Menu Close

Cao bồi Texas

Khoác lên mình một chiếc áo gilet da, khăn choàng cột cổ, đi ủng gắn đinh thúc ngựa, cưỡi tuấn mã qua các vùng đất hoang vu, đội trên đầu chiếc mũ rộng vành và đôi tay xoay súng điệu nghệ là những hình ảnh đặc trưng cho chàng Cowboy ngạo nghễ, bất cần và luôn đi tìm tự do cho riêng mình. Tuy Cowboy không phải là một câu chuyện cổ tích, nhưng tại miền đất Viễn Tây Cowboy chính là một huyền thoại được mọi người tôn vinh như chàng cao bồi chuyên săn lùng kẻ cướp Lucky Luke có thể bắn súng nhanh hơn cả chiếc bóng của mình.

alt

Hình ảnh Cowboy trong phim là người hùng giúp dân, giúp người da đỏ

Nhớ hồi còn bé, gần như không một tập phim truyền hình Cao bồi Montana nào tôi bỏ qua. Cứ những ngày cuối tuần, tranh thủ học bài làm bài xong, là ngồi sát chiếc tivi trắng đen chờ đến giờ bà chị Hai bật lên cho xem phim cao bồi. Bốn người bạn cao bồi lặng lẽ từ xa phi ngựa xuất hiện dần qua màn lửa cháy cỏ đồng để cuối cùng những tiếng súng vang lên chen trong âm thanh của nhạc điệu phóng khoáng mà sau này tôi vẫn thường nghe trong phim “A Fistful of Dollars” (Tay súng bá vàng) trên màn ảnh lớn.

Với tôi, Cowboy là người hùng chân chính, giúp những người dân chống lại bọn cướp (cũng là cowboy ngoài vòng pháp luật), giúp những người da đỏ dành lại phần đất bị người da trắng xua đuổi. Nói chung Cowboy đại diện cho công lý không cần đưa nhau ra tòa thưa kiện, mà giải quyết sự bất công bằng những màn đấu súng một mất một còn. Cowboy là một hình tượng hấp dẫn với đầu óc non nớt của tôi. Không biết đối với người lớn nhìn những anh Cowboy như thế nào. Hẳn có tốt có xấu, bởi tôi vẫn thường nghe nói không tốt về một ai đó, “y như cao bồi” với ý nghĩa xấu (ngoài áo quần còn bao gồm tóc tai dài thượt rối bù, cư xử ngang tàng, hành vi như một côn đồ). Cho đến khi tôi nhận thức được, hai nền văn hóa khác nhau, không hiểu biết nhau dễ đưa đến sự khích bác.

Sau này, khi tôi sang Mỹ định cư, bạn bè vẫn bảo “đến xứ cao bồi Texas”. Từ “cowboy” thấm sâu vào đầu óc mọi người khắp thế giới qua phim ảnh. Không một huyền thoại nào được phổ biến sâu rộng hơn hay được đan dệt chặt chẽ hơn vào nền tảng văn hóa ngày nay bằng huyền thoại của những phim truyện về đời sống đầy phiêu lưu mạo hiểm của những người chăn bò miền Viễn Tây nước Mỹ, được gọi chung là phim Western. Ở bình minh của thế kỷ 21, thật kỳ lạ là một hiện tượng lịch sử từng xuất hiện cách đây hơn trăm năm nay vẫn còn có sức sống mãnh liệt đến vậy. Hành vi và cách ứng xử, các nguyện vọng, trang phục và thậm chí cả những loại đồ ăn thức uống miêu tả trong những phim Western đã trở thành những mẫu mực quen thuộc và mơ ước đối với mọi người trên khắp hành tinh. Tại sao cowboy lại có một tác động rộng khắp toàn cầu đến vậy? Theo tôi, chủ yếu có hai nguyên nhân: sức mạnh khuôn mẫu của huyền thoại này và bối cảnh công nghệ – văn hóa của thế kỷ 20.

Nhưng thực ra cao bồi miền Tây hay cao bồi Texas, ngoài đời không hấp dẫn và phiêu lưu như trong phim ảnh hay tiểu thuyết. Họ chỉ đơn giản là những anh chàng chăn bò, một hình ảnh phổ thông trong văn hóa miền Viễn Tây xưa cũ. Ở Texas hay các tiểu bang miền Tây, chăn bò là nghề lâu đời và cowboy luôn được xem trọng. Đã hàng trăm năm nay, ngựa là con vật gắn liền với cuộc sống của người chăn nuôi, góp phần làm nên hình ảnh trên phim của những chàng cao bồi khoáng đạt, cưỡi ngựa như bay trên đồng cỏ, bắn súng bằng cả hai tay. Và đến giờ, đó vẫn là hình ảnh làm nên biểu tượng của những chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ.

alt

Hình ảnh Cowboy xưa không mang súng đơn giản chỉ là người chăn bò

alt

Hình ảnh Cowboy ngày nay không khác ngày xưa là mấy

Như đã nói, thuở xa xưa, cao bồi – những người chăn bò là sợi dây dính kết cả miền Viễn Tây lại. Cao bồi được thuê trông coi bầy đàn gia súc cho các chủ trại, thông thường là những bầy đàn lớn trên một cánh đồng mênh mông. Những con bò luôn ngỗ ngược nên chăn bò chẳng phải là công việc dễ dàng. Một cao bồi giỏi phải kiểm soát được nhiều bò cùng một lúc trên đồng cỏ rộng lớn; phải khống chế được bò nhanh nhất với số lần dừng ngựa ít nhất. Và chẳng thể nào trở thành cao bồi giỏi nếu không có sự trợ giúp của ngựa. Mà không những thế, chăn nuôi gia súc từng là một nền công nghiệp lớn, bởi thế cao bồi đóng một vai trò rất quan trọng trong việc mang đến một cuộc sống ổn định cho những vùng đất miền Tây nước Mỹ. Đời sống phong phú của những chàng cao bồi hình thành nên một nền văn hóa đặc trưng, mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt và trở thành một phần của linh hồn Mỹ.

