Menu Close

Lời cảm ơn

Bước chân lên máy bay con bịn rịn, quyến luyến. Chưa đi mà con đã nhớ ba má, anh chị em, bạn bè và những người thân quen.Cuộc đời con từ nay đã bước sang trang mới. Hai mươi tuổi, con chính thức trở thành du học sinh. Không hiểu sao sắp được đến miền đất hứa mà nước mắt con lại tuôn rơi khi nói lời tạm biệt quê hương, tạm biệt gia đình. Có lẽ con đang khóc vì thấy mình sung sướng hơn hàng triệu bạn khác, và có lẽ con cũng đang khóc vì lo lắng, không biết mình sẽ sống ra sao trên đất lạ quê người. Con không có người thân để nương tựa, con cũng không biết tiếng Anh để giao tiếp. Tất cả vốn liếng con có hiện giờ là $100 má cho, một số điện thoại của Cha xứ Việt Nam gần trường con sẽ học, và một tờ vé máy bay mà con không hiểu họ viết gì trên đó. May mắn thay những người Mỹ con gặp, họ đoán được con không biết đường, không biết chữ nên họ đã dẫn con đến nơi con cần đến.

Nuớc Mỹ rộng lớn, văn minh và giàu có quá. Đó là ấn tượng đầu tiên khi con bước chân xuống máy bay. Ở đây con không thể đi bộ tới trường, cũng may nhờ sự giới thiệu của Cha Thiện nên con quen được Mẹ Vicki. Mẹ Vicki là một người Mỹ trắng, Mẹ rất hiền và rất yêu mến Chúa. Từ lòng mến Chúa đó mà Mẹ đã đón con về nhà, che chở bảo bọc. Mẹ cho con được ăn, ở free. Thậm chí Mẹ còn tình nguyện đưa đón con đi học mà chẳng bao giờ hỏi con lấy một đồng tiền xăng.

Hết mùa học đó, con xin vào dọn dẹp, phụ việc cho một tiệm nail. Con tìm được trường học rẻ tiền hơn nên con cũng xin phép Mẹ Vicki cho con được chuyển đến sống gần chỗ làm và ngôi trường mới. Cuộc sống hiện tại không còn nhiều màu hồng như trước. Con vừa đi học, vừa đi làm, tranh thủ kiếm tiền đóng tiền học, trả tiền nhà… Có người thương con, có người ganh ghét… Nhiều lúc thấy cô đơn, con chỉ muốn bỏ hết để quay về với gia đình, với những người yêu con. Rồi một ngày mùa đông, tuyết rơi phủ kín hết mọi vật. Như thường lệ, sau giờ làm mệt mỏi con ra xe để về nhà trọ. Con bỗng oà khóc khi phát hiện ba bánh xe của mình đã bị ai đó đâm xẹp lép. Con lạnh lẽo, co ro nơi góc tường chỉ biết khóc và khóc. Mọi người trong tiệm về hết từ lâu, cũng may còn một vài người Mỹ phát hiện ra, đã động lòng thương, giúp đưa con về nơi trọ. Trong số những người Mỹ đó, có một người hỏi về gia cảnh, công việc của con. Sau cùng ông rút trong túi ra cho con $500 để thay ba bánh xe. Mừng quá con chỉ biết ríu rít cám ơn ông mà không hỏi ông là ai, ở đâu, và ông cũng chưa từng một lần quay trở lại để con có dịp đền ơn.

Năm năm ở Mỹ đã giúp con trưởng thành hơn. Và một lần nữa con lại may mắn quen với Mẹ Sue. Mẹ là một người Mỹ đen nhưng có tấm lòng vĩ đại. Mẹ nhận con làm con nuôi, giúp con từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ việc học của con đến chuyện baby sit, mua tã, mua quần áo mới cho con gái của con.

Mẹ Vicki, Mẹ Sue, Cha Thiện và những người Mỹ tốt bụng mà con không biết tên ơi, con biết dù có nói cám ơn thế nào, báo đáp ra sao cũng không thể diễn tả hết công ơn của mọi người. Con biết nếu không có Cha, hai Mẹ và những người Mỹ tốt bụng thì con đã không có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Con xin có đôi dòng tri ân, cảm tạ đến những người Cha, người Mẹ đã sinh ra con lần thứ hai, đã cho con một cuộc sống ấm áp đầy tình người nơi đất khách. Yêu mọi người nhiều.

Thao Dinh