Menu Close

Xăng không có chọn lựa thay thế

Buổi sáng chưa kịp đổ xăng, buổi chiều đã thấy giá xăng tăng thêm vài cent. Giá xăng có thể tăng giảm từ vài đến vài chục cent chỉ trong đôi ngày và người tiêu dùng không còn chọn lựa nào khác, ngoài việc phải trả theo giá tiền ngay tại cây xăng mình sử dụng. Không tính đến giá cả chênh lệch tại mỗi cây xăng hay mỗi thành phố khác nhau, liệu yếu tố nào và ai đã quyết định đến việc thay đổi giá xăng chung trên khắp nước Mỹ qua việc phân phối và tiêu thụ xăng dầu tại Hoa Kỳ?

alt

Xăng dầu là nguồn huyết mạch để giữ cho Hoa Kỳ và dân Mỹ vận hành nói riêng, hay nói chung trên toàn thế giới. Với khoảng 162,000 cây xăng khắp nước Mỹ phục vụ cho hơn 250 triệu xe hơi đang lưu thông trên đường phố, Hoa Kỳ là quốc gia tiêu thụ xăng dầu hàng đầu thế giới. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, dân Mỹ đã tiêu thụ đến 134 tỉ gallon xăng, hay trung bình là 366 triệu gallon xăng mỗi ngày trong năm 2012. Trong khi lượng dầu thô khai thác ngay Mỹ chỉ chiếm khoảng 40% nhu cầu sử dụng, còn lại phải nhập cảng, có thể xem yếu tố giá cả thị trường dầu thô thế giới đã đóng vai trò chính yếu đến giá cả xăng dầu tại Mỹ, theo sau là nhu cầu sử dụng.

alt

Hoa Kỳ là quốc gia tiêu thụ xăng dầu hàng đầu thế giới.

 Nhưng thật ra hành trình giá cả của mỗi gallon xăng xem ra phức tạp hơn so với chỉ yếu tố nhu cầu và giá cả thế giới, vì chúng còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như bất cứ sản phẩm thương mại nào, như thuế má, vận chuyển, quảng cáo, phân phối… cùng các biến động chính trị, xã hội và thiên tai trên thế giới. Theo số liệu từ Bộ Năng Lượng, cứ mỗi 1 đô la tiền xăng được chia ra trung bình như sau: dầu thô 71 cent, chi phí sản xuất và lợi nhuận các hãng dầu 5 cent, thuế 13 cent và phân phối, vận chuyển, quảng cáo, hoa hồng cho cây xăng là 11 cent.  Tỉ lệ này có thay đổi theo từng năm khác nhau, giúp phần nào ổn định giá xăng cho người sử dụng. Như trước năm 2012, nếu giá dầu thô chiếm 55% giá xăng thì tiền thuế đã chiếm đến gần 20% và mức thuế này đã giảm xuống khi giá dầu thô tăng và chiếm đến hơn 70% giá xăng. Nhìn vào phân bổ trên, chi phí dầu thô chiếm phần lớn giá xăng người tiêu dùng phải trả.  Giá này được quyết định bởi các quốc gia xuất cảng dầu hỏa, đặc biệt là khối OPEC. Chi phí sản xuất xăng thì nằm ở các hãng dầu trong quá trình  lọc và chế biến dầu thô cùng lợi nhuận của họ. Với thuế, các loại thuế và lệ phí liên bang và tiểu bang được áp dụng với một tỉ lệ khá cao lên xăng dầu, nhưng so với Canada và Châu Âu, thuế xăng dầu tại Hoa Kỳ xem ra vẫn còn khá rẻ so với các nhóm quốc gia này. Và cuối cùng là chi phí vận chuyển, phân phối, thất thoát cùng hoa hồng cho các cây xăng bán lẻ. Một số người cho rằng các cây xăng này thu lợi nhuận nhiều từ việc bán xăng và quyết định giá xăng, nhưng thật ra lợi nhuận của các cây xăng kiêm tiệm tạp hóa này nằm ở việc bán thuốc lá, bia rượu, cùng các món hàng lặt vặt của tiệm. Chỉ cần bán một nước ngọt, cây xăng có thể lời bằng hay hơn việc khách hàng đổ đầy một bình xăng. Không có luật định giới hạn mức lời  của các tiệm xăng này, nhưng tiền lời của các cây xăng này chỉ ở mức vài cent cho mỗi gallon bán ra nếu họ muốn thu hút khách hàng. Hay thậm chí luật lệ ngăn cấm các cây xăng bán huề vốn hay dưới giá thị trường, nhằm ngăn chận tình trạng tung tiền “cá lớn nuốt cá bé”, bảo vệ các chủ nhân riêng rẻ, độc lập không nằm trong các đại hệ thống phân phối xăng, hoặc dùng xăng để cạnh tranh và khuếch trương thương mại của tiệm tạp hóa.

alt

Mặc dầu đã tăng rất nhiều, lượng dầu thô khai thác ngay Mỹ chỉ chiếm khoảng 40% nhu cầu sử dụng – nguồn nytimes.com

