Menu Close

Hai phía cầu treo

alt
Cầu treo Chu Va 6- Lai Châu bị lật nghiêng, hất nguyên đám ma xuống suối.

Cầu treo “Ngoài đó”

Nếu lên Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lâm Đồng, Đắc Lắc… vào dịp Tháng Ba ‘mùa con ong lấy mật, mùa đốt rẫy làm nương’ này, du khách sẽ có dịp đi cầu treo qua sông suối cạn nước, nhìn xuống bên dưới, đá tảng nằm ngổn ngang, trắng phếu. Ai đi cầu treo lần đầu cũng sợ, cũng nghĩ ‘nó mà đứt dây neo thì bỏ mẹ’. Cứ tưởng sợ chơi thôi, không ngờ trong thực tế, có nhiều cầu treo đã ‘đứt dây neo’ khiến nhiều người phải ‘bỏ mẹ cái mạng’ như trường hợp cầu treo Chu Va 6 ở xã Sơn Bình tỉnh Lai Châu, bị ‘gãy gánh giữa đường’ vào cuối Tháng Hai qua. Đó là chiếc cầu làm bằng tiền chính phủ Đan Mạch tài trợ, dài 54m, cao 10m, vừa dùng chỉ mới một năm và bị đứt con ốc nối giữa cáp với hố neo. Tai nạn đứt dây neo cầu treo Chu Va 6 có 8 người chết, gần 40 người bị thương (20 người bị thương nặng). Cả xã Sơn Bình đang yên lành bỗng hãi hùng nhốn nháo.

alt

Một cầu treo Tây Bắc đã ‘hết kiếp’

Từ vụ sập cầu treo Chu Va 6, báo chí được dịp xới lại bốn vụ sập cầu treo gần đây: Cầu treo Bùa Chung – Sơn La, bị sập tháng 6 năm 2013, hất 20 người cùng xe cộ xuống làm 13 người bị thương. Tháng 9 năm 2013, tại Đắc Lắc, cầu treo bắc qua sông Krong Kmar cũng sập do tuột dây cáp treo, làm một người đang đi bộ trên cầu bị thương nặng. Vụ này ồn ào vì dân cho rằng không thấy cảnh báo, nhắc nhở gì. Trước đó ba năm ở Quảng Ngãi, cầu treo trên sông Re huyện Sơn Hà cũng bị đứt dây neo, may mắn không người trên cầu.

alt

Nhưng sông Re nước chảy xiết, đò ngang không qua được làm 300 hộ dân tộc thiểu số hai bên sông bị cô lập nhiều ngày liền. Cũng năm 2010, tại Lâm Đồng, cầu treo Cái Bảng huyện Bảo Lâm cũng sập khi xe tải chở 1.5 tấn cà phê qua cầu. Đáng nói ở chỗ cây cầu mới làm xong chỉ một tháng.

Chẳng thế mà tuần qua, chuyện cầu Vĩnh Tuy đồ sộ nhất Hà Nội nứt và rò rỉ đã bị xầm xì. Cầu Rồng – Đà Nẵng cũng tương tự, Cầu Đà Rằng- Phú Yên cũng vậy. Toàn là cầu lớn, mới toanh mà nứt ‘chưa tìm ra nguyên nhân’, thiệt lạ! Đó là chưa kể hàng loạt cầu dây văng, cầu vượt, hầm chui khác do nước ngoài tài trợ và xây. Chao ôi! những cây cầu Việt Nam, sao mà đa đoan lắm nỗi!

alt

Cầu treo ‘Trong này’

Trong khi cầu treo miền Bắc đang gặp ‘kiếp nạn’, dân làm cầu đứng ngồi không yên thì cầu treo miền Nam lại đàng ‘goàng’ êm thấm. Người xây cầu treo ở Nam Kỳ Lục Tỉnh là một người chưa học hết bậc tiểu học – anh Phạm Ngọc Quý, thường gọi là anh Sáu Quý. Còn nhớ, giữa thập niên 90 khi báo chí đưa tin về nông dân Phạm Ngọc Quý tự mình thiết kế và xây cây cầu treo đầu tiên ở An Giang, người hiếu kỳ đã tìm tới ‘coi mắt’ cây cầu rần rần. Và sau đó họ về mô tả ‘Cầu khỉ hổng phải cầu khỉ. Cầu đúc hổng phải cầu đúc, cầu ván cũng hổng phải’.

alt

Cầu treo Madagui- Lâm Đồng

Chủ nhân cây cầu kỳ lạ, anh Sáu Quý, lúc đó còn là một thợ mộc trẻ có gương mặt rắn rỏi đẹp trai để đầu tóc bới (đặc điểm của nam tín đồ đạo Hòa Hảo). Vốn là thợ mộc khéo tay, sáng ý, lại thích làm điều thiện, sinh ra và lớn lên ở vùng ‘dòm đâu cũng bịt bùng kinh rạch’, anh Sáu từng mơ ước sẽ thay cây cầu khỉ trơn trợt, khó đi bằng một cây cầu khác tiện lợi hơn để giúp trẻ em, phụ nữ mang thai, người đau bệnh, già cả qua lại dễ dàng. Nhưng thay bằng cầu gì thì ‘nghiệm hoài chưa ra’. Thay bằng cầu đúc bê tông thì ‘quá đã’. Thân cầu, tay cầu đều chắc chắn. Mưa nắng không ảnh hưởng. Đi bộ đi xe nhanh chóng, tiện lợi. Nhưng cầu đúc bất tiện ở chỗ không thể dỡ lên cho tàu lớn chui qua, phí tổn cao và  thủ tục rất nhiêu khê; nên ngoài ông nhà nước, dân thường khó lòng kham nổi. Kịp tới lúc coi tivi, thấy cây cầu dây văng Tây Bắc, anh Quý mới quyết chí ‘noi theo mà làm cho đặng’. Chiếc cầu do anh mày mò tự chế này, chỉ dài hơn 30m, ngang 1m2, được dùng rất an toàn mà giá lại rẻ chỉ bằng một phần ba giá cầu đúc.

alt

Sáu Quý, vua cầu treo.

Từ bấy đến nay tròn 19 năm, anh Sáu Quý đã có công ty riêng với đội ngũ thợ trung thành, sẵn sàng làm cầu ‘ăn cơm’ (không lấy tiền công, chỉ xin bữa cơm) cho những vùng nghèo khó, xa xôi.  Được dân Nam Bộ cưng, phong cho chức ‘Vua cầu treo’ nhưng ‘vua’ Sáu Quý không vì thế mà tự mãn. Trái lại, ‘vua’ luôn tâm niệm: ‘Làm cầu treo dù làm bằng tiền chùa (tiền tài trợ) hay tiền mồ hôi nước mắt của dân thì ngoài kỹ thuật tốt, tỉ mỉ, chính xác còn phải có ‘lương tâm’. Số cầu treo công ty anh làm đã tới 150 chiếc cầu. Những chiếc cầu tuy dài ngắn, to nhỏ, đẹp xấu nhưng chưa có cái nào yểu mệnh, để lại hậu quả như đám cầu treo ‘ngoài kia’.

Xem ra, cùng một việc xây cầu, mà người thì được tôn vinh, người lại lâm vòng lao lý. Khác nhau vậy, có lẽ chỉ bởi một chữ Tâm thôi!

alt

Đùa với tính mạng.

alt

Buộc cầu treo bằng…lạt tre.

XH