Họa sĩ Trịnh Cung
– Sinh năm 1939 tại Nha Trang.
– Học mỹ thuật ở Huế & Gia Định.
– Tổng thư ký Hội họa sĩ trẻ VN (1966 -1973).
– Giáo sư thỉnh giảng của các trường: Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, Gia Định trước 1975; Đại Học San Francisco & Indiana những năm 90…
– Triển lãm tranh tại Paris, Los – Angeles & Washington DC.
– Hiện đang viết phê bình & tiểu luận về mỹ thuật.
Trịnh Cung – Nghĩ về cái chết của những chiếc lá vàng ở Công viên Tao Đàn & những người đi ra từ thành phố đỏ 1 – sơn dầu trên canvas- khổ 200 cm x 150 cm- tháng Ba 2010
Thời còn trẻ, đọc truyện, tôi thường bị câu chuyện trong sách lôi cuốn cho đến kết cục và thường tò mò coi tác giả thắt nút và mở nút những tình huống khó khăn trong câu chuyện thông minh như thế nào, cũng như cách tác giả mô tả chân dung các nhân vật và bối cảnh xây dựng tác phẩm. Sự đọc của tôi lúc bấy giờ dựa trên những truyện hay của thời trước khi tôi lên Trung học và được các thầy đem ra giảng dạy. Đa phần là những câu chuyện thương tâm, tình nghĩa éo le và thường kết thúc với một thông điệp kêu gọi lòng nhân ái, lẽ công bằng cho con người…
Chân dung tự họa – nguồn phannguyenartist.blogspot.com
Về sau tôi không còn bị cốt truyện lôi cuốn như trước nữa vì tôi đã nhìn ra quanh tôi, không đâu xa, ngay người hàng xóm, người bạn thân và gia đình họ hàm chứa những câu chuyện dữ dội, ly kỳ như một quyển tiểu thuyết chưa được viết ra… Sau nhiều trải nghiệm, tôi thay đổi cách đọc truyện. Tôi quan tâm đến trào lưu văn chương thời đại, tôi chú ý đến văn phong, sự sáng tạo ngôn ngữ của nhà văn. Tôi nhận xét cách hành văn, cách xây dựng nhân vật, cách cấu trúc tác phẩm của tác giả có gì lạ, có gì mới… Vì tôi cũng là người viết văn bằng ngôn ngữ hội họa nên quan trọng hóa việc tạo ra phong cách riêng, tìm kiếm những hình thức sáng tạo mới cho tác phẩm. Lẽ dĩ nhiên là tôi không coi thường nội dung của tác phẩm, nhưng trong sáng tạo, hình thức cũng đặc trưng cho tác phẩm và cho căn cước của tác giả. Tôi vốn là một họa sĩ theo Chủ Nghĩa Hiện đại ngay lúc còn đi học ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, nên có lẽ tôi bị ảnh hưởng từ cách đọc tranh sang cách đọc truyện. Theo trường phái Hiện đại, khi xem tranh, cái đẹp sáng tạo quan trọng hơn sự vật hay đối tượng vẽ. Người họa sĩ vẽ cái họ nghĩ, cái bên trong của sự vật chứ không vẽ cái vỏ bề ngoài mà sự vật đang mang. Có nghĩa là cần quan tâm đến cách vẽ, đường bay nghệ thuật của tác giả hơn là tìm xem ý nghĩa của bức tranh.
Phần nào cách đọc truyện của tôi cũng hơi giống khi tôi xem một trận banh giữa những đội nổi tiếng như Barca và Bayer. Tôi không chú ý đến tỷ số mà xem mỗi đội đá theo chiến thuật nào, cách bày binh bố trận của mỗi bên và cách đá, cách ghi bàn của mỗi ngôi sao cho tôi thất vọng hay sung sướng tùy theo màn trình diễn của họ. Có nghĩa là tôi quan tâm đến nghệ thuật viết văn của nhà văn hơn là nội dung mà họ muốn chuyển tải. Cuộc sống luôn là chất liệu nhưng nghệ thuật vẽ hay nghệ thuật viết quyết định sự khác biệt trong việc sử dụng các chất liệu ấy; và để có sự khác biệt ấy, khả năng sáng tạo là nguồn cội.
photo 19 – nguồn phannguyenartist.blogspot.com
photo 18 – nguồn phannguyenartist.blogspot.com
Cuộc sống luôn xoay quanh sự đau khổ, tàn bạo, sung sướng, hy vọng, tuyệt vọng và những vấn đề về con người… thì sự khác biệt trong sáng tạo giữa các nhà văn, nghệ sĩ của mỗi thời đại là cái gì? Sự điêu luyện chăng, sự ly kỳ của tình tiết chăng, thông điệp đặc biệt chăng? Bên văn chương còn có thêm vai trò riêng, vai trò phản ảnh xã hội hoặc lớn hơn là đóng góp tiếng nói nhân văn vào việc phê phán và sửa đổi xã hội. Ở một số quốc gia người ta coi trọng, có khi là nghiêm trọng hơn đối với vai trò của văn chương so với các lãnh vực nghệ thuật khác, vì tầm ảnh hưởng rộng lớn và cực nhanh của nó đối với quần chúng. Vì thế người viết truyện rất gần với người làm chính trị hơn là các nghệ sĩ.
Khi có tuổi, tôi không coi việc đọc nhiều là quan trọng mà chọn cái cần đọc. Bây giờ, tôi đi tìm ở văn chương những bài học về khám phá cuộc sống và tư tưởng mới như đi tìm người bạn tri âm bất kể họ từ đâu đến, bất kể tuổi tác và giới tính.
“Sau Trận Lũ”. Trịnh Cung. 1.2011. Sơn dầu loãng trên canvas, 60x80cm
TC – Sg, tháng 2, 2014