island – Đảo Voi, là nơi vào năm 1915 đoàn Endurance Expedition tạm trú suốt bốn tháng mùa đông sau khi tàu của họ bị băng đá ép vỡ, trong khi thuyền trưởng Earnest Shackleton và vài thủy thủ dùng thuyền nhỏ vượt biển đi tìm phương tiện cấp cứu. Chương trình Nova đã thực hiện một phim tài liệu rất công phu về cuộc thám hiểm này, nói lên ý chí cương quyết của nhà thám hiểm Shackleton đã bằng mọi cách cứu trọn đoàn thám hiểm và không một ai thiệt mạng.
Được biết tàu của chúng tôi thỏa thuận chở sáu nhà khoa học thuộc căn cứ nghiên cứu của Ba Lan, Arctowski Polish Antarctic Station, về cảng Ushuiaia của Argentina, nơi chúng tôi sẽ ghé thăm sau khi từ Nam Cực về lại vùng biển Nam Mỹ, để những người này đáp máy bay từ đây về lại Âu Châu. Các chuyên viên này gồm một người từ Hung Gia Lợi, còn lại là người Ba Lan, trong đó có một phụ nữ. Lập tức họ được mời xuất hiện trong một buổi trao đổi với du khách về những việc họ làm tại căn cứ Arctowski sau bữa cơm tối hôm đó trước một hội trường đông nghẹt, với phần lớn là các ông bà trung niên và hưu trí viên thuộc trên 50 quốc gia.   

Cũng trong buổi trao đổi trên, một nhà địa chất học, khi được hỏi về hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu (global warming), đã trả lời đấy chỉ là một chu kỳ thời tiết thông thường của trái đất, khiến nhiều người trong hội trường khoái chí vỗ tay tán thưởng, kể cả Mai bạn tôi. Tuy nhiên, nhà thiên nhiên học Christian Gunn, người phụ trách các buổi trình bày và hội thảo về môi trường Nam Cực trên tàu, sau đó trong phần tóm tắt kinh nghiệm Nam Cực vì hôm ấy là ngày cuối du hành nơi đây của chúng tôi, đã phản hồi lại ý kiến của nhà địa chất học nói trên. Christian nói rằng những sinh hoạt của loài người từ một thế kỷ trở lại đây từ khi kỹ nghệ hoá đã góp phần đẩy hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu tới mức báo động và khí hậu đang thay đổi có ảnh hưởng bất lợi tới môi sinh và đời sống con người. Nhận định của ông đã được nhiều người khác trong hội trường vỗ tay tán thưởng. Một khoa học gia đã nói đùa là nếu có người nào đưa ra được luận cứ không thể chối cãi được về ảnh hưởng tai hại của hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu thì người đó chắc chắn sẽ được trao giải Nobel, làm mọi người cười ồ.

alt

alt

Vài hình ảnh kỳ vỹ của vùng băng giá vĩnh cửu

Tất nhiên chuyến du hành xuống Bán đảo Nam Cực không chỉ gồm những hình ảnh băng tuyết và những bài thuyết trình của nhà thiên nhiên học Christian Gunn cho những người không muốn bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về vùng đất mà có lẽ mình sẽ chẳng còn có dịp trở lại thăm viếng. Star Princess còn cống hiến nhiều chương trình giải trí và ẩm thực cho những ai thực tế hơn không bị mê hoặc bởi những khối băng tuyết đủ hình dạng bên ngoài, bên cạnh những lớp dạy thủ công, nấu nướng, chiếu phim, dạy nhảy Tango do một cặp vũ công điêu luyện người Argentina hướng dẫn. Chưa kể một bữa tiệc kết thúc phần du hành ở Nam Cực trong đó ban ẩm thực trên tàu trổ tài điêu khắc băng đá thành những con thú của Nam Cực, cùng trang hoàng các loại bánh trái rất mỹ thuật.

 

alt

Một con chim penguin nghỉ chân đứng đơn độc trên một tảng băng đang trôi dạt ngược chiều với chiếc Star Princess.

 

TD – 10/2013