Menu Close

Chuyện cuốc chuyện vẹt

Nước Thục mất. Thục đế băng hà, đầu thai thành chim cuốc. Mỗi hôm khuya khoắt, nhói lòng nhớ nước, chim kêu suốt đêm, vô cùng thảm thiết, đau đớn: ‘cuốc cuốc’ (nghe ra là ‘quốc quốc’) .

Đó là chuyện do người xưa kể. Còn chuyện dưới đây là chuyện thời nay.

Những đêm hè, cuốc kêu ra rả. Dân làng thắp đuốc, rọi đèn, cứ nghe theo hướng tiếng kêu mà đi bắt. Con nào lủi nhanh thì thoát, con nào chậm chân thì bị tóm cổ ném vào lồng. Có con chim vẹt thấy vậy, bèn tài lanh:

“Ai bảo anh cứ đau lòng kêu gào ‘quốc quốc’ mãi làm chi cho khổ. Cứ như tôi đây này. Ai – kẻ nào có quyền lực – nói gì, tôi nói theo. Ai hoan nghênh, tôi hoan nghênh. Ai vỗ tay, tôi vỗ tay. Ai nhất trí, tôi nhất trí. Người ta đã từng mắng nhau là: nói như vẹt. Nhưng cũng vì cái thói nói như vẹt ấy mà tôi được ở lồng son, được chăm sóc tử tế, được cho ăn cho uống thỏa thuê. Hãy nhìn gương tôi mà học tập nhé.”

Ít lâu sau, cái làng ấy mất hẳn giống cuốc. Cuốc biến mất, cuốc tuyệt chủng. Nhưng ngược lại, giống vẹt thì phát triển mỗi ngày mỗi đông. Có con ngày xưa vốn là cuốc, nay do thích nghi, do tiến hóa, mà trở thành vẹt.

Thịt chim cuốc dai, màu đen, có vị khen khét, không ngon lành gì mấy. Tuy nhiên, không sao, chuyện nhỏ. Người ta có cách xử lý cả. Dai thì ra phố Tàu mua một gói hóa chất, gọi là thuốc gì đó, mang về hòa với nước, ngâm vài phút là thịt sẽ mềm mại ngay. Thuốc làm cho vị khen khét thành thơm phưng phức. Còn sắc thịt đen thì có thuốc tẩy, phết vào, ngâm vào, là trắng tươi.

Bạn cho là độc hại ư? Nói thiệt chứ thời Death by China này thì có thứ gì mà không độc. Nhìn quanh mà coi, chúng sinh đang đưa câu triết lý Tàu này làm phương châm sống: “Vô độc bất anh hùng (hay trượng phu).”

Một hôm, tôi được dự vào chiếu nhậu thịt chim cuốc, chủ nhà là một chuyên gia về giống chim này, ông nói:

 “Người ta bảo rằng cuốc là giống chung tình. Cặp vợ chồng cuốc chung sống với nhau, chẳng may một con qua đời, con còn lại sẽ kêu đến khô hết máu, rồi chết, chứ không tục huyền, hay đi bước nữa, như con người. Dân gian gọi con cuốc cô độc đó là con cuốc rục. Xót thương bạn tình, nó không kêu ‘quốc quốc’ như ta thường nghe, mà kêu ‘tù-wa, tù-wa…’. Thảm thiết lắm.”

Một bạn nhậu gõ đũa vào mâm, cất giọng não nùng, để minh họa cho câu chuyện: “Đời tôi chỉ yêu một người… mà hình bóng ấy đã in sâu trong lòng tôi… đường khuya lẻ bóng…”

Giọng chàng này ra vẻ thất tình, không phải thất tình từng cơn, mà là thất tình chuyên nghiệp.

Bà chủ nhà tiếp thêm mồi cho bạn nhậu của chồng, liếc xéo: “Thôi đi ông ơi. Anh nhà này mà chung tình như con cuốc, thì mẹ con tôi đã nhờ!”.

Một bạn nhậu khác hỏi: “Có hồi nào anh thấy xác con cuốc rục chưa?”

Chủ nhà lắc đầu: “Chẳng qua là người ta đơm đặt cho mùi mẫn thôi chứ làm sao phân biệt được con cuốc nào là con hạnh phúc, con nào là con cô đơn, có ai đã thấy cuốc rục bao giờ đâu. Theo dân gian, người nào nhặt được xác con cuốc rục ấy, mang về nướng lên, nghiền thành tro, chế thành một thứ bùa mê. Mê em nào, thì rình rình rắc thứ tro đó vô ly nước cho ẻm uống. Ẻm uống phải là ẻm theo mình suốt đời. Nói vậy thôi chứ tôi thì đếch cần cái thứ bùa yêu đó. Tôi chả cần nhúm tro xương con cuốc rục nào mà mụ vợ tôi nó cũng theo tôi tới bờ tới bãi…”

Chuyên gia bắt cuốc cho biết thêm rằng, cuốc vừa là con vật chung tình lại vừa là kẻ hung hăng, hiếu chiến số một. Chúng rất hăng đá nhau. Chính sự hung hăng, máu đá này đã đưa hàng trăm con cuốc vô lưới của bọn bắt chim mỗi đêm, chứ không phải do cái sự vụ thất tình mà lâm nạn.

