Menu Close

Rodeo – Đâu chỉ dành cho Cowboy

Hằng năm, vào khoảng tuần thứ ba của Tháng Hai là ngày hội Rodeo và Livestock bắt đầu tại Forth Worth, Houston, Amarillo. Texas là một trong những tiểu bang miền Tây Nam có ngành nông nghiệp và chăn nuôi lớn nhất Hoa Kỳ, do đó ngày hội nầy được tổ chức rất trọng thể. Bên cạnh các trò Rodeo dành cho các cowboy, cowgirl chuyên nghiệp, nhiều nông trang tự tổ chức các trò chơi như Goat Rodeo, Pig Rodeo gây không khí hội hè vui nhộn. Mọi người trong làng có thể tham dự, nhất là trẻ em để chuẩn bị đón chào mùa xuân, mùa khởi đầu của nhà nông nước Mỹ.

 

alt

Rodeo bắt dê trò chơi trong ngày Hội Rodeo ở làng quê nước Mỹ

Trong số báo trước, tôi có nói Rodeo là môn bắt bò kiểu Mỹ. Thật ra cả Châu Mỹ thì đúng hơn. Vì rằng nó xuất phát từ nghề làm nông và tùy theo mỗi nước, gia súc dùng trong đồng áng có thể là ngựa, bò, trâu và cả voi, những con vật có sức mạnh không thua gì máy kéo. Từ đó sinh ra Rodeo chuyên nghiệp của những người chăn gia súc, nói chung là người chăn bò.

Cuộc đua tài Rodeo ra đời nhằm khích lệ tinh thần và sự cứng rắn của những cowboy trên cánh đồng rộng lớn. Nhiều cuộc thi đã xuất hiện không chính thức từ những năm 1820-1830 nhưng chính thức được tổ chức lần đầu vào năm 1872. Cuối thế kỷ 19 đầu 20 là thời kỳ nở rộ nhất, cũng là thời điểm nổi lên của nhiều tên tuổi nổi tiếng như Buffalo Bill Cody và Annie Oakley. Một sự kiện chuyên nghiệp thông thường gồm các môn thi chính: quăng dây bắt bê, nhảy bắt nai, cưỡi ngựa không yên, cưỡi bò tót, phi ngựa chạy vòng cột (thường là quanh chiếc thùng phuy) không khác gì những khúc cua ngoặt trong cuộc đua F1.

Có lần tôi từ Fort Worth đi Houston không bằng đường xa lộ mà đi đường làng. Qua hai mươi con đường làng vắng vẻ, nhìn thấy những cánh đồng bạt ngàn được người nông dân chuẩn bị cày xới cho vụ xuân, lòng họ chắc vui cho ngày gieo hạt. Mênh mông quá và buồn tẻ quá trong cuộc sống nhà nông! Có lẽ mình quen nhìn mảnh ruộng quê nhà nho nhỏ, người người đông đúc nên thấy khung cảnh đồng quê nước Mỹ hoang vu. Xe đi qua thị trấn lưa thưa vài nóc nhà nhưng những khuôn mặt rạng rỡ nói cười vui tươi của người dân tụ quanh sân vận động làng khiến tôi dừng lại. Thì ra làng tổ chức ngày hội Rodeo. Không phải Rodeo bắt bò mà Rodeo bắt dê, bắt heo với những chú be he và lợn con ủn ỉn ngóng cổ chực thoát ra chuồng cũi cho các cô bé, cậu bé tha hồ rượt đuổi.

 

alt

Rodeo bắt heo hấp dẫn không kém với trẻ em trong làng

Người bạn đi cùng không mấy thích thú với trò Rodeo bắt dê trong ngày hội nông thôn. Hẳn trong đầu bạn nghĩ trò này cũng giống “đuổi gà bắt vịt” của người làm nông quê nhà. Nhưng tôi biết trong đầu bạn đang nghĩ tới trò “bịt mắt bắt dê” theo nghĩa bóng đời thường. Đúng là “bịt mắt bắt dê” nghĩa đen hấp dẫn hơn nhiều so với màn bắt con dê chạy vòng vòng do sợi dây cột cổ bị gút vào một đầu cắm chặt vào đất. Các đấu thủ nhí miệng cắn giữ sợi dây thừng nhỏ, tay lăm le chụp bắt con dê tìm đường thoát chạy. Có khi đoán hướng trật, con dê vùng tuột khỏi tay khiến đấu thủ té nhào dưới đất làm người xem cười đau cả bụng.

 

alt

Cô bé không khác một cowgirl trong màn đầu Rodeo bắt dê

Rõ ràng trò chơi bắt rượt gia súc xứ Mỹ này có gì đó gần gũi với người Việt mình hàng trăm năm trước chỉ khác phương cách hình thức một chút. Ngày xưa, người dân đồng bằng sông Hồng nước Việt mình có trò chơi “bịt mắt bắt dê” trong những ngày hội xuân vui Tết. Trò chơi gây không khí vui nhộn và hấp dẫn cho cả người tham gia bị bịt mắt lẫn người xem. Trong vòng quây sân chơi có cả con dê và một người đẹp mặc yếm đào. Người bịt mắt phải dò dẫm tìm bắt cô gái chứ không phải con dê chạy lòng vòng trêu chọc. Tiếng vỗ tay reo hò cổ vũ, tiếng trống rộn ràng càng khiến con dê hốt hoảng không biết đường nào chạy nhảy. Anh chàng bịt mắt cốt ý tìm chụp người đẹp vậy mà cứ bị con dê làm vướng chân té nhào ra đất. Trò chơi này theo thời gian dần dần biến đổi thành một trò chơi khá phổ biến cho trẻ con vui chơi mọi lúc.