Thuật ngữ “cowboy” xuất hiện lần đầu trong tiếng Anh vào khoảng năm 1715 – 1725, được dịch từ  chữ “vaquero” – một từ tiếng Tây Ban Nha để chỉ những người cưỡi ngựa coi sóc gia súc. Thuật ngữ Tây Ban Nha này có một lịch sử lâu dài và ra đời trước văn hóa cao bồi đến chừng vài thế kỷ. Dân gian cũng truyền miệng một câu chuyện đơn giản hơn. Từ cowboy được cho là hình thành từ đặc thù công việc của những chàng trai trẻ chăn gia súc, những người đòi hỏi nhiều thể lực và luôn bị ông chủ thúc giục những câu đại loại như “Fetch that Cow, Boy!” (“mang con bò kia lại đây nào chàng trai!”). Thế là thành ra “Cowboy”.

alt

Cao bồi ngày nay dựa trên hình ảnh cao bồi phim ảnh.

Phương thức dùng một người cưỡi ngựa để trông coi gia súc bắt nguồn từ Tây Ban Nha, sau khi được mang đến lãnh thổ Mesoamerica trải dài qua nhiều vùng đất ở châu Mỹ, nó bắt đầu phát triển ở Mexico rồi nở rộ sau khi đến với miền Bắc nước Mỹ. Cao bồi ở Mỹ hình thành vào khoảng giữa thế kỷ 17. Và cũng như nhiều nền văn hóa xưa khác, câu chuyện nguồn gốc về cao bồi cũng tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau.

Chuyện rằng, thầy tu Eusebio Kino (1645-1711) từ vùng đất Pimería Alta (thuộc Mexico) ngày nay đặt chân đến California vào năm 1687, một cuộc viễn chinh vào năm 1769 và sau đó là cuộc khám phá của nhà thám hiểm người Mexico Juan Bautista de Anza (1736-1788) vào năm 1774 được cho là đã hình thành nên văn hóa cao bồi ở Mỹ. Họ được cho là những cao bồi đầu tiên của vùng đất ấy. Một ý kiến khác lại cho rằng cao bồi xuất hiện ở Mỹ sớm hơn, và cái nôi của nó là Deep Hollow Ranch – trại gia súc cổ nhất ở hòn đảo Long Island (New York), ra đời năm 1658.

Người ta hay lầm tưởng về hình ảnh của cao bồi miền Tây xưa, và cho rằng chàng cao bồi nào cũng oai vệ như Buffalo Bill Cody (1846-1917) – cao bồi, chiến binh nổi tiếng nước Mỹ. Thực tế, cao bồi không giắt hai bao súng bên hông như trong phim Hollywood. Họ ăn vận đơn giản, tương đối giống với cao bồi thời nay. Quần áo của họ chỉ đơn thuần giúp họ chịu đựng được cái giá lạnh ở những vùng đồng bằng phía Tây. Điều đáng nhắc đến về cao bồi là đôi ủng và chiếc mũ của họ. Cao bồi bắt đầu sử dụng phổ biến ủng cao gót từ thế kỷ thứ 20. Mũ cao bồi là hình ảnh có tính biểu tượng cho miền Tây xưa cũ. Mũ cao bồi đã có từ rất lâu, vào khoảng giữa thế kỷ thứ 18, ngoài việc chống nắng, che mưa, nó còn là để thu hút các cô gái thời ấy. Và giá thành của nó thực sự không rẻ. Cách đây chừng một trăm năm, một chiếc mũ tốt có giá khoảng 15 USD. Ngày nay thì bạn phải bỏ khoảng 400 USD nếu muốn sở hữu một chiếc có chất lượng tương đương như vậy.

Cao bồi được tưởng tượng ra rất hấp dẫn trong mắt con người thời nay. Phim ảnh, truyền hình hay các tiểu thuyết đã dựng lên hình ảnh các anh chàng cowboy hấp dẫn, nhiều kỹ năng, tài giỏi và yêu thích phiêu lưu. Thế nhưng thực tế, cuộc đời họ không lúc nào cũng lấp lánh ánh sáng mê hoặc như thế. Phần lớn thời gian họ dành cho công việc, những công việc khó khăn chiếm tới 18 tiếng 1 ngày, bẩn thỉu và có phần nhàm chán. Họ không mạo hiểm, không phải chiến đấu. Vai trò to lớn của họ đa phần chỉ gói gọn trong việc ổn định ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc.

Có ai muốn trở thành cao bồi Texas đúng nghĩa? Trước đây tôi có viết một bài “Ai bảo chăn trâu là khổ?” để ví von các anh chàng chăn bò trên những cánh đồng trong ngành nông nghiệp Mỹ nói chung. Bởi ngay đứa con nhỏ của người bạn nói “chẳng muốn đi chăn bò”. Ngay cả đứa nhỏ chưa hiểu gì nhiều khi nghe “chăn bò” cũng cảm thấy là công việc cực nhọc. Chỉ có Cowboy trên phim ảnh mới là hình tượng người hùng và ngày nay ta còn thấy cowboy ngoài đời chẳng qua là những hoạt cảnh văn hóa mà thôi.

alt

Hình tượng cao bồi quăng dây bắt bò

TN