Menu Close

Rodeo – Bắt bò kiểu Mỹ

Trước đây, tác giả Trần Lý Lê có viết trên báo Trẻ “Đấu bò kiểu Nam Hàn” rằng, “Người Nam Hàn xem các cuộc đấu bò như những trận đua ngựa của dân Ăng Lê hay trận Kentucky Derby của Huê Kỳ. Khác với đấu bò của Tây Ban Nha, đấu bò tại Nam Hàn là trận đấu giữa bò và bò. Nghĩa là hai con bò đọ sừng, đọ sức với nhau”. Cuộc đấu bò như thế này, người Việt mình cũng có những cuộc chọi trâu. Xem ra là một thú vui giải trí trong thời gian nhàn rỗi của người làm nông. Nước Mỹ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trò đấu bò ở những vùng Bắc Mỹ hay Nam Mỹ cụ thể là Mexico đều xuất phát từ sự ảnh hưởng văn hóa của người Tây Ban Nha, tuy nhiên nó có biến thể từ những trận đấu đẫm máu giữa người và bò để trở thành môn thể thao giải trí lành mạnh hơn, là trò bắt bò mà người Mỹ gọi là Rodeo.

 

alt

 

Từ đấu bò đến rượt bò

Tây Ban Nha nổi tiếng với những cuộc đấu bò tót nảy lửa, đó là một nét văn hóa truyền thống từ lâu đời tại quốc gia Châu Âu này. Nó không chỉ là môn thể thao mà còn được nâng tầm trở thành nghệ thuật tại đây. Một con bò tót tiêu chuẩn để thi đấu phải nặng tới hàng trăm cân với hai chiếc sừng dài và nhọn. Nghe qua thôi cũng đủ thấy sức sát thương mà những chú bò này gây ra là nguy hiểm thế nào. Vậy mà rất nhiều thanh niên tại Tây Ban Nha luôn muốn trở thành dũng sĩ đấu bò chuyên nghiệp.

Lý do là bởi niềm kiêu hãnh khi bạn hạ gục một chú bò to lớn điên cuồng giữa đấu trường với cả ngàn người theo dõi. Đây cũng là cách thanh niên chứng tỏ sức mạnh của mình. Những matador xuất sắc trong môn đấu bò cũng có được danh vọng và sự nổi tiếng. Tuy nhiên, tất cả sự hào nhoáng cũng không che lấp được những nguy hiểm rình rập người dũng sĩ đấu bò. Chưa có con số thống kê nào cụ thể nhưng trong các trận đấu bò, những dũng sĩ luôn gặp phải chấn thương, may mắn là xây xước, nghiêm trọng hơn có thể phải nhập viện cấp cứu thậm chí có trường hợp tử vong ngay trên đấu trường.

Bên cạnh việc gây nguy hiểm cho người dũng sĩ đấu bò, bộ môn này cũng từng bị lên án rất nhiều do tính dã man của nó với những chú bò. Người matador phải giết chú bò bằng lưỡi kiếm đẫm máu. Thậm chí, tại rất nhiều nơi trên đất nước Tây Ban Nha đã ban hành lệnh cấm thi đấu bò tót tại địa phương mình. Vùng Catalonia vốn nổi tiếng với những đấu trường khốc liệt đã thông qua dự luật cấm các hành vi đối xử dã man với động vật. Theo đó, bộ môn đấu bò tót đã bị xóa sổ khỏi vùng đất này kể từ năm 2012.

Thật ra, bên cạnh thú vui đấu bò ở đấu trường với mảnh vải đỏ và lưỡi kiếm nhọn hoắc của các matador, thế giới từng biết đến lễ hội thả bò để rượt đuổi từ đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước. Chính nhà văn Mỹ Ernest Hemingway đã đưa câu chuyện rượt bò lạ lùng đó vào cuốn “Mặt trời vẫn mọc” nổi tiếng. Song thời điểm đó chẳng mấy ai vỗ tay tán thưởng vì rằng không hồi hộp bằng môn đấu bò. Có lẽ quan điểm chống lại sự dã man đối với động vật trong các môn thể thao dân gian đã làm thay đổi kiểu thức của môn đấu bò thành rượt bò.