Dù các số liệu chứng minh rằng giá xăng tại các cây xăng thay đổi do giá dầu thô tăng giảm, nó vẫn chưa thuyết phục hoàn toàn người tiêu dùng khi giá xăng này không thay đổi tương ứng với giá dầu thô thế giới, vốn được giao dịch và biến động mỗi ngày như các loại chứng khoán. Trong khi giá xăng có thể tăng lập tức theo giá dầu thô mỗi ngày, mức độ sụt giảm của nó không tức thời như giá dầu thô. Hoặc giá xăng có thể chênh lệch khá xa ở những thời điểm có cùng giá dầu thô. Các hãng xăng dầu đưa lý thuyết về hiệu ứng “Hỏa tiễn và lông chim” (Rocket and Feather Effect) để giải thích điều này. Theo lý thuyết của hiệu ứng này, giá xăng nói riêng hay các loại hàng hóa có thể tăng cao và nhanh (như hỏa tiễn) khi nguồn cung cấp tăng cao, nhưng cần có thời gian (chậm như sự rơi của lông chim) để điều chỉnh giá cả thị trường một khi dầu thô hạ giá.  Nếu giá cả xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc này, thì các nhà phân phối đã luôn phòng bị cho mình một khoảng cách an toàn về giá cả cũng như lợi nhuận.

alt

Giá xăng ở Hoa Lục – nguồn hays.oregonlive.com

Bên cạnh việc ảnh hưởng từ giá dầu thô, giá xăng còn thay đổi theo thời gian. Nhìn chung, xăng dầu có xu hướng tăng cao từ mỗi độ cuối Xuân bước qua mùa Hè, khi người dân bắt đầu những chuyến lái xe đường dài nhiều hơn trong mùa Hè, gia tăng nhu cầu sử dụng. Việc thất thoát xăng trong mùa Hè cũng cao hơn và người tiêu dùng cũng phải gánh chịu chi phí này. Mặt khác, các hãng lọc dầu thường thực hiện các công việc bảo trì vào mỗi mùa Xuân đã dẫn đến việc giảm bớt sản lượng xăng dầu thông thường, một khi có những tai nạn kỹ thuật bất ngờ tại các khu lọc dầu, ống dẫn dầu hay trong phân phối, cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá xăng trong Hè. Dù vậy, nếu nguồn dự trữ dồi dào và tiêu thụ không tăng, cũng có thể giữ giá xăng bình ổn trong mùa Hè. Khó ai quên được mùa Hè 2008, khi giá xăng tăng hơn 4 đô la mỗi gallon, điều mà khó ai nghĩ đến khi đã từng có hàng thập niên trước đó được hưởng giá xăng khá rẻ. Từ giá dầu thô vào khoảng 50 đô la mỗi thùng chỉ một năm trước đó, giá dầu thô tăng vọt đến hơn 140 đô, dẫn đến việc giá xăng Hoa Kỳ cao kỷ lục, quá mức 4 đô la mỗi gallon. Cuộc khủng hoảng xăng dầu này được giới phân tích đưa ra nhiều yếu tố khác nhau, như đồng đô la mất giá, sụt giảm nguồn dự trữ xăng dầu, tình hình Trung Đông, nhu cầu sử dụng cùng việc tung hứng giá cả thị trường từ giới đầu tư, khi dầu thô là thứ hàng hóa giao dịch như nói trên… Với bất cứ sự phân tích hay giải thích nào, dân Mỹ đã được chuẩn bị cho một tâm lý về việc phả trả giá xăng $4 mỗi gallon, nếu điều này lại xảy ra trong tương lai. Nhất là khi biết rằng dân Na-uy đang trả với giá xấp xỉ $10 mỗi gallo xăng và nhiều nước Châu Âu, Á Châu đang ở mức trên $8/gallon.

alt

Đã từng có lúc, giá xăng ở Mỹ cao hơn $4.00 – nguồn (AP Photo / Kalamazoo Gazette, Mark Bugnaski)

Với giá thay đổi trên dưới 100 đô la mỗi thùng dầu thô trong thời gian qua, các nhà đầu tư cho rằng giá dầu thô khó lòng sụt giảm theo thời gian vì nguồn khai thác và cung cấp có giới hạn, trong khi việc tiêu thụ ngày càng tăng cao. Sự tiêu thụ tăng cao tại các nước Á Châu, đặc biệt là Hoa Lục, đang góp phần đẩy giá dầu tăng cao. Theo dự báo của Bộ Năng Lượng, dân Mỹ sẽ phải trả trung bình ở mức $3.46 mỗi gallon xăng trong năm 2014 này và không thay đổi bao nhiêu trong năm 2015. Việc tìm các nguồn năng lượng thay thế, các kỹ thuật chế tạo xe hơi đầu tư vào việc phát triển chạy xe bằng điện, cũng như các luật định liên bang đòi hỏi các nhà chế tạo xe phải đáp ứng yêu cầu về mức độ tiêu hao xăng cho các xe đời mới… là những biện pháp giúp kiểm soát mức tiêu thụ.  Nhưng cách nào đi nữa, nếu với các loại hàng hóa, thực phẩm, người ta có thể có những chọn lựa thay thế khi giá cả các loại hàng hoá này tăng giảm, còn với xăng, không có chọn lựa nào khác ngoài việc trả theo giá ghi trên bảng điện tại mỗi cây xăng.

alt

Giá xăng ở Oslo, Na Uy – nguồn optimafiction.com

ĐYT