Trò chơi bịt mắt bắt dê diễn ra trên một sân cỏ, người chơi vây xung quanh để tạo ra một vòng tròn. Những người chơi chia thành các cặp. Khi có hiệu lệnh, mỗi cặp lần lượt vào sân chơi. Người chơi sẽ bị bịt kín mắt bằng chiếc khăn. Một trong hai người làm dê, người còn lại sẽ bắt. Người làm dê trong quá trình chạy trốn thỉnh thoảng phải gây ra tiếng động để người bắt biết mà đuổi theo. Tuy nhiên, biến thể của trò chơi này cũng có chút thay đổi ở nhiều vùng. Trò chơi không chỉ chơi có hai người mà nhiều người cũng có thể tham gia trò chơi đuổi bắt này. Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “bắt đầu” hoặc “đứng lại” thì tất cả mọi người phải đứng lại, không được di chuyển nữa. Lúc này người bị bịt mắt bắt đầu lần đi xung quanh để bắt ai đó. Mọi người thì cố tránh để không bị bắt và tạo ra nhiều tiếng động để đánh lạc hướng. Đến khi ai đó bị bắt và người bị bịt mắt đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”, nếu đoán sai lại bị bịt mắt lại và làm tiếp.

Thực tế trò chơi dân gian nông thôn nước Mỹ chỉ xuất hiện mới đây thôi, cớ sao lại có những điểm tương đồng với người Châu Á? Tôi chưa có dịp tìm hiểu nhiều. Có thể võ đoán cho rằng ngẫu nhiên những sinh hoạt chăn nuôi sinh ra trò Rodeo bắt bò, cưỡi ngựa, bắt dê, bắt lợn, bắt cừu, cưỡi đà điểu do những ý nghĩ tương đồng của người nông dân dù là ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ tiếng nói, bất kỳ màu da. Do vậy trò Rodeo không nhất thiết dành cho các anh cowboy mà phát triển ra nhiều hình thức Rodeo khác cho mọi người tham gia. Cũng như trong chúng ta ai cũng biết trò chơi nhảy bao bố, thật ra đó chẳng qua là bắt chước cách nhảy của con vật nào đó trong cuộc sống thiên nhiên, gây vui nhộn, khi người chơi cố nhảy tưng tưng như con Kangaroo của nước Úc.

 

alt

Nhảy bao bố trong ngày Hội Rodeo có khác gì trò chơi nhảy bao bố ở quê nhà

Trò Pig Rodeo cũng vậy. Ai cũng biết lợn không thể thắng trong các cuộc đua về tốc độ so với một số loài vật khác, nhưng người dân ở Mikame, thuộc tỉnh Ehime, Nhật Bản, lại nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu được cưỡi trên lưng lợn. Vậy nên, cuộc thi cưỡi lợn hài hước thường được tổ chức hàng năm tại địa phương này. Ehime vốn nổi tiếng là trung tâm sản xuất thịt lợn lớn nhất Nhật Bản. Trong suốt 25 năm qua, Ehime được biết đến nhiều hơn với sự kiện cũng liên quan tới lợn, cuộc thi Pig Rodeo. Những ai muốn cảm giác mới lạ, không kém phần mạo hiểm như một cuộc đấu Rodeo chuyên nghiệp, hãy tìm đến cuộc đua cưỡi lợn này.

Pig Rodeo là một phần nhỏ trong Lễ hội mùa hè của thành phố, sự kiện khá thú vị này ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt thu hút khách du lịch, nhưng cho đến tận năm 2009, du khách phương Tây mới biết đến Pig Rodeo sau khi một video siêu quậy của lễ hội được chia sẻ trên Youtube, và có số lượng lượt xem khổng lồ. Người cưỡi lợn thì cố gắng tỏ ra cho giống với một chàng cao bồi quăng dây, cưỡi ngựa thực thụ, trong khi những con lợn sinh ra không phải để cho con người cưỡi, nên khi cặp đôi kết hợp tạo ra khoảnh khắc cười xả ga. Người cưỡi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và đeo miếng đệm gối rồi mới được nằm trên lưng lợn trước khi chú lợn được xổng khỏi cũi để ra vòng quây rộng khoảng ba mươi mét. Bởi lẽ, khi con lợn cố vung người cưỡi trên lưng ra ngoài, họ sẽ bị ngã với lực va đập khá mạnh. Mục tiêu của những “kỵ sĩ” cưỡi lợn là sao cho thời gian ngồi trên lưng lợn lâu nhất, nhiệm vụ này khó hơn các bạn tưởng vì con lợn sẽ lồng lên để hất bạn ngã xuống đất nhanh chóng. Thành tích trung bình cũng chỉ là vài giây mà thôi.

Và còn nhiều sinh hoạt giải trí nông thôn vui nhộn khác trên nước Mỹ vào mùa xuân nữa chờ bạn khám phá. Riêng tôi xin điểm vài trò giải trí Rodeo khác không kém phần hấp dẫn trên nước Mỹ mà trước đây tôi chỉ nghĩ Rodeo chỉ dành cho các tay cowboy.

 

alt

Rodeo cưỡi cừu không phải dễ dàng đâu

TN