Ngày nay, rượt bò trở thành biểu tượng của vùng Bắc Tây Ban Nha. Tại Pamplona mỗi năm đều có lễ hội rượt bò thu hút hàng triệu người trong nước và nước ngoài kéo nhau về đây. Hàng trăm đấu sĩ trong bộ quần áo trắng và thắt khăn đỏ lao vào ví bắt đàn bò bị cuồng cẳng, hăng máu chạy trên những ngõ hẹp ngoằn ngoèo. Có khi người rượt bò lại bị bò rượt, té lăn cù trên đường khiến không khí lễ hội sôi động không thua trận đấu bò trên đấu trường căng thẳng.

 

alt

Rượt bò bị bò rượt tại lễ hội rượt bò Houston

Từ rượt bò đến Rodeo bắt bò

Tại Canada, Mỹ và Mexico từ xưa đã có những lễ hội đuổi bắt bò gọi là “Run with live Bulls”. Riêng lễ hội rượt bò tại Mỹ không nguy hiểm bằng những con bò tót hăng máu tại Tây Ban Nha. Và cũng không có màn kết thúc bằng cách hạ sát con bò làm món ăn cho khách tham dự. Những tiểu bang miền Trung Tây không biết thế nào, chứ vào mùa xuân, ở Dalllas, Austin hay Houston thường hay có lễ hội rượt bò vô cùng vui nhộn. “Dũng sĩ” tham gia có khi còn chọc tức con bò để nó rượt mình và hỉ hả dùng iPhone chụp lại những tấm ảnh bị bò rượt té khói làm kỷ niệm. Riêng Fort Worth, ít thấy tổ chức rượt bò, mặc dù Cowtown là thành phố nổi tiếng với nhiều đấu trường Rodeo có quy mô lớn. Rượt bò có cái hay là quần chúng tự nguyện tham gia, ai thích thì cứ ghi danh đến ngày hội tham dự làm dũng sĩ bị bò rượt. Rodeo không đòi hỏi tính chuyên nghiệp nhà nghề của cowboy hay cowgirl thứ thiệt.

 

alt

Bắt bò đồng đội

Texas là xứ cowboy. Đương nhiên là vậy. Mà không chỉ có Texas, nhiều tiểu bang khác, nhất là miền Trung Tây, cowboy là truyền thống sinh hoạt phôi thai khi nước Mỹ phát triển ngành nông nghiệp và khai mở đất đai rộng lớn. Và cứ tưởng cowboy chỉ còn trên phim ảnh, thế nhưng có lần tham dự chuyến đi săn cùng các tay thợ săn địa phương Garland đến vùng Centerville, một khu rừng nằm giữa đoạn đường Dallas-Houston, tôi bắt gặp những tay cowboy khi họ cưỡi ngựa tiến đến lều trại nơi chúng tôi trú ngụ. Không khác gì một cảnh phim cowboy Montana. Cả đoàn người ngựa, mũ phớt, hông đeo súng, lại còn cuộn dây thừng bắt bò trên yên cương, trông thật khí phách ngang tàng, lạnh lùng hỏi chuyện chúng tôi có thấy đàn bò của họ đi lạc.

