Nói đến nền văn học Việt Nam không thể quên Mai Thảo. “Đêm Giã Từ Hà Nội” – tuyển tập truyện ngắn và cũng là tác phẩm đầu tay của ông – do Người Việt xuất bản cuối năm 1955, được cho là biểu tượng sáng tạo của giòng văn học hiện đại tại Miền Nam từ sau ngày chia đôi đất nước. Mai Thảo không chỉ bỏ Hà Nội, mà còn dứt khoát với quá khứ lịch sử. Ông đã dùng văn chương gióng lên hồi chuông cảnh báo mọi người phải thận trọng trước thời cuộc, để tránh những sai lầm phải trả giá đắt bằng máu và nước mắt. Mở đầu “Đêm Giã Từ Hà Nội,” trong truyện ngắn “Thư Gửi Người Bên Kia Vĩ Tuyến” Mai Thảo viết: “Những chiến trường, những công sự phòng ngự, những trái bom khinh khí không còn là những yếu tố quyết định. Tự do không đánh mất hoặc lấy lại, trên tấm bản đồ chiến lược hoặc ở đầu đằng kia hướng đi sáng chói của một băng đạn tiểu liên. Cuộc chiến đấu thoát bỏ những vùng nhỏ hẹp bàng bạc khắp nơi. Cả hai bên vĩ tuyến. Chỗ nào có con người, có tự do, cuộc chiến đấu bắt nguồn ngay từ đó. Dưới mọi hình thái, mọi mầu sắc. Trên từng tấc đất, từng cuộc đời. Cuộc chiến đấu cho tư tưởng đã là một cuộc chiến đấu thường xuyên. Thường xuyên cho đến một ngày…” [1]
Nhà văn Mai Thảo
Cuộc chiến đấu thường xuyên này cũng chính là sự không khoan nhượng của nhà văn Mai Thảo, khi đối đầu với những điều trái với tự do, trái với ước nguyện, trái với tình cảm chân thực của cá nhân ông, và của nhân loại. Đối với ông định mệnh của quốc gia nói chung, của một con người nói riêng, không thể đặt trong bàn tay của những người tự xưng là lãnh tụ, ông viết: “Cuộc chiến đấu cho tự do thực ra không còn nằm trong bàn tay quyết định của những nhà lãnh tụ nữa. Nó nằm trong mỗi chúng ta…” [1] “Đêm Giã Từ Hà Nội” không chỉ là lời chia tay với phố cổ, với ba mươi sáu phố phường, mà còn là cuộc lữ hành của riêng Mai Thảo. Ông đi từ Miền Bắc vào Miền Nam, đi từ Sài Gòn sang Mỹ Quốc, đi cho đến khi an giấc ngàn thu trở về với cát bụi… Cho dẫu có nhiều điều không thể hiểu, ông vẫn cương quyết đi trên con đường đã chọn, cương quyết khắc họa riêng một góc trời: “Thế giới có triệu điều không hiểu. Càng hiểu không ra lúc cuối đời. Chẳng sao khi đã nằm trong đất. Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.” [2] Mai Thảo thản nhiên viết “chẳng sao,” thản nhiên đi vào vô tận, thản nhiên lãnh ngộ cái hư vô trong cõi người ta.
Mai Thảo (1927-1998) tên thật là Nguyễn Đăng Quý, nguyên quán thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ngoài bút danh Mai Thảo, ông còn ký bút danh Nguyễn Đăng, từng viết cho các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt. Năm 1954, Mai Thảo di cư vào Miền Nam. Năm 1956 ông chủ trương tạp chí Sáng Tạo và tạp chí Nghệ Thuật, gây tiếng vang lớn trong giới văn nghệ sĩ. Năm 1974 ông chăm sóc tạp chí Văn. Từ năm 1960 đến năm 1975, ông tham gia chương trình văn học nghệ thuật của Đài Phát Thanh Sài Gòn. Tháng 12 năm 1977 ông vượt biên đến Mã Lai, được gia đình bảo lãnh sang định cư ở Hoa Kỳ. Tại hải ngoại Mai Thảo cộng tác với tờ Đất Mới của nhà văn Thanh Nam, và một số báo khác. Năm 1982 ông tái bản tạp chí Văn, làm chủ nhiệm đến năm 1996; sau đó vì sức khoẻ suy yếu, ông trao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Nhà văn Mai Thảo qua đời ngày 10 tháng 01 năm 1998 tại thành phố Santa Ana, California Hoa Kỳ.
Trong số khoảng 50 tác phẩm của Mai Thảo đã xuất bản, gồm có nhiều thể loại khác nhau, từ truyện ngắn, đến truyện dài và thơ, viết về các đề tài như học đường, tình yêu, xã hội, chiến tranh, quê hương. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: “Đêm Giã Từ Hà Nội (1955), Tháng Giêng Cỏ Non (1956), Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời (1963), Người Thầy Học Cũ (1969), Chuyến Tàu Trên Sông Hồng (1969), Mưa Núi (1970), Tùy Bút (1970), Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn, Nhà Thơ Việt Nam (1985),” và tập thơ “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền (1989),” v.v… Mai Thảo viết truyện ngắn thành công hơn là viết truyện dài. Câu chữ của ông trau chuốt, trang trọng, phiêu diêu và thanh nhã, đôi khi bị “chê” là cầu kỳ, kiểu cách. Đọc văn của Mai Thảo, người ta có cảm tưởng ông là kẻ bỏ ra về giữa cuộc chơi, không muốn quên cũng chẳng nhớ bất cứ điều gì đã qua, đã thuộc về quá khứ. Cho dù có bỏ về giữa cuộc chơi, nhà văn Mai Thảo vẫn là người kể chuyện xuất sắc. Ông đã dùng văn chương kể lại cuộc lữ hành của riêng ông, mở ra một chân trời mới để mỗi người tự cảm nhận: “Ta thấy hình ta những miếu đền. Tượng thờ nghìn bệ những công viên. Sao không, khói với hương sùng kính. Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên.” [2]
HNP – 11am Chủ Nhật ngày 23 tháng 02 năm 2014
[1]. Trích từ “Thư Gửi Người Bên Kia Vĩ Tuyến.”
[2]. Trích từ thi tập “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.”