Ông chủ nhà đưa tay lên miệng, thổi thành tiếng ‘cuốc cuốc’, lập tức con cuốc mồi trong nhà tưởng có đối thủ khiêu khích, sanh sự, nó liền xù lông nhảy nhót, kêu rân ‘cuốc cuốc – quạt quạt’ đủ giọng để ứng chiến.

Chủ nhà phân tích: “Con cuốc nào cũng kêu được hai thứ tiếng. Một là ‘tù-wa, tù-wa’. Hai là ‘cuốc cuốc’ hay ‘quạt quạt’ như các anh vừa nghe. Mỗi lần dân nhử cuốc nghe con chim mồi kêu ‘quạt quạt’ tức là nó đang ‘rò’, đang khiêu khích, con chim ngoài lồng đấy. Kêu một lúc thì thế nào con kia cũng lao vào, là dính bẫy. Nhưng đó là chuyện hồi trước, khi người ta còn nhử cuốc bằng chim mồi đơn lẻ. Ngày ngày lang thang ra đồng, kiếm vài con nhậu chơi. Chứ còn bây giờ, thời hiện đại, con người tinh ranh và quỷ quái hơn xưa gấp trăm lần. Đám thanh niên dùng cả công nghệ thu âm vô để nhử cuốc, bằng cách đó thì mỗi ngày chúng bắt cả hàng trăm con.”

Ông kể tiếp: “Tôi đủ thẩm quyền để bàn về chuyện này vì là chuyên gia nuôi chim cuốc mồi. Thứ chim cuốc đã trưởng thành, nếu bắt được mang về nuôi là nó chết liền. Chết vì buồn, vì nhớ bạn. Muốn nuôi cuốc mồi phải bắt chúng từ khi còn nhỏ. Tôi thường ra bờ ao trong làng hay ven suối để bắt cuốc con về nuôi. Chừng 5, 6 tháng sau, con cuốc nhi đồng trở thành cuốc mồi khi có thể ‘hát’ được. Đó là tới lúc có thể dùng nó vào việc nhử cuốc bên ngoài. Nhưng nhử cuốc như thế chỉ là chuyện nhỏ, chuyện vui chơi, chỉ thỏa niềm đam mê chim cảnh chứ không thể làm kinh doanh được. Vì mỗi ngày, may mắn lắm thì cũng chỉ nhử được vài ba con. Có hôm đi cả ngày rã cẳng mà phải về trắng tay, chẳng có con nào.

Cách đây mấy năm, một số thanh niên trong làng vô Nam làm ăn, phát hiện ra trong ấy người ta đã dùng máy ghi âm để thu lại tiếng cuốc, dùng máy phát thanh thay chim mồi để bắt cuốc. Kiểu người ta hay nói ‘dùng mỡ nó, rán nó’. Lập tức, dân làng này hình thành ngay đội quân bắt cuốc bằng công nghệ mới, gọi là đội ‘cuốc máy’. Con cuốc mồi của tôi trở thành ‘ca sĩ’ siêu hạng, họ mời ngay chàng vô phòng thu âm. Làng có khá nhiều cuốc mồi, song con của tôi có vẻ sành điệu hơn cả. Không dễ tìm ra con nào đồng ý cho thu âm tiếng kêu của nó đâu. Cả một nghệ thuật đấy. Không dưng tôi có một thứ tình cảm rất phức tạp, vừa cưng nó vừa ghét nó. Dù vô tình hay hữu ý thì việc nó kêu cũng là thứ nghệ thuật. Thứ nghệ thuật khốn nạn. Nghệ thuật làm tay sai. Nghệ thuật giết hại đồng chủng!

Ngó chuyện chim mà ngẫm ra chuyện người. Nghe đau. Mấy ông thấy đó, có dịp là người ta hát quốc ca, chào quốc kỳ, đủ trò, đủ chuyện. Mà cái họa mất nước cứ hiển hiện trước mắt từng giờ. Làm sao đây để mai sau con cháu không phải đau đớn mà đọc lên câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc…”

Mẹ kiếp, chén rượu không dưng đắng ngắt. Dẹp, không nhậu nữa!

alt

ND