 

alt

Quăng dây bắt bò

Tôi thực sự muốn xem cảnh cưỡi ngựa quăng dây bắt bò ngoài cánh đồng mênh mông như thế nào hơn xem trong đấu trường bị giới hạn bởi rào chắn, khiến bò hay ngựa dễ dàng bị khuất phục dưới sợi dây thừng của những tay cowboy hay cowgirl chuyên nghiệp. Rodeo, từ hình thức bắt gia súc trong cuộc sống của người chăn nuôi thả rong, tiến lên thành môn thể thao quần chúng. Nói đúng ra là một môn thể thao dân gian truyền thống của khu vực Bắc và Trung Mỹ. Nội dung Rodeo hiện nay không khác những sinh hoạt chăn bắt bò, thuần phục ngựa chứng như ngày trước. Quăng dây cột cổ bò, đấu đơn hoặc đội hình; Quật bò bằng cách nắm sừng; Cưỡi ngựa chứng, cưỡi bò cuồng cẳng; Và những màn biểu diễn phi ngựa ngoạn mục khác.

 

alt

Một màn thuần ngựa chứng

Tuy vậy, Hiệp hội Bảo vệ Động vật Mỹ cũng từng lên tiếng về cách đối xử những vật nuôi phục vụ cho môn thể thao bắt bò Rodeo hấp dẫn này. Ngay cả Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới cũng ủng hộ hủy bỏ môn Rodeo ở các nước châu Âu. Anh quốc và Hà Lan đi đầu trong phong trào cấm chơi môn Rodeo. Tại Mỹ, Canada đã có vài tiểu bang và tỉnh lỵ xem Rodeo là môn thể thao dã man đối với gia súc. Những người đấu tranh bảo vệ loài vật thì cứ đấu tranh, những cowboy các tiểu bang miền Trung Tây vẫn  tổ chức các show Rodeo như một môn thể thao thi đấu và giải trí hấp dẫn, không thể nào từ bỏ.

Fort Worth, như đã nói trên, là một thành phố chuyên về Rodeo. Các show Rodeo thường xuyên diễn tại nhiều đấu trường và lịch biểu diễn dày đặc trong năm không thua môn thể thao bóng chày hay bóng rổ. Người ta thường nói, Fort Worth là xứ nhà quê. Về mặt nào đó là đúng. Nhưng đó cũng là niềm kiêu hãnh của những tay cowboy miền Tây gìn giữ được môn thể thao dân gian từ thời khai thiên lập quốc.

NT

 

Tù nhân nhà tù Angola chịu án 10 năm được tham gia đấu bò (Angola Prison Rodeo)


Mỗi năm hai lần vào giữa cuối Tháng Tư, người dân khắp nơi lại đổ xô về Louisiana để xem màn Rodeo bắt bò độc đáo nhất nước Mỹ. Điều đặc biệt những “dũng sĩ” tham gia đều là những tù nhân bị kết án trên 10 năm và trong đó có ba phần tư chịu án chung thân. Sở dĩ nhà tù có tên Angola là do khi xưa nó được xây dựng trên một vùng trồng trọt của người nô lệ da đen Tây Phi. Độ tuổi của các tù nhân trong nhà giam Angola dao động từ 17 đến 92 tuổi. Chỉ một số ít tù nhân trên 35 tuổi có biểu hiện tốt mới được phép tham gia môn thể thao Rodeo trước mặt công chúng.

 

alt

Tù nhân nhà tù Angola, Louisiana tham gia trò Rodeo

Hình thức thi đấu Rodeo này khá giống với những gì từng diễn ra tại đấu trường Colosseum ở Rome nhưng thú vị hơn. Bởi hầu hết những tù nhân tham gia Rodeo chưa bao giờ cưỡi ngựa, nhưng ở đây, họ được cưỡi lên những con bò, con ngựa đang giận dữ để thuần phục chúng hay thậm chí còn chơi bài trên lưng chúng.

Theo các chuyên gia tâm lý, hình thức này sẽ giúp tù nhân giải phóng năng lượng, thay đổi hành vi và khiến họ sống tích cực hơn. Ngay phía bên ngoài cổng nhà tù, du khách có thể thăm viếng một bảo tàng về lịch sử nhà tù Angola nơi lưu giữ nhiều hiện vật liên quan tới những cuộc trốn tù huyền thoại.